Quản lý các thuốc nguy cơ cao trong thực hành lâm sàng tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

  10:49 AM 22/04/2022

1.Tổng quan về thuốc nguy cơ cao

1.1. Định nghĩa

Thuốc nguy cơ cao (High alert medications – HAMs) là thuốc có khả năng gây ra tổn hại đáng kể cho bệnh nhân nếu gặp sai sót trong quá trình sử dụng. Mặc dù tần suất sai sót liên quan đến các thuốc này không thường xuyên hơn những thuốc khác nhưng hậu quả của việc xảy ra sai sót có thể rất nghiêm trọng trên bệnh nhân.

1.2. Nguyên lý xác định các thuốc HAMs tại các cơ sở y tế

Không có danh mục tiêu chuẩn nào các thuốc nguy cao chung cho các cơ sở y tế. Danh mục các thuốc HAMs được thiết lập dựa trên phần lớn là các  báo cáo sai sót y khoa hoặc phản ứng có hại nghiêm trọng tại chính các cơ sở y tế đó.

Để đánh giá các yếu tố nguy cơ có thể gây các sai sót tiềm tàng trên những thuốc nguy cơ cao có thể sử dụng bộ câu hỏi sau:

  • Thuốc nào được báo cáo với sai sót y khoa nghiêm trọng tại cơ sở y tế của bạn?

  • Thuốc đó có sử dụng trên các đối tượng bệnh nhân nguy cơ cao như trẻ sơ sinh, bệnh nhân hồi sức, cao tuổi?

  • Thuốc đó có nhiều dạng bào chế khác nhau hay không?

  • Có nên giới hạn số lượng loại nồng độ/hàm lượng của thuốc đó?

  • Thuốc đó có sử dụng đúng theo chỉ định?

  • Thuốc đó có giới hạn liều tối đa hay không?

  • Liều lượng thuốc đó có dựa trên cân nặng hay không?

  • Đường dùng của thuốc có được xem xét nguy cơ cao hay không?

  • Tốc độ truyền của thuốc có bị giới hạn hay không?

  • Có khuyến cáo về việc kiểm tra chéo đối với thuốc đó không?

  • Thuốc đó có yêu cầu chỉ những người có nghiệp vụ mới sử dụng không?

  • Có yêu cầu theo dõi đặc biệt khi sử dụng thuốc đó không?

  • Có yêu cầu nhãn phụ cảnh báo hay không?

1.3. Các nhóm thuốc HAMs thường gặp

          Nhìn chung mỗi hoạt chất đều có nguy cơ tiềm tàng gây phản ứng bất lợi cho người sử dụng. Tuy nhiên do đặc tính dược lý của một số nhóm thuốc có thể có nguy cơ cao hơn gây hại nghiêm trọng trên bệnh nhân nếu xảy ra sai sót trong quá trình sử dụng. Danh mục các nhóm thuốc nguy cơ cao (TNCC) không có sự tương đồng giữa các quốc gia và đơn vị. Trong phạm vi của bài chúng tôi xin tham khảo danh mục các nhóm TNCC từ Viện thực hành An toàn thuốc Hoa Kỳ (ISMP) năm 2018 như bảng 1:

2.Xây dựng danh mục TNCC tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

          Việc xây dựng  danh mục TNCC phụ thuộc vào từng đơn vị, đặc điểm sử dụng thuốc, các báo cáo sự cố y khoa (ME) và các báo cáo phản ứng có hại của thuốc (ADR) cũng như đặc tính dược lý của các nhóm thuốc. Tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 danh mục TNCC được xây dựng theo sơ đồ như hình 1:

3.Danh mục thuốc nguy cơ cao tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

Tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 danh mục TNCC được chia thành 10 nhóm, gồm 55 hoạt chất:

  • Tim mạch: 5 hoạt chất
  • Heparin và chống đông: 6 hoạt chất
  • Ưu trương, điện giải: 4 hoạt chất
  • Opioid và hướng thần: 3 hoạt chất
  • Nhiễm trùng: 4 hoạt chất
  • Gây mê và giãn cơ: 4 hoạt chất
  • Thuốc an thần: 02 hoạt chất
  • Insulin: tất cả các loại
  • Cản quang: 2 hoạt chất
  • Hóa chất: 24 hoạt chất

Tập hợp các chữ cái đầu tiên của mỗi nhóm sẽ thu được từ viết tắt “THƯƠNG TÍCH” để dễ nhớ như Hình 2.

