Làm gì để tháo gỡ, khơi thông “điểm nghẽn của điểm nghẽn”?

  08:00 AM 17/02/2025
Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 15, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là: Thể chế, hạ tầng và nhân lực; thể chế là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”. TS. Trần Anh Tuấn – Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam nêu lên quan điểm: Đất nước muốn bước vào kỷ nguyên phát triển và giàu mạnh, phải tháo gỡ, khai thông các “điểm nghẽn”, đặc biệt là thể chế.”

Việc nghiên cứu các điểm nghẽn thể chế và đưa ra các giải pháp đột phá khơi thông để phát triển trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là rất cần thiết. Vậy Bệnh viện TWQĐ 108 đã làm gì để tháo gỡ, khơi thông “điểm nghẽn của điểm nghẽn”?

Vượt qua lối mòn trong tư duy

TS. Trần Anh Tuấn cho biết nguyên nhân những điểm nghẽn trong thể chế pháp luật, chính là do tư duy, nhận thức chậm thay đổi so với yêu cầu thực tiễn. Trong bối cảnh hiện nay, tư duy “ngồi im”, không thay đổi, hoặc thay đổi nửa vời, chắp vá, không có tính hệ thống thì quản lý, quản trị quốc gia vẫn đi theo “lối mòn”, vẫn “bình mới rượu cũ”, vẫn duy ý chí, giáo điều.

Chiều ngày 3/2, trong buổi gặp mặt CBNV Bệnh viện đầu năm mới, Thiếu tướng GS.TS Lê Hữu Song – Giám đốc Bệnh viện TWQĐ 108 chia sẻ: “Không bao giờ phát triển được nếu chúng ta chỉ tư duy, làm theo lối mòn”. Đúng như vậy! Để khơi thông điểm nghẽn, tháo gỡ khó khăn, rào cản, trước tiên phải xuất phát từ tư duy mỗi người. Giám đốc Bệnh viện TWQĐ 108 đưa ra quan điểm mỗi cá nhân, đơn vị trong Bệnh viện phải đổi mới tư duy, từ bỏ cái cũ, đồng thời cần tích cực việc học hỏi, thử nghiệm và sẵn sàng đối mặt với rủi ro.

Thiếu tướng GS.TS Lê Hữu Song - Giám đốc Bệnh viện TWQĐ 108 phát biểu 

 

Điển hình cho cởi trói tư duy của Bệnh viện trong giai đoạn phát triển hiện nay, đó là thay đổi mô hình quản lý, thúc đẩy sự tự chủ của đơn vị và tự giác của cá nhân – “mô hình quản lý chóp ngược”. Với mô hình này, CBNV được khuyến khích chủ động đề xuất các chương trình nâng cao trình độ, kỹ năng để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ. Mỗi khoa sẽ chủ động xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển của chuyên ngành mình. Áp dụng mô hình quản lý chóp ngược, Bệnh viện đã và đang đưa ra nhiều cơ chế mở để CBNV có cơ hội phát triển, thể hiện năng lực và nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc. Từ đó, người bệnh được thụ hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất, gia tăng sự hài lòng, phù hợp với định hướng xây dựng văn hóa hạnh phúc “Tâm – Trí - Tín” của Bệnh viện.  

Tháo gỡ vướng mắc kìm hãm sự phát triển khoa học công nghệ (KHCN)

Nghị quyết 57 bao gồm những vấn đề rất lớn, với mục tiêu quan trọng nhất là tháo gỡ hàng loạt khó khăn hiện hữu trong hoạt động KH&CN. Khó khăn xuất phát từ chính các quy định của chúng ta. Đây là bài học cho thấy thể chế đang là điểm nghẽn, nếu không tháo gỡ thì chính sách sẽ không thể đi vào cuộc sống. Theo Tổng Bí Thư Tô Lâm: “Vướng mắc lớn nhất hiện nay nằm ở quy định của Luật Đấu thầu. Việc phát triển KH&CN nhưng vẫn áp dụng đấu thầu sẽ dẫn đến tình trạng "tìm mua đồ giả, đồ rẻ nhất, vì đấu thầu không khuyến khích mua thiết bị đắt tiền". Điều này có nguy cơ biến Việt Nam thành bãi rác công nghệ, trở thành nơi tiếp nhận các công nghệ lạc hậu của thế giới. Tổng Bí thư cũng chỉ ra rằng các quy định về đầu tư công, đầu tư tư và hợp tác công tư đang tạo nhiều rào cản, cản trở việc ứng dụng KH&CN vào thực tiễn.

Trong công tác nghiên cứu khoa học tại Bệnh viện TWQĐ 108, một mặt chúng ta đang mong chờ những chính sách tháo gỡ điểm nghẽn của chính phủ sẽ sớm được ban hành và đưa vào thực tiễn, mặt khác chúng ta sẽ nhanh chóng xây dựng cơ chế thông thoáng, tạo điều kiện tối đa cho các cá nhân, đơn vị thực hiện, triển khai các đề tài, kỹ thuật, sáng kiến mới bằng việc rút gọn, tối ưu hóa, giảm chi phí các bước trung gian, từ đó chú trọng vào chất lượng, ý nghĩa thực tiễn, khoa học và ứng dụng các nhiệm vụ KHCN, “không theo phong trào, không theo thành tích”.

Về chế độ đãi ngộ khen thưởng, người làm nghiên cứu được ưu tiên tạo điều kiện về cơ sở vật chất, thời gian cho nghiên cứu sáng tạo. Các công trình, sản phẩm tạo ra đều được ghi nhận làm tiêu chí bình xét khen thưởng cuối năm. Đặc biệt, Bệnh viện đã thực hiện cơ chế riêng hỗ trợ kinh phí theo định mức thường niên cho những người có công trình khoa học và đào tạo đạt tiêu chí đề ra.

