Các hướng dẫn điều trị suy tim hiện tại của Hiệp hội tim mạch Châu Âu (ESC), Hoa Kỳ (AHA) cũng như Việt Nam đưa ra các khuyến cáo nên sử dụng đồng thời bốn nhóm thuốc trụ cột trong điều trị suy tim phân suất tống máu giảm, bao gồm: (1) thuốc ức chế thụ thể angiotensin-neprilysin (ARNI)/thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACEI)/thuốc chẹn thụ thể angiotensin (ARB), (2) thuốc chẹn beta, (3) thuốc đối kháng thụ thể mineralocorticoid (MRA) và (4) thuốc ức chế kênh đồng vận chuyển natri-glucose 2 (SGLT2i). Tuy nhiên trên thực tế thực hành lâm sàng, vẫn còn nhiều thách thức trong sử dụng các nhóm thuốc này.
Phần dưới đây chúng tôi xin giới thiệu Hướng dẫn thực hành sử dụng thuốc trong điều trị suy tim phân suất tống máu giảm của nhóm thuốc ức chế kênh đồng vận chuyển natri-glucose 2 (SGLT2i), đây là bài cuối cùng trong chuỗi bài thông tin về các nhóm thuốc cho điều trị suy tim phân suất tống máu giảm theo Hiệp hội tim mạch Châu Âu năm 2021.
1. Mục đích sử dụng:
Nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống, giảm nguy cơ nhập viện do suy tim và giảm tỷ lệ tử vong.
2. Đối tượng sử dụng:
Chỉ định ở bệnh nhân suy tim phân suất tống máu giảm điều trị ngoại trú hoặc nội trú (bất kể tình trạng đái tháo đường của bệnh nhân).
3. Chống chỉ định:
- Phụ nữ có thai/ có khả năng mang thai và phụ nữ đang cho con bú.
- eGFR < 20 mL/phút/1,73 m2.
- Hạ huyết áp có triệu chứng hoặc huyết áp tâm thu < 95 mmHg.
- Có tiền sử phản ứng dị ứng/ phản ứng bất lợi khác (với thuốc cụ thể).
4. Các trường hợp thận trọng/ cần tham khảo ý kiến chuyên gia:
- Đái tháo đường typ 1: đây không phải là chống chỉ định tuyệt đối với SGLT2i, tuy nhiên cần cân nhắc nguy cơ nhiễm toan ceton của từng cá thể khi bắt đầu sử dụng thuốc.
- Glucose niệu có thể dẫn đến nhiễm nấm đường tiết niệu – sinh dục.
- Lợi tiểu thiazid và lợi tiểu quai có khuynh hướng dẫn đến đa niệu quá mức, thiếu dịch, hạ huyết áp có triệu chứng và suy thận trước thận.
- Các tương tác thuốc cần xem xét: insulin, dẫn xuất sulfonylurea và các thuốc điều trị đái tháo đường khác có xu hướng làm hạ đường huyết.
5. Lựa chọn thuốc và liều dùng
Tên thuốc |
Liều khởi đầu |
Liều mục tiêu |
Dapagliflozin |
10mg x 1 lần/ngày |
10mg x 1 lần/ngày |
Empagliflozin |
10mg x 1 lần/ngày |
10mg x 1 lần/ngày |
6. Các bước bắt đầu sử dụng thuốc
- Kiểm tra chức năng thận khi bắt đầu sử dụng thuốc và giám sát chặt chẽ. Mặc dù SGLT2i có tác dụng bảo vệ thận, mức lọc cầu thận sẽ có thể giảm nhẹ sau khi khởi đầu dùng thuốc.
- Giám sát đường huyết thường xuyên, đặc biệt ở bệnh nhân mắc kèm đái tháo đường. Cân nhắc điều chỉnh các thuốc đái tháo đường khác.
- Xác định các yếu tố nguy cơ nhiễm toan ceton ở bệnh nhân và loại trừ nếu có thể.
- Giám sát cân bằng dịch cơ thể chặt chẽ, đặc biệt khi người bệnh dùng các thuốc lợi tiểu, già yếu và/hoặc suy kiệt. Cân nhắc điều chỉnh phác đồ lợi tiểu và lượng dịch vào cơ thể.
7. Giải quyết một số vấn đề thường gặp khi dùng thuốc:
Nhiễm trùng tiết niệu – sinh dục
- Bệnh nhân cần được theo dõi các triệu chứng và dấu hiệu của nhiễm nấm đường tiết niệu – sinh dục.
Hạ đường huyết
- Các thuốc đái tháo đường khác (đặc biệt insulin và/hoặc các dẫn xuất sulfonylurea) có thể làm hạ đường huyết. Trong trường hợp này, có thể cần phải điều chỉnh chiến lược điều trị đái tháo đường.
Thiếu dịch, hạ huyết áp, và suy thận trước thận
- SGLT2i có thể làm tình trạng đa niệu nặng lên, đặc biệt khi dùng đồng thời với lợi tiểu hoặc ARNI.
- Cần giám sát cân bằng dịch cơ thể. Cân bằng liều lợi tiểu với lượng dịch vào để tránh tình trạng mất nước, hạ huyết áp, và suy thận trước thận.
- Người bệnh già yếu và suy kiệt đặc biệt có nguy cơ gặp các biến chứng này.
Biên soạn: DS. Lê Minh Hồng – Khoa Dược, Bệnh viện TWQĐ 108