Hướng dẫn dùng thuốc qua sonde nuôi dưỡng thức ăn

  05:19 PM 08/05/2025

Hiện nay, việc sử dụng sonde nuôi dưỡng để cung cấp dinh dưỡng và điều trị cho bệnh nhân ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt là đối với những người gặp khó khăn trong việc nuốt, bệnh nhân hôn mê, hoặc người cao tuổi suy nhược. Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc qua sonde, dược động học của thuốc có thể bị thay đổi đáng kể do ảnh hưởng của pH dạ dày, sự hấp thu tại ruột non, hoặc tương tác với thức ăn và dịch nuôi dưỡng. Đáng chú ý, nhiều tờ thông tin sản phẩm của thuốc hiện nay chưa cung cấp đầy đủ hướng dẫn về cách sử dụng thuốc qua sonde một cách an toàn và hiệu quả, dẫn đến nguy cơ giảm hiệu quả điều trị hoặc tăng tác dụng phụ cho bệnh nhân. Do vậy bài thông tin thuốc cung cấp thêm thông tin cho NVYT về hướng dẫn dùng thuốc qua sonde nuôi dưỡng thức ăn để đảm bảo thuốc được dùng hợp lý.

1. Tổng quan chung về sonde nuôi dưỡng thức ăn

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại sonde nuôi dưỡng thức ăn, chúng khác nhau về kích thước, chiều dài, vật liệu thiết kế, khác nhau về cấu tạo để phù hợp với từng vị trí đặt sonde đầu vào và đầu ra. Phổ biến nhất là sonde dạ dày, được dẫn vào từ mũi và thông xuống dạ dày. Vị trí đầu ra của thuốc sẽ ảnh hưởng đến quá trình dược động học của thuốc. Ví dụ có sự khác nhau về quá trình chuyển hóa của thuốc do sự ảnh hưởng PH của dạ dày lên thuốc nếu so sánh giữa sonde dạ dày và sonde hỗng tràng [1]. Kích thước càng dài và càng hẹp thì càng dễ gây tắc sonde, do vậy trong quá trình điều trị cũng nên lựa chọn kích thước phù hợp, dạng bào chế thuốc hợp lý, kỹ thuật đúng là điều cần thiết để tránh nguy cơ này.

Theo NPSA [4], bệnh nhân sau khi đặt sonde cần phải được kiểm tra vị trí đầu ra ống sonde và được kiểm tra thường xuyên trong quá trình sau đặt bằng cách lấy dịch hút sonde cho lên giấy chỉ thị pH. Phạm vi an toàn của pH đầu ra của sonde dao động từ 1-5.5. Ngoài ra, X-quang là biện pháp thay thế trong trường hợp không rút được dịch hút và không thử được bằng giấy chỉ thị pH. Theo hướng dẫn này, nếu chưa xác định được vị trí đầu ra của ống sonde sau khi đặt bằng chỉ thị pH hoặc X-quang thì chưa được phép bơm rửa hoặc bất cứ thuốc hay thức ăn nào vào ống.

Hình 2: Hình ảnh X-quang sau khi đặt sonde dạ dày đúng và sai vị trí

Khả năng hấp thu, tác dụng của thuốc có thể bị ảnh hưởng phụ thuộc vào vị trí kết thúc của ống sonde [5]. Dưới đây là một vài ví dụ:

Thuốc

Đặc điểm, khuyến cáo

Antacid, Bismuth, Sucralfate

Tác dụng tại chỗ dạ dày, không phù hợp nếu đưa vào sonde vào ruột non.

PPI (omeprazole, lanzoprazole…)

Đối với các ống sonde kết thúc tại hỗng tràng hoặc tá tràng, thuốc nên được dùng dưới dạng hỗn dịch pha natri bicarbonate để đảm bảo lớp phủ ruột được hòa tan.

Quinolon, intraconazole, ketoconazole

Chủ yếu hấp thu ở tá tràng, không đưa thuốc vào hỗng tràng.

