Di sản của những người Thầy…!

  1 ngày trước
Người Thầy - dù trong bất kỳ thời đại hay lĩnh vực nào, đều mang sứ mệnh đặc biệt, không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn là ngọn lửa khơi dậy đam mê, nhân cách và khát vọng của thế hệ tương lai. Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, hãy cùng suy ngẫm về những giá trị bất hủ mà nghề giáo mang lại, qua những tư tưởng sâu sắc của Chu Văn An, William Arthur Ward và những minh chứng rõ nét từ thực tiễn.

Nền tảng của giáo dục nhân văn

Được tôn vinh là “Vạn Tuế Sư Biểu” (Người Thầy muôn đời), Chu Văn An là biểu tượng cho chuẩn mực đạo đức và trí tuệ của một Nhà giáo lý tưởng. Những lời dạy của ông “Giáo kính, giáo trung, giáo văn” (dạy sự tôn kính, lòng trung hậu, và sự văn nhã) không chỉ nhấn mạnh việc học tập mà còn tập trung vào việc nuôi dưỡng nhân cách.

Triết lý của ông được tóm gọn trong các nguyên tắc “Cùng lý, Chính tâm, Tịch tà, Cự bí” mang đến một nền tảng vững chắc cho giáo dục:

Cùng lý (Khám phá chân lý): Khuyến khích việc tìm hiểu bản chất của kiến thức và áp dụng vào thực tiễn. Trong giáo dục hiện đại, nó phù hợp với nhu cầu tư duy phản biện và học tập dựa trên bằng chứng.

Chính tâm (Giữ tâm ngay thẳng): Sự chính trực là nền tảng của mọi nghề nghiệp, đặc biệt là y học, nơi đạo đức nghề nghiệp phải luôn được đặt lên hàng đầu.

Tịch tà (Loại bỏ điều sai trái): Giúp học trò phân biệt và chống lại những tư tưởng sai lầm, xây dựng khả năng đối mặt với những thách thức phức tạp của xã hội.

Cự bí (Vượt qua nghịch cảnh): Tinh thần kiên cường cần có trong cả giáo dục lẫn thực hành.

Lời khuyên của ông với vua Trần Minh Tông: “Một quốc gia không coi trọng việc học không thể tiến xa” vẫn mang tính thời sự, đây là một thông điệp vượt thời gian, nhắc nhở chúng ta rằng giáo dục chính là sức mạnh thúc đẩy sự phát triển bền vững của xã hội.

(Ảnh: Báo Công lý)

Sức mạnh của sự truyền cảm hứng

William Arthur Ward, nhà văn và triết gia giáo dục nổi tiếng đã nhấn mạnh: “Người thầy tầm thường chỉ biết kể, người thầy giỏi biết giải thích, người thầy xuất sắc biết minh họa và người thầy vĩ đại biết truyền cảm hứng”. Triết lý này làm nổi bật một khía cạnh quan trọng của giáo dục: Sự truyền cảm hứng - động lực giúp học trò vượt giới hạn bản thân.

Triết lý này đặc biệt phù hợp trong lĩnh vực giáo dục y khoa, nơi vai trò của người hướng dẫn không chỉ là truyền đạt kiến thức, kỹ thuật mà còn khơi dậy lòng trắc ẩn, sự tận tâm và khát khao đổi mới trong học trò. Một người thầy biết truyền cảm hứng có thể tạo ra hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy học trò đạt được thành tựu vượt bậc và trở thành những nhân tố thay đổi xã hội.

Giáo sư Christiaan Barnard - Người thực hiện ca ghép tim đầu tiên trên thế giới, không chỉ nổi bật bởi kỹ năng phẫu thuật mà còn bởi khả năng khơi dậy đam mê đổi mới cho học trò của mình. Nhiều thế hệ bác sĩ được truyền cảm hứng từ ông đã tiếp tục đẩy mạnh y học, cứu sống hàng triệu người.

Nhà giáo Jaime Escalante - Với phương pháp giảng dạy toán học vượt xa chuẩn mực thông thường, ông đã giúp học sinh tại một ngôi trường nghèo ở Los Angeles đạt thành tích vượt trội. Escalante không chỉ dạy toán, mà còn truyền lòng tin rằng bất kỳ ai cũng có thể vượt qua khó khăn để thành công.

