Lưu ý về lựa chọn thuốc điều trị triệu chứng đường tiểu dưới do tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt

  10:17 AM 25/05/2023

Triệu chứng đường tiểu dưới (TCĐTD) là tập hợp của nhiều triệu chứng liên quan các bệnh do tình trạng kích thích bàng quang, tắc nghẽn ở niệu đạo và các triệu chứng xuất hiện sau khi đi tiểu… trong đó tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt (một số thuật ngữ trước đây: u xơ tuyến tiền  liệt, bướu lành tiền liệt tuyến, phì đại lành tính tuyến tiền liệt, u phì đại tuyến tiền liệt…) là một nguyên nhân thường gặp ở nam giới lớn tuổi. Tỉ lệ mắc bệnh tăng lên theo tuổi; ước tính khoảng 50% nam giới ở độ tuổi 50-60 mắc tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt (TSLTTTL), và tỉ lệ có thể lên tới 90% khi ở độ tuổi 80-90.

Có nhiều phương pháp điều trị TCĐTD do TSLTTTL như: theo dõi, điều chỉnh thói quen sinh hoạt; điều trị nội khoa; điều trị ngoại khoa và một số phương pháp đang được nghiên cứu.Trong đó, điều trị nội khoa là phương pháp lựa chọn an toàn và giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Mục tiêu của phương pháp này là giảm nhẹ rối loạn tiểu tiện, cải thiện điểm triệu chứng, hạn chế và phòng ngừa tiến triển bệnh, các biến chứng bí tiểu cấp hoặc yêu cầu phải phẫu thuật

1. Lựa chọn thuốc trong điều trị triệu chứng đường tiểu dưới do tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt

Theo hướng dẫn của Hội Tiết niệu Châu Âu năm 2022, các nhóm thuốc điều trị nội khoa TCĐTD do TSLTTTL bao gồm: nhóm chẹn α1, nhóm ức chế men 5α-reductase (5α-reductase inhibitors – 5ARI), thuốc nguồn gốc thực vật, thuốc kháng muscarinic, thuốc đồng vận β3, thuốc ức chế men phosphodiesterase típ 5. Trong đó, nhóm thuốc chẹn α thường được coi là thuốc điều trị đầu tay cho bệnh nhân nam mắc TCĐTD vì tác dụng nhanh, hiệu quả tốt, tỷ lệ thấp các tác dụng phụ ở mức độ nghiêm trọng.

Bảng 1: Khuyến cáo của Hội Tiết niệu Châu Âu năm 2022 về lựa chọn thuốc trong điều trị TCĐTD do TSLTTTL

2. Đặc điểm của các nhóm thuốc điều trị TCĐTD do TSLTTTL

Trong điều trị nội khoa, 2 nhóm được sử dụng rộng rãi trong lâm sàng là nhóm chẹn α1 và nhóm ức chế men 5α-reductase. Việc hiểu rõ về đặc điểm của mỗi nhóm thuốc điều trị sẽ giúp sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả, hạn chế được các tác dụng không mong muốn cho bệnh nhân.

Bảng 2: Hiệu quả điều trị và lưu ý khi lựa chọn thuốc điều trị TCTD do TSLTTTL

Nhóm thuốc

Cơ chế tác dụng

Thời gian khởi phát tác dụng

Hiệu quả điều trị

Tác dụng không mong muốn

Nhóm thuốc chẹn α

(Doxazosin, Alfuzosin, Tamsulosin)

Chẹn các thụ thể α1 trên cơ trơn của TTL, niệu đạo và cơ trơn ở cổ bàng quang, dẫn đến giảm co thắt cơ trơn và giảm sự tắc nghẽn bàng quang

Sớm (Hiệu quả lâm sàng tốt hơn giả dược có thể xảy ra trong vài giờ đến một ngày, cần vài tuần để đạt hiệu quả đầy đủ)

Giảm 30 - 40% điểm IPSS

 Tăng 16 - 25% Qmax

mệt mỏi (5%), hoa mắt chóng mặt (6%), đau đầu (2%), tụt huyết áp do thay đổi tư thế (1%), và xuất tinh ngược dòng (8%). Nên sử dụng thuốc trước khi đi ngủ để hạn chế tác dụng hạ huyết áp tư thế.

Thuốc có nguy cơ làm mềm mống mắt cho nên cần cẩn thận đối với người bệnh được chỉ định phẫu thuật điều trị đục thuỷ tinh thể.

Thuốc ức chế men 5α-reductase (5ARI)

(Dutasteride, Finasteride)

Ngăn chặn quá trình chuyển testosterone tự do thành dihydrotestosterone (DHT) – một dạng androgen hoạt động, làm các tế bào biểu mô TTL co lại, do vậy làm giảm thể tích TTL.