4.Các biện pháp quản lý thuốc nguy cơ cao

4.1. Quản lý thuốc nguy cơ cao

  • Xây dựng danh mục các thuốc nguy cơ cao trong đơn vị.
  • Danh mục thuốc nguy cơ cao phải được phổ biến tới nhân viên y tế tại cơ sở y tế đó.
  • Thuốc nguy cơ cao nên được dán nhãn “Thuốc nguy cơ cao” trên giá bảo quản, túi sản phẩm hoặc những ống, lọ đã mất bao bì cấp 2.
  • Sử dụng nhãn cảnh báo bằng hình ảnh/bằng chữ hoặc phong bì cảnh báo thuốc nguy cơ cao.
  • Bất kỳ có sự thay đổi về tên biệt dược, màu sắc, dạng bào chế của thuốc nguy cơ cao đều phải thông tin tới người sử dụng càng sớm càng tốt.
  • Các thuốc được xác định là thuốc nguy cơ cao nên có chiến lược nhằm ngăn ngừa các sai sót nghiêm trọng.
  • Phiếu đánh giá an toàn sử dụng thuốc (Medication Safety Self – Assessment
  • ) đối với các thuốc nguy cơ cao nên được xem xét lại thường quy.
  • Việc chỉ định, cấp phát và sử dụng các thuốc nguy cơ cao trên lâm sàng cần được thực hiện theo các cách/phương thức đã được chứng minh an toàn.
  • Các thuốc nguy cơ cao phải được kiểm tra chéo trước khi chuẩn bị, cấp phát và sử dụng cho bệnh nhân.
  • Thiết lập hệ thống để đảm bảo thuốc được chuẩn bị bởi một nhân viên y tế và sau đó được kiểm tra lại bởi một nhân viên y tế khác. 
  • Tất cả các thuốc nguy cơ cao xuất từ khoa dược phải được kiểm tra chéo bởi nhân viên khác của khoa dược trước khi cấp phát với mục đích đảm bảo an toàn và chính xác.
  • Tất cả các trang thiết bị sử dụng để chuẩn bị và/hoặc sử dụng các thuốc nguy cơ cao nên kiểm định và duy trì theo các quy trình thao tác chuẩn (SOP).
  • Sử dụng các biện pháp kiểm soát an toàn kỹ thuật khi thích hợp. Ví dụ như sử dụng bơm xylanh uống cho thuốc dạng lỏng (uống), hệ thống máy tính.
  • Xây dựng và duy trì danh mục LASA.
  • Theo dõi và báo cáo phản ứng có hại của thuốc (ADR) và các sai sót y khoa liên quan đến thuốc nguy cơ cao.

4.2. Nguyên tắc đảm bảo an toàn của thuốc nguy cơ cao

          Có 03 nguyên tắc cơ bản để đảm bảo an toàn khi sử dụng thuốc nguy cơ cao:

  1. Giảm thiểu hoặc loại bỏ những sai sót có thể xảy ra
  • Giới hạn số lượng thuốc nguy cơ cao trong danh mục thuốc của đơn vị, bệnh viện.
  • Hạn chế sẵn có nhiều dạng nồng độ/ hàm lượng của các thuốc nguy cơ cao.
  1. Phát hiện sai sót
  • Kiểm tra chéo về số lượng, chuẩn bị, sử dụng thuốc trước khi sử dụng hoặc cấp phát cho bệnh nhân.
  • Thực hiện 5 đúng (đúng bệnh nhân, đúng thuốc, đúng liều, đúng đường dùng, đúng thời gian).
  • “Nắm rõ, kiểm tra, hỏi” trước khi cấp phát thuốc cho bệnh nhân.
  1. Giảm thiểu hậu quả sai sót
  • Dự trù các thuốc nguy cơ cao ở các dạng thể tích và đơn vị nhỏ hơn nhằm giảm hậu quả của sai sót nếu xảy ra.

