“Nơi ấy” tôi trưởng thành từng ngày

  11:34 AM 01/12/2023
Năm 2013, tôi nhận quyết định về Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa (A4B) với cương vị Điều dưỡng trưởng. Khoảng thời gian ở khoa chính với đầy ắp những kỷ niệm với mái nhà thân yêu này là quãng thời gian đáng nhớ nhất trong cuộc đời quân ngũ của tôi.

Nhớ lại, năm đó khi nhận quyết định trên tay tôi vừa tròn 30 tuổi, ngày tôi được nhận nhiệm vụ mới là buổi Bệnh viện tổ chức một buổi hội nghị gặp mặt trao nhiệm vụ cho các đơn vị mới thành lập trong đó có Khoa A4-B nơi tôi được nhận nhiệm vụ sẽ về đó công tác. Lúc đó, thay mặt Thường vụ Đảng ủy, Ban Giám đốc Bệnh viện giao từng nhiệm vụ cho từng đơn vị và từng cá nhân phụ trách, Trung tướng PGS.TS Lê Thu Hà lúc đó là Chính ủy Bệnh viện đã nói: “Bệnh viện đã tin tưởng và giao nhiệm vụ cho các đồng chí nhận nhiệm vụ mới trong đó có đồng chí Nguyễn Hương Lan – một điều dưỡng rất trẻ nhận nhiệm vụ điều dưỡng trưởng khoa A4B, Thường vụ Đảng ủy- Ban Giám đốc tin rằng với trình độ chuyên môn đồng chí đã được học và kinh nghiệm lâm sàng đã có đồng chí sẽ hoàn thành nhiệm vụ Bệnh viện giao”.

Lúc ấy cảm giác trong tôi vừa mừng vừa lo vì nhận một nhiệm vụ mới, tại một nơi làm việc mới với chuyên ngành Truyền nhiễm là một chuyên ngành khó và vất vả đòi hỏi sự cống hiến nhiệt tình và có một sức khỏe tốt mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ Bệnh viện giao cho.  

Rồi những ngày đầu về khoa mọi thứ rất mới mẻ tôi cần phải thực sự cố gắng mới có thể đáp ứng được nhiệm vụ được giao. Là một đơn vị mới thành lập cơ sở vật chất tại đơn vị đã cũ, nhân lực cũng chưa đủ. Mọi khó khăn chồng chất ngay từ những ngày làm việc đầu tiên. Khoảng thời gian sau khi nhận nhiệm vụ được hai tháng khoa tôi tiếp nhận hàng loạt bệnh nhân mắc bệnh Sởi người lớn, mỗi ngày bệnh nhân tới khám nhập viện rất nhiều tôi và các bạn trong khoa đã cố gắng thu xếp tiếp nhận điều trị chăm sóc bệnh nhân thật tốt. Ngoài ra vì đặc thù mặt bệnh Truyền nhiễm là bệnh nhân có thể mắc nhiều bệnh mãn tính kèm theo, trong Khoa có nhiều kĩ thuật mới máy móc mới, để đáp ứng được nhu cầu nhiệm vụ đó bản thân tôi cùng các bạn đồng nghiệp cũng phải cố gắng học tập thêm, cứ cuối tuần tôi lại lên một số khoa trong Bệnh viện gặp các anh chị điều dưỡng trưởng có kinh nghiệm nhằm học hỏi kiến thức về máy móc và cách điều hành quản lý sử dụng nguồn lực cho công tác điều dưỡng trong khoa. Và tôi nhận được sự giúp đỡ rất nhiệt tình của các anh chị điều dưỡng trưởng có kinh nghiệm trong Bệnh viện như chị Thu điều dưỡng trưởng Khoa Hồi sức Tim mạch (A2D), đồng chí Quỳnh điều dưỡng trưởng Khoa Hồi sức tích cực (A12), đồng chí Mơ điều dưỡng trưởng Trung tâm hỗ trợ sinh sản…và với sự ủng hộ giúp đỡ tin tưởng của chỉ huy khoa cũng như nhân viên khoa A4B dần dần tôi đã làm tốt được các kỹ thuật máy móc và đã duy trì được hoạt động chuyên môn của điều dưỡng được tốt.

Tôi vẫn còn nhớ dịch bệnh sốt xuất huyết năm 2017, cả Hà Nội bùng phát dịch ở khắp nơi, bệnh nhân vào khoa nhiều dẫn đến tình trạng quá taỉ. Hàng ngày có tới hàng trăm bệnh nhân tới khám và rất nhiều bệnh nhân cần nhập viện điều trị song cơ sở vật chất phòng bệnh của khoa chỉ có thu dung được số lượng tối đa 60 bệnh nhân, nhưng đã có ngày thu dung hơn 100 bệnh nhân. Có đêm tôi và đồng nghiệp trực đêm có 26 bệnh nhân nhập khoa điều trị, bữa cơm tối của cả kíp trực kéo dài từ 20h00 tới 23h00 đêm có khi chỉ kịp ăn 1-2 miếng bánh mì rồi lại làm việc. Các buổi trưa gần như chúng tôi chỉ tranh thủ ăn tạm chiếc bánh mì để kịp làm thủ tục cho bệnh nhân vào viện ra viện.

