Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác sinh ra và lớn lên tại tỉnh Hưng Yên nhưng phần lớn cuộc đời của ông lại gắn bó với vùng đất quê ngoại Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
Thuở nhỏ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác nổi tiếng học giỏi, năm 16 tuổi thân phụ qua đời nên ông phải rời Kinh thành về quê chịu tang cha và trông nom gia đình. Thời bấy giờ do xã hội rối ren, Ông bắt đầu nghiên cứu binh thư gia nhập quân đội. Năm 1746, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác xin rời khỏi quân ngũ, do đau yếu triền miên, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đến nhà thầy thuốc Trần Độc ở Thành Sơn chữa bệnh và được thầy truyền dạy nghề thuốc.
Năm 1758, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác lên Kinh thành Thăng Long trau dồi nghề nghiệp, trong thời gian này Ông tiếp tục nghiên cứu, hiểu được Dịch lý, Âm dương trong kinh điển y học “Phùng Thị Cẩm Nang”. Nhờ đó, Ông đã chữa khỏi bệnh cho hai người con gái của Ông. Ít năm sau đó Ông chính thức hành nghề thầy thuốc, chữa bệnh, dạy học trò, nghiên cứu sách y học…. và biên soạn cơ bản bộ sách Lãn Ông tâm lĩnh năm 1770.
Năm 1782, Ông viết cuốn Thương Kinh Ký sử. Rằm tháng Giêng năm Tân Hợi (1791) Lê Hữu Trác qua đời. Sau khi mất đi, các bài thuốc và sách của Ông được lưu truyền, sử dụng rộng rãi; các di sản y học, văn học, y đức của Ông được nhiều thế hệ học trò, nhà nghiên cứu đánh giá rất cao và học tập, noi theo. Với những công lao, cống hiến to lớn đối với nền y học Việt Nam và thế giới, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) vinh danh là “Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2024 – 2025”.
Tấm gương sáng ngời, mẫu mực về y đức
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là người đầu tiên đưa ra những quan điểm mới về y đức trong lịch sử y học Việt Nam và y đức cũng là một trong những tư tưởng lớn nhất được thể hiện rõ nét qua các tác phẩm của Ông. Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác luôn coi nghề y là một nhân thuật – một nghệ thuật của lòng thương người và trách nhiệm đối với người bệnh. Theo Ông, một thầy thuốc giỏi không chỉ cần có kiến thức y học sâu rộng mà cần phải có tấm lòng từ bi, biết cảm thông và chia sẻ nỗi đau của người bệnh. Tư tưởng này đã góp phần quan trọng xây dựng nên nền tảng y đức của y học Việt Nam.
Ông cũng cho rằng người thầy thuốc là người bảo vệ chăm sóc sức khỏe cho người dân do vậy cần phải siêng năng, chịu khó học tập, bồi đắp kiến thức thường xuyên liên tục mới có thể hành nghề mà không dẫn đến sai sót trong chuyên môn. Theo Ông “Đạo làm thuốc là một học thuật cao quý để giữ gìn mạng sống, cũng là đầu mối lớn lao về đạo đức chân chính”, “không có nghề nào nhân đạo bằng nghề y cứu sống người”; “không có nghề nào vô nhân đạo bằng nghề y thiếu đạo đức”. Vì vậy “người thầy thuốc luôn phải trau dồi y đức” và yêu cầu người thầy thuốc cần có 8 đức tính, được gói gọn trong 8 chữ: Nhân (nhân từ), Minh (sáng suốt), Đức (đức độ), Trí (trí tuệ), Lượng (sự bao dung), Thành (thành thật), Khiêm (khiêm tốn), Cần (siêng năng); 8 tội cần phải tránh: Lười biếng, Keo kiệt, Tham lam, Dối trá, Bất nhân, Hẹp hòi, Thất đức, Dốt nát.
Quan điểm y đức của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác không chỉ được thể hiện rõ trong Y huấn cách ngôn mà còn được thể hiện qua những hoạt động, ứng xử trong thực tiễn hành nghề của Ông. Trong chuyên luận “Những lời dạy của các tôn y Việt Nam về Y đức” của Giáo sư Ngô Gia Hy đã thống kê được 94 điều, trong đó có 72 điều rút ra từ tác phẩm của Hải Thượng Lãn Ông (38 điều từ Y huấn cách ngôn, 24 điều từ Dương án, Âm án, 10 điều từ tập thơ Y lý thâu nhàn và tập Thượng Kinh ký sự). Những quan điểm y đức của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác có sự tương đồng lớn với Lời thề Hippocrate (460 - 377 trước CN) - người được coi là cha đẻ của y học phương Tây.
Đạo làm thuốc là một nhân thuật chuyên bảo vệ sinh mạng con người, phải lo cái lo của người, phải vui cái vui của người, chỉ lấy việc cứu sống mạng người làm nhiệm vụ của mình, không nên cầu lợi kể công..
Bệnh viện TWQĐ 108 xin trích 9 di huấn của Đại Danh y Lê Hữu Trác, cụ thể như sau: