Chú thích: Phần bôi đỏ là phần được xác định là điểm khác biệt (bổ sung hoặc sửa đổi) so với phiên bản năm 2023
Ngày 12/07/2024, khoảng một năm sau ban hành phiên bản 3.0, Hiệp hội bệnh truyền nhiễm Hoa Kỳ (IDSA) công bố Hướng dẫn về Điều trị Nhiễm khuẩn Gram âm kháng thuốc năm 2024, liên tục cập nhật các tiếp cận điều trị cho các bệnh nhiễm khuẩn do Enterobacterales sinh β-lactamase phổ mở rộng (ESBL-E), Enterobacterales sinh AmpC β-lactamase (AmpC-E), Enterobacterales kháng carbapenem (CRE), Pseudomonas aeruginosa kháng thuốc khó điều trị (DTR-P.Aeruginosa), Acinetobacter baumannii kháng carbapenem (CRAB) và Stenotrophomonas maltophilia.
*Các điểm cập nhật đáng lưu ý so với phiên bản năm 2023: Các điểm thay đổi chính so với Hướng dẫn năm 2023 được trình bày dưới đây.
ESBL-E
- Fosfomycin vẫn không được khuyến nghị cho viêm thận bể thận và nhiễm khuẩn đường tiết niệu phức tạp; tuy nhiên, sự phân vân về lợi ích cộng gộp của liều bổ sung fosfomycin đường uống cho những chỉ định này đã được nhấn mạnh trong những dữ liệu lâm sàng gần đây.
- Amoxicillin-acid clavulanic vẫn không là kháng sinh ưu tiên trong điều trị viêm bàng quang không phức tạp do ESBL-E; tuy nhiên, cần thừa nhận rằng có thể có những trường hợp kháng sinh này vẫn được kê đơn, khi tình trạng đề kháng hoặc độc tính loại trừ việc sử dụng các lựa chọn kháng sinh đường uống thay thế và có lý do cần tránh sử dụng kháng sinh đường tĩnh mạch. Cần thận trọng khi sử dụng amoxicillin-acid clavulanic cho chỉ định này do có nguy cơ tiềm tàng về việc tái nhiễm khuẩn.
- Hướng dẫn bổ sung lý do theo cơ chế tại sao piperacillin-tazobactam được dự đoán là không có hiệu quả với nhiễm khuẩn do ESBL-E.
- Piperacillin-tazobactam vẫn không là kháng sinh ưu tiên trong điều trị viêm thận bể thận hoặc nhiễm khuẩn đường tiết niệu phức tạp; tuy nhiên, cần nhận thức rằng nếu piperacillin-tazobactam được khởi đầu trong điều trị viêm thận bể thận hoặc nhiễm khuẩn đường tiết niệu phức tạp và có cải thiện trên lâm sàng, lựa chọn có tiếp tục piperacillin-tazobactam hay không cần cân nhắc là trên lý thuyết có nguy cơ thất bại vi sinh với cách tiếp cận này.
- Một tái tổng quan của các dữ liệu hiện có và mới có chỉ ra rằng ceftolozan-tazobactam có thể có hiệu quả với ESBL-E; tuy nhiên, nên dự trữ kháng sinh này cho điều trị DTR-P.aeruginosa hoặc nhiễm khuẩn đa vi khuẩn (ví dụ, nhiễm DTR-P.aeruginosa + ESBL-E)
AmpC-E
- Thuật ngữ “nguy cơ trung bình-cao” sinh AmpC có ý nghĩa lâm sàng được thay đổi thành “nguy cơ trung bình”.
- Làm rõ ngay cả khi không điều chỉnh tăng cường sản xuất AmpC, việc sản xuất AmpC β-lactamase cơ bản bởi các vi khuẩn có AmpC cảm ứng sẽ dẫn đến tình trạng đề kháng nội tại đối với ampicillin, amoxicillin-clavulanat, ampicillin-sulbactam và cephalosporin thế hệ thứ nhất và thứ hai.
- Dựa trên việc tổng quan các dữ liệu hiện có và xem xét các dữ liệu mới, loại bỏ khuyến nghị không sử dụng cefepim trong điều trị nhiễm khuẩn do Enterobacter cloacae, Citrobacter freundii, và Klebsiella aerogenes khi MIC cefepim từ 4-8 µg/mL vì lo ngại gia tăng nguy cơ sinh ESBL trong khoảng MIC này.
CRE
- Sự gia tăng tỷ lệ các chủng CRE phân lập được sinh metallo-beta-lactamase (MBL) ở Hoa Kỳ (ví dụ: NDM, VIM, IMP) đã được thừa nhận.
- Phần mô tả về tiêu chuẩn CLSI để kiểm tra hoạt tính của sự phối hợp ceftazidim-avibactam + aztreonam với Enterobacterales sinh MBL sẽ được thảo luận.
- Đề xuất về liều dùng của ceftazidim-avibactam + aztreonam được cập nhật trong Bảng 1. Cả hai kháng sinh này được khuyến nghị sử dụng mỗi 8 giờ để tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng đồng thời trong thực hành lâm sàng.