Muộn (Đạt hiệu quả lâm sàng tối đa bắt đầu từ tháng thứ 3)

Sau 2-4 năm điều trị giảm 15 - 30% điểm IPSS, tăng 13 - 22% (1.5-2.0ml/s) Qmax, giảm 57% nguy cơ bí tiểu cấp, giảm 48% cần thiết phẫu thuật, làm giảm 18-28% thể tích TTL

Giảm ham muốn (5%), rối loạn cương dương (5%), giảm thể tích tinh dịch (2 – 4%).

Thuốc kháng Muscarinic

(oxybutynin,

solifenacin)

Acetylcholine kích thích thụ thể muscarinic trên bề mặt tế bào cơ trơn BQ; kháng thụ thể muscarinic sẽ làm giảm co thắt của cơ chóp BQ.

 

. Tỉ lệ bí tiểu cấp dưới 1%, không thay đổi về niệu dòng đồ và thể tích nước tiểu tồn lưu

Chóng mặt, nhức đầu, buồn ngủ, mệt mỏi, đỏ bừng mặt, táo bón, buồn nôn,... Một số triệu chứng ít gặp hơn như chán ăn, chứng khó nuốt...

Thuốc đồng vận b3

(Mirabegron)

Kích thích chọn lọc thụ thể β3-adrenergic có tác dụng làm giãn cơ trơn BQ

 

Chưa có các nghiên cứu dài hạn về hiệu quả và độ an toàn của mirabegron ở nam giới ở mọi lứa tuổi mắc TCĐTD

Đã ghi nhận nguy cơ hiếm gặp tăng huyết áp kịch phát.

Thuốc có CCĐ ở bệnh nhân THA> 180/110

Thuốc ức chế phosphodiesterase típ 5 (PDE5) ( Tadalafil)

Làm tăng nồng độ men GMP vòng trong huyết thanh và cơ trơn gây giãn cơ trơn thể hang, duy trì cương cứng dương vật. Đồng thời, thuốc cũng làm giãn cơ trơn cổ BQ và TTL

 

Có rất ít thông tin về việc giảm kích thước tuyến tiền liệt và không có dữ liệu về sự tiến triển của bệnh.

CCĐ ở những bệnh nhân nhồi máu cơ tim trong vòng 90 ngày qua, BN đau thắt ngực không ổn định hoặc đau thắt ngực xảy ra khi quan hệ tình dục, BN bị suy tim độ 2

Thuốc có nguồn gốc thực vật

 (Serenoa repens)

Kháng viêm, giảm phù nề, kháng androgen, ức chế không cạnh tranh men 5α-reductase I, II, ngăn chặn quá trình chuyển hoá và tăng trưởng tế bào biểu mô TTL, giảm sức cản niệu đạo…

 

Giảm 4,4 điểm IPS sau 12 tháng ngang với tamsulosin; làm chậm tiến triển thể tích TTL 13% sau 2 năm và không ảnh hưởng đến chức năng tình dục.

 

Chú thích:  IPSS: Bảng điểm quốc tế triệu chứng tuyến tiền liệt (The International Prostate Symptom Score); Qmax: Tốc độ dòng tiểu tối đa

Bên cạnh việc sử dụng thuốc, BN cũng cần  điều chỉnh thói quen sinh hoạt để hiệu quả điều trị đạt được tốt hơn như:

- Duy trì thói quen tập thể dục tuỳ thuộc vào khả năng của BN.
- Uống đủ nước (khoảng 2 – 2,5 lít/ngày), nhưng hạn chế uống từ 5 giờ chiều.
- Không nhịn tiểu quá lâu.
- Chống táo bón.
- Hạn chế các chất kích thích (đồ uống có cồn, gia vị…).

Biên soạn: DS. Nguyễn Thị Mai Duyên - Khoa Dược, Bệnh viện TWQĐ 108

Hiệu đính: DS. Nguyễn Đặng Phương Anh - Khoa Dược, Bệnh viện TWQĐ 108

 

Tài liệu tham khảo

  1. EAU Guidelines on Management of Non-Neurogenic Male Lower Urinary Tract Symptoms (TCĐTD), incl. Benign Prostatic Obstruction (BPO) 2022.
  2. Quyết định 1531/QĐ-BYT ngày 24/3/2023 Về việc ban hành tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị triệu chứng đường tiểu dưới do tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt”
  3. Giáo trình Dược lý học 2007, Đại học Dược Hà Nội

 

Chia sẻ