Ký ức những tháng ngày chống dịch Covid-19

  11:43 AM 03/11/2023
Trong lịch sử, nhân loại đã chứng kiến nhiều đại dịch đau thương và mất mát. Nhưng ít ai có thể nghĩ rằng đầu thế kỷ 21, chúng ta lại phải đối mặt với một thảm họa y tế kinh hoàng - đại dịch COVID-19. Trong hơn 3 năm (từ 17/11/2019 đến 05/5/2023), đại dịch COVID-19 đã càn quét tới mọi ngóc ngách, bất kể đó là một đất nước phát triển hay một quốc gia nghèo nàn lạc hậu. Gánh nặng về y tế, kinh tế, chính trị, xã hội, tâm lý sẽ mãi là một kỷ lục buồn được ghi nhận trong lịch sử nhân loại. Đồng hành cùng cả nước chống dịch, hơn 3 năm qua, cán bộ nhân viên Viện Lâm sàng các bệnh Truyền nhiễm, Bệnh viện TWQĐ 108 đã không quản nguy hiểm, khó khăn, gian khổ, luôn đứng vững trên tuyến đầu chống dịch và đạt được nhiều thành tích rất vẻ vang, rất đáng tự hào.

Sự xuất hiện một căn bệnh mới, tác nhân gây bệnh mới, đại dịch mới

Những ngày cuối năm 2019, khi người dân vui vẻ chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, thì các cán bộ y tế, đặc biệt các bác sĩ chuyên ngành Truyền nhiễm hết sức chú ý theo dõi thông tin về một căn bệnh viêm phổi mới lạ có thể gây dịch, chưa rõ tác nhân gây bệnh đang xảy ra tại thành phố Vũ Hán – Trung Quốc. Đến ngày 30/01/2020, WHO tuyên bố dịch viêm phổi do 2019-nCoV là một tình huống khẩn cấp y tế toàn cầu. Ngày 11/02/2020, WHO đặt tên chính thức cho vi rút gây bệnh là SARS-CoV-2 và tên bệnh là COVID-19. Ngày 11/3/2020, WHO chính thức công bố về đại dịch COVID-19 do SARS-CoV-2 gây ra.

Đại dịch COVID-19 thâm nhập vào Việt Nam và tinh thần chống dịch tại Bệnh viện TWQĐ 108

Ngày 23/01/2020, Việt Nam ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên tại TP. HCM, mở đầu cho đợt dịch thứ nhất kéo dài đến ngày 24/7/2020. Trong đợt dịch này, một số bệnh viện, trong đó có bệnh viện Bạch Mai bị phong tỏa (từ 28/3/2020-12/4/2020) do có dịch thâm nhập và lây lan trong bệnh viện.

Như vậy nỗi lo lắng về một đại dịch ở Việt Nam đã thành sự thật. Ngày 01/02/2020, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức “công bố dịch viêm đường hô hấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra”. Ngày 27/03/2020 của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 15/CT-TTg, hạn chế tụ tập đông người từ 00h00 ngày 28/03/2020 đến hết ngày 15/04/2020. Tiếp theo ngày 31/03/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg, thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 00h00 ngày 01/4/2020 trên phạm vi toàn quốc theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh. Ngày 01/04/2020 Thủ tướng Chính phủ, ban hành Quyết định số 447/QĐ-TTg công bố đại dịch COVID-19 trên phạm vi toàn quốc. Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 được nhiều địa phương trong cả nước áp dụng ở những thời điểm khác nhau tùy theo tình hình dịch. Trong những thời điểm thực hiện Chỉ thị 16, đường phố Hà Nội vắng lặng như tờ; các chốt kiểm dịch mọc lên khắp các phố phường, ngõ xóm; cán bộ nhân viên Bệnh viện đi làm phải có giấy xác nhận để thông chốt kiểm dịch. Điểm qua một số cột mốc như vậy, để nhớ lại tình hình dịch bệnh thời khắc đó đã nghiêm trọng như thế nào.