DTR-P.aeruginosa
- Đối với các bệnh nhiễm khuẩn do các chủng P.aeruginosa không nhạy cảm với bất kỳ carbapenem nào nhưng nhạy cảm với các β-lactam truyền thống (ví dụ: cefepim), việc sử dụng kháng sinh truyền thống ở mức liều cao, truyền kéo dài vẫn tiếp tục được khuyến nghị, mặc dù hội đồng không còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc làm lại kháng sinh đồ trên mẫu ban đầu trước khi sử dụng kháng sinh truyền thống này nữa.
- Một câu hỏi mới (câu hỏi 4.2) đã được thêm vào “Có sự khác biệt giữa tỷ lệ nhạy cảm của DTR-P.aeruginosa với các kháng sinh β-lactam khác nhau hay không?” Sự khác biệt về tỷ lệ nhạy cảm của DTR P. aeruginosa với các β-lactam mới được mô tả cùng với sự khác biệt theo địa phương về cơ chế đề kháng enzym góp phần tạo ra các khác biệt này.
- Tobramycin hoặc amikacin x 1 lần/ngày đã được bổ sung như là một lựa chọn điều trị thay thế cho bệnh viêm bể thận hoặc nhiễm khuẩn đường niệu phức tạp do DTR-P.aeruginosa gây ra.
CRAB
- Sulbactam-durlobactam, kết hợp với meropenem hoặc imipenem-cilastatin, được bổ sung như là một lựa chọn ưu tiên trong điều trị nhiễm khuẩn do CRAB.
- Ampicillin-sulbactam liều cao kết hợp với ít nhất một thuốc khác đã được thay đổi từ phác đồ ưu tiên sang phác đồ thay thế nếu không có sẵn sulbactam-durlobactam.
- Liều khuyến cáo của ampicillin-sulbactam liều cao đã được điều chỉnh thành 27 gam ampicillin-sulbactam (18 gam ampicillin, 9 gam sulbactam) mỗi ngày.
S.maltophilia
- Các câu hỏi đã được điều chỉnh theo thứ tự ưu tiên của các thuốc.
- Phần mô tả về phương pháp được CLSI chứng thực để kiểm tra hoạt tính của sự phối hợp ceftazidim-avibactam + aztreonam trên S.maltophilia sẽ được thảo luận.
- Tigecyclin đã bị loại bỏ khỏi phác đồ phối hợp.
- Cập nhật hướng dẫn của CLSI về việc không thử độ nhạy cảm của S.maltophilia với ceftazidim.
1. Giới thiệu
Đề kháng kháng sinh (Antimicrobial-resistant: AMR) được nhận định là một tình trạng khủng hoảng toàn cầu. Trên toàn thế giới, ước tính có đến khoảng 1,3 triệu ca tử vong có liên quan trực tiếp đến mầm bệnh kháng kháng sinh vào năm 2019.
Từ đó, IDSA đã tập trung phát triển các hướng dẫn tập trung hơn vào việc điều trị nhiễm khuẩn AMR, thay thế cho các hướng dẫn thực hành. Hướng dẫn sẽ được xuất bản trực tuyến và cập nhật thường niên.
Cũng như các phiên bản trước, hướng dẫn vẫn được trình bày dưới dạng các câu hỏi trả lời cho các tình huống lâm sàng đối với từng mầm bệnh cụ thể. Tiếp cận điều trị chung bao gồm điều trị theo kinh nghiệm và độ dài đợt điều trị không thay đổi so với khuyến cáo trong các phiên bản cũ.
Liều kháng sinh gợi ý cho bệnh nhân trưởng thành có chức năng gan và chức năng thận bình thường được trình bày trong bảng dưới.
Bảng 1. Liều gợi ý cho điều trị nhiễm khuẩn gram âm kháng thuốc ở người lớn với chức năng gan và thận bình thường1,2
Amikacin |
Viêm bàng quang không phức tạp: 15 mg/kg/liều IV x 1 liều duy nhất Viêm đài bể thận hoặc nhiễm khuẩn đường tiết niệu phức tạp: liều đầu tiên 15 mg/kg IV, các liều tiếp theo và quãng đưa liều hiệu chỉnh dựa trên kết quả theo dõi nồng độ thuốc |
Ampicillin-sulbactam |
Tổng liều hàng ngày 9g sulbactam, theo một trong các chế độ liều sau: 9g ampicillin-sulbactam (6g ampicillin và 3g sulbactam) IV q8h, truyền trong 4h HOẶC 27g ampicillin-sulbactam (18g ampicillin và 9g sulbactam) IV truyền liên tục trong 24h |
Cefepim |
Viêm bàng quang không phức tạp: 1g IV q8h, truyền trong 30 phút Các nhiễm khuẩn khác: 2g IV q8h, truyền trong 3h |
Cefiderocol |
2g IV q8h, truyền trong 3h CrCl ≥ 120 mL/phút: 2g IV q6h, truyền trong 3h |
Ceftazidim-avibactam |
2,5g IV q8h, truyền trong 3h |
Ceftazidim-avibactam + aztreonam |
