Cập nhật đồng thuận chuyên gia 2024 của Trường môn Tim mạch học Hoa Kỳ về lộ trình điều trị suy tim phân suất tống máu giảm

  02:40 PM 15/08/2024

Suy tim là hậu quả của nhiều bệnh lý tim mạch, ảnh hưởng tới chất lượng sống và thời gian sống thêm của người bệnh. Năm 2024, Trường môn tim mạch học Hoa Kỳ đã tiếp tục đưa ra Đồng thuận chuyên gia dựa trên dữ liệu từ những nghiên cứu gần đây nhằm cung cấp hướng dẫn ngắn gọn, thiết thực về lộ trình điều trị suy tim phân suất tống máu giảm (Heart Failure with reduced ejection fraction – HFrEF). Chúng tôi xin được lược dịch và tóm tắt một số cập nhật về cách khởi trị, thêm/chuyển đổi thuốc, và cách tối ưu hóa phác đồ nội khoa theo hướng dẫn (GDMT) trên người bệnh HFrEF.

1. Khởi trị, thêm/chuyển đổi thuốc trong phác đồ nội khoa theo hướng dẫn (GDMT):

Khuyến cáo khởi trị GDMT ở người bệnh mới được chẩn đoán HFrEF có triệu chứng được trình bày trong Hình 1.

Ở bệnh nhân mới được chẩn đoán HFrEF giai đoạn C, hai câu hỏi thường gặp là: (1) Nên bắt đầu dùng nhóm thuốc nào trước tiên, và (2) Bổ sung thuốc như thế nào và khoảng thời gian hiệu chỉnh liều thuốc là bao lâu. Hiện chưa có thứ tự tối ưu cho việc bắt đầu thuốc và/hoặc hiệu chỉnh liều, trên lâm sàng sẽ cần tiếp cận riêng theo từng bệnh nhân. Ví dụ: khởi đầu ARNI thường dung nạp tốt hơn ở bệnh nhân còn sung huyết (“ướt”), trong khi chẹn beta dung nạp tốt hơn ở bệnh nhân không sung huyết (“khô”) và có nhịp tim phù hợp; không khởi trị mới chẹn beta ở bệnh nhân có dấu hiệu hoặc triệu chứng mất bù nhưng có thể tiếp tục chẹn beta (khi đang sử dụng chẹn beta) ở người bệnh suy tim mất bù.

Hình 1. Lộ trình điều trị phác đồ nội khoa theo hướng dẫn (GDMT)

Hội đồng đưa ra khuyến cáo rằng với bất kể trình tự khởi đầu thuốc, việc bắt đầu và hiệu chỉnh GDMT nên được thực hiện sớm và nhanh nhất có thể với mục tiêu đạt được 4 nhóm thuốc trụ cột ở liều đích hoặc liều tối đa dung nạp trên người bệnh. Ở bệnh nhân HFrEF mới mắc, thời gian lý tưởng là không quá 3 tháng. Trong một số trường hợp, có thể người bệnh đã sử dụng một/một vài thuốc trong GDMT ở liều đích/liều tối đa dung nạp, do đó chỉ cần bổ sung các nhóm thuốc còn thiếu nhanh nhất có thể, và thời gian đạt mục tiêu có thể sẽ ngắn hơn. Liều khởi đầu và liều đích của các thuốc điều trị HFrEF được trình bày trong Bảng 1.

Bảng 1. Liều khởi đầu và liều đích cho các thuốc trong khuyến cáo

Tên thuốc

Liều khởi đầu

Liều đích

Nhóm chẹn Beta

Bisoprolol

1,25 mg x 1lần/ngày

10 mg x 1lần/ngày

Carvedilol

3,125 mg x 2 lần/ngày

< 85kg: 25 mg x 2 lần/ngày

≥ 85 kg: 50 mg x 2 lần/ngày

Metoprolol succinate

12,5 – 25 mg 1lần/ngày

200 mg x 1 lần/ngày

Ức chế neprilysin/angiotensin (ARNI)

