Xét nghiệm cystatin C

  10:36 PM 21/06/2015

Hiện nay, Việt Nam ước tính có khoảng 8 triệu người bị suy thận mạn, và số này đang có chiều hướng tăng nhanh cùng với tốc độ gia tăng của một số bệnh lý khác như tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm cầu thận, sỏi thận... 

Những năm gần đây, số lượng bệnh nhân cần chụp mạch máu và thực hiện các thủ thuật can thiệp mạch tăng nhanh cho nên nhu cầu sử dụng thuốc cản quang cũng ngày càng tăng. Dùng thuốc cản quang có thể gây biến chứng suy thận cấp. Các báo cáo gần đây cho thấy bệnh thận do thuốc cản quang là nguyên nhân đứng hàng thứ 3 gây suy thận cấp mắc phải ở bệnh viện, chiếm tỉ lệ 11% các trường hợp, tỉ lệ cần lọc thận là 4%. 

Do đó đánh giá chính xác chức năng thận và chẩn đoán sớm suy thận là yêu cầu cấp thiết trong điều trị hiện nay. 

Các thông số đánh giá mức lọc cầu thận trong lâm sàng đã và đang sử dụng là: độ thanh thải creatinin nội sinh, ước tính mức lọc cầu thận theo Cockcroft & Gault hoặc theo MDRD dựa trên creatinin huyết thanh, tuổi, cân nặng và giới tính.

Định lượng nồng độ: ure, creatinin (huyết thanh hoặc huyết tương và nước tiểu),.. với những thông số trên cách đánh giá đôi khi có những sai biệt nhất định so với mức lọc thực của cầu thận. Đánh giá độ thanh thải creatinin nội sinh đòi hỏi phải thu thập nước tiểu 24 giờ, khó khăn để thực hiện trên các bệnh nhân ngoại trú hay khi làm xét nghiệm sàng lọc. Gần đây một số công trình nghiên cứu đã chứng minh rằng trị số cystatin C có thể đánh giá mức lọc cầu thận cho kết quả chính xác hơn những thông số vẫn dùng trước đây.

Cystatin C đã được mô tả lần đầu tiên vào năm 1961. Cystatin C là một protein có trọng lượng phân tử 13 kDa, được sản xuất từ hầu hết các tế bào có nhân trong cơ thể. Số lượng sản xuất ra cystatin C là không đổi và không bị ảnh hưởng bởi các tình trạng viêm. Trong thận bình thường, do có trọng lượng phân tử nhỏ nên cystatin C có thể dễ dàng chui qua màng lọc cầu thận và bị giáng hoá tại thận, cụ thể là ở các tế bào ống lượn gần của thận. Nồng độ của cystatin C trong máu cũng luôn được giữ ở mức ổn định khi chức năng thận vẫn còn tốt và hoạt động đều đặn. Trong trường hợp chức năng thận bị tổn thương, mức lọc cầu thận suy giảm, những chất cần đào thải tăng lên trong máu trong đó phải kể đến cystatin C. Nồng độ cystatin C trong huyết tương phản ánh chính xác mức lọc cầu thận.

Nồng độ cystatin C trong huyết tương và huyết thanh ở người bình
thường từ 0,4- 1,2 mg/l. Trong dịch não tuỷ là 4-14 mg/l. 

Một số lợi ích của xét nghiệm cystatin C.

Khác với creatinin, nồng độ cystatin C trong máu không phụ thuộc vào tuổi, giới, cân nặng, chiều cao và khối cơ của người bệnh.

Trong một số trường hợp, trị số creatinin huyết thanh sẽ không phản ánh sự tương thích với tình trạng người bệnh trên lâm sàng, ví dụ với một bệnh nhân mắc bệnh thận có kèm bệnh xơ gan, bệnh béo phì, người dinh dưỡng kém hoặc người có khối cơ bị giảm nhiều,... Trong những trường hợp này, cystatin C đặc biệt hữu ích giúp cho việc phát hiện sớm bệnh thận trong khi các thông số cũ như ure, creatinin, hệ số thanh thải creatinin có thể hầu như bình thường.

Sử dụng thuốc cản quang trong các thủ thuật chụp và can thiệp mạch cũng có những nguy cơ nhất định và bệnh thận do thuốc cản quang là một trong những biến chứng hay gặp. CystatinC giúp sàng lọc bệnh thận tiềm ẩn ở những bệnh nhân trước khi chụp mạch thận thuốc (UIV) hoặc chụp mạch máu có bơm thuốc cản quang.
CystatinC giúp chẩn đoán sớm bệnh thận (cystatinC tăng sớm hơn creatinin từ 24 giờ đến 48 giờ) do dùng thuốc cản quang khi can thiệp mạch và phẫu thuật tim mạch.

CystatinC hỗ trợ rất tốt cùng với các thông số khác như creatinin, độ thanh thải creatinin, mức lọc cầu thận trong sàng lọc và theo dõi tổn thương chức năng thận ở những bệnh nhân có nghi ngờ tổn thương thận, người suy thận cấp và mạn.

Ngoài ra, CystatinC còn giúp đánh giá và theo dõi các bệnh nhân có nguy cơ gia tăng các bệnh về tim mạch (rối loạn chuyển hoá lipid, béo phì, đái tháo đường,..) đột qụy và theo dõi chức năng thận ở người cao tuổi. Tiên lượng bệnh ở nhóm người có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch. Với nhóm người có tích tụ các yếu tố nguy cơ cao về tim mạch đồng thời có trị số cystatin C cao sẽ có tỷ lệ mắc suy tim, đột qụy và thậm chí tử vong cao hơn hẳn so với các nhóm khác có cùng nguy cơ nhưng có trị số cystatin C ở mức trung bình hoặc thấp.
Một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến nồng độ cystatin C trong máu:

Cystatin C có xu hướng tăng trong: bệnh viêm gan tiến triển, tràn dịch màng phổi, một số bệnh khớp, một số bệnh ung thư (nhưng nồng độ cystatin C không tỷ lệ với số lượng và kích thước khối u), chứng tăng homocystein máu ở những bệnh nhân ghép thận, dùng corticoid liều cao dài ngày,..
Nồng độ cystatin C có thể giảm khi: bệnh nhân đang dùng thuốc cyclosporin.

TS. Quách Xuân Hinh, khoa sinh hóa
Chia sẻ
EMC Đã kết nối EMC