Ceftazidim-avibactam: 2,5g IV q8h, truyền trong 3h PHỐI HỢP VỚI (sử dụng cùng lúc qua đường truyền chữ Y) Aztreonam: 2g IV q8h, truyền trong 3h |
Ceftolozan-tazobactam
|
Viêm bàng quang không phức tạp: 1,5g IV q8h, truyền trong 1h Các nhiễm khuẩn khác: 3g IV q8h, truyền trong 3h |
Ciprofloxacin |
Viêm bàng quang không phức tạp: 400mg IV q12h HOẶC 500mg PO q12h Các nhiễm khuẩn khác: 400mg IV q8h HOẶC 750mg PO q12h |
Colistin |
Tham khảo hướng dẫn đồng thuận quốc tế về polymyxin3 |
Eravacyclin |
1 mg/kg/liều IV q12h |
Ertapenem |
1 g IV q24h, truyền trong 30 phút |
Fosfomycin |
Viêm bàng quang không phức tạp: 3g PO x 1 liều duy nhất |
Gentamicin |
Viêm bàng quang không phức tạp: 5 mg/kg/liều IV x 1 liều duy nhất Viêm đài bể thận hoặc nhiễm khuẩn đường tiết niệu phức tạp: liều đầu tiên 7 mg/kg IV, các liều tiếp theo và quãng đưa liều hiệu chỉnh dựa trên kết quả theo dõi nồng độ thuốc |
Imipenem-cilastatin |
Viêm bàng quang không phức tạp: 500 mg IV q6h, truyền trong 30 phút Các nhiễm khuẩn khác: 500 mg IV q6h, truyền trong 3h (nếu có thể) |
Imipenem-cilastatin-relebactam |
1,25 g IV q6h, truyền trong 30 phút |
Levofloxacin |
750 mg IV/PO q24h |
Meropenem |
Viêm bàng quang không phức tạp: 1g IV q8h, truyền trong 30 phút Các nhiễm khuẩn khác: 2g IV q8h, truyền trong 3h (nếu có thể) |
Meropenem-vaborbactam |
4g IV q8h, truyền trong 3h |
Minocyclin |
200 mg IV/PO q12h |
Nitrofurantoin |
Dạng tinh thể/monohydrat: 100 mg PO q12h Dạng hỗn dịch uống: 50 mg PO q6h |
Plazomicin |
Viêm bàng quang không phức tạp: 15 mg/kg IV x 1 liều duy nhất Viêm thận bể thận hoặc nhiễm khuẩn đường tiết niệu phức tạp: liều đầu tiên 15 mg/kg IV, các liều tiếp theo và quãng đưa liều hiệu chỉnh dựa trên kết quả theo dõi nồng độ thuốc |
Polymyxin B |
Tham khảo hướng dẫn đồng thuận quốc tế về polymyxin3 |
Sulbactam-durlobactam |
Sulbactam 1 g/durlobactam 1 g IV (tổng 2 g) q6h, truyền trong 3h CrCl ≥ 130 mL/phút: sulbactam 1 g/durlobactam 1 g IV (tổng 2 g) q4h, truyền trong 3h |
Tigecyclin |
Liều đầu tiên 200 mg IV, sau đó 100 mg IV q12h |
Tobramycin |
Viêm bàng quang không phức tạp: 5 mg/kg IV x 1 liều duy nhất Viêm đài bể thận hoặc nhiễm khuẩn đường tiết niệu phức tạp: liều đầu tiên 7 mg/kg IV, các liều tiếp theo và quãng đưa liều hiệu chỉnh dựa trên kết quả theo dõi nồng độ thuốc |
Trimethoprim- sulfamethoxazol |
Viêm bàng quang không phức tạp: 160 mg (tính theo trimethoprim) IV/PO q12h Các nhiễm khuẩn khác: 10-15 mg/kg/ngày (tính theo trimethoprim) IV/PO chia làm nhiều lần q8h-q12h |
IV: Truyền tĩnh mạch; PO: Đường uống; q4h: Mỗi 4 giờ; q6h: Mỗi 6 giờ; q8h: Mỗi 8 giờ; q12h: Mỗi 12 giờ; q24h: Mỗi 24 giờ |
|
Ghi chú/Tài liệu tham khảo 1. Liều khuyến cáo chỉ giới hạn cho các chủng vi khuẩn và hội chứng nhiễm khuẩn được thảo luận trong hướng dẫn điều trị nhiễm khuẩn do vi khuẩn kháng thuốc của IDSA 2. Liều khuyến cáo trong bảng có thể khác với liều khuyến cáo bởi Cơ quan quản lý Dược và Thực phẩm Hoa Kỳ. 3. Tsuji BT, Pogue JM, Zavascki AP, et al. International Consensus Guidelines for the Optimal Use of the Polymyxins: Endorsed by the American College of Clinical Pharmacy (ACCP), European Society of Clinical Microbiology and Infectious Diseases (ESCMID), Infectious Diseases Society of America (IDSA), International Society for Anti-infective Pharmacology (ISAP), Society of Critical Care Medicine (SCCM), and Society of Infectious Diseases Pharmacists (SIDP). Pharmacotherapy 2019; 39(1): 10-39. |
2. Tiếp cận điều trị được đề xuất đối với các chủng cụ thể
2.1. Enterobacterales sinh β-lactamase phổ mở rộng
STT |
Câu hỏi |
Tiếp cận điều trị được đề xuất |
1 |
Kháng sinh ưu tiên cho điều trị viêm bàng quang không phức tạp do ESBL-E |