Nhìn bệnh nhân nằm ghép nằm cáng lúc bấy giờ chỉ huy khoa và nhân viên toàn khoa rất trăn trở, rồi chỉ huy Viện có ý tưởng và kịp thời đưa ra cuộc họp ý tưởng thành lập Bệnh viện dã chiến ngay tại Bệnh viện 108 để kịp sàng lọc theo dõi những ca bệnh Sốt xuất huyết nhằm giảm tải cho thu dung điều trị trong Khoa. Lúc đó là Đại tá TS Nguyễn Đăng Mạnh- Viện trưởng kiêm Chủ nhiệm Khoa A4B đã đề xuất ý tưởng này với BGĐ Bệnh viện, sau đó đúng 2 ngày Bệnh viện đã đồng ý và cả viện đã thống nhất thành lập Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết ngay tại phòng khám đa khoa tại Bệnh viện. Thời điểm đó cả Bệnh viện cũng góp sức cùng với Viện Truyền nhiễm A4 điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến đó, nhân viên Viện truyền nhiễm cũng như nhân viên Khoa A4B đều nhiệt tình tham gia. Bệnh viện dã chiến được thành lập sẽ giảm tải cho điều trị trong khoa và giúp các ca bệnh sốt xuất huyết được điều trị được chăm sóc kịp thời. Sau khi Bệnh vện dã chiến đi vào hoạt động được 1 tuần nhà báo có vào đưa tin phỏng vấn lúc đó là nhà báo Lưu Hường - phóng viên báo VOV có hỏi tôi, chị được vào “Tâm bão sốt xuất huyết” chị mới thấy sự vất vả hy sinh của đội ngũ thầy thuốc ở đây, các em có vất vả khó khăn gì không, tôi cũng chỉ cười và trả lời với chị chúng em nhân viên y tế thấy bệnh nhân được khỏe được vui vẻ khi ra viện thì bao khó khăn vất vả dường như tan biến hết. Những ngày diễn ra dịch bệnh sốt xuất huyết dường như tôi và toàn bộ  cán bộ nhân viên trong khoa không có ngày nghỉ chúng tôi làm việc với tinh thần quyết tâm cao và với một mục đích duy nhất chăm sóc điều trị thật tốt cho các ca bệnh, mong cho dịch bệnh mau mau qua đi. Sau đó dịch bệnh sốt xuất huyết dần ổn định, các trang tin của Bệnh viện cũng như báo đài trong và ngoài Quân đội đã ghi nhận biểu dương các thành tích đó.

Vài năm sau khi Khoa A4B đã đi vào hoạt động ổn định, tôi cùng chỉ huy khoa đã được Bệnh viện tin tưởng giao cho thí điểm thực hiện phong trào 5S tại khoa. Là nơi đầu tiên trong bệnh viện thực hiện phong trào 5S, mặc dù cơ sở vật chất đã xuống cấp xong với sự quyết tâm cao của cả khoa thì phong trào 5S tại khoa đã được tuyên dương tặng Bằng khen của Bệnh viện là một trong những đơn vị thực hiện thí điểm tốt phong trào này. Năm 2016, khi tôi và đội ngũ điều dưỡng trưởng Bệnh viện được học tập lớp quản lý điều dưỡng, được sang các bệnh viện bạn học hỏi mô hình chăm sóc bệnh nhân như bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Vinmec... Lúc đó tôi được phân công trực đêm tại Bệnh viện Bạch Mai những buổi trực đêm tôi được nhân viên phòng điều dưỡng Bệnh viện dẫn đi các khoa để nắm bắt thông tin và cách chăm sóc điều trị bệnh nhân, sau đó tôi đã học hỏi được 1 số mô hình và cách thức làm việc có khoa học. Khi kết thúc khóa học tôi về Bệnh viện làm việc và đã mạnh dạn đề xuất với Thủ trưởng Lê Hữu Song, lúc đó là Phó Giám đốc Bệnh viện về ý tưởng triển khai bệnh án điện tử và nhật trình thuốc điện tử (khi đó Bệnh viện đang duy trì nhật trình viết tay). Đầu năm 2017, Thủ trưởng Lê Hữu Song đã cho triển khai thí điểm bệnh trình điện tử tại Khoa A4B, sau đó được thực hiện áp dụng toàn Bệnh viện vào năm 2018. Sau thời gian thực hiện bệnh án điện tử mọi thủ tục giấy tờ bệnh án đã giảm tải được rất nhiều thời gian cho nhân viên y tế, hơn nữa hồ sơ bệnh án được lưu trữ trên phần mềm cũng rất dễ dàng cho nhân viên y tế theo dõi người bệnh trong suốt quá trình nằm viện và phục vụ cho công tác chăm sóc điều trị người bệnh được tốt hơn, và công tác nghiên cứu khoa học lấy số liệu cho các bài báo và đề tài được thuận tiện hơn.

