Tập huấn chuyên ngành: Các bệnh truyền nhiễm mới nổi, tái nổi và hướng dẫn thực hành các nguyên tắc an toàn sinh học

  1 ngày trước
Ngày 19/5/2025, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã diễn ra lễ khai mạc khóa tập huấn chuyên ngành “Các bệnh truyền nhiễm mới nổi, tái nổi và hướng dẫn thực hành các nguyên tắc an toán sinh học”. Khóa tập huấn này nằm trong khuôn khổ dự án Liên minh Đông Nam Á về phòng chống bùng phát dịch bệnh (PAN ASEAN Coalition for Epidemic and Outbreak Preparedness, gọi tắt là PACE-UP).

Toàn cảnh buổi tập huấn.

Dự lễ khai mạc có Bà Helga Margarete Barth - Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam; ông Felix Wagenfeld  - Giám đốc Văn phòng Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD) tại  khu vực Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar; GS.TS Thirumalaisamy P. Velavan - Chủ nhiệm Dự án PACE-UP, Đồng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học Việt Đức, Bệnh viện TWQĐ 108.

Đại diện Bệnh viện TWQĐ 108 có Thiếu tướng, GS. TS Lê Hữu Song - Giám đốc Bệnh viện TWQĐ 108, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Y học Việt – Đức (VG-CARE) cùng các trưởng nhóm nghiên cứu tại VGCARE và chỉ huy các đơn vị trong Bệnh viện.

Phát biểu tại lễ khai mạc, bà Helga Margarete Barth - Đại sứ Đức tại Việt Nam - bày tỏ sự đánh giá cao về mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Đức và Việt Nam trong lĩnh vực y tế. Bà đại sứ nhấn mạnh, chương trình PACE-UP không chỉ là minh chứng cho tinh thần đoàn kết quốc tế mà còn góp phần quan trọng trong việc ứng phó hiệu quả với các dịch bệnh mới nổi, vốn đang là mối đe dọa nghiêm trọng toàn cầu.

Bà Helga Margarete Barth - Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam phát biểu tại lễ khai mạc.

Cũng tại buổi tập huấn, Thiếu tướng, GS. TS Lê Hữu Song - Giám đốc Bệnh viện nhấn mạnh tầm quan trọng cấp thiết của việc xây dựng hệ thống y tế công cộng vững mạnh, đặc biệt sau đại dịch COVID-19. GS. TS Lê Hữu Song ghi nhận hoạt động thành công của VG-CARE trong khuôn khổ dự án PACE-UP, như việc trở thành đơn vị tiên phong giải trình tự gen SARS-CoV-2 tại Việt Nam, góp phần phát hiện biến thể Omicron đầu tiên. Đồng thời, Giám đốc Bệnh viện TWQĐ 108 cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Bộ Ngoại giao Đức, Đại sứ quán Đức tại Hà Nội và DAAD đã luôn đồng hành và hỗ trợ dự án, qua đó khẳng định cam kết tiếp tục phát triển, và thúc đẩy hợp tác khoa học công bằng và bền vững.

Thiếu tướng, GS. TS Lê Hữu Song - Giám đốc Bệnh viện chia sẻ tại khai mạc buổi tập huấn.

Đồng Giám đốc VG-CARE, GS. TS Thirumalaisamy P. Velavan cũng chia sẻ rằng buổi tập huấn đánh dấu bước trưởng thành của một thế hệ mới các nhà bác sỹ/nhà khoa học cho nhiệm vụ chuẩn bị ứng phó dịch bệnh. GS. TS Velavan cảm ơn và đánh giá cao sự hỗ trợ bền bỉ của DAAD, góp phần hiện thực hóa tầm nhìn dài hạn của PACE-UP. Đống thời, Giáo sư Velavan cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các học viên và cựu học viên PACE-UP tiếp tục không ngừng lan toả giá trị của khoa học vì lợi ích cộng đồng. 

GS. TS Thirumalaisamy P. Velavan chia sẻ tại khai mạc buổi tập huấn.