Sacubitril/valsartan

- Đang dùng liều cao ACEI (> 10 mg/ngày enalapril hoặc liều tương đương của các ACEI khác); Đang dùng liều cao ARB (> 160 mg/ngày valsartan hoặc liều tương đương của các ARB khác): 49/51 mg x 2 lần/ngày

- Người bệnh mới khởi trị ARNI; Chưa dùng ACEI/ARB trước đó; Đang dùng liều thấp ACEI (≤ 10 mg/ngày enalapril hoặc liều tương đương của các ACEI khác); Đang dùng liều thấp ARB (≤ 160 mg/ngày valsartan hoặc liều tương đương của các ARB khác); Suy thận nặng (eGFR < 30 mL/phút/1,73 m2); Suy gan trung bình (Child Pugh B); Tuổi cao (≥ 75 tuổi): 24/26 mg x 2 lần/ngày

97/103 mg x 2 lần/ngày

Ức chế men chuyển (ACEIs)

Captopril

6,25 mg x 3 lần/ngày

50 mg x 3 lần/ngày

Enalapril

2,5 mg x 2 lần/ngày

10 – 20 mg x 2 lần/ngày

Lisinopril

2,5 – 5 mg x 1lần/ngày

20 – 40 mg x 1 lần/ngày

Ramipril

1,25 mg x 1 lần/ngày

10 mg x 1 lần/ngày

Chẹn thụ thể angiotensin (ARBs)

Candesartan

4 – 8 mg x 1lần/ngày

32 mg x 1 lần/ngày

Losartan

25-50 mg x 1lần/ngày

150 mg x 1 lần/ngày

Valsartan

40 mg x 2 lần/ngày

160 mg x 2 lần/ngày

Kháng aldosterol

Eplerenone

25 mg x 1 lần/ngày

50 mg x 1 lần/ngày

Spironolactone

12,5 – 25 mg x 1 lần/ngày

25 – 50 mg x 1 lần/ngày

Ức chế SGLT

Dapagliflozin

10 mg x 1 lần/ngày

10 mg x 1 lần/ngày

Empagliflozin

10 mg x 1 lần/ngày

10 mg x 1 lần/ngày

Sotagliflozin

200 mg x 1 lần/ngày

400 mg x 1 lần/ngày

Thuốc giãn mạch

Hydralazine

25 mg x 3 lần/ngày

75 mg x 3 lần/ngày

Isosorbide dinitrate

20 mg x 3 lần/ngày

40 mg x 3 lần/ngày

Isosorbide dinitrate/hydralazine

20/37,5 mg x 3 lần/ngày

40/75 mg x 3 lần/ngày

Ivabradine

Ivabradine

- Đang dùng liều tối đa dung nạp của chẹn beta nhưng nhịp tim lúc nghỉ ≥ 70 bpm dai dẳng: 5 mg x 2 lần/ngày cùng bữa ăn

- Tiền sử bệnh dẫn truyền tim; Người bệnh ≥ 75 tuổi: 2,5 mg x 2 lần/ngày cùng bữa ăn

Điều chỉnh để nhịp tim 50 – 60 nhịp/phút. Liều tối đa 7,5 mg x 2 lần/ngày

Kích hoạt men guanylyl cyclase hòa tan

Vericiguat

2,5 mg x 1 lần/ngày

10 mg x 1 lần/ngày

* Lưu ý:

- Digoxin vẫn được chỉ định cho HFrEF, nhưng hiện tại chưa có thêm dữ liệu bổ sung trong lần cập nhật này.

- Isosorbide mononitrate không được khuyến cáo trong hướng dẫn điều trị của ACC/AHA/HFSA.

- Hướng dẫn điều trị của ACC/AHA/HFSA năm 2022 khuyến cáo dùng thuốc phối hợp hoặc dùng riêng biệt isosorbide dinitrate và hydralazine trong điều trị suy tim.

Trong một số trường hợp, có thể bắt đầu phác đồ phối hợp cả 4 nhóm thuốc trụ cột cùng một lúc ở mức liều thấp, và có thể hiệu chỉnh liều > 1 thuốc tại cùng một thời điểm. Trong các trường hợp khác, có thể cần bắt đầu các nhóm thuốc với trình tự khác nhau và các cách kết hợp khác nhau. Việc khởi đầu và hiệu chỉnh liều GDMT cần cân nhắc theo kiểu hình của từng người bệnh, được trình bày trong Hình 2Bảng 2.

