Tập chức năng bàn tay với robot Armeo Power

  04:28 PM 30/01/2023
Hoạt động tay và bàn tay là một trong những chức năng quan trọng nhất góp phần giúp chúng ta thực hiện các tác vụ trong sinh hoạt hàng ngày. Do đó, suy giảm chức năng tay sẽ khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống về cả thể chất và tinh thần.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến suy giảm chức năng tay, trong đó phổ biến là do các bệnh lý thần kinh hoặc chấn thương, thường gặp nhất là do: Đột quỵ não, đa xơ cứng (MS), bại não (CP), phẫu thuật thần kinh, chấn thương cột sống - tủy sống (SCI), chấn thương sọ não (TBI), các bệnh liên quan đến cơ, bệnh lý Parkinson, những rối loạn vận động khác, mất điều hòa chi trên, bệnh lý thần kinh (ví dụ như hội chứng Guillain - Barre).

Các bệnh lý này có thể khiến người bệnh giảm nhẹ chức năng tay nhưng phần lớn là mất hoàn toàn chức năng chi trên. Đối với phục hồi chức năng, để đẩy nhanh quá trình phục hồi cũng như giúp người bệnh chủ động hơn trong sinh hoạt, Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện TWQĐ 108 sử dụng các phương pháp truyền thống như: Vận động thụ động, trợ giúp với kỹ thuật viên hoặc dụng cụ, bù trừ thích nghi với tay lành, sử dụng điện kích thích cơ...

Tuy nhiên, các phương pháp này vẫn gặp các khó khăn: Số lần lặp lại của cử động hạn chế; phối hợp cử động trong tác vụ khó khăn; khó duy trì động lực, sự hứng thú của người bệnh; khó theo dõi sự tiến triển của người bệnh hoặc khó nhận định sự tiến bộ nếu nó không rõ ràng. Những khó khăn đó thôi thúc Khoa tìm kiếm một giải pháp toàn diện hơn, hiện đại hơn để nâng cao chất lượng điều trị, đó là công nghệ Robot.

Ngày nay, công nghệ số đã và đang đóng vai trò vô cùng quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Sự phát triển của công nghệ số, đặc biệt là sự phát minh ra các loại robot hỗ trợ con người trong một số lĩnh vực đem lại những hiệu quả rất rõ rệt. Góp phần làm tăng năng suất và độ tinh vi của các sản phẩm được tạo ra.

Trên cơ sở đó, trong lĩnh vực y tế, robot được ứng dụng trong những thủ thuật cần tính chính xác cao (VD: Phẫu thuật). Đối với chuyên ngành phục hồi chức năng, công nghệ robot đã được đưa vào tiến trình điều trị bệnh, hỗ trợ cải thiện cả thể chất và tinh thần của người bệnh. Theo nghiên cứu của Lancioni và cộng sự (2012), các robot được sử dụng đã cải thiện mức độ tương tác của người bệnh với môi trường xung quanh và tăng tính độc lập của họ. Hiểu được lợi ích to lớn ấy, Khoa phục hồi chức năng, Bệnh viện TWQĐ 108 đã trang bị hệ thống tập luyện chức năng chi trên tiên tiến nhất đến từ hãng HOCOMA Thụy Sỹ - ARMEO POWER (A.P).

Hiện tại, có 148 thiết bị A.P đang được sử dụng trong 152 cơ sở trên toàn thế giới và ngày càng chứng minh hiệu quả phục hồi cao. Đây là robot đầu tiên tích hợp điều trị cả phần cánh tay và bàn tay trong tác vụ, sử dụng các mô-đun để liên kết với chi thể. Thiết bị này cho phép ngay cả những người bệnh bị giảm vận động nghiêm trọng cũng có thể thực hiện các bài tập với số lần lặp lại cao (cường độ cao) (Theo Staubli và cộng sự 2009), điều tối quan trọng đối với việc học lại chức năng vận động.

