Gieo mầm cho sự sống hồi sinh

  10:18 AM 21/06/2024
Vận động hiến tạng từ người cho chết não giống như việc gieo hạt mầm sự sống từ cái chết, thắp sáng niềm hy vọng từ sự tuyệt vọng.

Hành trình cứu sống người bệnh suy tạng giai đoạn cuối hết sức gian nan, người bệnh khi đã ở vào tình trạng này không có nhiều lựa chọn điều trị, trong đó ghép mô tạng là phương pháp tối ưu nhất. Thời gian qua, hoạt động ghép tạng có những bước phát triển mạnh mẽ, mở ra triển vọng điều trị cho người bệnh, đồng thời  cũng đặt ra nhu cầu rất lớn về nguồn tạng ghép.  

Thực tế cho thấy, nhiều mô tạng chỉ có thể lấy từ người cho chết não, tuy nhiên, tại nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước phương Đông, do phong tục tập quán, tôn giáo, quan niệm xã hội nên người dân ngần ngại việc đăng kí hiến tạng. Không những vậy, thông tin xấu xuất hiện ngày càng nhiều làm người dân e ngại việc bắt cóc lấy tạng sau đăng ký hiến, sợ bị chẩn đoán sai bệnh để lấy mô tạng và nhiều trường hợp hiến tạng vì lý do kinh tế.  Bởi vậy, công tác vận động hiến tạng đã và đang gặp không ít khó khăn.

Tính đến nay, con số tạng hiến từ người cho chết não ở nước ta còn rất khiêm tốn.  Với dân số khoảng 100 triệu dân, mỗi năm chỉ có khoảng 10 người chết não hiến tạng, tương đương tỷ lệ người chết não hiến tạng là 0,1 trên 1 triệu dân, thuộc hàng thấp nhất thế giới và không có trong danh sách các quốc gia có tỷ lệ người đóng góp hiến mô tạng (dưới 1% dân số).

Bệnh viện tri ân 02 gia đình đã đồng ý hiến mô, tạng của người thân sau chết não năm 2024 (Ảnh: An Ngọc)

 

‘Gập ghềnh’ con đường vận động hiến tạng

 “Một ca vận động hiến tạng có khi kéo dài hàng tuần nhưng có khi chỉ tính bằng phút, bằng giờ”. Thiếu tá QNCN Nguyễn Thị Thuỳ Linh - Trưởng Ban Vận động hiến tạng, Bệnh viện TWQĐ 108 cho biết, một ca ‘vận động’ được bắt đầu từ khi mạng lưới nhân viên y tế tại các khoa lâm sàng cập nhật thông tin về ‘người bệnh chết não tiềm năng’ trên phần mềm Quản lý ghép mô-tạng của Bệnh viện. Ngay sau khi nhận được thông tin người bệnh, Ban Vận động hiến tạng sẽ cử nhân viên - thường là nhân viên công tác xã hội nhanh chóng tiếp cận, động viên, chia sẻ, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình người bệnh, nắm bắt tâm tư, tình cảm, diễn biến tâm lý và hỗ trợ vướng mắc khi gia đình cần.

Càng tìm hiểu kỹ thông tin, nhân viên vận động hiến tạng sẽ càng có cơ sở đánh giá khả năng và hướng vận động phù hợp”. Trong thời gian bác sĩ giải thích về tình trạng người bệnh cho gia đình, nhân viên vận động hiến tạng sẽ cùng tham gia lắng nghe, chia sẻ, sau đó lựa thời điểm đề cập đến việc hiến tạng cứu người. “Việc nắm bắt thông tin ban đầu và chọn lựa thời điểm thích hợp rất quan trọng với công tác vận động hiến tạng. Nhiều ca cấp cứu tiên lượng xấu không kịp đưa đi hồi sức, nhân viên vận động hiến tạng buộc phải tiến hành vận động ngay, gây ra tâm lý không thoải mái cho người nhà, đã có nhân viên bị người nhà hiểu sai, gây mâu thuẫn”, Thiếu tá QNCN Nguyễn Thị Thuỳ Linh chia sẻ.

Thiếu tá QNCN Nguyễn Thị Thuỳ Linh chia sẻ cùng gia đình người bệnh hiến tạng (Ảnh: Anh Thư)

 

Sau khi giải thích về hoạt động hiến tạng, nếu gia đình đồng ý, Ban Vận động hiến tạng sẽ kết nối bộ phận pháp chế hướng dẫn thực hiện thủ tục theo quy định, chăm sóc gia đình người bệnh trong suốt quá trình điều trị đến khi chẩn đoán chết não. Trường hợp gia đình không đồng ý, nhân viên vận động hiến tạng vẫn sẽ đồng hành hỗ trợ gia đình đến khi đưa người bệnh ra viện. Tuy nhiên, trong suốt quá trình vận động, người nhà luôn có khả năng thay đổi quyết định hiến tạng.

