Nghiên cứu khoa học: “Dễ thở” với cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng

  03:08 PM 20/02/2025
Sáng 19/2, tại Phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm các cơ chế chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Với quyết tâm của Thường vụ Đảng uỷ - Ban Giám đốc Bệnh viện về đẩy mạnh hoạt động khoa học và công nghệ, việc thông qua Nghị quyết chính là “đòn bẩy” thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tại Bệnh viện TWQĐ 108.

Với những giải pháp quyết liệt chưa từng có của Nghị quyết 57, phiên họp lần này Quốc hội đã thông qua nhiều chính sách đặc biệt trong đó thí điểm một số cơ chế, chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Các cơ chế tháo gỡ điểm nghẽn trong công tác KH&CN có các điểm nhấn sau đây:

Ưu tiên cấp ngân sách qua các Quỹ, thực hiện khoán chi tới sản phẩm cuối cùng

Nhà nước ưu tiên cấp kinh phí ngân sách để triển khai các nhiệm vụ KHCN theo cơ chế quỹ thông qua các quỹ KHCN. Các quỹ phát triển KHCN của Nhà nước được thành lập theo quy định tại Luật Khoa học và Công nghệ.

Nhiệm vụ KHCN được thực hiện theo phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng khi tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ KHCN có cam kết về sản phẩm với chỉ tiêu chất lượng chủ yếu cần đạt.

Tổ chức chủ trì có trách nhiệm tổ chức khai thác tài sản hình thành từ nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách nhà nước, tiếp tục đầu tư để thương mại hóa bảo đảm hiệu quả.

Theo nghị quyết, các khoản thu nhập tiền lương, tiền công từ thực hiện nhiệm vụ KHCN có sử dụng ngân sách nhà nước không chịu thuế thu nhập cá nhân.

Quy định về đấu thầu dễ thở nhằm tăng cường tính chủ động và hiệu quả

Quốc hội nêu rõ không áp dụng quy trình, thủ tục quy định tại Luật Đấu thầu trong trường hợp:

Mua sắm hàng hóa, dịch vụ thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc phần kinh phí được giao khoán của nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước, tổ chức, cá nhân chủ trì chịu trách nhiệm thực hiện việc mua sắm mà không phải áp dụng quy định tại Luật Đấu thầu nhưng phải bảo đảm chế độ hoá đơn, chứng từ đầy đủ theo quy định của pháp luật.

Mua sắm không sử dụng vốn ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ của cá nhân, tổ chức tham gia nhiệm vụ khoa học và công nghệ mà không phải là cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thì cá nhân, tổ chức đó tự quyết định việc mua sắm bảo đảm đầy đủ chứng từ, hóa đơn mà không phải áp dụng quy trình, thủ tục quy định tại Luật Đấu thầu.

Chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ

Nghị quyết nêu rõ tổ chức, cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được miễn trách nhiệm dân sự khi gây ra thiệt hại cho Nhà nước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách nhà nước khi đã thực hiện đầy đủ các quy trình, quy định liên quan trong quá trình triển khai thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ".

Tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách nhà nước trong quá trình triển khai đã thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý nhiệm vụ KHCN, quy trình và nội dung nghiên cứu đã được thuyết minh nhưng không đi đến kết quả như dự kiến thì không phải hoàn trả lại kinh phí đã sử dụng".

Tăng cường năng lực nghiên cứu, ứng dụng và thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học

Một trong những thách thức lớn của hầu hết các Bệnh viện hoặc đơn vị công là chuyển giao và thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Nghị quyết mới cho phép:

Tổ chức khoa học công nghệ (KHCN) công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập được thành lập hoặc tham gia thành lập, góp vốn vào doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ do tổ chức đó sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng.

Viên chức quản lý làm việc tại tổ chức KHCN công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập được tham gia góp vốn, quản lý, điều hành, làm việc tại doanh nghiệp do tổ chức đó thành lập hoặc tham gia thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do tổ chức đó tạo ra khi được sự đồng ý của người đứng đầu tổ chức.

Trường hợp viên chức quản lý là người đứng đầu tổ chức KHCN công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập thì phải được sự đồng ý của cấp trên quản lý trực tiếp.

