Công tác huấn luyện gây mê hồi sức trong đại dịch COVID 19

  08:37 AM 24/08/2021
Trước tình hình dịch bệnh Covid đang diễn biến phức tạp, xuất hiện ở nhiều địa phương và nhiều ca dương tính trong cộng đồng, nguy cơ có bệnh nhân ( BN) nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid có chỉ định phẫu thuật cấp cứu là tình huống có thể gặp ở các cơ sở khám chữa bệnh và bệnh viện.

Hiện nay, Bệnh viện TWQĐ 108 luôn làm tốt nhiệm vụ phòng, chống và kiểm soát dịch cũng như sẵn sàng chi viện hỗ trợ các đơn vị, địa phương trong quá trình chung tay đẩy lui dịch bệnh COVID-19.  Việc điều trị bệnh nhân nhiễm Covid với phương châm “ 4 tại chỗ”   tiếp nhận, thu dung, điều trị người nhiễm SARS-CoV-2 được an toàn, không để lây nhiễm chéo trong Bệnh viện là nhiệm vụ thực tế và cấp bách.  Để chủ động phòng chống và phù hợp với diễn biến dịch Covid, bệnh viện đã chỉ thị nhiều nội dung, triển khai các biện pháp đồng bộ, đồng thời hướng dẫn cũng như thống nhất các quy trình xử trí các trường hợp BN vào cấp cứu điều trị tại bệnh viện, đặc biệt cho nhóm bệnh nhân F0, nghi ngờ F0, có hoặc không có triệu chứng, có yếu tố dịch tễ…

Trong gần 2 năm qua, khoa Gây mê Hồi sức bệnh viện TƯQĐ 108 luôn quan tâm đến công tác phòng chống dịch, đặc biệt là công tác Gây mê hồi sức và phẫu thuật cho bệnh nhân cơ có nguy cơ như : tập trung triển khai phòng mổ riêng cho bệnh nhân nhiễm và nghi nhiễm Covid, huấn luyện cũng như áp dụng các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm khi cần phẫu thuật .

Tham khảo 1 số hướng dẫn của Quốc tế và Hội Gây mê Hồi sức Việt Nam, khoa Gây mê Hồi sức đã xây dựng nhiều tình huống giả định và kịch bản, luyện tập thường xuyên các biện bảo đảm an toàn, đồng thời tuân thủ đúng “Quy trình xử trí bệnh nhân nghi ngờ hoặc xác định covid-19 tại phòng mổ”

Tập thể khoa đã lấy lực lượng thanh niên làm nòng cốt, ngoài việc trang bị kiến thức chuyên môn sâu, được tập huấn kỹ và bài bản việc mang mặc đồ bảo hộ, công tác xử lý dụng cụ phẫu thuật, trang thiết bị máy móc, xử lý chất thải y tế,  cách thức vận chuyển bệnh nhân…

Nhiều kịch bản và giả định đặt ra trong xử lý tình huống với các ca cần phẫu thuật: Bệnh nhân F0 chưa có biểu hiện bệnh, bệnh nhân đã có biểu hiện bệnh chưa có tổn thương phổi, có tổn thương phổi. Lên phương án triển khai khi mổ tiểu phẫu, đại phẫu, mổ phổi và lồng ngực, sọ não, chấn thương, mổ sản, mổ nội soi hay mổ mở…  bệnh nhân sau mổ có thể cai máy rút được ống nội khí quản, bệnh nhân sau mổ phải thở máy kéo dài.v.v.

Phẫu thuật cấp cứu tối khẩn cấp trường hợp chưa có kết quả khẳng định PCR

 

Với các bệnh nhân gây mê cần đặt ống nội khí quản thở máy, nguy cơ phơi nhiễm cho nhân viên y tế và phát tán virus trong phòng mổ rất cao.  Khoa Gây mê hồi sức đã áp dụng và thực hành thường xuyên các biện pháp: Dùng mặt nạ phòng chống giọt bắn , đặt nội khí quản bằng hộp chống giọt bắn, đặt nội khí quản dùng màn chụp bằng nilon trong suốt, sử dụng đèn soi đặt nội khí quản có gắn Camera, phương pháp thông khí cho bệnh nhân nghi nhiễm…nhằm luyện tập thói quen và thành thục các động tác, với mục tiêu hạn chế tối đa tình trạng phơi nhiễm cho nhân viên y tế và phát tán mầm bệnh ra môi trường.  

Trên cơ sở hướng dẫn và thực tiễn hoạt động tại Bệnh viện, những kiến thức chuyên khoa sâu và nguyên tắc trong công tác Gây mê Hồi sức được phổ biến rộng cho các bác sỹ và nhân viên trong khoa nắm chắc khi phẫu thuật cho bệnh nhân nghi nhiễm COVID 19 .

