Ứng dụng siêu âm cản âm

  05:57 PM 05/06/2018

Năm 1996 siêu âm cản âm lần đầu tiên được đưa vào sử dụng chính thức như những phương pháp siêu âm khác ở châu Âu và châu Á như siêu âm tim, siêu âm mạch máu, siêu âm Doppler và siêu âm ổ bụng (trước đây chỉ ứng dụng trong lĩnh vực siêu âm tim và mạch máu). Qua nghiên cứu và sử dụng cho thấy siêu âm cản âm là phương pháp an toàn hơn và ít độc hại hơn so với các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác có sử dụng chất tương phản trong chẩn đoán như chụp cắt lớp vi tính hay cộng hưởng từ (không nhiễm tia xạ, không ảnh hưởng đến thận, tuyến giáp…). Tuy nhiên vẫn chưa được sử dụng rộng rãi trong chẩn đoán các bệnh lý trong ổ bụng, nguyên nhân do chất cản âm thế hệ thứ nhất cho thấy nhiều hạn chế như dễ dàng bị phá hủy bởi sóng siêu âm liên tục. Với sự phát tiển của công nghệ cho ra đời chất cản âm thế hệ thứ hai và máy siêu âm có chỉ số cơ khí học thấp nên chất cản âm bền vững hơn và an toàn hơn có thể lưu hành trong máu lâu mà không bị phá vỡ, do vậy có thể ứng dụng mở rộng hơn ngoài tim mạch như siêu âm ổ bụng, siêu âm các tạng nông (tuyến giáp, vú, tinh hoàn…). Hiện nay siêu âm cản âm được ứng dụng và phát triển mạnh trong chẩn đoán các bệnh lý của các tạng trong ổ bụng như gan, tụy, lách, thận.

Chất cản âm được sử dụng trong siêu âm cản âm có bản chất là các vi bọt khí có kích thước rất nhỏ (2 - 6µm), nhỏ hơn so với hồng cầu, do vậy dễ dàng lưu thông trong mạch máu. Do sự phân bố mạch máu giữa các cấu trúc, các cơ quan trong cơ thể và giữa khối u và tổ chức lành khác nhau nên mật độ chất cản âm phân bố khác nhau tạo nên sự tương phản hình ảnh trên siêu âm, dễ dàng phân biệt giữa các cấu trúc này, làm tăng độ chính xác của siêu âm. Chất cản âm được thải trừ chủ yếu qua phổi do vậy có thể sử dụng phương pháp này đối với những bệnh nhân có suy gan, suy thận.

Hiện nay siêu âm cản âm đã được ứng dụng rộng rãi ở châu Âu, châu Á và châu Mỹ, được thực hiện theo hướng dẫn mới nhất của Hiệp hội siêu âm thế giới và châu Âu năm 2012. Đối với chẩn đoán các bệnh lý u gan, siêu âm cản âm được ứng dụng khảo sát phát hiện các tổn thương khu trú với độ nhạy > 90% và độ đặc hiệu từ 85 – 90%, cải thiện rõ rệt so với phương pháp siêu âm thông thường (Conventional US) chỉ với độ nhạy từ 29 – 35% và độ đặc hiệu 63 – 76%. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng sử dụng siêu âm cản âm chẩn đoán khối u gan có kích thước dưới 20mm với độ nhạy và độ đặc hiệu lên tới 80%. Đặc biệt, sử dụng Sonazoid (chất cản âm thế hệ mới) cho phép chẩn đoán được các khối u gan không có tăng sinh mạch máu, đây là một điểm rất mới rất khác so với các phương pháp chẩn đoán ung thư gan hiện nay chủ yếu dựa vào chất tương phản mạch máu, dễ bỏ sót những không u không tăng sinh mạch, chủ yếu là u nhỏ, giai đoạn sớm. Với chất cản âm Sonazoid, chẩn đoán ung thư gan có độ nhạy và độ đặc hiệu rất cao (độ nhạy > 90%, độ đặc hiệu < 95%). Hiện nay Sonazoid được sử dung chủ yếu ở Nhật Bản và Hàn Quốc.

Hình 1: Khối u gan không quan sát thấy trên siêu âm thường (a), được thấy rõ trên siêu âm cản âm (b) và chụp CLVT (c)

Ứng dụng siêu âm cản âm trong hỗ trợ điều trị u gan như phương pháp đốt nhiệt sóng cao tần (RFA) hiện nay đã trở thành phổ biến, sử dụng siêu âm cản âm để dẫn đường và đánh giá hiệu quả ngay sau đốt nhiệt, hướng tới đốt nhiệt sóng cao tần điều trị tối ưu một lần cho bệnh nhân.

Hình 2: Hình ảnh đốt nhiệt sóng cao tần trên siêu âm 2D (A) và trên siêu âm cản âm: phần khối u không ngấm chất cản âm sau đốt nhiệt (B).

Ngoài ra, siêu âm cản âm gan còn ứng dụng trong ghép gan, sử dụng siêu âm cản âm đánh giá mạch máu và nhu mô gan ngay trong ghép và sau ghép, thể hiện ưu thế hơn so với các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác, ứng dụng này cũng được sử dụng trong đánh giá các tặng ghép khác như thận, tụy, ruột non…

Hình 3: Hình ảnh thiếu máu đường mật trên siêu âm cản âm ở bệnh nhân sau ghép gan 17 ngày (B) trong khi siêu âm Doppler động mạch gan trong giới hạn bình thường (A).

Hiện nay Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã đưa siêu âm cản âm vào trong thực hành trong chẩn đoán các khối u gan nguyên phát và thứ phát, tiến tới sẽ đưa phương pháp này vào trong ghép tạng như ghép gan và và ghép thận để phát hiện sớm các biến chứng trong và sau ghép, nâng cao hiệu quả điều trị cho bệnh nhân.

Khoa Chẩn đoán Chức năng – Bệnh viện TWQĐ 108
Chia sẻ