Trước khi ghép thận – giai đoạn chờ ghép người bệnh cần lưu ý như sau:
Người bệnh được chẩn đoán bệnh thận mạn tính giai đoạn 5 (khi mức lọc cầu thận < 15 ml/ phút) hoặc khi đã được lọc máu chu kỳ/ lọc màng bụng thì được chỉ đinh ghép thận. Không có nguyên nhân nào là chống chỉ định tuyệt đối cho việc ghép thận. Tuy nhiên người bệnh cần biết có những bệnh lý cần phải điều trị ổn định trước ghép bao gồm: Viêm thận Lupus, hội chứng kháng phospholipid,..Người bệnh có bệnh lý ung thư có thể ghép thận khi bệnh ung thư được đánh giá là ổn định sau khi được điều trị.
Ghép thận là một phẫu thuật lớn được coi là “đại phẫu”, có thể gặp các yếu tố nguy cơ liên quan đến cuộc mổ như: chảy máu, nhiễm trùng...
Nguồn thận hiến có thể là cùng huyết thống, bố/ mẹ/ anh/ chị/ em; có thể là khác huyết thống (nhưng phải được pháp luật kiểm soát chặt chẽ); có thể người hiến sống hoặc người chết não hoặc tim ngừng đập.
Thời gian chờ ghép phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nguồn hiến, tình trạng bệnh cần kiểm soát trước ghép, số lượng bệnh nhân trong danh sách chờ ghép. Hiện nay, ở Việt Nam, hiện tại vẫn thực hiện việc ghép thận theo quy tắc truyền máu tối thiểu: Người có nhóm máu O có thể hiến cho mọi ngưới bệnh, người nhóm máu AB có thể nhận từ các nguồn khác, Có 3 xét nghiệm cơ bản để đánh giá sự hòa hợp về miễn dịch đó là: HLA, kháng thể kháng người hiến/ tiền mẫn cảm (PRA), đọ chéo.
Để giảm thiểu nguy cơ mắc sau ghép, người bệnh nên thực hiện việc tiêm phòng một số vaccine trước ghép như: vaccine viêm gan B, cúm, thủy đậu,. và nên tiêm trước thời điểm trước ghép tối thiểu là 3 tháng. Người bệnh cần phải được tầm soát các vấn đề sau: Tim mạch, Tiêu hóa, Nội tiết, Hô hấp. Tình trạng nhiễm trùng (đặc biệt các loại virus viêm gan B, C, CMV, giang mai, EBV, lao). Khám các chuyên khoa: Tai mũi họng, răng-hàm-mặt,...
Trong khi ghép thận
Sau khi được hội chẩn thông qua, đảm bảo về chuyên môn và đảm bảo về tính pháp lý, người bệnh sẽ thực hiện các nội dung sau:
Được bác sĩ tư vấn trước khi ghép, viết đơn cam kết thực hiện phẫu thuật ghép thận có sự chứng kiến và cùng xác nhận của đại diện gia đình.

Một ca ghép thận tại Bệnh viện TWQĐ 108
Sau khi ghép thận
Giai đoạn hậu phẫu-ngay sau ghép
Ngay sau ghép khi đã đảm bảo về quá trình gây mê, người bệnh sẽ được tiếp tục theo dõi ở khoa hồi sức tích cực. Sau khi ổn định sẽ được về khoa điều trị.
Người bệnh và người nhà người bệnh cần phải lắng nghe hướng dẫn của nhân viên y tế phát hiện những dấu hiệu bất thường để kịp thời xử trí. Cần uống thuốc chống thải ghép đủ liều, đúng thời gian theo hướng dẫn. Thường đặt báo thức là 8 giờ sáng và 20 giờ tối.
Chế độ dinh dưỡng (ăn, uống) nên thực hiện theo hướng dẫn của nhân viên y tế, thực đơn đã được bác sỹ dinh dưỡng điều chỉnh. Người bệnh sẽ được xuất viện khi chức năng thận ổn định, vết mổ cơ bản đã liền và toàn trạng đảm bảo.
Giai đoạn theo dõi ngoại trú
Khi về nhà, người bệnh cần theo cần theo dõi các chỉ số: nhiệt độ, mạch, huyết áp, cân nặng, số lượng và màu sắc nước tiểu 24 giờ hàng ngày.
Người bệnh nên thực hiện việc “ăn chín, uống sôi”. Nên uống nước theo nhu cầu cơ thể. Về cơ bản, người bệnh có thể ăn các loại hoa quả. Tuy nhiên, một số loại quả có thể ảnh hưởng đến việc hấp thu thuốc chống thải ghép. Ví dụ: Táo đỏ, bưởi, nho,..
Người bệnh sẽ thực hiện việc khám định kỳ hàng tuần (1 lần/ 1 tuần) trong tháng đầu (4 tuần đầu), và được rút JJ sau khi ghép 4-5 tuần. Sau đó 1 lần/ 2 tuần đến hết 3 tháng sau ghép. Giai đoạn ngoài 3 tháng, người bệnh có thể tái khám 1 lần/ tháng theo hướng dẫn.
Người bệnh phải duy trì thuốc chống thải ghép suốt đời và được điều chỉnh theo thời gian sau ghép và tình trạng bệnh đi kèm và dùng thêm các thuốc: dự phòng nhiễm CMV, nhiễm trùng cơ hội khác, thuốc hạ áp,…Khi tái khám, người bệnh cần mang theo sổ theo dõi bệnh tại nhà, thẻ bảo hiểm y tế, giấy chuyển tuyến (nếu ở tuyến bảo hiểm khác chuyển đến) và thông thường người bệnh sẽ được làm xét nghiệm sinh hóa máu thường quy, nồng độ thuốc, công thức máu và nước tiểu 10 chỉ tiêu.
Việc quan hệ tình dục sau ghép tùy vào nhu cầu của mỗi người. Tuy nhiên, để an toàn người bệnh chỉ nên thực hiện khi cảm thấy ổn định về sức khỏe thể chất và tinh thần, và thực hiện các biện pháp tránh thai trước khi có ý định sinh con cũng như hạn chế bệnh truyền nhiễm qua đường tính dục.
Người bệnh cần nhập viện điều trị nội trú khi có các bất thường mà không thể điểu chỉnh ngoại trú được và do bác sỹ khám quyết định.
TS.BS Trương Quý Kiên
Khoa Nội thận- lọc máu, Bệnh viện TWQĐ 108