Lựa chọn điều trị ưu tiên là nitrofuratoin và trimethoprim-sulfamethoxazol. Lựa chọn thay thế là ciprofloxacin, levofloxacin và carbapenem: chỉ dùng khi vi khuẩn không nhạy cảm với nitrofuratoin và trimethoprim-sulfamethoxazol. Một aminoglycosid (liều duy nhất) + fosfomycin đường uống (chỉ dùng cho E. coli) cũng là một lựa chọn thay thế khác. |
2 |
Kháng sinh ưu tiên cho điều trị viêm bể thận và nhiễm khuẩn đường tiết niệu phức tạp do ESBL-E |
Lựa chọn điều trị ưu tiên là trimethoprim-sulfamethoxazol, ciprofloxacin, hoặc levofloxacin. Ertapenem, meropenem, và imipenem-cilastatin được ưu tiên khi bệnh nhân không thể sử dụng trimethoprim-sulfamethoxazol hoặc fluoroquinolone do vi khuẩn kháng thuốc hoặc do độc tính. Một lựa chọn thay thế khác là các aminoglycosid. |
3 |
Kháng sinh ưu tiên cho điều trị các nhiễm khuẩn khác ngoài đường tiết niệu do ESBL-E |
Lựa chọn điều trị ưu tiên là meropenem, imipenem-cilastatin, hoặc ertapenem. Meropenem hoặc imipenem-cilastatin được ưu tiên hơn ở bệnh nhân nặng và/hoặc có hạ albumin máu. Sau khi có đáp ứng lâm sàng, cân nhắc chuyển sang trimethoprim-sulfamethoxazol, ciprofloxacin, hoặc levofloxacin đường uống nếu vi khuẩn nhạy cảm |
4 |
Vai trò của piperacillin-tazobactam trong điều trị nhiễm khuẩn do ESBL-E |
Nếu phác đồ kinh nghiệm ban đầu cho viêm bàng quang không phức tạp sử dụng piperacillin-tazobactam, sau đó vi khuẩn phân lập được là ESBL-E và bệnh nhân có cải thiện lâm sàng, không cần thiết phải thay đổi hoặc kéo dài thời gian điều trị kháng sinh. Hội đồng gợi ý trimethoprim-sulfamethoxazol, ciprofloxacin, levofloxacin, hoặc carbapenem hơn là piperacillin-tazobactam cho điều trị viêm bể thận và nhiễm khuẩn đường tiết niệu phức tạp do ESBL-E, mặc dù nguy cơ thất bại lâm sàng với piperacillin-tazobactam có thể thấp. Piperacillin-tazobactam không được khuyến cáo cho điều trị các nhiễm khuẩn khác ngoài đường tiết niệu do ESBL-E, thậm chí cả khi vi khuẩn nhạy cảm. |
5 |
Vai trò của cefepim trong điều trị nhiễm khuẩn do ESBL-E |
Nếu phác đồ kinh nghiệm ban đầu cho viêm bàng quang không phức tạp sử dụng cefepim, sau đó vi khuẩn phân lập được là ESBL-E và bệnh nhân có cải thiện lâm sàng, không cần thiết phải thay đổi hoặc kéo dài thời gian điều trị kháng sinh. Hội đồng khuyến cáo không sử dụng cefepim trong điều trị viêm bể thận và nhiễm khuẩn đường tiết niệu phức tạp do ESBL-E. Cefepim không được khuyến cáo cho điều trị các nhiễm khuẩn khác ngoài đường tiết niệu do ESBL-E, thậm chí cả khi vi khuẩn nhạy cảm. |
6 |
Vai trò của các cephamycin trong điều trị nhiễm khuẩn do ESBL-E |
Các cephamycin không được khuyến cáo cho điều trị nhiễm khuẩn do ESBL-E cho đến khi có nhiều dữ liệu lâm sàng hơn về việc sử dụng cefoxitin hoặc cefotetan và liều dùng tối ưu được xác định |
7 |
Vai trò của các kháng sinh β-lactam/ chất ức chế β-lactamase mới và cefiderocol trong điều trị nhiễm khuẩn do ESBL-E |
Hội đồng khuyến cáo dự trữ ceftazidim-avibactam, meropenem-vaborbactam, imipenem-cilastatin-relebactam, ceftolozan-tazobactam và cefiderocol trong điều trị nhiễm khuẩn do các chủng kháng carbapenem. |
STT |
Câu hỏi |
Tiếp cận điều trị được đề xuất |
1 |
Các chủng Enterobacterales được đánh giá có nguy cơ trung bình sinh AmpC có ý nghĩa lâm sàng do gen ampC cảm ứng |
Enterobacter cloacae, Klebsiella aerogenes, và Citrobacter freundii |
2 |
Các yếu tố cần lưu tâm khi lựa chọn kháng sinh trong điều trị nhiễm nhiễm khuẩn do các vi khuẩn có nguy cơ trung bình sinh AmpC có ý nghĩa lâm sàng do gen ampC cảm ứng |
Một số kháng sinh β-lactam có nguy cơ làm cảm ứng gen ampC. Khi quyết định lựa chọn kháng sinh cần cân nhắc cả hai yếu tố là khả năng cảm ứng gen ampC và khả năng chống chịu sự thủy phân do AmpC. |