Trong văn hóa đại chúng, nhân vật thầy John Keating trong bộ phim Dead Poets Society là hình ảnh minh họa sống động về một người thầy vĩ đại muốn học sinh thoát khỏi lối mòn trong tư tưởng, truyền cảm hứng để học trò “sống hết mình” và tự tìm kiếm giá trị của bản thân, tạo ra sự thay đổi sâu sắc trong cuộc đời họ.

“Tạo ra NGƯỜI HÙNG, không nhất thiết phải là NGƯỜI HÙNG”

Từ lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh”, hay câu nói “Thầy giáo là người tạo ra người hùng, không nhất thiết phải là người hùng”, ta thấy được sự hy sinh thầm lặng của nghề giáo. Để trở thành bậc trí tuệ cao minh, các thầy đã hy sinh, dành tâm huyết, khổ công học hỏi, rèn luyện, “học nhu bất yếm” (học không biết chán), như ngọn nến cháy hết mình cho trí tuệ rực sáng.

Thầy giáo Chu Văn An nổi tiếng chính trực, không ham thích việc quan trường. Đích thân vua Trần Minh Tông mời ông đến dạy tại Quốc Tử Giám, làm thầy riêng cho thái tử Trần Vượng, tức vua Trần Hiến Tông sau này. Thầy được Trần Nguyên Đán - ông ngoại danh thần Nguyễn Trãi ca ngợi rằng, nhờ có Chu Văn An mà “bể học xoay làn sóng, phong tục trở lại thuần hậu”.

Thế kỷ XVI có thầy Nguyễn Bỉnh Khiêm, người được tôn là “cây đại thụ văn hoá dân tộc”, Thầy mở trường dạy học, lấy hiệu là Bạch Vân cư sĩ. Sự nghiệp trồng người của Thầy mang lại cho đất nước những người trò giỏi giang, hiển đạt như: Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Dữ...

Nhà giáo Lê Quý Đôn là một nhà nho, nhà giáo tài năng và đức độ, qua bàn tay dạy dỗ của Thầy, nhiều học trò đã thành tài, được triều đình trọng dụng. Nguyễn Thiếp là danh sĩ nổi tiếng đời Hậu Lê và Tây Sơn, được tôn là “La Sơn Phu Tử”, năm 21 tuổi, ông thi đỗ nhưng sống ẩn dật. Trong những năm tháng này, Phu Tử đã dạy được nhiều lớp học trò thành đạt, Thầy được Vua Quang Trung vô cùng quý trọng.

Truyền lửa - kiến tạo tương lai: Di sản của người Thầy!

Những bậc thầy xưa và nay, không chỉ tiêu biểu cho một ngành nghề, mà còn tiêu biểu cho truyền thống, phẩm chất cao đẹp của con người, dân tộc Việt Nam. Bằng nhiệt huyết và sự tận tuỵ, người Thầy mãi là ánh sáng dẫn đường.

 

Tri ân những người Thầy của Viện Nghiên cứu Y Dược lâm sàng 108 nhân Kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam

Với Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, những người Thầy không chỉ giảng dạy kỹ thuật mà còn truyền cho lớp lớp thế hệ thầy thuốc tinh thần trách nhiệm, lòng nhân ái và khát vọng vươn xa. Nhiều thầy thuốc xuất thân từ Bệnh viện đã và đang dẫn đầu nhiều lĩnh vực từ ghép mô tạng, can thiệp mạch máu, đến nghiên cứu y học hạt nhân… đây là minh chứng cho giá trị của giáo dục truyền cảm hứng.

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, chúng ta tri ân những đóng góp to lớn của các thầy cô - những người đã gieo mầm tri thức, thắp sáng những khát vọng và định hình tương lai của bao thế hệ học trò. Tâm huyết mà các thầy cô để lại không nằm ở những danh hiệu cá nhân, mà là những "Người học trò xuất sắc" họ đã tạo nên, những con người tiếp tục xây dựng và đổi mới xã hội. Thế hệ trẻ ngày nay cần gìn giữ và phát huy và cố gắng để một ngày không xa, chính chúng ta sẽ trở thành những người Thầy của thế hệ tương lai.

Nghiêm Xuân Hoàn & Mai Hằng

Bộ phận truyền thông- Phòng Khoa học Quân sự

Chia sẻ