4.3. Chiến lược ngăn ngừa sai sót để đảm bảo an toàn đối với thuốc nguy cơ cao

  1.  Dự trù/mua sắm
  • Hạn chế sẵn có nhiều dạng hàm lượng của thuốc nguy cơ cao trong danh mục thuốc bệnh viện.
  • Tránh thay đổi thường xuyên tên thương mại hoặc màu sắc. Thông báo cho người sử dụng nếu có bất kỳ thay đổi nào.
  • Khuyến khích mua sắm các thiết bị đảm bảo an toàn khi sử dụng thuốc nguy cơ cao như bơm xylanh uống, các loại bơm với cơ chế khóa.
  1. Bảo quản
  • Sử dụng nhãn cảnh báo, tăng cường nhãn phụ trên bao bì hoặc thùng bảo quản/chứa thuốc nguy cơ cao.
  • Tất cả các thuốc nguy cơ cao nên được dữ trong các hộp đựng thuốc riêng có dán nhãn. Tránh nhầm lẫn các thuốc LASA hoặc hàm lượng của cùng một thuốc với thuốc có nhiều hàm lượng.
  • Sử dụng các chữ cái viết hoa để nhấn mạnh sự khác nhau tên của các thuốc (ví dụ: DOPamin và DOBUTamin).
  • Giới hạn số tầng/giá đựng thuốc theo yêu cầu tiêu chuẩn. Giảm số lượng và sự đa dạng của các dạng hàm lượng/chế phẩm.
  • Tất cả nhân viên phải đọc nhãn “Thuốc nguy cơ cao” cẩn thận trước khi bảo quản để đảm bảo thuốc được đặt đúng vị trí.
  1. Chỉ định
  • Sử dụng phiếu tiêu chuẩn khi chỉ định các thuốc độc tế bào và các thuốc dinh dưỡng tĩnh mạch.
  • Không sử dụng các chữ viết tắt, ký hiệu.
  • Liều, đường dùng và tốc độ truyền thuốc nguy cơ cao phải được viết rõ ràng.
  • Chỉ định các thuốc dạng lỏng đường uống với liều lượng đơn vị là mg.
  • Sử dụng số 0 trước các hàm lượng nhỏ (ví dụ 0,5mg thay vì ,5mg)
  • Không sử dụng số 0 sau các hàm lượng chẵn (ví dụ 5,0mg có thể hiểu nhầm thành 50mg).
  • Sử dụng tên hoạt chất thay vì ghi tên thuốc biệt dược gốc.
  • Luôn chú ý tới cân nặng và diện tích bề mặt cơ thể cho những thuốc đặc biệt (thuốc hóa trị liệu, thuốc cho trẻ em).
  • Y lệnh truyền miệng các thuốc nguy cơ cao thì không được khuyến khích ngoại trừ trong các trường hợp cấp cứu hoặc các trường hợp khẩn cấp.
  • Khi thực hiện y lệnh truyền miệng, người nhận y lệnh phải hỏi lại người chỉ định để xác nhận.
  • Y lệnh truyền miệng sau khi thực hiện thì ngay lập tức viết vào bệnh án với chữ ký của người chỉ định theo đúng quy định.
  1. Chuẩn bị thuốc
  • Thiết lập hệ thống kiểm tra tất cả quá trình chuẩn bị thuốc.
  • Các tính toán liên quan đến:
  • Thuốc độc tế bào và thuốc dinh dưỡng tĩnh mạch cần được kiểm tra chéo một cách độc lập bởi nhân viên khác.
  • Các thuốc pha chế tại Khoa dược (extemporaneous preparations) cần được kiểm tra chéo một cách độc lập bởi nhân viên khác.
  • Tất cả các thuốc pha loãng phải được dán nhãn ghi đầy đủ tên và nồng độ (dán ngay sau khi pha).
  1. Cấp phát
  • Tất cả các thuốc nguy cơ cao cần phải được dán nhãn “Thuốc nguy cơ cao”.
  • Các thuốc nguy cơ cao được phân phối tới bệnh nhân không cần thiết phải dán nhãn nguy cơ cao.
  • Các thuốc nguy cơ cao phải được kiểm tra chéo trước khi cấp phát.
  • Các thuốc nguy cơ cao nên được kiểm tra khi giao nhận bởi cán bộ y tế.
  1. Sử dụng
  • Tại giường bệnh, trước khi sử dụng thuốc, cần có 2 nhân viên y tế phù hợp để kiểm tra độc lập các thông tin sau theo đơn kê hoặc bệnh án: 
  • Thông tin bệnh nhân và số hồ sơ
  • Tên, chế độ liều và hàm lượng của thuốc
  • Đường dùng và tốc độ dùng
  • Hạn dùng của thuốc
  • Kết nối đường truyền thuốc.
  • Ghi nhãn ở cuối đường truyền tĩnh mạch để phân biệt với đường ngoài màng cứng.
  • Đảm bảo không bị phân tâm khi sử dụng thuốc cho bệnh nhân bằng các biện pháp đặc biệt (Ví dụ: mặc áo vest/tạp dề đặc biệt).
  • Trả lại tất các thuốc không sử dụng hoặc còn thừa tới khoa Dược.
  • Đảm bảo việc sử dụng các thuốc tiêm nội tủy, độc tế bào, gây tê màng cứng và dung dịch nuôi dưỡng tĩnh mạch phải được thực hiện bởi người đã được đào tạo.
  1. Theo dõi
  • Theo dõi chặt chẽ và ghi chép đầy đủ các dấu hiệu sinh tồn, dữ liệu cận lâm sàng, đáp ứng trên bệnh nhân trước và sau khi dùng các thuốc nguy cơ cao.
  • Đảm bảo sẵn có các thuốc giải độc (antidotes) và thiết bị cấp cứu tại khoa phòng/phòng cấp cứu.
  1. Ghi chép
  • Đảm bảo hoàn thiện hồ sơ trên bệnh án.
  • Luôn luôn kiểm tra các thông tin không rõ ràng hoặc không chính xác trước khi cấp phát hoặc sử dụng thuốc.
  1. Thông tin thuốc
  • Thiết lập danh mục thuốc nguy cơ cao tại Bệnh viện.
  • Danh mục thuốc nguy cơ cao cần phải được phổ biến tới toàn bộ nhân viên của đơn vị.
  • Cập nhật tài liệu hoặc khuyến cáo tại khoa phòng điều trị hoặc khoa Dược.
  • Theo dõi và báo cáo phản ứng có hại của thuốc (ADR) và sai sót y khoa liên quan đến thuốc nguy cơ cao.
  1. Đào tạo
  • Tất cả các nhân viên y tế nên được tập huấn về xử lý an toàn các thuốc nguy cơ cao và nhấn mạnh sự quan trọng của việc kiểm tra chéo để ngăn ngừa các sai sót tiềm tàng và tăng cường khả năng phản ứng nhanh khi có sai sót xảy ra.
  1. Giáo dục bệnh nhân
  • Giáo dục bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, người bảo hộ trên:
  • Tên và mục đích dùng thuốc
  • Số thuốc cần dùng và thời điểm dùng
  • Cách dùng
  • Các ADR thường gặp
  • Bảo quản đúng cách/vứt bỏ thuốc hết hạn