3 |
Vai trò của cefepim trong điều trị nhiễm khuẩn do Enterobacterales có nguy cơ trung bình sinh AmpC có ý nghĩa lâm sàng do gen ampC cảm ứng |
Cefepim được khuyến cáo trong điều trị nhiễm khuẩn do Enterobacterales có nguy cơ trung bình sinh AmpC có ý nghĩa lâm sàng (E. cloacae, K. aerogenes, và C. freundii) |
4 |
Vai trò của ceftriaxone trong điều trị nhiễm khuẩn do Enterobacterales có nguy cơ trung bình sinh AmpC có ý nghĩa lâm sàng do gen ampC cảm ứng |
Khuyến cáo không sử dụng ceftriaxon (hoặc cefotaxim hoặc ceftazidim) trong điều trị nhiễm khuẩn xâm lấn do vi khuẩn có nguy cơ trung bình sinh AmpC có ý nghĩa lâm sàng. Có thể sử dụng ceftriaxon trong điều trị viêm bàng quang không phức tạp do các vi khuẩn này nếu còn nhạy cảm. |
5 |
Vai trò của piperacillin-tazobactam trong điều trị nhiễm khuẩn do Enterobacterales có nguy cơ trung bình sinh AmpC có ý nghĩa lâm sàng do gen ampC cảm ứng |
Khuyến cáo không sử dụng piperacillin-tazobactam trong điều trị nhiễm khuẩn xâm lấn do Enterobacterales có nguy cơ trung bình sinh AmpC có ý nghĩa lâm sàng. |
6 |
Vai trò của các kháng sinh β-lactam/ chất ức chế β-lactamase mới và cefiderocol trong điều trị nhiễm khuẩn do Enterobacterales có nguy cơ trung bình sinh AmpC có ý nghĩa lâm sàng do gen ampC cảm ứng |
Hội đồng khuyến cáo chỉ sử dụng ceftazidim-avibactam, meropenem-vaborbactam, imipenem-cilastatin-relebactam, và cefiderocol trong điều trị nhiễm khuẩn do các chủng kháng carbapenem. Hội đồng khuyến cáo không lựa chọn ceftolozan-tazobactam trong điều trị nhiễm khuẩn do AmpC-E. |
7 |
Vai trò của liệu pháp không β-lactam trong điều trị nhiễm khuẩn do Enterobacterales có nguy cơ trung bình sinh AmpC có ý nghĩa lâm sàng do gen ampC cảm ứng |
Lựa chọn điều trị ưu tiên trong điều trị viêm bàng quang không phức tạp do AmpC-E là nitrofuratoin và trimethoprim-sulfamethoxazol. Lựa chọn thay thế trong điều trị viêm bàng quang không phức tạp là ciprofloxacin, levofloxacin, hoặc một aminoglycosid (liều duy nhất). Lựa chọn điều trị ưu tiên trong điều trị viêm thận bể thận và nhiễm khuẩn đường tiết niệu phức tạp là trimethoprim-sulfamethoxazol, ciprofloxacin, hoặc levofloxacin. Lựa chọn thay thế trong điều trị viêm thận bể thận và nhiễm khuẩn đường tiết niệu phức tạp khi vi khuẩn không nhạy cảm hoặc khi gặp độc tính với trimethoprim-sulfamethoxazol hoặc fluoroquinolon là aminoglycosid. Trong điều trị nhiễm khuẩn do AmpC-E ngoài đường tiết niệu, cân nhắc chuyển đổi từ cefepim sang trimethoprim-sulfamethoxazol, ciprofloxacin, hoặc levofloxacin đường uống nếu vi khuẩn nhạy cảm. |
STT |
Câu hỏi |
Tiếp cận điều trị được đề xuất |
1 |
Kháng sinh ưu tiên cho điều trị viêm bàng quang không phức tạp do CRE |
Lựa chọn điều trị ưu tiên là nitrofurantoin, trimethoprim-sulfamethoxazol, ciprofloxacin, hoặc levofloxacin, mặc dù tỷ lệ nhạy cảm với các kháng sinh này thường thấp. Lựa chọn thay thế là một aminoglycosid (liều duy nhất), fosfomycin đường uống (chỉ dùng cho E. coli), colistin, ceftazidim-avibactam, meropenem-vaborbactam, imipenem-cilastatin-relebactam, hoặc cefiderocol |
2 |
Kháng sinh ưu tiên cho điều trị viêm bể thận và nhiễm khuẩn đường tiết niệu phức tạp do CRE |
Lựa chọn điều trị ưu tiên là trimethoprim-sulfamethoxazol, ciprofloxacin, hoặc levofloxacin nếu vi khuẩn nhạy cảm. Lựa chọn điều trị ưu tiên khác là ceftazidim-avibactam, meropenem-vaborbactam, imipenem-cilastatin-relebactam, và cefiderocol. Lựa chọn thay thế là aminoglycosid. |
3 |
Kháng sinh ưu tiên cho điều trị các nhiễm khuẩn khác ngoài đường tiết niệu do CRE không sinh carbapenamase |