Mở đầu chương trình tập huấnGS. TS. Lay Myint Yoshida - Đại học Nagasaki, Nhật Bản đã có bài trình bày với chủ đề “Các bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi tại Đông Nam Á”, thu hút sự quan tâm của đông đảo học viên.

Chương trình tập huấn diễn ra từ ngày 19 đến 23/5/2025, được xây dựng trên nền tảng hợp tác khoa học liên vùng, gồm hai phần chính. Phần 1 tập trung cung cấp kiến thức chuyên sâu về dịch tễ học của các virus mới nổi và tái nổi, cơ chế lây truyền bệnh, các vấn đề về kháng kháng sinh và các bệnh lây từ động vật sang người (zoonoses). Học viên được cập nhật các quy trình phát hiện và quản lý sớm ổ dịch, cũng như quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn trong môi trường bệnh viện và phòng xét nghiệm. Phần 2 là đào tạo thực hành, nhấn mạnh vào kỹ thuật an toàn sinh học từ cấp 1 đến cấp 3, xử lý vi sinh vật gây bệnh, quy trình sử dụng xe xét nghiệm lưu động ATSH cấp 2 được trang bị tủ ATSH cấp 3 trong các tình huống khẩn cấp.  Học viên được tham gia thực hành đóng gói, dán nhãn, lưu trữ và vận chuyển mẫu bệnh phẩm; mặc và tháo đồ bảo hộ cá nhân (PPE); và kỹ thuật chẩn đoán trong bối cảnh dịch bùng phát. 

GS. TS. Lay Myint Yoshida - Đại học Nagasaki, Nhật Bản trình bày báo cáo mở đầu chương trình tập huấn.

Chương trình tập huấn không chỉ là cơ hội tiếp cận các kiến thực cập nhật về các bệnh truyền nhiễm mới nổi, tái nổi, mà còn là cầu nối thúc đẩy hợp tác đa ngành giữa các trung tâm nghiên cứu, cơ sở y tế trong khu vực ASEAN với các đối tác châu Âu và châu Phi. Thông qua hoạt động tập huấn lần này, Bệnh viện TWQĐ 108 nói riêng và Việt Nam nói chung tiếp tục khẳng định vị thế là điểm đến khoa học uy tín, đóng góp tích cực vào mạng lưới phòng chống dịch bệnh toàn cầu, đặc biệt là trong bối cảnh các nguy cơ dịch bệnh xuyên biên giới ngày càng gia tăng.

PACE-UP là dự án do Trung tâm Phòng chống Đại dịch và Y học Toàn cầu (Global Health and Pandemic Prevention Center) khởi xướng, được đặt trụ sở duy nhất khu vực Châu Á tại VG-CARE, với sự tài trợ của DAAD (Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức) thông qua Bộ Ngoại giao Liên bang Đức (AA). Chương trình hướng đến việc xây dựng năng lực bền vững cho hệ thống y tế khu vực ASEAN nhằm phản ứng kịp thời với các dịch bệnh hiện tại và tương lai.

Trung tâm NCYH Việt-Đức, với sứ mệnh và vai trò là  triển khai, thiết kế các nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng lâm sàng về các bệnh truyền nhiễm ở Việt Nam; mở rộng và tăng cường năng lực hệ thống chăm sóc sức khỏe thông qua việc thiết lập chương trình giáo dục đào tạo phù hợp cũng như các nghiên cứu và mô hình dịch vụ tiên tiến. Trung tâm được thành lập là minh chứng cho mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và CHLB Đức trong nghiên cứu khoa học và phát triển năng lực y tế. 

Một số hình ảnh khác:

 

Ông Felix Wagenfeld  - Giám đốc Văn phòng Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD) tại  khu vực Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar chia sẻ tại buổi tập huấn.

 

 

 

 

 

 

Đại biểu chụp hình lưu niệm.

 

Đào Huyền, Phạm Định, Nhật Mỹ (VGCARE)

Chia sẻ