Bạn đã thực sự hiểu về bệnh Lao?

  01:50 PM 16/09/2024
Bệnh lao là gì? Bệnh lao có lây không? Bệnh lao có nguy hiểm không? Làm thế nào để phòng chống bệnh lao?...còn rất nhiều câu hỏi về bệnh lao mà nhiều người bệnh và người nhà người bệnh còn đang chưa hiểu biết hết được.

Mới đây, Khoa Bệnh lây đường hô hấp(A4C) phối hợp cùng với Ban Công tác xã hội, Bệnh viện TWQĐ 108 tổ chức buổi tư vấn giáo dục sức khoẻ với chủ đề “Những điều cần biết về bệnh lao phổi” nhằm giải đáp một số thắc mắc về căn bệnh này. Báo cáo viên của chương trình là Bs Nguyễn Việt Hoàng – Khoa Bệnh lây đường hô hấp, Bệnh viện TWQĐ 108.

Bs Nguyễn Việt Hoàng báo cáo viên tại chương trình

Phát biểu tại buổi tuyên truyền giáo dục sức khoẻ, Đại tá TS.BS Vũ Viêt Sáng, Chủ nhiệm Khoa Bệnh lây đường hô hấp cho biết, bệnh lao là một căn bệnh cực kỳ nguy hiểm, bởi nó là bệnh truyền nhiễm lây truyền qua đường hô hấp có tỷ lệ mắc và tử vong cao trong cộng đồng. Bệnh có nhiều di chứng, biến chứng và gây tử vong nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời, nhất là trong bối cảnh vi khuẩn lao đa kháng thuốc đang phát triển”.

TS.BS Vũ Viết Sáng - Chủ nhiệm Khoa bệnh lây đường hô hấp phát biểu khai mạc chương trình

Trước đây khi nhắc đến bệnh lao, ai cũng nghĩ bệnh lao là một trong tứ chứng nan y không thể điều trị. Nhưng ngày nay với sự phát triển của y học thì bệnh lao đã có thể được điều trị khỏi bằng thuốc. Tại buổi tuyên truyền giáo dục sức khoẻ, Bs Nguyễn Việt Hoàng đã chia sẻ những kiến thức về tác nhân gây bệnh, đường lây truyền, dấu hiệu nhận biết, cách thức điều trị, tác dụng không mong muốn của thuốc kháng lao, chế độ dinh dưỡng, cách dự phòng lây nhiễm và những hậu quả khi người bệnh không được phát hiện, điều trị kịp thời, đầy đủ và đúng cách...

Bệnh nhân N.V.T (69 tuổi, Hà Nội) đang điều trị nội trú tại Khoa Bệnh lây đường hô hấp chia sẻ: “Cảm ơn Bệnh viện TWQĐ 108 đã tổ chức buổi tư vấn giúp tôi hiểu biết hơn về căn bệnh của mình và hiểu biết tại sao tôi phải điều trị ho ra máu nhiều lần như vậy. Những đòi hỏi cách ly đôi khi quá mức của gia đình, khiến tôi cảm thấy buồn và tủi thân. Rất cảm ơn các bác sĩ, nhân viên của Bệnh viện!”.

Có người nhà mắc bệnh lao lâu năm, chị H, người nhà bệnh nhân P.T.N (Thái Bình) đang điều trị tại Khoa cũng chia sẻ: “Tôi đã có những suy nghĩ tiêu cực về bệnh lao và những người mắc bệnh lao nhưng sau buổi tư vấn hôm nay tôi cảm thấy là một người nhà người bệnh mắc bệnh lao tôi cần có trách nhiệm và ý thức hơn với người bệnh cũng như với cộng đồng. Cảm ơn các y bác sĩ của khoa đã cung cấp các kiến thức bổ ích này!”.

Buổi tư vấn kết thúc trong sự quan tâm, hưởng ứng và trao đổi cởi mở giữa người bệnh, người nhà người bệnh với báo cáo viên và ban lãnh đạo chỉ huy Khoa; đã nâng cao được ý thức trách nhiệm của mọi người với bệnh lao ngoài cộng đồng. Ngoài tuân thủ điều trị thì người bệnh cũng cần hiểu biết hơn về những phản ứng không mong muốn có thể xảy ra khi uống thuốc lao và cách xử  trí, những cách dự phòng lây nhiễm ngoài cộng đồng có hiệu quả để hướng tới năm 2030 Việt Nam có thể thanh toán được bệnh lao.

Phạm Thị Thanh Hà – Trần Thị Minh Nguyệt

Điều dưỡng viên khoa Bệnh lây đường hô hấp (A4-C)

 

 

 

Chia sẻ