Với nhiễm khuẩn do Enterobacterales không sinh carbapenemase nhạy cảm với meropenem và imipenem (MIC ≤ 1 µg/mL), nhưng không nhạy cảm với ertapenem (MIC ≥ 1 µg/mL), nên sử dụng meropenem (hoặc imipenem-cilastatin) truyền kéo dài. Với nhiễm khuẩn do Enterobacterales không sinh carbapenemase không nhạy cảm với bất kỳ carbapenem nào, lựa chọn điều trị ưu tiên là ceftazidim-avibactam, meropenem-vaborbactam, và imipenem-cilastatin-relebactam. |
4 |
Kháng sinh ưu tiên cho điều trị các nhiễm khuẩn khác ngoài đường tiết niệu do CRE sinh KPC |
Lựa chọn điều trị ưu tiên là meropenem-vaborbactam, ceftazidim-avibactam, và imipenem-cilastatin-relebactam. Lựa chọn thay thế là cefiderocol. |
5 |
Kháng sinh ưu tiên cho điều trị các nhiễm khuẩn khác ngoài đường tiết niệu do CRE sinh NDM hoặc các MBL khác |
Lựa chọn điều trị ưu tiên là ceftazidim-avibactam phối hợp với aztreonam, hoặc cefiderocol đơn độc. |
6 |
Kháng sinh ưu tiên cho điều trị các nhiễm khuẩn khác ngoài đường tiết niệu do CRE sinh enzym giống OXA-48 |
Lựa chọn điều trị ưu tiên là ceftazidim-avibactam. Lựa chọn thay thế là cefiderocol. |
7 |
Khả năng xuất hiện đề kháng với các kháng sinh β-lactam mới ở các chủng CRE phân lập được, khi sử dụng các kháng sinh này để điều trị nhiễm khuẩn do CRE |
Khả năng xuất hiện đề kháng là một điều đáng quan ngại với tất cả các kháng sinh β-lactam mới khi sử dụng chúng để điều trị nhiễm khuẩn do CRE. Các dữ liệu hiện tại gợi ý rằng tần suất xuất hiện đề kháng có vẻ là cao nhất với ceftazidim-avibactam. |
8 |
Vai trò của các dẫn xuất tetracyclin trong điều trị nhiễm khuẩn do CRE? |
Mặc dù các kháng sinh β-lactam vẫn là lựa chọn ưu tiên cho nhiễm khuẩn do CRE, tigecyclin và eravacyclin là các lựa chọn thay thế khi vi khuẩn không nhạy cảm với β-lactam hoặc bệnh nhân không dung nạp. Khuyến cáo không sử dụng các dẫn xuất tetracyclin đơn độc trong điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu hoặc nhiễm khuẩn huyết do CRE. |
9 |
Vai trò của các polymyxin trong điều trị nhiễm khuẩn do CRE |
Khuyến cáo không sử dụng polymyxin B và colistin trong điều trị nhiễm khuẩn do CRE. Colistin có thể được xem là một lựa chọn thay thế cho viêm bàng quang không phức tạp do CRE. |
10 |
Vai trò của việc phối hợp kháng sinh trong điều trị nhiễm khuẩn do CRE |
Khuyến cáo không sử dụng các phác đồ phối hợp kháng sinh (ví dụ như sử dụng một β-lactam kết hợp với một aminoglycosid, fluoroquinolon, hoặc polymyxin) trong điều trị nhiễm khuẩn do CRE. |
2.4. Pseudomonas aeruginosa kháng thuốc khó điều trị
STT |
Câu hỏi |
Tiếp cận điều trị được đề xuất |
1 |
Kháng sinh ưu tiên cho điều trị nhiễm khuẩn do Pseudomonas aeruginosa đa kháng thuốc (MDR- P.aeruginosa) |
Khi P.aeruginosa phân lập được nhạy cảm với các kháng sinh non-carbapenem β-lactam truyền thống (ví dụ như piperacillin-tazobactam, ceftazidim, cefepim, aztreonam) và carbapenem, các kháng sinh này được ưu tiên hơn carbapenem. Khi P.aeruginosa phân lập được không nhạy cảm với bất kỳ carbapenem nào nhưng nhạy cảm với các β-lactam truyền thống, hội đồng gợi ý sử dụng kháng sinh truyền thống ở mức liều cao, truyền kéo dài và lặp lại xét nghiệm AST. Ở bệnh nhân nặng hoặc kiểm soát nguồn nhiễm khuẩn kém, khi P.aeruginosa phân lập được kháng carbapenem nhưng nhạy cảm với các β-lactam truyền thống, sử dụng các β-lactam mới còn nhạy cảm (ceftolozan-tazobactam, ceftazidim-avibactam, imipenem-cilastatin-relebactam) cũng là một cách tiếp cận phù hợp. |
2 |
Có sự khác biệt giữa tỷ lệ nhạy cảm của DTR-P.aeruginosa với các kháng sinh β-lactam khác nhau hay không? |
Có sự khác biệt giữa tỷ lệ nhạy cảm của DTR-P.aeruginosa với các kháng sinh β-lactam khác nhau, một phần là do cơ chế sinh enzym đề kháng khác nhau theo địa phương |
3 |