Trong bối cảnh dịch bệnh như vậy, nhiệm vụ phòng chống dịch tại Bệnh viện TWQĐ 108, nơi có chức năng nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho các lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng, Nhà Nước và Quân đội, được đặt ra là một nhiệm vụ chính trị, cấp bách, hàng đầu. Viện LSCB Truyền nhiễm (Viện A4) trở thành một trong những đơn vị tuyến đầu chống dịch. Một loạt các biện pháp phòng chống dịch được Bệnh viện triển khai nghiêm ngặt: hạn chế người nhà đến thăm và chăm sóc bệnh nhân, khai báo y tế, kiểm soát nhiệt độ, phân luồng người bệnh, tổ chức khám sàng lọc, phát hiện sớm, cách ly người viêm đường hô hấp nghi nhiễm/nhiễm COVID-19 (các F0-F1-F2-F3).

Ngày 02/04/2020, Bệnh viện đã tổ chức diễn tập công tác phòng chống dịch COVID-19, triển khai phòng khám COVID-19, khu cách ly COVID-19 và hoạt động phân luồng, khai báo y tế, đo nhiệt độ, khám sàng lọc, vận chuyển người bệnh, kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm.

Phòng khám COVID-19 được triển khai cạnh Khoa Cấp cứu do Viện LSCB Truyền nhiễm phụ trách, hoạt động 24/24 giờ tất cả các ngày trong tuần, có nhiệm vụ khám sàng lọc, phát hiện sớm các F, tổ chức vận chuyển về khu cách ly tại Viện A4 để cách ly, điều trị bệnh nhân kịp thời.

Viện A4 triển khai khu cách ly, điều trị người bệnh thuộc diện F0-F1-F2-F3 với đầy đủ các bộ phận chức năng: phòng đợi, phòng lấy mẫu, phòng xét nghiệm, phòng chụp XQ, phòng cách ly, buồng điều trị thường, buồng hồi sức cáp cứu, phòng mổ. Trong giai đoạn đầu, khu cách ly đặt tại tầng 1 của Viện A4 (do khoa A4-B đảm trách). Để bảo đảm tốt chất lượng chuyên môn, khoa A4-C phải chia đôi lực lượng bác sĩ điều dưỡng để tăng cường năng lực cấp cứu hồi sức cho khu cách ly COVID-19.

Đại tá TS Vũ Viết Sáng – Chủ nhiệm Khoa và Thiếu tá TS Nguyễn Trọng Thế cùng một số bác sĩ, điều dưỡng viên khác của khoa A4-C được tăng cường để đảm nhiệm các phòng cấp cứu hồi sức của khu cách ly. Tại đây, các bác sĩ, điều dưỡng viên đã phối hợp với các chuyên khoa trong Bệnh viện cấp cứu, điều trị thành công nhiều ca bệnh nhồi máu cơ tim, đột quị não, chấn thương sọ não... thuộc đối tượng F1-F2-F3 phải cách ly.

Ngoài ra, Bệnh viện cũng thành lập 2 tổ cơ động phòng chống dịch, 2 tổ chuyên khoa truyền nhiễm tăng cường do Viện A4 đảm trách để sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ. Các bác sĩ, điều dưỡng viên Viện A4 đã thực hiện nhiều nhiệm vụ phòng chống dịch đột xuất bên ngoài bệnh viện như: tham gia bảo đảm y tế, phòng chống dịch cho các hội nghị, sự kiện quan trọng của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quân đội. Ngày 8/3/2020, đồng chí thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Duy Trường được điều động đi làm nhiệm vụ phòng chống dịch đặc biệt, kéo dài 1 tuần theo yêu cầu của Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Trung ương.

Trách nhiệm phải bảo đảm an toàn tuyệt đối, không để lọt các F0-F1-F2-F3 vào các khoa phòng trong bệnh viện; không để dịch bệnh lây lan trong Bệnh viện đã tạo ra một áp lực vô hình rất lớn, đè nặng lên vai các bác sĩ, điều dưỡng của Viện A4. Mỗi một quyết định trước một bệnh nhân, xem liệu họ có phải là F0-F1-F2-F3 hay không; liệu họ có đến từ vùng dịch hay không; họ cần nhập viện vào các khoa để điều trị bệnh chính hay cần chuyển vào khu cách ly tại Viện A4 là cả một cuộc chiến cân não lấy đi bao sinh lực, trí tuệ của người thầy thuốc. Đôi lúc, đó đây có cả sự tranh luận gay gắt, quyết liệt giữa bác sĩ A4 làm nhiệm vụ khám sàng lọc COVID-19 với các bác sĩ thuộc các chuyên khoa khác.

Trong những điều kiện hoàn cảnh khó khăn như vậy, chúng ta đã hoàn thành xuất xắc nhiệm vụ, không để lọt lưới, bảo vệ Bệnh viện an toàn tuyệt đối.

