Ước nguyện của những “chiến binh áo trắng” trong “tâm bão” Covid-19

  08:55 AM 15/02/2022
Trong “cuộc chiến” chống đại dịch Covid-19, có một thực tế, nhân viên y tế luôn là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Những vất vả phải căng mình từ Tết Nguyên đán 2020 đến Tết Nhâm Dần 2022 để đối mặt với dịch bệnh, khiến họ không có thời gian chăm sóc bản thân lẫn gia đình. Dù sự cứng cỏi đứng ở giữa “tâm bão”, nhưng chắc chắn một lúc nào đó, những lo lắng vẫn lướt qua tâm trí họ!

 

Tình nguyện vào Nam chống dịch, tiếp sức đồng đội

Còn đối với điều dưỡng viên Trịnh Quang Hiển, Khoa Phẫu thuật khớp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, những ngày tháng đó vô cùng đặc biệt. Anh được tăng cường vào TP.HCM ngày 21-9-2021. Trước đó, nghe tin dịch bùng phát mạnh ở TP.HCM khiến anh Hiển và nhiều đồng nghiệp “đứng ngồi không yên”, nên anh đã nhiều lần viết đơn xin tình nguyện vào Nam chống dịch, tiếp sức cho đồng đội.

Chuyến bay chở 200 cán bộ nhân viên Bệnh viện TWQĐ 108 tới TP.HCM lúc 8h tối. Cả đoàn bất ngờ với khung cảnh khi thấy đường phố họ đi qua không còn nhộn nhịp như trước mà thay vào đó chỉ có những chuyến xe cấp cứu, xe của lực lượng chức năng đi làm nhiệm vụ… Theo như lời ví von của điều dưỡng viên mang màu áo xanh Trịnh Quang Hiển thì họ như đi lính thời chiến vậy, đoạn đường từ miền Bắc vào miền Nam rất nhiều “địch” và “bẫy” của “kẻ thù”, nên phải trang bị bảo hộ từ đầu tới chân. Bởi ra đường ở TP.HCM thời điểm đó rất có thể người đứng bên cạnh là F0, bủa vây xung quanh là dịch bệnh.

“Lúc đầu tôi cũng có chút lo lắng nhưng khi được làm việc, trao đổi công việc với các anh, chị tại Trạm y tế phường khiến tôi tự tin hơn, nắm bắt được tình hình tại địa phương. Điều đó giúp tôi giảm đi gánh nặng phần nào và cứ như vậy, từ lúc vào TP.HCM ngày nào cũng vậy, sáng và chiều đều đi lấy mẫu, có ngày vài trăm mẫu cũng có ngày vài nghìn mẫu, hay hỗ trợ cùng địa phương tiêm vaccine, đến từng nhà động viên, chu cấp những nhu yếu phẩm thiết yếu giúp đỡ người dân… Tất cả những điều đó khiến tôi vui có, buồn có, mệt cũng có nhưng một điều mà tôi học được đó là “mệt chỉ là cảm giác”.

Tuyệt đối không hỏi: “Nhà bác có mấy người ở nhà?”

TP.HCM trong những ngày tâm dịch đầy lo lắng đó, người ta dễ dàng nhìn thấy tinh thần đoàn kết, sự tích cực từ các bức tranh, lời động viên gửi y bác sĩ… được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Với tinh thần “không để ai bỏ lại phía sau”, người dân TP.HCM quyết tâm đồng hành cùng chính quyền trong hành trình chống dịch Covid-19 giai đoạn mới.

Có rất nhiều câu chuyện thương tâm đến nhói lòng ở TP.HCM thời điểm đó khi mà số ca mắc tăng vọt, số ca tử vong cũng tăng theo từng ngày. Và khi đến trực tiếp nhà dân, có những điều tối kỵ mà các đội ngũ y tế tuyến đầu chẳng ai bảo ai nhưng đều tự hiểu. Điều đầu tiên là tuyệt đối không hỏi nhà họ còn bao nhiêu người ở nhà. “Chúng tôi đến từng nhà dân lấy mẫu xét nghiệm. Khi tới nhà người dân chúng tôi cũng tuyệt đối không hỏi những câu: “Nhà bác có mấy người ở nhà?”. Bởi, có nhiều nhà mà cả gia đình nhà họ đã ra đi vì dịch bệnh. Mình đồng cảm, xót thương và không muốn vô tình chạm vào nỗi đau của họ” - điều dưỡng viên Trịnh Quang Hiển kể lại.