Hình 2. Khởi đầu và hiệu chỉnh liều GDMT

Bảng 2. Chỉ định, chống chỉ định và thận trọng khi sử dụng ARNI, Ivabradine, ức chế SGLTvà Vericiguat

Nhóm thuốc

Chỉ định, chống chỉ định và thận trọng

ARNI

  • Chỉ định:

- Suy tim NYHA độ II-IV

- Sử dụng bổ trợ cho GDMT, thay cho ACEI hoặc ARB

  • Chống chỉ định:

- Sử dụng ACEI trong vòng 36 giờ trước

- Tiền sử phù mạch

- Phụ nữ có thai và cho con bú

- Suy gan nặng (Child-Pugh C)

- Sử dụng đồng thời với aliskiren ở người bệnh đái tháo đường

- Tiền sử quá mẫn với thuốc

  • Thận trọng:

- Suy thận:

+ Mức độ nhẹ - trung bình ((eGFR 30-59 mL/phút/1.73 m2): không cần hiệu chỉnh liều khởi đầu

+ Mức độ nặng (eGFR <30 mL/phút/1.73 m2): giảm liều khởi đầu còn 24/26mg x 2 lần/ngày; gấp đôi liều mỗi 2-4 tuần để đạt liều đích 97/103 mg x 2 lần/ngày, theo dung nạp của bệnh nhân

- Suy gan

+ Mức độ nhẹ (Child-Pugh A): không cần hiệu chỉnh liều khởi đầu

+ Mức độ trung bình (Child-Pugh B): giảm liều khởi đầu còn 24/26mg x 2 lần/ngày; gấp đôi liều mỗi 2-4 tuần để đạt liều đích 97/103 mg x 2 lần/ngày, theo dung nạp của bệnh nhân

- Hẹp động mạch thận

- Huyết áp tâm thu <100 mm Hg

- Giảm thể tích tuần hoàn

Ivabradin

  • Chỉ định:

- LVEF ≤ 35%

- Người bệnh đã dùng đến liều tối đa dung nạp của chẹn beta

- Nhịp xoang với nhịp tim lúc nghỉ ≥ 70 bpm

- Suy tim NYHA độ II-III

  • Chống chỉ định:

- HFpEF

- Xuất hiện đau thắt ngực với EF bình thường

- Quá mẫn

- Suy gan nặng (Child-Pugh C)

- Suy tim mất bù cấp tính

- Huyết áp < 90/50 mm Hg

- Hội chứng suy nút xoang không được đặt máy tạo nhịp

- Block nút xoang

- Block độ hai hoặc độ ba được đặt máy tạo nhịp

- Rung nhĩ kéo dài hoặc cuồng nhĩ

- Phụ thuộc vào máy tạo nhịp

  • Thận trọng:

- Bệnh nút xoang

- Bệnh dẫn truyền tim

- Kéo dài khoảng QT

- Nhịp tim lúc nghỉ < 60 bpm

SGLTi

  • Chỉ định:

- HFrEF (EF ≤ 40%) không có đái tháo đường

- Suy tim NYHA độ II-IV

- Sử dụng bổ trợ cho GMDT

  • Chống chỉ định:

- Người bệnh đái tháo đường typ 1 do tăng nguy cơ nhiễm toan ceton

- Tiền sử quá mẫn với SGLTi

  • Thận trọng:

- Người bệnh suy tim, dùng dapagliflozin hoặc sotagliflozin, thận trọng khi eGFR < 25 mL/phút/1.73 m2

- Phụ nữ có thai

- Tăng nguy cơ nhiễm nấm bộ phận sinh dục

- Có thể góp phần làm giảm thể tích tuần hòa. Cân nhắc giảm liều lợi tiếu nếu có thể

- Nhiễm toan ceton ở người bệnh đái tháo đường:

-Khuyến cáo tạm ngừng ít nhất 3 ngày trước phẫu thuật phiên nhằm tránh nguy cơ nhiễm toan ceton