Chị Phạm Mai Hương, người mới bắt đầu công việc vận động hiến tạng được nửa năm và vận động thành công ca lấy, ghép đa mô-tạng vào tháng 5/2024 vừa qua tại Bệnh viện TWQĐ 108 cho biết: “Gia đình người bệnh sinh sống ở miền quê chưa được tiếp cận nhiều với thông tin ghép tạng, ban đầu gia đình không đồng ý hiến. Sau 5 ngày, bố và mẹ người bệnh hiểu hơn ý nghĩa của việc hiến tạng và đồng ý hiến. Mọi thủ tục đăng ký hiến được thực hiện xong, toàn Bệnh viện huy động nhân lực tập trung chuẩn bị cho ca đại phẫu, tuy nhiên, ngay trước giờ phẫu thuật, khi mọi thứ đều sẵn sàng, họ hàng ở quê, hàng xóm và người trong làng phản đối việc hiến tạng, mẹ người bệnh vì thế cũng lung lay ý định và ca phẫu thuật dường như có lúc phải tạm hoãn.

Bố mẹ, họ hàng người bệnh, nhân viên y tế và nhân viên vận động hiến tạng đã tổ chức họp tại phòng giao ban của Trung tâm Hồi sức tích cực, nhiều ý kiến gay gắt trách móc bố mẹ người bệnh và Bệnh viện “Chết não tức là chưa chết, vẫn còn sống thì sao lấy tạng được”, cuộc họp đã làm gián đoạn cuộc phẫu thuật trong nhiều giờ đồng hồ. May mắn cuối cùng bố người bệnh đã đứng ra thống nhất ý kiến và quyết định tiếp tục hiến tạng con mình để cứu sống những người bệnh khác”.

Trong quá trình lấy, ghép mô-tạng, nhân viên vận động hiến tạng thường xuyên thăm hỏi, hỗ trợ gia đình người hiến, đồng thời nhân viên cũng nắm bắt tình hình để hướng dẫn các gia đình nhận tạng về thủ tục nhập viện điều trị, hỗ trợ công tác tri ân người hiến như giúp gửi nén tâm nhang tỏ lòng biết ơn tới nghĩa cử cao đẹp của gia đình người hiến tạng.   

Nhiều thách thức trong vận động hiến tạng từ người cho chết não

Với 6 năm làm công tác vận động hiến tạng, tiếp xúc hơn 200 ca tiềm năng chết não và đã thực hiện thành công 7 ca, Thiếu tá QNCN Nguyễn Thị Thuỳ Linh nhận thấy khó khăn của công tác vận động hiến tạng nằm ở nguồn hiến, tuyển chọn nhân lực làm công tác vận động và một số ràng buộc trong quy định hiến tạng hiện hành…

Nguồn hiến tạng từ người cho chết não hiện nay tại nhiều bệnh viện còn khan hiếm, đặc biệt tại Bệnh viện TWQĐ 108, số ca tai nạn hay đột quỵ nhập viện không nhiều, do đó, điều kiện tiếp cận với nguồn hiến tiềm năng cũng hạn chế. Thời gian đầu, để mở rộng cơ hội cứu chữa cho người bệnh của Bệnh viện, Ban Vận động hiến tạng - Bệnh viện TWQĐ 108 đã kết nối với các bệnh viện, phòng khám lân cận, xung quanh địa bàn Hà Nội để trao đổi hỗ trợ, khi có người bệnh chết não tiềm năng, các bệnh viện, phòng khám bên ngoài có thể chuyển người bệnh sang Bệnh viện TWQĐ 108, trước mắt là hết sức cứu người, nếu không qua khỏi Bệnh viện sẽ tiến hành vận động.

Nhân viên vận động hiến tạng thường xuyên trao đổi cùng nhân viên y tế về tình trạng người bệnh (Ảnh: VTV1)

 

Khi đã tìm được phương án tìm kiếm nguồn hiến tiềm năng, yêu cầu đặt ra đối với nhân lực làm việc ngày càng cao. Thông thường, tin báo người bệnh chết não tiềm năng thường đến bất chợt vào ban đêm hoặc ngày lễ Tết và thường đòi hỏi thời gian gấp rút. “Có tuần không có ca nào nhưng có đêm có tới 2-3 ca, người làm công tác vận động hiến tạng phải luôn sẵn sàng khi tình huống khẩn cấp xảy ra”. Chị Thuỳ Linh chia sẻ thêm: “Ban Vận động hiến tạng, Bệnh viện TWQĐ 108 có 16 thành viên nhưng thoạt động kiêm nhiệm rất nhiều nhiệm vụ như công tác chuyên môn, hậu sự, pháp chế… tổ vận động hiện chỉ có 07 người chuyên trách, đa số là nữ giới, việc cân bằng giữa công việc với gia đình, con cái nhiều khi rất khó. Ngoài ra, các bạn còn phải luân phiên trực 24h hàng ngày để nắm bắt thông tin kịp thời, phản ứng nhanh chóng các tình huống”.