Với các cảm biến thông minh ở các khớp, A.P có thể nhận biết khi nào người bệnh không thể thực hiện được tác vụ theo yêu cầu và đưa ra lực hỗ trợ cần thiết để người bệnh hoàn thành tác vụ đó ( Theo Nef và cộng sự 2009). Không những vậy, A.P có thể giúp người bệnh điều chỉnh hướng của cử động theo mục đích cụ thể (VD: đưa tay lên miệng, uống nước...) và có thể làm việc trong không gian 1D, 2D,3D. Theo đó, người bệnh sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ cơ chế hỗ trợ khi cần thiết của A.P; A.P cho phép hỗ trợ vận động hoàn toàn hoặc một phần tùy theo mức độ của bệnh, vì vậy có thể cá nhân hóa chương trình tập cho từng người bệnh. Trong một thử nghiệm lớn, ngẫu nhiên có đối chứng ở những bệnh nhân sau đột quỵ, những người giảm vận động nhiều được hưởng lợi nhiều nhất từ việc điều trị với thiết bị A.P ( Klamoroth-Marganska, V.,et al.2014).

Armeo Power (A.P) hoạt động như thế nào?

Trước phiên điều trị , A.P yêu cầu kỹ thuật viên điều trị cài đặt cánh tay của người bệnh với cánh tay của robot, sau đó thiết lập vùng điều trị và lượng giá khả năng của người bệnh, đưa ra lực nâng đỡ phù hợp. Sau đó kỹ thuật viên sẽ thực hiện đo đạc khả năng vận động của từng khớp và lưu lại vào hồ sơ trên phần mềm. Với việc lưu trữ tầm vận động của người bệnh, bác sỹ điều trị dễ dàng đánh giá được tiến triển của người bệnh theo giai đoạn.

Phần được mong chờ nhất đó là phiên trị liệu thông qua các trò chơi. A.P thiết kế các bài tập bằng các trò chơi định dạng 1D,2D,3D cho phép người bệnh tập riêng lẻ từng khớp hoặc phối hợp thành tác vụ cụ thể. Với mỗi trò chơi, kỹ thuật viên sẽ đưa ra mức độ thử thách với người bệnh để cải thiện chức năng và sức cơ. Phiên trị liệu thông thường sẽ diễn ra khoảng 30’ và giữa mỗi bài tập người bệnh sẽ có thời gian nghỉ tối thiểu là 15s, do A.P lập trình sẵn để đảm bảo không quá mệt với cường độ tập luyện cao.

Đưa vào sử dụng chính thức từ 5/2022, phần lớn người bệnh đều phản hồi tốt về quá trình trị liệu. Họ được nhìn thấy rõ những tiến triển của bản thân qua mỗi phiên điều trị và từ đó có những cải thiện nhất định về cả thể chất lẫn tinh thần, đó là động lực của người bệnh và cũng là niềm vui của nhân viên y tế.

Khoa Phục hồi chức năng luôn gắn phương châm: “Chuyên sâu- Chuyên tâm-Vươn tầm quốc tế” làm định hướng hoạt động. Mỗi cán bộ nhân viên không ngừng trau dồi chuyên môn, cập nhật các phương pháp, thiết bị điều trị tiên tiến trên thế giới. Với mỗi người bệnh đến với Khoa đều sẽ được khám và lượng giá chuyên biệt, sau đó đưa ra chương trình tập luyện mang tính cá nhân hóa, được đánh giá kết quả sau mỗi đợt điều trị, điều chỉnh phương pháp kịp thời theo giai đoạn và tiến trình hồi phục, “Giúp đỡ người bệnh phục hồi tối đa” đó là mục tiêu mà Khoa Phục hồi chức năng luôn theo đuổi.

 

Thực hiện: CN Phùng Quỳnh Anh, Đoàn Thị Yên, Vũ Đình Hưởng

 

 

 

 

 

 

Chia sẻ