“Thể chế” đã thông qua và kế hoạch hành động quyết liệt tại Bệnh viện TWQĐ 108

Mặc dù Bệnh viện đã và đang có nhiều chính sách khuyến khích các bác sĩ, các nhà khoa học chủ động và tích cực triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ y học tiên tiến vào hoạt động khám chữa bệnh. Tuy nhiên, hoạt động nghiên cứu khoa học của Bệnh viện còn một số điểm nghẽn cần tháo gỡ và còn nhiều hạn chế: số lượng công bố quốc tế còn ít; chất lượng công bố quốc tế chưa cao; các chuyên ngành/chuyên khoa chưa xem việc công bố khoa học như một nhiệm vụ thường xuyên; một số chuyên ngành, chuyên khoa lớn không có công bố quốc tế; nhiều chuyên gia, tiến sĩ không có công bố quốc tế; ít luận án bảo vệ bằng tiếng Anh.

Bởi vậy, dựa trên các nội dung đã được Quốc hội vừa thông qua về việc tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Vậy tại Bệnh viện TWQĐ 108, chúng ta cần làm gì để đưa Nghị quyết 57 vào thực tiễn? Theo đó các nhóm nghiên cứu tại Bệnh viện TWQĐ 108 cần có kế hoạch hành động ngay để hiện thực hóa chủ trương, tận dụng các cơ chế hỗ trợ mới và nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ.

Một số định hướng thực hiện trong thời gian tới bao gồm:

Một là, rà soát xây dựng và định hướng nghiên cứu theo ưu tiên của Nghị quyết. Lĩnh vực nghiên cứu phù hợp với ưu tiên của Nghị quyết, tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn (Y học chính xác, y học tái tạo, liệu pháp miễn dịch, trí tuệ nhân tạo (AI) trong y tế, công nghệ gen, tế bào gốc, chuyển đổi số trong quản lý y tế, y học hạt nhân, Bigdata…).

Hai là, thiết lập kế hoạch nghiên cứu dài hạn, đảm bảo các đề tài gắn với nhu cầu thực tiễn và có khả năng ứng dụng, thương mại hóa cao. Đề xuất dự án theo cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng, cam kết tiêu chuẩn chất lượng cụ thể, đảm bảo hiệu quả giải ngân và ứng dụng thực tế.

Ba là, tận dụng cơ chế "chấp nhận rủi ro" trong nghiên cứu khoa học, tăng cường các nghiên cứu đột phá. Đề xuất các đề tài có tính rủi ro cao nhưng tiềm năng lớn, đặc biệt trong các lĩnh vực chưa được hoặc mới được khám phá tại Việt Nam.

Bốn là, chủ động thực hiện các thử nghiệm lâm sàng tiên tiến với sự giám sát chặt chẽ từ Hội đồng Khoa học Bệnh viện.

Năm là, mạnh dạn đề xuất các ý tưởng nghiên cứu mới, hay, ý nghĩa khoa học và thực tiễn; giảm bớt e ngại trong nghiên cứu khi được miễn trách nhiệm dân sự nếu tuân thủ đúng quy trình mà không đạt kết quả như dự kiến.

Sáu là, Chủ động tiếp cận và sử dụng các quỹ phát triển KHCN. Tăng cường đề xuất nhiệm vụ khoa học sử dụng ngân sách nhà nước: Lập hồ sơ, thuyết minh các đề tài có khả năng ứng dụng cao để tiếp cận nguồn vốn từ quỹ phát triển KHCN.

Với các “thể chế” mới nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn trong hoạt động KH&CN đã được thông qua; cùng với chủ trương lấy KH&CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là kim chỉ nam để thực hiện các nhiệm vụ chính trị trung tâm của Bệnh viện. Các nhà khoa học và các nhóm nghiên cứu của Bệnh viện cần nêu cao tinh thần, phát huy nội lực, thích ứng linh hoạt, tăng tốc, bứt phá nhằm hiện thực hoá các mục tiêu phát triển đột phá bằng khoa học, công nghệ.

Một điểm cuối cùng liên quan đến triển khai các nghiên cứu khoa học tại Bệnh viện TWQĐ 108 mà hầu hết chúng ta quan tâm đó là việc triển khai nghiên cứu/đề tài các cấp sử dụng nguồn ngân sách nhà nước dưới cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng đồng nghĩa các đề xuất đầu vào phải chất lượng hơn, những sản phẩm và kết quả từ nghiên cứu phải thực sự có chất lượng và có tiềm năng ứng dụng thực tiễn cao hơn. Điều này cũng đồng nghĩa với nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý, đơn vị tổ chức chủ trì và của Hội đồng trong công tác tuyển chọn, giám sát, kiểm tra quá trình thực hiện và đánh giá kết quả nghiên cứu.

 

Nghiêm Xuân Hoàn & An Ngọc - Phòng Khoa học Quân sự

Chia sẻ