- Đánh giá nhiễm toan ceton ở tất cả bệnh nhân có triệu chứng và dấu hiệu toan chuyển hóa, bất kể mức đường huyết

- Suy thận cấp và suy giảm chức năng thận: cân nhắc tạm ngừng thuốc trong bối cảnh bệnh nhân giảm lượng dịch vào hoặc dịch ra

- Sepsis đường vào tiết hiệu hoặc viêm thận bể thận: đánh giá dấu hiệu và triệu chứng nhiễm khuẩn đường tiết niệu và điều trị kịp thời

- Viêm cân mạc hoại tử vùng đáy chậu (hoại thư Fournier): đây là trường hợp hiếm gặp, nghiêm trọng, đe dọa tính mạng đã xảy ra ở cả bệnh nhân nữ và nam; cần đánh giá bệnh nhân có biểu hiện đau hoặc đau khi ấn vào, ban đỏ hoặc sưng ở vùng sinh dục hoặc vùng đáy chậu, cùng với sốt hoặc khó chịu

Vericiguat

  • Chỉ định:

- HFrEF (LVEF < 45%)

- Người bệnh đã dùng đến mức liều tối đa dung nạp của GMDT

- Triệu chứng suy tim nặng lên

  • Chống chỉ định:

- Sử dụng đồng thời với 1 chất kích thích guanylate cyclase hòa tan khác

- Phụ nữ mang thai

  • Thận trọng:

- Thiếu máu

- Hạ huyết áp có triệu chứng

- Dùng đồng thời với thuốc ức chế PDE-5 do nguy cơ hạ áp

2. Tối ưu hóa phác đồ nội khoa theo hướng dẫn (GDMT) trên người bệnh HFrEF:

Để đạt được tối đa lợi ích của GDMT, cần khởi trị và hiệu chỉnh các nhóm thuốc đến liều tối đa dung nạp. Chiến lược hiệu chỉnh liều đã được trình bày trong Hình 1Hình 2. Khuyến cáo tối ưu (khởi trị và đạt liều đích/liều tối đa dung nạp) GDMT sớm và nhanh chóng để cải thiện kết cục ở bệnh nhân, giảm nhập viện do suy tim và tử vong.

Mặc dù Hội đồng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cố gắng một cách toàn diện để thiết lập 4 trụ cột trong điều trị suy tim trên người bệnh, trên thực hành lâm sàng sẽ có một số rào cản như: tuổi cao, gặp tác dụng không mong muốn, nhiều bệnh đồng mắc hạn chế hiệu chỉnh liều thuốc. Tuy nhiên, sử dụng nhiều nhóm thuốc trong GDMT ở mức liều thấp hơn liều đích vẫn có hiệu quả hơn sử dụng 1 hoặc 2 loại thuốc ở mức liều cao.

Sau khi GDMT được khởi trị và hiệu chỉnh đạt liều đích hoặc liều tối đa dùng nạp, người bệnh vẫn nên được đánh giá thường xuyên. Đối với đa số người bệnh, khoảng thời gian đánh giá phù hợp là mỗi 3-6 tháng.

Biên soạn: ThS.DS. Đinh Thị Lan Anh - Khoa Dược, Bệnh viện TWQĐ 108

 

Một số từ viết tắt: HFrEF – Heart failure with reduced ejection fraction: Suy tim phân suất tống máu giảm; GDMT – Guideline directed medical therapy: phác đồ nội khoa theo hướng dẫn; ARNI – Angiotensin receptor-neprilysin inhibitor: Ức chế thụ thể angiotensin-neprilysin; MRA – Mineralocorticoid receptor antagonist: Đối kháng thụ thể mineralocorticoid; SGLTi – Sodium-glucose cotransporter inhibitor: Ức chế kênh đồng vận chuyển natri-glucose; ACEI – angiotensin-converting enzyme inhibitor: Ức chế men chuyển angiotensin; ARB – angiotensin receptor blocker: Chẹn thụ thể angiotensin; NYHA – New York Heart Association: Phân độ suy tim theo Hội tim mạch New York

Nguồn: 2024 ACC Expert Consensus Decision Pathway for Treatment of Heart Failure with Reduced Ejection Fraction

 

 
Chia sẻ