2. Kỹ thuật làm sạch sonde nuôi dưỡng thức ăn [1]

Tắc ống sonde có thể xảy ra do đường kính ống sonde quá nhỏ, thuốc và thức ăn chuẩn bị không phù hợp kích thước, có thể liên quan đến kĩ thuật rửa ống sonde chưa đúng, và có thể xuất phát từ sự tương tác thuốc - acid dạ dày, thuốc - thuốc và thuốc - thức ăn. Do vậy, cần phải làm sạch sonde thường quy là điều cần thiết. Để làm sạch sonde có thể làm sạch bằng không khí hoặc bằng nước. Nhiều tài liệu cho rằng, nên lựa chọn loại ống xylanh có kích thước to dao động từ 30 - 50mL để chứa dung dịch để rửa sonde vì xylanh có kích thước nhỏ thường tạo áp suất trong lòng lớn và có thể làm vỡ sonde.

  • Kỹ thuật rửa sonde bằng không khí:

+  Lấy xylanh có kích thước 50ml, kéo piton xylanh về 30ml chứa không khí.

+ Gắn ống xylanh vào cổng sonde dạ dày, đảm bảo sonde được đóng kín.

+ Tiến hành rửa sonde bằng cách đẩy piton về vạch 0, đồng thời kiểm tra bằng ống nghe y tế để xác nhận đầu ra sonde đã đặt đúng vị trí.

Việc rửa sonde bằng không khí nên thực hiện ít nhất mỗi ngày một lần.

  • Kỹ thuật rửa sonde bằng nước:

Qua nhiều thử nghiệm chứng minh nước ấm là dung dịch thích hợp nhất để làm sạch sonde dạ dày. Cần lưu ý rằng, chất tẩy rửa có tính acid mạnh như coca có thể dễ gây tắc ống, dễ làm thức ăn đông lại hoặc gây biến tính protein. Về thể tích nước để rửa, cần phải dùng đủ lượng nước để ngăn ngừa tích tụ ống sonde. Lượng dịch thường được khuyến cáo là 15 - 30ml nhưng có thể ít hơn ở bệnh nhân cần hạn chế dịch.

  • Rửa trước khi dùng thuốc hay sau khi dùng thuốc?

Theo nghiên cứu của Mateo, có 95% điều dưỡng rửa sonde sau khi dùng thuốc cho bệnh nhân nhưng chỉ có hơn 47% điều dưỡng thực hiện rửa sonde trước khi dùng thuốc. Trong khi đó, cần phải rửa sonde trước và sau khi cho thuốc, và trước khi bắt đầu ăn lại [1]. Nếu cho nhiều hơn một loại thuốc, hãy cho thuốc từng loại một và rửa bằng 10ml nước giữa mỗi lần. Kể cả khi hút dịch dạ dày, cũng cần phải làm sạch sonde dạ dày ngày sau đó [1].

3. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc qua sonde nuôi dưỡng thức ăn

+ Nên giảm liệu pháp điều trị bằng thuốc tối thiểu nhất có thể. Do đó, cần rà soát liệu pháp sử dụng thuốc thường xuyên để giảm thiểu những loại thuốc không cần thiết.

+ Nên ưu tiên các chế phẩm có thời gian bán thải dài chỉ dùng 1 lần/ngày (không phải các chế phẩm giải phóng kéo dài biến đổi LA, MD, ….). Bước đầu, cần phân loại xác định được thuốc có được phép ăn quan sonde theo tờ thông tin sản phẩm hay không hay bệnh nhân vẫn có thể uống được.

+ Nếu có các đường dùng khác (tiêm, đặt hậu môn,…) thay thế đường uống qua sonde thì nên chuyển đổi khi có thể. Các đường dùng này có nhiều lợi ích cho việc quản lý bệnh nhân ngắn hạn, đặc biệt là khi bệnh nhân đang điều trị nội trú tại viện, còn khó trong hướng dẫn thực hành cho chăm sóc mãn tính tại nhà.

3.1 Lựa chọn dạng bào chế thuốc

+ Ưu tiên lựa chọn dung dịch thuốc hoặc viên nén hòa tan.

+ Không phải thuốc ở dạng bào chế lỏng đều phù hợp hơn dạng viên.

a, Các bước dùng thuốc dung dịch qua sonde dạ dày [1]

B1: Ngừng ăn qua sonde

B2: Rửa ống sonde bằng một lượng nước phù hợp (thường 15 - 30ml nước ấm)

B3: Kiểm tra xem thuốc có dùng cùng thức ăn được hay không, hay phải xa bữa ăn một khoảng thời gian nhất định.