Bệnh viện đã và đang từng bước xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh theo từng nhóm chuyên môn, là nơi tập hợp những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu. Nhóm nghiên cứu mạnh có những cơ chế ưu tiên đặc thù về thời gian, kinh phí giành cho nghiên cứu.

Với cơ chế thông thoáng trong nghiên cứu KHCN, số lượng các nhiệm vụ KHCN đăng ký tăng hơn cùng kỳ hàng năm, đặc biệt thu hút được nhiều bác sĩ, kĩ sư trẻ trong toàn Bệnh viện. Đồng thời, chất lượng của đề cương nghiên cứu, kỹ thuật, sáng kiến được cải thiện tốt, có giá trị thực tiễn, ứng dụng trong hoạt động chuyên môn.

Hội đồng thông qua kỹ thuật

Năm 2024, Bệnh viện TWQĐ 108 bổ nhiệm 5 Giáo sư thỉnh giảng đến từ CHLB Đức, Hàn Quốc. Trong các năm tiếp theo, Viện NCKHYD lâm sàng 108 – Bệnh viện TWQĐ 108 sẽ liên tục, đề xuất, mời các chuyên gia đủ năng lực trong và ngoài nước làm Giáo sư thỉnh giảng của Viện.

Ngày 12/2/2025, Bộ Quốc phòng đã ban hành Quyết định số 491/QĐ-BQP về việc giao nhiệm vụ đào tạo hệ dân sự cho một số cơ sở giáo dục trong Quân đội. Trong đó, Viện NCKHYD lâm sàng 108 là một trong 15 cơ sở giáo dục được giao nhiệm vụ đào tạo trở lại hệ dân sự sau 4 năm gián đoạn.

Bệnh viện trích 1% doanh thu cho công tác nghiên cứu khoa học, văn hóa học thuật, hàn lâm (tương đương với 60 tỷ).

Sắp xếp, xây dựng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả đội ngũ cán bộ

Bệnh viện tạo cơ chế “mở cửa” trong tuyển chọn vị trí chỉ huy các đơn vị, tạo cơ hội ứng tuyển cho mọi cán bộ có năng lực và tổ chức thi tuyển. Tuyển dụng nhân sự “đúng và đủ” để đáp ứng yêu cầu định hướng phát triển của Bệnh viện, nhưng phải là nhân lực chất lượng cao. Bác sĩ phải tốt nghiệp loại khá trở lên, chứng chỉ IELTS từ 6.5.

Hội đồng tuyển chọn bác sĩ năm 2024

Bệnh viện đã tích cực nghiên cứu, giải quyết số dư và điều chuyển từ chuyên ngành thừa sang chuyên ngành thiếu nhân lực, thực hiện luân chuyển trong nội bộ Bệnh viện. Chủ động điều động ở một vài khoa có chức năng nhiệm vụ thu dung, điều trị gần giống nhau để nâng cao số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đồng thời nâng cao chất lượng thu dung, điều trị của các khoa nói riêng và Bệnh viện nói chung. Thực hiện luân chuyển, làm việc kiêm nhiệm trong Bệnh viện.

Bước vào kỷ nguyên mới, tư duy cũng phải “vươn mình”, bắt tay vào tháo gỡ, khơi thông các điểm nghẽn, không chỉ phục vụ trong công tác khám chữa bệnh cho bộ đội và nhân dân, mà còn đẩy mạnh hợp tác quốc tế sâu rộng, bền vững, góp phần giúp Bệnh viện thực hiện các mục tiêu trọng tâm trong năm 2025 bao gồm: 1 Đại hội, 2 Văn hóa, 3 Giải pháp, 4 Đề án và 5 Dự án.

Giám đốc Bệnh viện TWQĐ 108 khẳng định 5 mục tiêu trọng tâm trong năm 2025 bao gồm: 1 Đại hội, 2 Văn hóa, 3 Giải pháp, 4 Đề án và 5 Dự án, cụ thể:

01 Đại hội Đảng: Toàn Bệnh viện phải đoàn kết, quyết tâm tiến hành Đại hội Đảng thành công trên tinh thần xây dựng “vì Bệnh viện, vì người bệnh và vì chúng ta”.

02 Văn hoá: Tiếp tục vun đắp, phát triển văn hoá hạnh phúc “Tâm-Trí-Tín” và văn hoá hàn lâm học thuật.

03 Giải pháp điều hành: Ứng dụng chuyển đổi số hiệu quả trong mọi hoạt động; giải pháp quản lý người bệnh ung thư; đổi mới quy trình khám chữa bệnh tại Khoa Khám bệnh Cán bộ Cao cấp.

04 Đề án: Đề tài nghiên cứu dấu ấn sinh học (marker) trong chẩn đoán bóc tách động mạch chủ hợp tác với Trường Đại học Hannover; Đề án triển khai kĩ thuật cấy ghép thiết bị hỗ trợ thất trái (LVAD); Đề án ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh nhược cơ và Lupus ban đỏ hệ thống (SLE); Đề án hồi sức hiến tạng.

05 Dự án: Dự án Trung tâm khám bệnh đa khoa; dự án hầm để xe; dự án trang thiết bị; dự án Trung tâm Phục hồi chức năng; dự án Nhà tang lễ Quốc gia.

 

Lan Hương & Nghiêm Xuân Hoàn – Phòng KHQS.

 

Chia sẻ