Thiếu tướng bác sĩ Đỗ Hoài Nam người có bàn tay vàng

  09:54 AM 06/02/2021

Thiếu tướng BS. Đỗ Hoài Nam - Nguyên Quân y sỹ Khoa Ngoại tiêu hóa - Quân y Viện 108

Trong chiến tranh, việc cứu chữa sớm vết thương cho thương binh ngay tại mặt trận không những đem lại hiệu quả cứu sống cao mà còn có một ý nghĩa quan trọng, góp phần trả nhanh quân số về đơn vị tham gia chiến đấu, đây cũng là yêu cầu cao nhất cho tất cả tuyến quân y trong kháng chiến. Chính nhờ đạt được hiệu quả này mà Đội phẫu thuật của bác sĩ Đỗ Hoài Nam trong chiến tranh chống Mỹ ở chiến trường miền Đông Nam bộ đã trở thành một trung tâm mà cán bộ, chiến sĩ ở miền Đông gửi gắm niềm tin nhất là với đôi bàn tay ngoại khoa tuyệt vời của bác sĩ Đỗ Hoài Nam. Niềm tin đã trở thành truyền thuyết đến mức nhiều chiến sĩ nói với nhau: “Ra trận mà thấy có Đội phẫu thuật của anh Ba Hoài Nam đi theo là yên tâm không sợ chết!”. Nhờ vậy mà tên anh Ba Hoài Nam, hầu như đã quen thuộc qua các
chiến dịch lớn nhỏ ở chiến trường Miền như Bình Giã (1964), Đồng Xoài (1965), Bà Đen, Quốc lộ 13 (1966), Gian - xơn Xi - ti (1970), Mậu Thân (1968), Biên Giới (1969), Thiện Ngôn (1970), Nguyễn Huệ (1972). Đội phẫu thuật của anh luôn là mũi nhọn bám sát bộ đội kịp thời cứu chữa sớm cho thương binh qua các chiến dịch.

Kể từ “Nhát dao - Nhát kéo” ngoại khoa phục vụ chiến dịch Bình Giã, chiến dịch đầu tiên của Miền Đông Nam Bộ (12/1964) cho đến chiến dịch Nguyễn Huệ (4/1972), đôi bàn tay vàng của anh đã cứu sống hàng ngàn thương binh, trong đó có nhiều vết thương mạch máu, vết thương sọ não, đa vết thương do bom B52 và mìn. Riêng trong lĩnh vực vết thương mạch máu, chính bác sĩ Đồ Hoài Nam đã xử trí thành công trên 150 trường hợp rất phức tạp; có trường hợp tưởng chừng như không thế cứu sống như trường hợp thương binh Hồ Minh Sơn (Sư đoàn 9) bị vết thương gây túi phồng mạch máu ở động mạch đùi phải trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968, khi về đến tuyến sau, túi phồng đã phình to như quả bưởi, nhiều đồng nghiệp nhìn thấy đã “lắc đầu” không dám chạm dao kéo! Nhưng bác sĩ Đỗ Hoài Nam không chịu bó tay để đồng đội hy sinh, anh có một quyết tâm cao, nghiên cứu thật kỹ chiến thuật hãn hữu này thành công tốt đẹp. Tiếng lành đồn nhanh, sau ca phẫu thuật, nhiều bạn bè đồng nghiệp quân dân y chiến trường đều chúc mừng sự thành công của anh.

Với thành tích xuất sắc của anh trong cứu chữa thương binh, năm 1973 tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua miền Nam, bác sĩ Đỗ Hoài Nam vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh Hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bệnh viện quân y K72 mà anh là Viện trưởng, cùng với một số đội quân y khác về Sài Gòn tiếp quản Tổng y viện Cộng hoà, thành lập Viện Quân y 175, bệnh viện tuyến cuối của quân y phía Nam thuộc Cục Quân y. Với nhiệm vụ mới trách nhiệm nặng hơn, bác sĩ Đỗ Hoài Nam là Viện phó kiêm Tổng chủ nhiệm các khoa ngoại. Các năm 1977 - 1979, trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, hàng trăm thương binh nặng lần lượt chuyển về Viện quân y 175. Có nhiều đợt thương binh về, anh phải thức trắng suốt nhiều đêm liền để cùng các kíp mổ xử trí các vết thương phức tạp và ca mổ nào khó đều có bác sĩ Đỗ Hoài Nam. Cứ thế liên tục suốt trong 10 năm, khi bộ đội ta làm nhiệm vụ quốc tế trên chiến trường K, số lượng thương binh anh xử trí thương binh về được qua bàn tay anh xử trí còn nhiều hơn số lượng trong kháng chiến chống Mỹ. Với công lao và thành tích tiếp theo của anh, năm 1984, tại Đại hội thi đua của Viện Quân y 175, anh được 100% phiếu tín nhiệm đề nghị quân đội và Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lần thứ hai và bầu anh là Thầy thuốc nhân dân. Song với đức tính khiêm tốn của mình, bác sĩ Đỗ Hoài Nam thiết tha từ chối, anh nói:

Trong cuộc đời thầy thuốc bộ đội, tôi được lớn lên như ngày nay là nhờ tập thể của ngành Quân dân y. Tôi vô cùng biết ơn sự quan tâm của Đảng, của quân đội và tập thể; vừa qua, với một số thành công nhỏ của tôi trong phục vụ thương binh, tôi đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng. Như vậy đã là quá lớn, tôi xin thành thật không dám nhận tiếp danh hiệu lần thứ hai...

Thật là một con người không những đẹp ở bàn tay vàng trong lĩnh vực ngoại khoa chiến tranh mà còn rất đẹp trong đức tính của một đảng viên cộng sản.

Nhưng một căn bệnh hiểm nghèo đã cướp mất anh: Thiếu tướng bác sĩ Đỗ Hoài Nam sinh ngày 24/1/1931 ở xã Hội Cứ, huyện Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang), Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, thầy thuốc nhân dân, người có đôi bàn tay vàng, là ân nhân của hàng ngàn thương binh chiến trường Miền Đông Nam bộ đã vĩnh viễn ra đi vào ngày 23/8/1990.

Năm nay, 20 năm sau ngày anh mất, vào dịp kỷ niệm toàn quốc kháng chiến (19-12), xin được nhắc lại những cống hiến to lớn của anh trong sự nghiệp bảo vệ sức khoẻ của quân đội và nhân dân, vì công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc giữa tình thương yêu của đồng đội và của ngành Quân y anh hùng.

*Thiếu tướng, BS. Đỗ Hoài Nam (Tên thật Đỗ Văn Nhị)

Nguyên Quân y sỹ Khoa Ngoại tiêu hóa, là một trong những cán bộ đầu tiên của Quân y viện 108 vào chiến trường miền Nam (1959), được phong danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân (1973) Nguyên Viện trưởng Viện Quân y 175.

 

Tiến sỹ Nguyễn Sanh Dân

Trung tâm di sản các nhà khoa học Việt Nam

 

Chia sẻ