“Cuộc chiến” chống dịch rất vất vả nhưng đối với y bác sĩ tuyến đầu chống dịch, họ không cho phép mình chùn bước. “Cơm có thể ăn không hợp khẩu vị, thời tiết thay đổi thất thường nhưng không vì vậy mà chúng tôi nản lòng. Có những hôm trời nắng nóng mệt mỏi vẫn phải đối mặt với cái nóng để chiến đấu. Có những hôm đang trên đường lấy mẫu mưa to mà mọi người vẫn động viên nhau cùng cố gắng. Về đến Trạm y tế phường sau một ngày làm việc, ăn bữa cơm cùng mọi người cũng phải ngồi cách nhau giữ khoảng cách để phòng tránh lây nhiễm. Thèm lắm bữa cơm canh nóng, được ngồi với người thân trong gia đình nói về chuyện công việc, bạn bè, cuộc sống… nhưng chỉ gọi video để thấy mặt nhau, nỗi nhớ chỉ thể hiện qua ánh mắt” - điều dưỡng viên Trịnh Quang Hiển ngậm ngùi.

Nhưng điều giúp các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch cảm thấy vững tin hơn cả là có một hậu phương vững chắc. Ngày nào, người thân, đồng nghiệp cũng gọi điện hỏi thăm sức khỏe, gửi những lời nhắn nhủ động viên.

Kiên định với lựa chọn vào tâm dịch

Chị Nguyễn Thị Nam Thanh - điều dưỡng viên Bệnh viện Quân đội 108 là một trong số nữ điều dưỡng tăng cường chi viện vào TP.HCM đúng ngày Tết Trung thu. Đó là một đêm Trung thu đặc biệt. Các bác sĩ ngồi chung một bàn với nhau ở nơi tuyến đầu chống dịch để cùng chia sẻ, tâm sự, trao đổi công việc, chuyên môn. Tận dụng “cây nhà lá vườn” để hát cho nhau nghe, tạo động lực, không khí vui tươi cho mọi người, giải tỏa căng thẳng và đặc biệt là sự ấm lòng, gần gũi như có gia đình ở bên.

Sáng hôm sau họ được phân công đi các phường đi lấy mẫu test. “Ban đầu khi mới vào nhận nhiệm vụ tôi thực sự bị sốc vì số lượng bệnh nhân quá nhiều. Một ca có 3 điều dưỡng nhưng có những lúc cao điểm phải phục vụ, điều trị tới hàng trăm bệnh nhân. Nhưng khi công việc cuốn đi thì nỗi lo lắng của chúng tôi không còn nữa” - điều dưỡng viên Nguyễn Thị Nam Thanh nhớ lại.

Từng chứng kiến đồng nghiệp bị lây nhiễm dịch bệnh, điều dưỡng viên Nguyễn Thị Nam Thanh cũng có khoảnh khắc xao lòng yếu đuối. Mặc dù sau thời gian cách ly và đã được tiêm đủ vaccine nên các y bác sĩ đó cũng khỏi bệnh, nhưng khoảng thời gian chờ đợi cách ly đối với họ còn tồi tệ hơn cả đi chống dịch.

“Một nhân viên y tế bị mắc Covid-19 không phải là thảm họa. Khác với thời dịch SARS khi mà một số thầy thuốc đã hy sinh, cơ hội điều trị khỏi bệnh nhân Covid-19 là rất cao. Và chúng tôi tin tưởng rằng đồng nghiệp của chúng tôi, đội ngũ những chiến sĩ áo trắng, họ không chỉ là bác sĩ, họ còn là chiến sĩ, là những người anh hùng của cuộc chiến” - điều dưỡng viên Nguyễn Thị Nam Thanh chia sẻ.

Với điều dưỡng Nguyễn Thị Nam Thanh hay những y bác sĩ khác được tăng cường vào TP.HCM khi đó, họ đều tình nguyện được cống hiến, được góp phần công sức cùng Đảng, cùng Nhà nước và nhân dân chiến thắng “cuộc chiến cam go” này. Kiên định với lựa chọn của mình, các y bác sĩ dù biết rằng mình sẽ phải xa gia đình một thời gian dài, rằng bản thân sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người khác, nhưng vẫn sẽ kiên định lựa chọn lao vào tâm dịch.

Ở đó, dù công việc vất vả nhưng nụ cười họ vẫn luôn thường trực trên môi!

Link bài viết: https://www.anninhthudo.vn/uoc-nguyen-cua-nhung-chien-binh-ao-trang-trong-tam-bao-covid-19-post494346.antd

Chia sẻ