Luôn sát cánh với người bệnh
Trong môi trường đặc thù như Khoa Cấp cứu, nơi mỗi giây phút trôi qua đều có thể là ranh giới giữa sự sống và cái chết thì vai trò của điều dưỡng càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Điều dưỡng là người đầu tiên tiếp xúc, hỗ trợ bác sĩ trong đánh giá nhanh tình trạng bệnh nhân, là người kiên nhẫn theo dõi từng chỉ số sinh tồn, chăm sóc vết thương, thực hiện y lệnh, và động viên tinh thần người bệnh cũng như thân nhân. Không ồn ào, không náo nhiệt, các anh chị điều dưỡng viên hiện diện như một phần tất yếu của guồng quay cấp cứu, dù ngày hay đêm, dù giữa mùa đông giá rét hay những trưa hè oi ả. Đó là sự hiện diện âm thầm, nhưng nếu thiếu đi, có lẽ hệ thống cấp cứu sẽ lập tức bị gián đoạn.
Trên hành trình nghề nghiệp của mình, các điều dưỡng viên không chỉ gánh vác áp lực công việc nặng nề mà còn phải đối mặt với vô vàn thử thách khắc nghiệt. Trong những đợt dịch bùng phát, họ là lực lượng tuyến đầu, nơi tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân nghi ngờ hoặc dương tính, làm việc trong điều kiện thiếu thốn, cường độ cao và nguy cơ lây nhiễm luôn rình rập. Áp lực về thể chất, tinh thần nhiều khi bị đẩy lên đến giới hạn.
Không chỉ vậy, họ còn đối diện với những tình huống đau lòng, đó là bị xúc phạm, thậm chí bị bạo hành bởi người nhà bệnh nhân trong lúc chờ đợi, khi lo âu và hoảng sợ lấn át lý trí. Trước những điều đó, điều dưỡng không chỉ cần kiến thức và kỹ năng mà còn cần một tinh thần thép, lòng nhẫn nại và sự bao dung để giữ vững một môi trường điều trị nhân văn và an toàn.
Và trong khi cả xã hội nghỉ ngơi, từ Tết Nguyên đán, lễ Quốc khánh đến những kỳ nghỉ dài thì họ vẫn âm thầm túc trực trong các ca trực và làm việc. Mỗi dịp lễ đến, cùng với thông báo nghỉ của bệnh viện, luôn là dòng chữ quen thuộc: “Khoa Cấp cứu hoạt động 24/24”. Khi các khoa lâm sàng khác tạm ngơi vì bệnh nhân thưa vắng, thì Cấp cứu vẫn là “cửa ngõ” không bao giờ đóng, là nơi tiếp nhận và giữ sự sống cho hàng trăm người bệnh. Giữa lúc mọi người sum vầy, điều dưỡng cấp cứu chấp nhận gác lại thời gian cá nhân, hy sinh những phút giây đoàn tụ để tiếp tục chăm sóc, điều trị và cứu người.
Công việc của điều dưỡng là chăm sóc thể chất và hành trình chữa lành tinh thần. Mỗi hành động, mỗi lời nói nhẹ nhàng của họ đều góp phần làm dịu nỗi lo lắng, đau đớn của bệnh nhân và người nhà. Đó là khi họ thay người thân bệnh nhân lau mặt, đỡ dậy, đút từng thìa cháo… Là khi họ âm thầm đứng bên giường bệnh giữa đêm khuya, canh từng cơn khó thở, từng dấu hiệu chuyển biến dù nhỏ nhất. Đồng hành cùng bệnh nhân qua từng giai đoạn khó khăn, niềm vui lớn nhất với họ không phải là lời cảm ơn, mà là khi thấy người bệnh được ra viện khỏe mạnh, nở nụ cười sau những ngày tháng giành giật sự sống.
Những bước chân bền bỉ và sự hy sinh thầm lặng
Dù không được nhắc tên trong hồ sơ bệnh án, dù không xuất hiện trên sân khấu vinh danh, nhưng trong mắt đồng nghiệp và người bệnh, điều dưỡng là những chiến binh không mỏi. Họ làm việc không phải vì danh tiếng, mà vì một tình yêu nghề sâu sắc, vì sự tự hào được đóng góp cho sự sống của bệnh nhân.

Điều dưỡng Khoa Cấp cứu nỗ lực cấp cứu bệnh nhân ngưng tim ngay trên cáng vận chuyển
Phát huy những giá trị cốt lõi của nghề, các thế hệ điều dưỡng trẻ hiện nay đã và đang tiếp tục phát huy và nâng cao truyền thống của các thế hệ đi trước. Những người điều dưỡng trẻ tại khoa Cấp cứu không chỉ học hỏi từ kiến thức chuyên môn mà còn thấm nhuần những bài học quý báu về lòng nhân ái, sự kiên trì và tình yêu nghề. Điều dưỡng trưởng và những người có nhiều năm kinh nghiệm luôn là tấm gương sáng cho các điều dưỡng trẻ noi theo, không chỉ trong công việc chăm sóc bệnh nhân mà còn trong cách ứng xử, giao tiếp với người bệnh và người nhà bệnh nhân.
Các thế hệ điều dưỡng đi trước với kinh nghiệm và sự tận tâm của mình, đã để lại những dấu ấn sâu đậm, là người thầy hướng dẫn, dìu dắt, chia sẻ những bài học quý giá cho các thế hệ sau. Họ không chỉ truyền đạt những kỹ năng chuyên môn mà còn giúp các điều dưỡng trẻ hiểu sâu sắc hơn về trách nhiệm đối với bệnh nhân, về sự hy sinh thầm lặng của nghề y. Chính họ đã dạy cho thế hệ điều dưỡng trẻ hiểu rằng, công việc chăm sóc sức khỏe không chỉ là một nghề, mà còn là một sứ mệnh cao cả, đòi hỏi sự cống hiến và lòng yêu thương vô điều kiện. Dù công việc vất vả, nhưng sứ mệnh đào tạo, nghiên cứu khoa học của các thế hệ điều dưỡng khoa Cấp cứu luôn được gìn giữ tiếp nối và phát triển.
Cùng với sự phát triển của y tế và xã hội, điều dưỡng trẻ đã không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, học hỏi và áp dụng những kỹ thuật tiên tiến, đảm bảo mang lại hiệu quả cao nhất trong công tác chăm sóc bệnh nhân. Tuy nhiên, điều không thay đổi là tinh thần hy sinh và lòng yêu nghề mà các thế hệ điều dưỡng đều chia sẻ. Từ những điều dưỡng trẻ hăng say, nhiệt huyết, đến các điều dưỡng cao tuổi giàu kinh nghiệm, họ luôn đồng hành cùng nhau trong sứ mệnh chung: “Chăm sóc người bệnh như người thân của mình.”
Thượng tá QNCN Nguyễn Ngọc Anh, điều dưỡng trưởng khoa Cấp cứu tâm sự: “Dù công việc luôn bộn bề và đầy áp lực, nhưng chính tình yêu với nghề đã giúp chúng tôi vượt qua tất cả. Không gì có thể so sánh với niềm hạnh phúc khi được chứng kiến bệnh nhân hồi phục từng ngày dưới sự chăm sóc tận tâm của mình.”

Điều dưỡng trưởng Nguyễn Ngọc Anh trình bày báo cáo tại Hội nghị Khoa học Điều dưỡng Bệnh viện.
Với sự kế thừa từ các thế hệ, Khoa Cấp cứu không chỉ là nơi làm việc, mà còn là một gia đình gắn kết, nơi những trái tim cùng chung nhịp đập vì sức khỏe và sự sống của bệnh nhân. Và qua mỗi thế hệ, tinh thần đó được gìn giữ và phát huy, mang lại sự an tâm cho bệnh nhân trong những giờ phút khó khăn nhất.
Như lời dạy của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác: “Thầy thuốc là người bảo vệ sinh mạng con người, sống chết trong tay mình nắm, phúc họa trong tay mình giữ. Vậy thì làm sao kiến thức không đầy đủ, đức hạnh không trọn vẹn, tâm hồn không rộng lớn, hành động không thận trọng mà dám liều lĩnh học đòi cái nghề cao quý đó chăng?”. Lời dạy ấy không chỉ là kim chỉ nam cho những người hành nghề y, mà còn là sự khẳng định cho những hy sinh thầm lặng, những đóng góp không ngừng nghỉ của đội ngũ điều dưỡng – những người đang ngày đêm cống hiến vì sức khỏe cộng đồng.
Nếu ai đó hỏi tôi rằng đâu là nơi giữ nhiều cảm xúc nhất trong bệnh viện, tôi sẽ không ngần ngại nói: khoa Cấp cứu. Nơi ấy không chỉ là điểm bắt đầu của sự sống được hồi sinh, mà còn là nơi viết nên những câu chuyện thầm lặng của các điều dưỡng – những người “giữ lửa” không tên tuổi, nhưng khiến lòng người thổn thức mãi không nguôi. Không có ánh đèn sân khấu, không có huân chương lấp lánh, nhưng điều dưỡng khoa Cấp cứu xứng đáng được gọi là những người hùng thầm lặng. Họ đã, đang và sẽ tiếp tục là chỗ dựa vững chắc cho mọi nỗ lực điều trị, là trái tim bền bỉ giữ nhịp sống cho hàng ngàn bệnh nhân qua cơn nguy kịch.
Nhân ngày quốc tế điều dưỡng 12/5 , xin được gửi đến các điều dưỡng nói chung, điều dưỡng công tác tại các khoa cấp cứu nói riêng lời cảm ơn sâu sắc và sự trân trọng từ tận đáy lòng – những chiến binh áo blouse trắng nơi tuyến đầu.
BSCK2 Nguyễn Thái Cường, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện TWQĐ 108