Khi có bệnh nhân nghi nhiễm cần phẫu thuật, bác sỹ gây mê cần xem xét chỉ định mổ cùng phẫu thuật viên và Ban phòng chống dịch Bệnh viện: luôn trong trạng thái sẵn sàng về nhân lực, nhanh chóng triển khai cho các loại hình phẫu thuật cấp cứu tối khẩn cấp, khẩn cấp hay cấp cứu có thể trì hoãn, sẵn sàng các phương tiện phòng hộ, trang thiết bị cũng như tinh thần cho cán bộ nhân viên sau ca mổ phải cách ly tạm thời …

Một số nguyên tắc cần tuân thủ : 

• Bệnh nhân bắt buộc phải: đeo khẩu trang N95, mặc quần áo bảo hộ y tế, nằm giường, cáng hoặc ngồi xe lăn, không nói chuyện khi di chuyển.

• Nhân viên y tế: Mặc bộ bảo hộ PPE (Tivec), đeo khẩu trang N95, bọc giày, tấm ngăn giọt bắn, mang găng tay. Nhanh chóng bàn giao, điền bảng kiểm an toàn phẫu thuật và đưa thẳng vào phòng mổ, không qua phòng trung gian.

• Hạn chế tối đa người vào phòng mổ: Bác sĩ gây mê + Phẫu thuật viên + Phụ mổ + Dụng cụ viên + Chạy ngoài. Chọn bác sĩ và những nhân lực có kinh nghiệm nhất phòng mổ thực hiện ca mổ. Hạn chế tối đa mở cửa phòng mổ trong khi mổ.

• Chuẩn bị máy mê: Đặt filter lọc tại đường thở vào và trước van thở ra của máy thở, tối ưu là quả lọc HEPA.

• Quy trình khởi mê và đặt ống nội khí quản : 

- Áp dụng quy trình đặt ống nội khí quản nhanh, chỉ đặt nội khí quản sau khi đã chắc chắn mất hoàn toàn phản xạ ho.

- Ưu tiên dùng thuốc giãn cơ nhóm Rocuronium liều cao ngay từ đầu để cắt nhanh các phản xạ và giải giãn cơ khi cần thiết .    

- Ưu tiên đặt ống nội khí quản bằng đèn Camera, mặt người đặt ống nội khí quản cách xa miệng bệnh nhân tối đa, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm.

- Không đặt nội khí quản bằng ống soi mềm với gây tê tại chỗ trừ khi bắt buộc.

- Nếu bệnh nhân có hạ SpO2 sau khi ngừng thở, buộc phải thông khí qua mask: Phải đảm bảo giữ mask kín, thông khí với thể tích khí lưu thông ( Vt)  thấp hoặc bóp bóng Vt thấp, tránh để khí thở ra của BN thoát ra phòng.

- Không đặt mask thanh quản, không thở máy kiểu không xâm nhập (NIV) trừ khi có chỉ định bắt buộc. 

- Phải bơm Cuff kín trước khi cho thở máy áp lực dương.

• Duy trì mê: Hạn chế tối đa việc hút ống nội khí quản. Tối ưu là dùng bộ hút nội khí quản kín. 

• Thoát mê và rút nội khí quản: Hạn chế tối đa để bệnh nhân ho, bắn các giọt dịch tiết ra xung quanh. Đeo khẩu trang phẫu thuật cho bệnh nhân ngay sau rút ống nội khí quản.

• Nhân viên mặc PPE tuân thủ nghiêm ngặt quy trình cởi PPE, đây là khâu gây lây nhiễm cao nhất. Rửa tay đang mang găng với dung dịch sát khuẩn, sau đó mới cởi PPE. Ngay sau cởi PPE tuyệt đối không chạm tay vào bất cứ vùng cơ thể nào, bất cứ vật gì cho đến khi rửa tay kỹ bằng xà phòng/dung dịch sát trùng.

Với mỗi tình huống xảy ra đều được giải quyết bằng những phương án tiếp nhận, cách ly, điều trị khác nhau nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người bệnh cũng như nhân viên y tế.

Các tình huống liên quan đến gây mê hồi sức cần đặt nội khí quản, thở máy, chuyển từ bóp bóng sáng thở máy, tình huống cai máy thở… cần tuân thủ các nguyên tắc phòng ngừa với mục tiêu quan trọng là phải hạn chế tối đa việc lây nhiễm khi làm các thủ thuật kiểm soát đường thở cho bệnh nhân. 

Việc tập huấn, trang bị kiến thức và xây dựng kịch bản cho các tình huống xảy ra giúp cho  cán bộ nhân viên khoa Gây mê hồi sức tự tin hơn trong công tác ứng phó với các tình huống tiếp nhận bệnh nhân nhiễm Covid-19 vào phẫu thuật và điều trị tại bệnh viện ./.

PGS.TS Nguyễn Minh Lý, BS. Nguyễn Quang Trường.

     Khoa Gây mê Hồi sức - Bệnh viện TWQĐ 108

Chia sẻ