Đợt dịch thứ 2 (từ 25/7/2020 đến 27/01/2021), dịch bệnh lây lan trong nhiều bệnh viện, nhiệm vụ bảo vệ an toàn tuyệt đối cho Bệnh viện càng nặng nề hơn.

Vấn đề dịch bệnh thâm nhập và lây lan trong các bệnh viện một lần nữa lại là chủ đề nóng của toàn xã hội. Nhiều bệnh viện đã bị phong tỏa và dừng mọi hoạt động khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân để thực hiện công tác phòng chống, dập dịch, gây ra những tác động, hệ lụy rất lớn đối ngành y tế và công tác chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân. Bệnh viện là nơi dịch bệnh rất dễ thâm nhập, lây lan, bùng phát vì đây là nơi tập trung đông người đến khám - điều trị bệnh và chăm sóc người bệnh; họ lại đến từ rất nhiều nơi trong cả nước, trong đó có cả những vùng dịch tễ COVID-19 (vùng đỏ).

Trong bối cảnh “Người đứng đầu cơ sở y tế phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu để dịch bệnh lây lan trong bệnh viện”, thì áp lực đối với những người khám sàng lọc COVID-19 lại càng nặng nề hơn bao giờ hết, nhất là khi dịch bệnh đã ở xung quanh ta, ngay ngoài cổng Bệnh viện.

Tuy nhiên, vượt qua mọi trở ngại, khắc phục mọi khó khăn, nguy hiểm, các thầy thuốc A4 vẫn cứ tiếp tục âm thầm làm nhiệm vụ, giữ vững trận địa. Một lần nữa, các thầy thuốc A4 đã làm tròn nhiệm vụ với Bệnh viện, với Đảng, Nhà nước và Quân đội. Kết thúc đợt dịch thứ 2, BVTWQĐ108 vẫn an toàn tuyệt đối.

Đợt dịch thứ 3 (từ 28/01/2021 đến 26/4/2021), dịch lây lan và bùng phát mạnh trong các khu công nghiệp ở Hải Dương, lan ra nhiều tỉnh thành.

Trong đợt dịch thứ 3, cả nước ghi nhận 1.301 ca nhiễm (910 trong nước, 319 nhập cảnh), không có tử vong. Dịch bùng phát chủ yếu tại các khu công nghiệp thuộc tỉnh Hải Dương (726 ca, chiếm gần 80% tổng số ca bệnh), chỉ điểm bằng sự kiện 1 người xuất khẩu lao động bị phát hiện dương tính khi nhập cảnh Nhật Bản.

Tỉnh Hải Dương nằm rất gần Hà Nội. Hàng ngày có nhiều người dân từ Hải Dương đến khám bệnh tại BVTWQĐ108, do vậy nguy cơ dịch thâm nhập và lây lan trong Bệnh viện rất lớn. Vẫn tiếp tục cuộc chiến cam go mà thầm lặng, các thầy thuốc A4 viết tiếp chiến công giữ vững trận địa. Bệnh viện TƯQĐ108 vẫn duy trì hoạt động khám chữa bệnh trong điều kiện được bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Đợt dịch thứ 4 (từ 27/4/2021 đến 20/10/2023), đại dịch bùng nổ trên cả nước với 2 biến thể Delta và sau đó là Omicron, cả nước ghi nhận hơn 11,6 triệu người mắc, 43.206 người tử vong; cao điểm tại TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam; chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên toàn quốc bắt đầu phát huy hiệu quả

Ngày 27/4/2021, từ 1 ca bệnh ghi nhận tại khách sạn Như Nguyệt 2 - tỉnh Yên Bái, dịch bắt đầu lây lan ra các tỉnh/thành phố Đà Nẵng, Hà Nội, Vĩnh Phúc. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện K và nhiều bệnh viện khác trong cả nước phải cách ly y tế vì để dịch bệnh lây lan trong Bệnh viện.  Đến cuối tháng 5/2021, dịch lan ra hơn 30 tỉnh/thành phố và bùng phát mạnh tại 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, tấn công vào các khu công nghiệp. Nhiều tỉnh thành và các bệnh viện tuyến Trung ương phải chi viện lực lượng giúp 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang chống dịch. Bệnh viện TWQĐ108 cũng đã cử đoàn công tác tham gia chống dịch tại tỉnh Bắc Ninh. Vắc xin phòng COVID-19 bắt đầu được triển khai tiêm chủng tại Việt Nam, ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu chống dịch và 2 tỉnh đang có dịch bùng phát mạnh là Bắc Ninh, Bắc Giang. Đến cuối tháng 6/2021, Bắc Ninh và Bắc Giang cơ bản kiểm soát được dịch.