B4: Rút một lượng thuốc theo chỉ định vào xilanh có kích thước phù hợp.

B5: Đẩy liều thuốc qua sonde dạ dày.

B6: Rửa ống sonde dạ dày bằng một lượng nước khuyến cáo (thường 15 - 30ml nước ấm)

b, Chuẩn bị thuốc [2]:

Các thuốc có dạng bào chế khác nhau thì có cách thức chuẩn bị thuốc dùng qua sonde khác nhau.

  • Thuốc dạng lỏng (bao gồm cả chế phẩm tiêm cho phép dùng qua đường tiêu hóa)

B1: Lắc đều lọ/ống thuốc để đảm bảo thuốc được phân bố đều (ít nhất 15 giây)

B2: Hút đủ thể tích cho liều dùng

B3: Nếu thuốc đặc quá có thể pha loãng gấp 2-3 lần thể tích thuốc bằng nước để đảm bảo sonde không bị tắc.

  • Viên nén hòa tan (dạng bào chế này thuốc rất dễ phân rã và tan trong nước)

B1: Hòa tan số lượng viên nén cần thiết với một lượng nước cất vô trùng phù hợp.

B2: Nếu dùng toàn bộ liều thuốc viên, sau khi hòa tan rút thuốc vào xylanh, sau đó rửa sạch bình hòa tan bằng nước vô trùng, rút cùng vào một xylanh để bơm vào sonde.

B3: Nếu chỉ dùng 1 phần liều thuốc, đảm bảo dung dịch sau hòa tan được phân tán đều bằng cách khuấy liên tục trước khi rút vào xylanh.

B4: Dùng thuốc ngay sau khi hòa tan

  • Viên nén

Khác với dạng bào chế viên nén hòa tan, dạng thuốc này có khả năng sẽ khó tan trong nước hơn. Do vậy cần nghiền viên nén phân tán vào cối trước sau đó hòa tan bằng nước. Các bước sau tương tự như chuẩn bị thuốc viên nén hòa tan.

  • Viên nang

Mở cẩn thận viên nang để phần thuốc bên trong rơi vào cối. Nếu viên nang chứa bột thì cần hòa tan bột với một lượng nước vừa đủ, còn viên nang chứa thuốc dạng lỏng thì có thể hòa tan với một lượng nước để giảm tối thiểu khả năng tắc sonde. Sau đó, rửa sạch cối bằng nước vô khuẩn, đảm bảo lượng thuốc được lấy hết. Cần dùng thuốc ngay sau khi chuẩn bị xong.

3.2 Một số dạng bào chế thuốc không phù hợp để dùng qua sonde dạ dày [2]

Một số dạng bào chế sau KHÔNG ĐƯỢC dùng thuốc qua sonde vì dược động học của thuốc có thể bị thay đổi lớn từ đó dẫn đến nồng độ thuốc trong huyết tương quá mức gây ra nhiều tác dụng phụ…

+ Thuốc bao tan trong ruột: Nexium mups (omeprazole), aspirin PH 8,…

+ Thuốc giải phóng chậm, thuốc giải phóng có kiểm soát… (kí hiệu: CR, MR, LA, SR, XR…): Nifehexal LA, Glucophage XR, Imdur, Seroquel XR…

+ Thuốc độc tế bào

+ Hormone

+ Thuốc đặt dưới lưỡi, ngậm trong má hoặc nhai.

Trong trường hợp cần thiết, nên chuyển sang thuốc có dạng bào chế phù hợp để dùng qua sonde.

Biên soạn: DS. Lê Thị Mỹ - Khoa Dược, Bệnh viện TWQĐ 108

 

Tài liệu tham khảo:

1. Rebecca White and Vicky Bradnam (2015): “Handbook of drug administration via enteral feeding tubes”

2. NHS (2023): “Enteral tubes: administration of medication via (PICU)”

3. NHS (2023): “Guidelines for the administration of medicines to adults via enteral tubes within NHS Grampian”

4. NPSA (2005): “Reducing the harm caused by misplaced nasogastric feeding tubes. Interim advice for healthcare staff”

5. One Point Patient Care (2024): Best practices for drug administration via Enteral tubes.

Chia sẻ