Hạn dùng của một số thuốc đa liều

  04:22 PM 30/09/2022

Thuốc đa liều, được định nghĩa là một vật chứa đa đơn vị (ví dụ như chai lọ) chế phẩm thuốc, thường chứa chất bảo quản chống vi sinh vật, chính vì vậy, ngoài hạn sử dụng là ngày hết hạn của sản phẩm, thuốc đa liều còn có thêm hạn sử dụng sau khi mở nắp. Bình (lọ) chứa thuốc đa liều được thiết kế để có thể lấy thuốc nhiều lần khác nhau nhờ chúng có chứa chất bảo quản chống vi sinh vật.

Sai sót hay gặp nhất tại các bệnh viện liên quan đến thuốc đa liều là thời gian bảo quản sau mở nắp, nhiệt độ bảo quản khi lọ thuốc còn nguyên vẹn và sau mở nắp... Ngoài ra, việc bảo quản thuốc đa liều không đúng còn gây ra tình trạng giảm chất lượng thuốc, nhiễm khuẩn từ môi trường ngoài, nhiễm trùng chéo2. Một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng 90% lọ thuốc tiêm đa liều chỉ được sử dụng không quá 25% thể tích ban đầu trước ngày hết hạn của lọ thuốc1, gây lãng phí nguồn tài nguyên y tế 1.

Một đặc điểm khác nhau giữa việc sử dụng thuốc đa liều và thuốc đơn liều là việc thuốc đa liều có thêm một hạn sử dụng sau khi mở nắp. Nếu không có hướng dẫn đặc biệt của nhà sản xuất (ghi rõ hạn sử dụng sau khi mở nắp là bao nhiêu) thì USP định nghĩa hạn sử dụng của thuốc sau khi mở nắp là 28 ngày kể từ ngày vật chứa thuốc tiêm đa liều lần đầu tiên được mở (ví dụ như chọc kim tiêm). Mọi thuốc tiêm đa liều nên được dán nhãn ngày hết hạn của nó. (Cần lưu ý phân biệt giữa hạn sử dụng của thuốc khi còn nguyên và hạn sử dụng sau khi mở nắp).

Một số khuyến cáo các thuốc đa liều đang lưu hành trong tại Bệnh viện cần chú ý  được tổng hợp trong bảng sau

Bảng 1: Hạn dùng một số thuốc đa liều

Lọ thuốc phải được dán nhãn chú thích ngày mở vỏ không sử dụng sau 28 ngày trừ khi có khuyến cáo hạn dùng cụ thể như bảng dưới.

Chú thích

Khuyến cáo sử dụng và bảo quản

- Để giảm nguy cơ nhiễm trùng chéo cho bệnh nhân nên ưu tiên dùng thuốc tiêm đơn liều (SDV)

- Nếu chỉ có sẵn thuốc tiêm đa liều (MDV), nên dùng loại thuốc cho phép rút ra 1 liều đơn nhỏ nhất về thể tích.

- Mỗi lọ thuốc đơn liều hay đa liều chỉ nên dùng cho 1 bệnh nhân.  Các lọ thuốc không còn nắp cao su của nhà sản xuất nên được loại bỏ. Các trường hợp ngoại lệ như insulin và vắc xin phải được khoa Dược xác nhận tính an toàn trước khi sử dụng.

- Luôn tuân thủ kỹ thuật vô trùng khi chuẩn bị dung dịch tiêm và khi tiêm. Theo dõi nhiễm bẩn, đổi màu thuốc.

- Không dùng 1 bơm tiêm chứa thuốc cho nhiều bệnh nhân ngay cả khi kim tiêm đã được thay. Cần sử dụng 1 ống tiêm/1 bơm tiêm mới cho mổi bệnh nhân. Tái sử dụng là vi phạm nguyên tắc an toàn của CDC. Tất cả các bơm tiêm chứa thuốc, lọ thuốc (sau mở nắp) chứa thuốc đơn liều hay đa liều nếu không được sử dụng ngay đều phải dán nhãn:

+ Tất cả các bơm tiêm chứa thuốc, lọ thuốc (sau mở nắp) trong và ngoài môi trường vô trùng đều dán nhãn

+ Ghi nhãn thuốc hay dung dịch ngay khi chuyển từ bao bì gốc sang bơm tiêm, hay chai lọ khác.

+ Nhãn bơm tiêm chứa thuốc ghi rỏ tên thuốc, nồng độ, hàm lượng, thời gian hết hạn sử dụng. Lọ thuốc gốc sau mở nắp phải ghi ngày mở nắp.

+ Những bơm tiêm chứa thuốc, lọ thuốc gốc sau mở nắp  không có nhãn, hay mất nhãn đều cần loại bỏ

+ Khi bàn giao, ca trực nhân viên y tế có trách nhiện theo dõi chất lượng, màu sắc thường xuyên các bơm tiêm và lọ thuốc đa liều được dán nhãn.

- Vật (bình, chai, lọ, ống.v.v.) đa liều chứa thuốc gốc phải được dán nhãn chú thích ngày mở nắp.

Biên soạn: DS. Nguyễn Thị Hải Yến (A) - Khoa Dược, Bệnh viện TWQĐ 108

Tài liệu tham khảo

  1. Sheth, NK, Post, GT, Wisnieski, TR, Uttech (1983). J Clin Microbiol. pp. 17: 377-379.
  2. Press Ganey. Press Ganey knowledge summary: The cost of nosocomial infections. http://www.pressganey.com/files/nosocomial_infections_cost.pdf. Accessed October 8, 2009.
  3. U.S. Pharmacopeia National Formulary 2018_ USP 41 NF 36
Chia sẻ