TP.Hồ Chí Minh xuất hiện rải rác ca mắc mới từ cuối tháng 4/2021, đầu tháng 5/2021. Dịch bắt đầu bùng phát từ 26/5/2021 với chùm ca bệnh nhóm truyền giáo Phục Hưng, sau đó số mắc tăng nhanh với hơn 20 chuỗi lây nhiễm trên địa bàn rồi bùng phát trên phạm vi toàn thành phố với số mắc và tử vong tăng nhanh từng ngày, có những ngày ghi nhận hơn 300 người tử vong.  Thời gian này, tại các tỉnh trọng điểm kinh tế phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, Long An và các tỉnh Bắc Trung Bộ, Tây Nam Bộ, dịch cũng bắt đầu lan nhanh. Dịch bệnh bùng phát nhanh, vượt quá khả năng đáp ứng của hệ thống y tế địa phương và khả năng chống dịch tại chỗ của Thành phố, có lúc tưởng như mất kiểm soát. Những hình ảnh tang thương lan truyền hàng ngày trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, điện thoại cá nhân gây ra nỗi lo sợ, hoang mang tột độ trong xã hội. Hàng đoàn người lao động tự do, công nhân, sinh viên... lũ lượt rời Thành phố đi bộ về quê trên những con đường cách xa hàng nghìn cây số. Chỉ thị 15 về giãn cách xã hội được áp dụng trên phạm vi toàn Thành phố từ ngày 31/5/2021. Chỉ thị 16 được áp dụng trên phạm vi toàn Thành phố từ ngày 09/07/2021. Cả nước cùng Tp.HCM và các tỉnh phía Nam chống dịch. Các lực lượng Y tế, Quân đội, Công an và toàn bộ các nguồn lực khác được huy động, tăng cường hỗ trợ TP.HCM chống dịch. Nhiều khu cách ly, nhiều bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị hồi sức COVID-19 được thành lập trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Học viện Quân y cử hơn 1000 cán bộ, nhân viên, học viên tham gia chống dịch tại TP.HCM, trong đó có nhiều bác sĩ BVTWQĐ108, đang học tại HVQY tham gia. Đặc biệt 2 bác sĩ Nguyễn Xuân Lâm, Trần Đăng Ninh là 2 bác sĩ của Viện A4 đang học cao học tại Học viện tham gia chống dịch hơn 3 tháng tại Tp.HCM. Bệnh viện TWQĐ108 cũng cử 1 đoàn công tác gấp rút vào giúp TP.HCM chống dịch. Chiến dịch tiêm chủng phòng COVID-19 tiếp tục được triển khai diện rộng tại TP.HCM, các tỉnh đang có dịch bùng phát và lực lượng tuyến đầu chống dịch. Sau hơn 4 tháng chống dịch quyết liệt, tình hình dịch tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam cơ bản được kiểm soát.  Ngày 30/9/2021, UBND TP.Hồ Chí Minh ban hành Chỉ thị 18/CT-UBND “Tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh”. 

Tại Thủ đô Hà Nội, tuy không bùng phát mạnh như ở Tp.HCM và các tỉnh phía Nam, nhưng dịch cũng bắt đầu lan rộng từ tháng 4/2021. Ngày 23/7/2021, UBND TP.Hà Nội ban hành Chỉ thị 17/CT-UBND thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn Thành phố. Sau đó, từ 06h00 ngày 24/7/2021, thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày trên phạm vi toàn thành phố theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, khu ph cách ly với khu phố, xã phường cách ly với xã phường, quận huyện cách ly với quận huyện; thành phố cách ly với tỉnh.

Với các biện pháp chống dịch quyết liệt, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đến  ngày 10/10/2021, Bộ Y tế đánh giá dịch đã cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Ngày 11/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP nhằm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đại dịch COVID-19”.