Kể về cuộc vận động vào những ngày cuối cùng năm Quý Mão, cũng là ca lấy, ghép đa mô-tạng nổi bật của Bệnh viện TWQĐ 108 năm 2024, Thiếu tá QNCN Lê Thanh Thuỷ cho biết, trưa 28 Tết trong khi cả nhà đang tất bật sắm đồ, dọn dẹp nhà cửa, chị nhận được tin báo có người bệnh chết não tiềm năng tại Trung tâm Hồi sức tích cực, phải lập tức vào Bệnh viện. Chỉ sau 30 phút, chị có mặt ở Trung tâm, trao đổi với bác sĩ về tình hình người bệnh và liên lạc với người nhà tìm hiểu hoàn cảnh. “Người bệnh ở An Giang ra Hà Nội làm việc không may bị tai nạn, lúc bấy giờ bên cạnh người bệnh chỉ có người chị họ, tối 28 Tết, bố mẹ người bệnh bay ra tới Hà Nội gặp con, lúc bấy giờ tôi mới có cơ hội tiếp xúc với gia đình người bệnh. May mắn bố người bệnh là bác sĩ đã nghỉ hưu nên rất hiểu tình trạng bệnh của con và việc hiến ghép mô tạng. Biết con không thể qua khỏi, bố mẹ người bệnh nhanh chóng đưa ra quyết định hiến tạng cứu người. Suốt từ tối 28 Tết đến lúc mọi việc hậu sự được hoàn tất – trước thời khắc giao thừa, tôi luôn bên cạnh đồng hành hỗ trợ cùng gia đình người bệnh.”

Trong khi công việc gia đình còn bộn bề, chị Thanh Thuỷ đành gác lại để thực hiện sứ mệnh đặc biệt là gieo mầm sự sống cho những người bệnh đang nguy nan và nối kết những tấm lòng thiện nguyện đáng quý. Chị Thuỷ chia sẻ: “May mắn chồng tôi cũng làm trong ngành y, hiểu được khó khăn, vất vả của vợ. Những ngày giáp Tết ở Bệnh viện, anh đã lo toan mọi việc trong nhà và chăm hai con nhỏ chu đáo”.

Không chỉ chị Thuỷ, trong 7 ca vận động thành công chị Linh thực hiện, có 2 ca vào dịp Tết và hầu hết các ca còn lại đều diễn ra vào đêm khuya; ca vận động của chị Mai Hương cũng vào đêm muộn, đã gây không ít khó khăn vì chị đang chăm con nhỏ chưa được 1 tuổi.

Người làm công tác vận động, trước hết phải là người tâm huyết với nghề, tiếp đến là có kỹ năng mềm tốt, nắm chắc luật hiến mô bộ phận cơ thể người. Hiện nay Việt Nam chưa thiết lập được mạng lưới tư vấn trong vận động hiến tạng sau khi chết hoặc chết não; người tư vấn cũng chưa được đào tạo bài bản, đồng bộ, thống nhất về chuyên môn cũng như kỹ năng mềm, tư vấn tâm lý.  

Trong quá trình thực hiện công tác vận động hiến tạng, các cá nhân, đơn vị trực tiếp được giao nhiệm vụ làm công tác này cũng nhận thấy một số bất cập hiện hữu trong quy định về hiến mô bộ phận cơ thể người. Đầu tiên là độ tuổi người hiến, luật định người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác. Tuy nhiên, nhiều trường hợp gia đình muốn hiến tạng của trẻ dưới 18 tuổi khi không may con, em của họ bị tai nạn hoặc bệnh hiểm nghèo không thể tiếp tục duy trì cuộc sống đều bị từ chối nhận, vụ việc bé Hải An và Vân Nhi (Hà Nội) hiến giác mạc cho y học vào năm 2018 là một điển hình.