Những năm tiếp theo khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp thì đầu năm 2020, Khoa A4B được Bệnh viện giao nhiệm vụ sàng lọc điều trị bệnh nhân mắc covid, cuối năm 2021 khi dịch bệnh bùng phát nhiều thì cả Viện Truyền nhiễm làm nhiệm vụ điều trị bệnh nhân mắc Covid-19. Cả Viện Truyền nhiễm chúng tôi cùng đồng lòng đồng sức điều trị cho bệnh nhân thật tốt đồng thời đẩy lùi dịch bệnh. Trung tâm hồi sức Covid-19 được thành lập lực lượng chính của trung tâm là toàn bộ nhân viên viện truyền nhiễm. Chúng tôi không quản ngày đêm ở lại thay nhau ở lại Bệnh viện chăm sóc điều trị bệnh nhân. Các đồng chí điều trị vòng trong thì luân phiên một tháng thời gian xa nhà rất khó khăn nhưng toàn bộ nhân viên đều chung một quyết tâm là chiến thắng dịch bệnh Covid-19. Nhiều bạn điều dưỡng tâm sự với tôi chúng em mang mặc bộ quần áo bảo hộ rất vất vả, mặc kín cả ngày kéo dài ca làm việc suốt 8 tiếng mồ hồi ướt đẫm, nhiều hôm ăn vội suất cơm và không dám uống nhiều nước để nhận ca trực đảm bảo mặc bộ quần áo phòng chống dịch trong suốt quá trình làm việc xong vẫn cố gắng hoàn thành ca trực của mình, chỉ mong chăm sóc điều trị bệnh nhân được tốt và bệnh nhân nhanh chóng được ra viện là chúng em vui rồi. Hàng ngày tôi vẫn lên khu nhà lưu trú nơi các đ/c điều trị bệnh nhân covid vòng trong ăn ở sinh hoạt hỏi thăm động viên tinh thần mong các đ/c đó yên tâm và giữ vững tâm lý làm việc. Dù khó khăn dù vất vả nhưng ai cũng vui vẻ và làm việc nhiệt tình tất cả vì sức khỏe của bệnh nhân. Đến giữa năm 2022 khi tình hình dịch bệnh Covid đã lắng xuống thì trung tâm hồi sức covid tạm thời hoạt động tại các khoa trong viện Truyền nhiễm. Khoa A4B của tôi vẫn thu dùng điều trị đồng thời các mặt bệnh truyền nhiễm và điều trị riêng biệt khu riêng cho bệnh nhân covid.

Thời gian 9 năm gắn bó với Khoa tuy không dài nhưng những kỉ niệm những dấu ấn khiến tôi không bao giờ quên, đó là nơi tôi phát triển trưởng thành là nơi tôi coi như mái nhà thứ hai của mình. 9 năm từ khi khoa bắt đầu thành lập tôi đã chứng kiến nhiều nấc thăng trầm khó khăn vất vả của toàn bộ nhân viên trong khoa, và khoa cũng đã vinh dự được nhận nhiều danh hiệu cao quí của Bộ Quốc phòng cũng như của Bệnh viện trao tặng: 2 lần nhận bằng khên Bộ trưởng BQP 2019 – 2021, 4 lần được tặng đơn vị quyết thắng 2017-2018-2019-2020…Giờ đây khi tôi được Bệnh viện phân công sang đơn vị mới nhưng tôi vẫn thầm cảm ơn và ghi nhận tập thể A4B đoàn kết, phát triển. Tôi luôn chúc cho tập thể khoa ngày càng phát triển lớn mạnh hơn nữa. Là một địa chỉ tin cậy điều trị các mặt bệnh Truyền nhiễm trong và ngoài Quân đội.

 

Nơi ấy

Tôi nhớ, tôi yêu, tôi tự hào

“… A4B nơi tôi trưởng thành

A4B, gắn kết bao ước vọng tuổi trẻ

Dựng xây “một lẻ tám” vươn tầm quốc tế

Mãi tự hào Bệnh viện 3 lần Anh hùng …”

 

Bệnh viện TWQĐ 108, một ngày thu Hà Nội

Ra đi, để trở về…

 

Thiếu tá QNCN Nguyễn Hương Lan –

Bệnh viện TWQĐ 108

Chia sẻ