Cách đây hơn 5 năm, sau khi tốt nghiệp bác sĩ nội trú tại Học viện Quân y, tôi được phân công về Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 công tác. Thông thường, các bác sĩ sau khi về bệnh viện sẽ được phân công học luân khoa ở các khoa trong bệnh viện, còn tôi chỉ học luân khoa và ở lại Khoa Hồi sức tích cực đến tận bây giờ. Tôi nghĩ đó là do duyên, một mối lương duyên thì đúng hơn.
Dồn dập ca bệnh nặng
Cách đây mấy hôm, cô con gái của một bệnh nhân nặng nằm ở khoa tôi hỏi: "Sao ở đây không thấy các bác ngủ, cũng không thấy các bác ăn lúc nào?". Tranh thủ lúc bệnh nhân ổn, tôi ngồi kể cho chị ấy nghe câu chuyện của chúng tôi, về một ngày làm việc cật lực của nghề đặc biệt, nghề hồi sức tích cực.
Một ca cấp cứu ở Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. (Ảnh do tác giả cung cấp)
Không nhớ chính xác là ngày nào, chỉ nhớ khoảng cuối tháng 11-2019. Hôm đấy, trực ở khoa có 3 người là bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Đức Nhật, thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Thị Nga, tôi và 12 điều dưỡng.
Nhận trực từ lúc 16 giờ, bệnh nhân bất thường nhiều. Đến 20 giờ, bệnh nhân vẫn rất nặng và mấy anh chị em vẫn làm luôn tay luôn chân. Bỗng điện thoại reo, đầu bên kia hốt hoảng: A12 (Khoa Hồi sức tích cực) cấp cứu, bệnh nhân ngừng tim ở A3 (Khoa Nội tiêu hóa). Bác sĩ Nga và một điều dưỡng nữa xách bộ cấp cứu chạy đi. Chị Nga đi được tầm 20 phút thì điện thoại lại reo, ở B1D (Khoa Chấn thương Chỉnh hình cột sống) mời khám cấp cứu bệnh nhân suy hô hấp nặng. Thấy tôi đang loay hoay với một bệnh nhân cũng bị suy hô hấp, bác sĩ Nhật bảo "để anh đi".
Tầm 10 phút sau, bác sĩ Nhật gọi về báo chuẩn bị giường nhận bệnh nhân, có khi phải làm ECMO (tim phổi nhân tạo). Nghe nói thế, cả kíp đã thấy buồn, vì làm ECMO giữa đêm là xác định đó sẽ là đêm trắng.
Bác sĩ Nhật còn chưa đưa bệnh nhân lên thì bác sĩ Nga đã hộ tống bệnh nhân từ A3 lên đến khoa. Đó là một phụ nữ hơn 60 tuổi, ngừng tuần hoàn vì viêm tụy hoại tử nặng. Tiếp nhận bệnh nhân, nhận thấy cơ hội vẫn còn nên tôi bàn với bác sĩ Nga quyết định làm hạ thân nhiệt chỉ huy và PiCCO (theo dõi huyết động), sau đó sẽ lọc máu liên tục. Nói là làm, hai chị em chia nhau, người nhận bệnh nhân, người lo thủ tục và máy móc, điều dưỡng thì vội vàng chuẩn bị các dụng cụ.
Lúc đó, bác sĩ Nhật cũng đưa một bệnh nhân nam khác nghi ngờ bị viêm cơ tim của khoa B1D về đến khoa. Không khí rất gấp gáp, khẩn trương. Sau khi giải thích cho gia đình bệnh nhân xong xuôi, bác sĩ Nga đặt được PiCCO và lọc máu, tôi hỗ trợ chị đặt hạ thân nhiệt cho bệnh nhân.
"Cơm nước gì tầm này!"
