Bác sỹ, chiến sỹ trở thành thi sỹ
Trên đảo Song Tử Tây, ngoài những cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm chắc tay súng canh giữ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc còn có lực lượng quân y làm nhiệm vụ đảm bảo sức khỏe cho không chỉ quân và dân trên đảo mà còn sẵn sàng cấp cứu điều trị cho các ngư dân khi họ gặp vấn đề về sức khỏe.
Vượt lên những khắc nghiệt của thời tiết, khí hậu và những khó khăn, thiếu thốn ở nơi đầu sóng ngọn gió, các thày thuốc của Bệnh viện TWQĐ 108 luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và trở thành điểm tựa về sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ yên tâm làm nhiệm vụ và ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.
“Bản thân chúng tôi cũng không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao” – bác sĩ Phạm Quang Hiếu bày tỏ.
Các chiến sĩ quân y của Bệnh viện đón Tết Canh Tý 2020 tại Trường Sa
Ngày 27/2, cũng là một ngày như bao ngày khác anh em chúng tôi tự nhủ luôn bám sát bộ đội, bám dân, bám biển hoàn thành tốt nhiệm vụ của quân y bệnh xá Song Tử Tây trên quần đảo Trường Sa. Ra đảo, chúng tôi, ai cũng trở thành nghệ sĩ, trở thành thi sĩ, có lẽ cái yên ắng ở đảo làm con người sống chậm hơn, có nhiều thời gian suy ngẫm”. Ở đảo, những lúc sóng không gầm gào thì lại yên tĩnh đến kỳ lạ, không tiếng xe, không tiếng ve, hay tiếng gió xào xạc, xung quanh im ắng hoàn toàn.
"Chúng tôi là lính đảo Trường Sa. Nơi xa xôi sóng gió là nhà. Luôn bên nhau ấm tình đồng đội", Bác sỹ Hiếu chia sẻ thêm.
Việc tiến hành một ca phẫu thuật, dù là phẫu thuật giản đơn ở đất liền đã là một bài toán đối với các bác sĩ. Vậy mà giữa Trường Sa nắng gió trong điều kiện thiếu thốn máy móc hiện đại, quân, dân huyện đảo và ngư dân ra đây đánh bắt hải sản bị đau ốm, tai nạn vẫn được cứu chữa kịp thời, đem lại sự sống cho người bệnh. Sau những giọt mồ hôi của thày thuốc Bệnh xá đảo Song Tử tây - Quần đảo Trường Sa, là niềm vui và sự sống của quân dân huyện đảo. Ở đó giữa bác sĩ và người bệnh không có khoảng cách, chỉ có tình người tình đời hòa lẫn vào nhau giữa ngàn trùng sóng biếc. Để rồi trong mỗi chuyến ra khơi đánh cá, sau mỗi chặng hải trình nhọc nhằn với những tấn cá đầy khoang, điều đọng lại trong lòng bà con ngư dân không chỉ là những chiến sĩ kiên cường trước bạt ngàn nắng gió, mà còn có những chiến sĩ khoác áo blu trắng ngày đêm hồi sinh cho ngư dân biển, đảo.
“Mũ nồi xanh” Việt Nam
Đó là hình ảnh người chiến sĩ quân y tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan. Bệnh viện dã chiến số 2.1 và Bệnh viện Dã chiến 2.2 tại Bentiu, Cộng hòa Nam Sudan, những chiến sĩ quân y của bệnh viện có những sẻ chia nhẹ nhàng mà thấm sâu lòng người xuyên biên giới…
Dấu ấn đầu tiên để lại ấn tượng sâu sắc và được sự đánh giá cao của bạn bè đồng nghiệp tại phái bộ đó là ngay ngày đầu triển khai đã có ca BN người Mông Cổ, chuyển lên từ BV cấp 1, đã được Bệnh viện Dã chiến 2.1 chẩn đoán chính xác viêm ruột thừa cấp ở những giờ đầu tiên và phẫu thuật cấp cứu thành công, không xảy ra biến chứng, BS. Lê Hải Sơn, Bệnh viện Dã chiến 2.1 chia sẻ.
"Cái nắng châu Phi rất khốc liệt, mùa khô, nước trong bồn có thể chần chín trứng. Khi mới sang, khu nhà chúng tôi ở không có một bóng cây ngọn cỏ. Mọi người, bắt đầu từ giám đốc bệnh viện, quyết tâm trồng thêm hoa, rau tạo cảnh quan và có thêm rau xanh để cải thiện bữa ăn hằng ngày" BS. Đại úy Vũ Anh Tuấn, khoa Phẫu thuật Gan – Mật – Tụy tâm sự.
Bs Lê Hải Sơn và Bs Vũ Ngọc Tuấn, Bệnh viện TWQĐ 108 tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan. Ảnh: NVCC
Sang Bentiu, Nam Sudan làm việc với bệnh viện dã chiến, thứ tôi có nhiều nhất là thời gian. Tôi vẫn nói với bạn bè: ở Việt Nam, thời gian của mình chia sẻ cho bố mẹ, bạn bè, đồng nghiệp... Còn ở Nam Sudan, tất cả thời gian của tôi là dành cho công việc, bản thân và đồng nghiệp. Ngày 27 tháng 2, chúng tôi tự chúc mừng nhau, tự động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ, Bs Tuấn chia sẻ.
An Ngọc