Kháng sinh ưu tiên cho điều trị viêm bàng quang không phức tạp do DTR-P.aeruginosa |
Lựa chọn điều trị ưu tiên là ceftolozan-tazobactam, ceftazidim-avibactam, imipenem-cilastatin-relebactam, và cefiderocol. Lựa chọn thay thế là tobramycin hoặc amikacin (liều duy nhất). |
4 |
Kháng sinh ưu tiên cho điều trị viêm bể thận và nhiễm khuẩn đường tiết niệu phức tạp do DTR-P.aeruginosa |
Lựa chọn điều trị ưu tiên là ceftolozan-tazobactam, ceftazidim-avibactam, imipenem-cilastatin-relebactam, và cefiderocol. Lựa chọn thay thế là tobramycin hoặc amikacin x 1 lần/ngày. |
5 |
Kháng sinh ưu tiên cho điều trị các nhiễm khuẩn khác ngoài đường tiết niệu do DTR-P.aeruginosa |
Lựa chọn điều trị ưu tiên là ceftolozan-tazobactam, ceftazidim-avibactam, và imipenem-cilastatin-relebactam. Lựa chọn thay thế là cefiderocol. |
6 |
Kháng sinh ưu tiên cho điều trị nhiễm khuẩn do DTR-P. aeruginosa sinh enzym metallo-β-lactamse |
Lựa chọn điều trị ưu tiên là cefiderocol. |
7 |
Khả năng xuất hiện đề kháng với các kháng sinh β-lactam mới ở các chủng DTR-P. aeruginosa phân lập được, khi sử dụng các kháng sinh này để điều trị nhiễm khuẩn do DTR-P. aeruginosa |
Khả năng xuất hiện đề kháng là một điều đáng quan ngại với tất cả các kháng sinh β-lactam mới khi sử dụng chúng để điều trị nhiễm khuẩn do DTR-P. aeruginosa. Các dữ liệu hiện tại gợi ý rằng tần suất xuất hiện đề kháng có vẻ là cao nhất với ceftazidim-avibactam và ceftazidim-avibactam, tuy nhiên imipenem-cilastatin-relebactam có ít dữ liệu nghiên cứu về vấn đề này hơn. |
8 |
Vai trò của việc phối hợp kháng sinh trong điều trị nhiễm khuẩn do DTR-P. aeruginosa |
Các phác đồ phối hợp kháng sinh không được khuyến cáo cho điều trị nhiễm khuẩn do DTR-P. aeruginosa nếu vi khuẩn nhạy cảm với ceftolozan-tazobactam, ceftazidim-avibactam, imipenem-cilastatin-relebactam hoặc cefiderocol. |
9 |
Vai trò của kháng sinh đường khí dung trong điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp do DTR-P. aeruginosa |
Hội đồng không khuyến cáo sử dụng kháng sinh đường khí dung trong điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp do DTR-P. aeruginosa |
2.5. Acinetobacter baumannii kháng carbapenem (CRAB)
STT |
Câu hỏi |
Tiếp cận điều trị được đề xuất |
1 |
Tiếp cận điều trị chung trong nhiễm khuẩn do CRAB |
Khuyến cáo sử dụng phác đồ phối hợp có sulbactam. Lựa chọn điều trị ưu tiên là sulbactam-durlobactam kết hợp với một carbapenem (imipenem-cilastatin hoặc meropenem). Lựa chọn thay thế là ampicillin-sulbactam liều cao (tổng liều/ngày là 9g tính theo sulbactam) kết hợp với ít nhất một kháng sinh khác (polymyxin B, minocyclin > tigecyclin, hoặc cefiderocol), nếu không có sulbactam-durlobactam. |
2 |
Vai trò của sulbactam-durlobactam trong điều trị nhiễm khuẩn do CRAB |
Sulbactam-durlobactam là kháng sinh ưu tiên trong điều trị nhiễm khuẩn do CRAB và nên được phối hợp với imipenem-cilastatin hoặc meropenem. |
3 |
Vai trò của ampicillin-sulbactam trong điều trị nhiễm khuẩn do CRAB |
Ampicillin-sulbactam liều cao kết hợp với ít nhất một kháng sinh khác, là lựa chọn thay thế trong điều trị nhiễm khuẩn do CRAB khi không có sulbactam-durlobactam. |
4 |
Vai trò của việc phối hợp kháng sinh trong điều trị nhiễm khuẩn do CRAB |
Phác đồ kết hợp ít nhất 2 kháng sinh, được khuyến cáo trong điều trị nhiễm khuẩn do CRAB, sử dụng ít nhất cho đến khi bệnh nhân có cải thiện quan sát được trên lâm sàng. |
5 |
Vai trò của các polymyxin trong điều trị nhiễm khuẩn do CRAB |
Có thể cân nhắc phối hợp polymyxin B với ít nhất một kháng sinh khác. |
6 |
Vai trò của các dẫn xuất tetracyclin trong điều trị nhiễm khuẩn do CRAB |