22 giờ 30 phút, không khí như lắng hẳn xuống, chắc mọi người chạy nhiều từ chiều nên cũng mệt. Bác sĩ Nhật nói: "Chuẩn bị nhé, đưa bệnh nhân ở khoa B1D vào buồng lớn làm ECMO". ThS Lê Minh Ngọc (hiện tại chị đã chuyển công tác sang Phòng Điều dưỡng của bệnh viện) nói vọng ra: "Thế các bác sĩ không ăn cơm à? Còn một nửa điều dưỡng chưa ăn cơm tối đâu. Có cần gọi người vào tăng cường không?". Bác sĩ Nhật gạt phắt: "Cơm nước gì tầm này, làm chậm bệnh nhân đi đến nơi rồi, không chờ đợi gì cả, làm thôi".
Câu nói của bác sĩ Nhật xốc lại tinh thần mọi người, ai nấy lại thoăn thoắt như con thoi.
23 giờ, khi tôi với bác sĩ Nhật chuẩn bị xong máy ECMO để đặt cho bệnh nhân ở B1D thì ngoài kia có tiếng la thất thanh: "Hai người ngừng tim!". Bác sĩ Nhật bảo tôi: "Em cứ ở đây chuẩn bị cho bệnh nhân, để anh đi sắp xếp". Anh chạy ra một lát rồi vào báo: "Bà cụ viêm tụy hoại tử thì giao cho bác sĩ Nga chăm sóc, còn ca suy hô hấp cấp nặng quá trên nền ung thư giai đoạn muộn nên chị Ngọc điều dưỡng sẽ lo, anh đã giải thích cho gia đình rồi. Việc của anh em mình là cứu ca này". Hai anh em nhanh chóng vận hành máy ECMO… Gần 2 giờ sáng hôm sau thì có 2 người vào tăng cường. Khi đó, mọi người cũng đã mệt nhoài…
Bữa ăn đậm tình người
Ca bệnh nhân của A3 cũng được hồi sinh tim phổi thành công, đang được hạ thân nhiệt và lọc máu. Còn mỗi ca ECMO khó khăn nhất vì ông cụ bị xơ hóa mạch. Mạch bệnh nhân co tít và đang dùng chống đông nên mấy bác sĩ loay hoay mãi đến hơn 3 giờ sáng mới xong.
Bỏ mũ mạng, tôi bước ra ngoài, mắt hoa hết cả lên. Lúc này đã hơn 3 giờ sáng, bụng đói cồn cào nhưng giờ đó biết ăn gì! Một lát sau, một chị người nhà bệnh nhân đưa cho chúng tôi một túi ni-lông, đôi mắt đỏ hoe nói: "Thấy các bác giờ này chưa ăn nên tôi mua ít xôi chả, các bác ăn tạm". Cả kíp trực cảm động không nói thành lời. Với chúng tôi, bữa ăn hôm đó ngon khó có sơn hào hải vị nào sánh bằng. Ngồi ăn xôi, mấy anh em còn trêu nhau "không biết lúc dầu sôi lửa bỏng có đứa nào tè ra quần không", một điều dưỡng đáp: "Từ lúc nhận trực em đã chủ động đóng bỉm rồi!".
Ca trực hôm đó được đánh giá là "kíp trực kinh hoàng" vì hầu như đã dùng hết các kỹ thuật cao của hồi sức trong một kíp trực, vì sự nỗ lực không biết mệt mỏi của tất cả y - bác sĩ. Và quan trọng hơn cả, tất cả bệnh nhân vào khoa đêm đó đều được cứu sống, hồi phục và xuất viện.
Vững vàng với đam mê Bây giờ khi nhớ lại ca trực ngày hôm đó, tôi vẫn rất xúc động vì tinh thần "hồi sức" của bản thân và đồng nghiệp. Sau tất cả thì dù khó khăn, vất vả đến đâu, cán bộ, nhân viên Khoa Hồi sức tích cực luôn nỗ lực hết mình vì trách nhiệm nghề nghiệp và hơn cả, tôi cho đó là đam mê. Nhiều thứ sẽ đi qua nhưng còn đam mê, mọi thứ sẽ vững vàng. Sau câu chuyện, tôi nói với người nhà bệnh nhân: "Ở Khoa Hồi sức tích cực, chúng tôi có thể đói nhưng chưa để bệnh nhân đói một ngày nào". |
Bác sĩ NGUYỄN HỒNG TỐT (Khoa Hồi sức Tích cực Bệnh viện Trung ương Quân đội 108)