Việc quy định thời gian xác định chết não theo luật định ít nhất 12 giờ kể từ khi người bệnh có đủ các tiêu chuẩn lâm sàng và không hồi phục mới được chẩn đoán chết não cũng gây không ít khó khăn cho hoạt động ghép tạng. Thực tế tại Bệnh viện TWQĐ 108, nhiều ca đồng ý hiến tạng nhưng không kịp chờ thời gian chẩn đoán chết não đã tử vong trước đó; hay một số ca khi vận động hiến tạng glasgow 3 điểm (dấu hiệu chết não), gia đình đồng ý hiến nhưng trong thời gian xác định chết não, người bệnh vẫn còn tưới máu não không thể chẩn đoán chết não cũng không thể cứu sống được vì các tạng đang suy dần. Nhiều trường hợp muốn hiến toàn bộ nội tạng nhưng khi toàn tất thủ tục, một số tạng đã nhiễm khuẩn không thể lấy được nữa. Như vậy, việc xác định thời gian hợp lý để tiếp nhận nguồn tạng và ghép tạng cũng cần phải được nghiên cứu bổ sung dựa theo sự phát triển y khoa và pháp luật quốc tế.

Nhân viên vận động hiến tạng luôn đồng hành, động viên, chia sẻ gia đình người bệnh (Ảnh: VTV1)

 
“Cảm ơn các em, con đã về đến nhà trước giao thời!”

Mỗi lần nhận được sự đồng ý của một trường hợp hiến tạng là một lần hàng trăm con người chạy đua để kịp thời chuyên chở tấm lòng nhân ái ấy đến người bệnh khác một cách toàn vẹn nhất. Trong ca đại phẫu 30 Tết Quý Mão, khi nhận được lời hiệu triệu từ Bệnh viện, hơn 150 cán bộ nhân viên lập tức có mặt thực hiện các công tác tổ chức, điều phối, thực hiện lấy, ghép đồng thời 08 mô tạng gồm tim, gan, thận, thận-tuỵ, 2 tay, 2 giác mạc và tri ân người hiến.

30 Tết đó là một ngày đáng nhớ, thời gian vận động rất nhanh, gia đình ủng hộ và mọi điều kiện đều thuận lợi. Ở trong hoàn cảnh gấp rút như vậy mới thấy được sự quyết tâm, đồng lòng của tất cả mọi người lớn đến thế nào. Chỉ trong chưa đầy một ngày, mọi hoạt động được tiến hành suôn sẻ, trước giao thừa 27 phút gia đình đã đưa ‘bạn ấy’ về đến nhà. Xúc động nhất là khoảnh khắc tất cả mọi người chuẩn bị đón giao thừa ở nhà nhưng trong tâm trí vẫn lo lắng không biết ‘bạn ấy’ có kịp về nhà đón giao thừa không, cho đến khi, mẹ ‘bạn ấy’ nhắn “Cảm ơn các em, con đã về đến nhà rồi, con về trước giao thời em à!” mọi người đều vỡ oà và thở phào nhẹ nhõm”, chị Thanh Thuỷ xúc động kể lại. Ngay trong Tết đó, gia đình người hiến đã viết một bức thư cảm ơn gửi tới tập thể cán bộ nhân viên Bệnh viện, món quà quý giá ngay những ngày đầu năm mới đã tiếp thêm nhiều động lực, nhiệt huyết cống hiến cho các thầy thuốc Bệnh viện.

Thương chàng trai trẻ xấu số nhưng càng thương hơn người cha, người mẹ đã dũng cảm vượt qua nỗi đau và những quan niệm truyền thống, trao đi “một phần cuộc sống” - thân thể của con mình mà không mong nhận lại điều gì. Sau mỗi ca vận động hiến tạng, nhân viên vận động và gia đình người hiến trở nên gần gũi, thân thiết như người một nhà. “Bất kể khi vui lúc buồn họ đều gọi điện tâm sự, có khó khăn, vướng mắc họ cũng chia sẻ. Có người hỏi người nhà không ghét, không hận chúng tôi à? Tôi nghĩ là ngược lại họ cảm nhận được giá trị trong công việc của chúng tôi, họ trân quý điều đó!”, chị Thuỳ Linh bày tỏ.

Việc vận động hiến tạng nhân đạo và điều phối tạng hiến là việc làm đòi hỏi tính minh bạch, tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật nói chung và chuyên môn y khoa nói riêng. Mặc dù công việc vận động hiến tạng còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng thấy được những nhịp tim đầu tiên của người bệnh sau ghép tim, thấy sự sống hồi sinh trên cơ thể những con người đang đứng trước cửa tử và đặc biệt là  niềm hy vọng của gia đình người hiến lại được thắp lên khi cảm nhận sự sống của con, em mình vẫn tồn tại, người làm công tác vận động hiến tạng sẽ tìm được ‘ánh sáng’ trên con đường đang đi.

Nhà văn Nguyễn Khải từng viết “Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ. Ở đời không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy”. Người bệnh chết não hiến tạng không biến mất, sự tồn tại của họ được thể hiện ở những hình trạng khác. Tạng hiến khi chết não hay ngừng tuần hoàn là món quà vô giá.

Mai Hằng

Truyền thông Bệnh viện

 

Chia sẻ