Vai trò của xét nghiệm mô miễn dịch ALK trong lựa chọn bệnh nhân phù hợp với liệu pháp Anti-ALK trong ung thư phổi không tế bào nhỏ

  03:22 PM 27/06/2024
Để tối ưu hóa trong điều trị bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ ở giai đoạn tiến xa thì sau khi đã xác định được mô học, các bác sĩ sẽ thực hiện xét nghiệm đột biến gen nhằm lựa chọn phương pháp điều trị đích.

Mới đây, Khoa Giải phẫu bệnh, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 phối hợp với Trung tâm Giải phẫu bệnh - Sinh học phân tử, Bệnh viện Phổi Trung ương đã tổ chức buổi hội thảo, trao đổi chuyên môn về “Giá trị xét nghiệm hoá mô miễn dịch ALK trong lựa chọn bệnh nhân phù hợp với liệu pháp Anti-ALK trong ung thư phổi không tế bào nhỏ”.

Hội thảo có sự tham gia của PGS.TS Lê Trung Thọ - Giám đốc Trung tâm Giải phẫu bệnh - Sinh học phân tử, Bệnh viện Phổi Trung ương; PGS.TS Nguyễn Đình Tiến - Chủ nhiệm Bộ môn Nội hô hấp, Viện nghiên cứu Y dược Lâm sàng 108; PGS.TS Phan Quốc Hoàn - Giám đốc Trung tâm xét nghiệm, Bệnh viện TWQĐ 108 cùng với cán bộ, nhân viên Trung tâm xét nghiệm, các bác sĩ chuyên ngành nội hô hấp và ung thư.

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ những kinh nghiệm quý báu về  “Góc nhìn lâm sàng về ALK trong chẩn đoán và điều trị ung thư phổi” cũng như giá trị của xét nghiệm Ventana ALK (D5F3) trong phát hiện đột biến gen ALK, thực hành chẩn đoán và xử lý các tình huống biện giải.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Đình Tiến - Nguyên Chủ nhiệm Khoa Nội hô hấp - Bệnh viện TWQĐ 108 cho biết, ung thư phổi là bệnh lý ác tính gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Nhờ các những tiến bộ trong chẩn đoán, đặc biệt chẩn đoán bệnh ở mức phân tử, y học ngày càng phát hiện được những gene gây đột biến phát sinh ung thư phổi và qua đó các sản phẩm thuốc đích đã cải thiện đáng kể trong điều trị, cũng như tỷ lệ tử vong của bệnh tật.

PGS.TS. Nguyễn Đình Tiến trình bày quan điểm, góc nhìn của các nhà lâm sàng trong chiến lược chẩn đoán và điều trị ung thư phổi, cụ thể về đột biến gen ALK

Theo PGS.TS Lê Trung Thọ - Bệnh viện Phổi Trung ương - ALK là một trong những đột biến gene hiếm trong ung thư phổi không tế bào nhỏ (chiếm 2 - 7%) nhưng việc phát hiện gene này có ý nghĩa quan trọng giúp các nhà lâm sàng lựa chọn được phương pháp điều trị tối ưu, hiệu quả và cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân. Có các phương pháp phát hiện đột biến ALK như hoá mô miễn dịch, xét nghiệm FISH, RT-PCR, giải trình tự gen thế hệ mới, trong đó hoá mô miễn dịch ALK (D5F3) CDx Assay là một chiến lược xét nghiệm nhanh, hiệu quả, đã được FDA phê duyệt là chẩn đoán song hành và có thể sử dụng như một xét nghiệm độc lập, không cần phải xác nhận lại bằng phương pháp phát hiện FISH.

PGS.TS Lê Trung Thọ - Giám đốc Trung tâm Giải phẫu bệnh - Sinh học phân tử, Bệnh viện Phổi Trung ương - phân tích những trường hợp biện luận kết quả chẩn đoán xét nghiệm hoá mô miễn dịch ALK

Cũng tại Hội thảo, các chuyên gia, bác sĩ đã phân tích những trường hợp xét nghiệm thực tế trên của người bệnh, biện luận kết quả chẩn đoán, đặc biệt những tình huống khó nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán, tối ưu hoá quy trình xét nghiệm để đưa ra kết quả chính xác nhất.

TS.BS Ngô Thị Minh Hạnh - Khoa Giải phẫu bệnh, Bệnh viện TWQĐ 108

Chia sẻ