Có thể cân nhắc phối hợp minocyclin hoặc tigecyclin liều cao với ít nhất một kháng sinh khác. Hội đồng ưu tiên minocyclin hơn tigecyclin do có kinh nghiệm lâm sàng lâu hơn với kháng sinh này và có sẵn tiêu chí phiên giải tính nhạy cảm theo CLSI. |
7 |
Vai trò của cefiderocol trong điều trị nhiễm khuẩn do CRAB |
Chỉ nên giới hạn sử dụng cefiderocol trong điều trị nhiễm khuẩn do CRAB kháng trị hoặc không dung nạp với các kháng sinh khác. Khi sử dụng cefiderocol để điều trị nhiễm khuẩn do CRAB, hội đồng khuyến cáo nên phối hợp với ít nhất một kháng sinh khác. |
8 |
Vai trò của meropenem hoặc imipenem-cilastatin truyền kéo dài trong điều trị nhiễm khuẩn do CRAB |
Khuyến cáo không sử dụng meropenem hoặc imipenem-cilastatin trong điều trị nhiễm khuẩn do CRAB, trừ trường hợp phối hợp với sulbactam-durlobactam. |
9 |
Vai trò của rifamycin trong điều trị nhiễm khuẩn do CRAB |
Khuyến cáo không sử dụng rifampin hoặc các rifamycin khác. |
10 |
Vai trò của kháng sinh đường khí dung trong điều trị nhiễm khuẩn do CRAB |
Hội đồng không khuyến cáo sử dụng kháng sinh đường khí dung trong điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp do CRAB. |
STT |
Câu hỏi |
Tiếp cận điều trị được đề xuất |
1 |
Tiếp cận điều trị chung trong nhiễm khuẩn do S.maltophilia |
Có thể lựa chọn 1 trong 2 cách tiếp cận sau: (1) Phối hợp 2 trong các kháng sinh sau: cefiderocol, minocyclin, trimethoprim-sulfamethoxazol, hoặc levofloxacin. HOẶC (2) Phối hợp ceftazidim-avibactam và aztreonam. |
2 |
Vai trò của cefiderocol trong điều trị nhiễm khuẩn do S.maltophilia |
Cefiderocol phối hợp với ít nhất một kháng sinh khác, sử dụng ít nhất đến khi có cải thiện quan sát được trên lâm sàng, là kháng sinh ưu tiên trong điều trị nhiễm khuẩn do S.maltophilia. |
3 |
Vai trò của ceftazidim-avibactam và aztreonam trong điều trị nhiễm khuẩn do S. maltophilia |
Phối hợp ceftazidim-avibactam và aztreonam là lựa chọn điều trị ưu tiên trong điều trị nhiễm khuẩn do S.maltophilia. |
4 |
Vai trò của các dẫn xuất tetracyclin trong điều trị nhiễm khuẩn do S. maltophilia |
Minocyclin liều cao, phối hợp với ít nhất một kháng sinh khác, là một lựa chọn cho điều trị nhiễm khuẩn do S.maltophilia. |
5 |
Vai trò của trimethoprim-sulfamethoxazol trong điều trị nhiễm khuẩn do S. maltophilia |
Trimethoprim-sulfamethoxazol, phối hợp với ít nhất một kháng sinh khác, là một lựa chọn cho điều trị nhiễm khuẩn do S.maltophilia. |
6 |
Vai trò của fluoroquinolon trong điều trị nhiễm khuẩn do S. maltophilia |
Levofloxacin, phối hợp với ít nhất một kháng sinh khác, là một lựa chọn cho điều trị nhiễm khuẩn do S.maltophilia. |
7 |
Vai trò của ceftazidim trong điều trị nhiễm khuẩn do S. maltophilia |
Không nên lựa chọn ceftazidim cho điều trị nhiễm khuẩn do S.maltophilia do vi khuẩn có các gen β-lactamase nội tại được cho là sẽ bất hoạt ceftazidim. Kể từ 2024, CLSI breakpoints của S.maltophilia với ceftazidim đã được loại bỏ. |
3. Kết luận
Tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn luôn thay đổi và phát triển nhanh chóng tạo ra nhiều thách thức với các nhà lâm sáng. Khi các kháng sinh mới đang được đưa vào sử dụng, chúng ta sẽ học được nhiều điều mới về hiệu quả của chúng cũng như nguy cơ bị đề kháng bởi vi khuẩn. Hướng dẫn này sẽ tiếp tục được cập nhật hàng năm.
Lược dịch: DS. Lê Minh Hồng - Khoa Dược, Bệnh viện TWQĐ 108
Tài liệu tham khảo: Pranita D. Tamma, Emily L. Heil, Julie Ann Justo, Amy J. Mathers, Michael J. Satlin, Robert A. Bonomo, Infectious Diseases Society of America Antimicrobial-Resistant Treatment Guidance: Gram-Negative Bacterial Infections. Infectious Diseases Society of America 2024; Version 4.0. Available at https://www.idsociety.org/practice-guideline/amr-guidance/. Accessed 19/07/2024.