Tại BVTWQĐ108, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho các hoạt động khám chữa bệnh của Bệnh viện, chỉ trong 01 ngày (25/5/2021), kế hoạch di chuyển các khoa C1.1-A, C1.2, C1-3, Phòng khám COVID-19, phòng tiêm vắc xin sang vị trí mới theo chỉ lệnh của Giám đốc Bệnh viện đã được hoàn thành, theo đó Khoa C1.1-A di chuyển lên vị trí của khoa C1.1-B; Khoa C1-3 di chuyển đến tầng 1 của khoa C1.1-A; Khoa C1.2 di chuyển đến vị trí Trung tâm Khám sức khỏe định kỳ; phòng khám COVID-19 di chuyển đến Trung tâm Kính mắt và khúc xạ; phòng tiêm vắc-xin tại khoa C1-2 và tầng hầm B2 – Tòa nhà Trung tâm di chuyển đến Trung tâm Thính học-Tiền đình; Triển khai khu vực lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc COVID-19 cho các đối tượng khám sàng lọc COVID-19 đi nước ngoài và sàng lọc theo yếu tố nguy cơ tại sân khoa A20.

Bệnh viện hạn chế các đối tượng đến khám, điều trị cấp cứu vượt tuyến...nhưng vẫn triển khai khám bệnh, điều trị cho các đối tượng bệnh nhân đúng tuyến.

Chuyển sang địa điểm mới, phòng khám COVID-19 có điều kiện thực hiện tốt hơn nhiệm vụ phân luồng, khám sàng lọc, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm, phát hiện sớm, vận chuyển an toàn, cách ly kịp thời các đối tượng bệnh nhân F0-F1-F2-F3. Khu cách ly tại viện A4 vẫn tiếp tục hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình: thu dung, cách ly, cấp cứu, điều trị các bệnh nhân thuộc diện F0-F1-F2-F3 cần chăm sóc y tế thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau. Các bác sĩ, điều dưỡng viên của Viện A4 tiếp tục thực hiện xuất sắc các nhiệm vụ phòng chống dịch khác: khám sàng lọc và tư vấn tiêm phòng vắc xin COVID-19; tham gia làm nhiệm vụ bảo đảm cho các cuộc họp, hội nghị, sự kiện quan trọng của Đảng, Nhà nước và Quân đội. Thiếu tá bác sĩ Nguyễn Duy Trường lại một lần nữa được vinh dự cử đi làm chuyên gia giúp đỡ Bệnh viện Trung ương quân đội 103 – Lào trong công tác phòng chống dịch COVID-19 thời gian gần 1 tháng (từ 30/4/2021 đến cuối tháng 5/2021).

Ngoài ra Viện A4 còn cử bác sĩ, điều dưỡng viên phối hợp lấy mẫu xét nghiệm, tham gia nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe, khám và điều trị bệnh COVID-19 cho các cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và Quân đội theo yêu cầu của Bệnh viện và Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương. Đặc biệt trong thời gian này, khu cách ly tiếp nhận 01 bệnh nhân đặc biệt, đó là cố Bộ trưởng BQP, lúc đó đang bị bệnh hiểm nghèo cần chăm sóc y tế nhưng lại thuộc diện F3.

Trung tâm điều trị Hồi sức COVID-19 của Bệnh viện TWQĐ108 được thành lập, trực tiếp tham gia thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch, những tháng ngày không thể nào quên.

Vào tháng 9/2021, dịch COVID-19 đã lây lan diện rộng trên phạm vi cả nước. Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ cho Bệnh viện thành lập một Trung tâm điều trị hồi sức COVID-19 sẵn sàng thu dung, cấp cứu, điều trị 500 bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy-Ban giam đốc, cán bộ nhân viên Viện A4 lại tích cực, chủ động tham mưu, phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai thực hiện nhiệm vụ. Công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, buồng bệnh, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, vật tư phòng dịch, bảo hộ cá nhân, thuốc điều trị được các cơ quan khẩn trương thực hiện. Về chuẩn bị nhân lực, các lớp tập huấn, huấn luyện đào tạo về phòng chống dịch, kiểm soát nhiễm khuẩn, bảo hộ cá nhân, chẩn đoán điều trị bệnh COVID-19, hướng dẫn sử dụng thở máy, kỹ thuật lọc máu, quản lý bệnh nhân COVID-19, đã được tích cực triển khai cho toàn bộ các thầy thuốc trong Bệnh viện. Trung tâm điều trị hồi sức COVID-19 được thành lập, lấy lực lượng nòng cốt là các bác sĩ, điều dưỡng viên A4, tăng cường thêm lực lượng từ tất cả các Viện, Trung tâm, khoa lâm sàng trong toàn bệnh viện, tùy theo diễn biến dịch và nhu cầu thu dung mỗi giai đoạn. Các qui trình về thu dung, cấp cứu, điều trị, chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý người bệnh được xây dựng và phổ biến tới các thành viên của Trung tâm.