Khuyến khích BN và người nhà hỏi tham gia:

  • Hỏi về tên thuốc được dùng và vai trò
  • Nhận dạng đúng thuốc khi nhận thuốc

Tài liệu tham khảo

1.       Bộ Y tế (2022), Quyết định 29/QĐ-BYT về việc ban hành hướng dẫn giám sát phản ứng có hại của thuốc (ADR) tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

2.       Phan Thị Diệu Hiền và Võ Thị Hà (2017), Quản lý thuốc nguy cơ cao, từ https://www.nhipcauduoclamsang.com/quan-ly-thuoc-nguy-co-cao/.

3.       MOH Malaysia (2020), "GUIDELINE ON SAFE USE OF HIGH ALERT MEDICATIONS".

4.       MOH Singapore (2021), "THE NATIONAL GUIDELINES ON HIGH ALERT MEDICATIONS".

5.       WHO (2017), Medication Without Harm. The third global patient safety challenge.

Tác giả: Ths. DS. Nguyễn Duy Tám1

Hiệu đính: TS. DS. Nguyễn Tứ Sơn2

Ths. DS. Nguyễn Thị Thu Thủy2

1: Khoa Dược – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

2: Bộ môn Dược Lâm sàng – Trường Đại học Dược Hà Nội

 

 

 
Chia sẻ