Ngày 13/8/2021, Bệnh viện ban hành Kế hoạch số 3960/KH-BV “Triển khai giai đoạn I Khu điều trị hồi sức tích cực bệnh nhân mắc COVID-19 tại Viện A4 của BVTWQĐ108” với qui mô 50 giường.

Ngày 25/8/2021, Bệnh viện tổ chức diễn tập triển khai Trung tâm điều trị hồi sức tích cực bệnh nhân mắc COVID-19” tại Viện A4.

Ngày 30/8/2021, Bệnh viện ban hành Kế hoạch số 4186/KH-BV “Thành lập Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 (lâm thời) thuộc BVTWQĐ108” với qui mô 500 giường dự kiến đặt tại tòa nhà 7 tầng của Trung tâm Kỹ thuật cao. Ngày 6/9/2021, Bệnh viện ban hành Kế hoạch 4208/KH-BV “Triển khai Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 (lâm thời) tại Trung tâm kỹ thuật cao của BVTWQĐ108” qui mô 500 giường bệnh. Rất may Trung tâm này không phải triển khai trên thực tế sau này.

Và việc gì đến sẽ phải đến. Ngày 20/10/2021, khoa A4-C (lúc này đã chuyển sang toàn nhà A5 cũ, sau khi được cải tạo lại) thu dung điều trị ca bệnh COVID-19 đầu tiên. Đây là một nhân viên của Bệnh viện. Trong giai đoạn 1 tháng đầu (20/10/2021-30/11/2021), số lượng bệnh nhân COVID-19 thu dung điều trị chưa nhiều, nhiệm vụ thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 được Bệnh viện giao cho khoa A4-C đảm nhiệm. Thiếu tá, tiến sĩ Nguyễn Trọng Thế và Thượng úy bác sĩ Đỗ Văn Đông là những người đầu tiên được phân công làm nhiệm vụ vòng trong. Các bác sĩ vòng trong được cách ly tại khu cách ly của Bệnh viện. Trong giai đoạn này, có nhiều cán bộ nhân viên BVTWQĐ108 mắc COVID-19, ban đầu được thu dung điều trị tại khoa A4-C, nhưng sau đó do số lượng tăng lên nhanh, những trường hợp nhiễm không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được cách ly tại khu cách ly của Bệnh viện cũng do nhân viên Viện A4 quản lý và theo dõi.

Ngày 24/11/2021, trước tình hình bệnh nhân COVID-19 đến khám bệnh, cấp cứu tại Bệnh viên gia tăng, Bệnh viện đã ban hành Kế hoạch số 5506/KH-BV “Điều chỉnh tạm thời nhiệm vụ thu dung điều trị người bệnh tại Viện A4 theo Nghị quyết số 128/NQ-CP về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” của BVTWQĐ108. Theo đó Viện A4 thực hiện song song 2 nhiệm vụ: thu dung cấp cứu điều trị người bệnh COVID-19 và thu dung cấp cứu điều trị các bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm khác, bố trí linh hoạt giữa các khoa tùy theo số lượng người bệnh COVID-19.

Theo thời gian, khi số lượng bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch nhập viện tăng dần lên, bệnh viện bắt đầu tăng cường nhân lực bác sĩ và điều dưỡng viên cho khoa A4-C và Trung tâm.

Ngày 30/11/2021, Bệnh viện tăng cường 03 bác sĩ đầu tiên là các bác sĩ Vũ Quang Hưng (khoa A12-A), Lê Chi Viện (khoa A7-C), Nguyễn Sỹ Nhân (khoa A7-D).

Lúc 20h50 ngày 02/12/2021, bệnh nhân Nguyễn Văn Giang, sinh năm 1944, nhập viện ngày 22/11/2021 với chẩn đoán “COVID-19 mức độ nguy kịch biến chứng suy đa tạng (ARDS, suy tuần hoàn, suy thận” là bệnh nhân COVID-19 nguy kịch đầu tiên tử vong tại Trung tâm điều trị hồi sức COVID-19 .

Ngày 04/12/2021, bệnh nhân Nguyễn Đình Dục, sinh 1948, đại tá hưu, nhập viện ngày 23/11/2021, đã được rút ống nội khí quản sau 10 ngày thở máy, 3 lần lọc máu liên tục. Bệnh nhân này khỏi bệnh ra viện ngày 14/12/2021. Đây là bệnh nhân COVID-19 nguy kịch phải thở máy, lọc máu liên tục đầu tiên được cứu chữa thành công.

Từ ngày 17/12/2021, Bệnh viện tăng cường cho Trung tâm 09 bác sĩ và 18 điều dưỡng viên.

Từ ngày 29/12/2021, Bệnh viện tăng cường cho Trung tâm 13 bác sĩ và 50 điều dưỡng, ngoài ra còn tăng cường cho phòng khám sàng lọc COVID-19 (4 bác sĩ, 11 điều dưỡng), khoa C1-3 (10 bác sĩ, 11 điều dưỡng), nhà lưu trú (01 điều dưỡng).

Những ngày cuối năm 2021, giáp Tết nguyên đán năm NHÂM DẦN (2022) là thời điểm căng thẳng nhất của Trung tâm điều trị hồi sức COVID-19. Toàn bộ khu vực Viện A4 gồm 2 khối nhà (A4 và A5 cũ) được sử dụng để thu dung bệnh nhân COVID-19. Khu bệnh nhân nặng-nguy kịch (A4-C) có ngày thu dung hơn 50 bệnh nhân. Khu bệnh nhân trung bình-nặng (A4-A) cũng thu dung 20-30 bệnh nhân. Tổng số bệnh nhân tại Trung tâm có ngày lên tới gần 100 bệnh nhân. Đa số bệnh nhân là người cao tuổi, cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ cao cấp trong quân đội đã nghỉ hưu, nhiều bệnh lý nền, chưa được tiêm phòng vắc –xin vì nhiều lý do, nên bệnh thường diễn biến nặng-nguy kịch. Ngày 25/12/2021, trong ca làm việc của mình, bác sĩ Nguyễn Trọng Thế thống kê ngẫu nhiên 13 bệnh nhân nằm điều trị tại buồng Hồi sức cấp cứu 1-2-3, tuổi trung bình là 84,5 tuổi, bệnh nhân cao tuổi nhất là 102 tuổi. Bệnh nhân vào điều trị tại Trung tâm bị cách ly hoàn toàn với gia đình và xã hội, không có người đến thăm, không có người nhà chăm sóc, hỗ trợ. Mọi sinh hoạt của bệnh nhân đều do nhân viên y tế chăm sóc, hỗ trợ.

 

Công việc của nhân viên y tế tại Trung tâm rất vất vả, căng thẳng. Nhân viên vòng trong làm theo ca kíp, cứ mỗi 6 tiếng mặc quần áo bảo hộ cá nhân kín mít vào khu buồng bệnh làm nhiệm vụ, sau đó lại ra khu cách ly nghỉ ngơi lấy sức. Vòng quay cứ tiếp diễn, ngày qua ngày, trong vòng ít nhất 1 tháng. Họ phải cách ly hoàn toàn với gia đình, xã hội. Công việc chăm sóc bệnh nhân COVID-19 nặng-nguy kịch rất vất vả. Nhân viên y tế thực hiện công việc chuyên môn, chăm sóc người bệnh toàn diện, từ việc cho bệnh nhân ăn uống, vệ sinh, tắm rửa, thay quần áo đến các nhu cầu sinh hoạt khác của con người mà không có sự trợ giúp của người nhà bệnh nhân. Ngoài ra nhân viên y tế còn kiêm nhiệm cả việc quay phim, chụp ảnh các hình ảnh của bệnh nhân để thông báo và gửi qua tin nhắn cho người nhà bệnh nhân yên tâm. Điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy bộ đàm, mạng xã hội zalo trở nên rất hữu dụng trong việc chỉ đạo, điều hành, truyền dữ liệu thông tin hình ảnh bệnh nhân và công việc, xử lý thông tin, giải quyết tình huống. Có nhiều đêm, dù đang ở nhà, nhưng Chỉ huy Trung tâm vẫn phải làm việc, hoạt động thâu đêm qua nhóm zalo của Trung tâm để điều hành, chỉ huy công việc, xử trí tình huống, hỗ trợ vòng trong.

Có những hình ảnh rất xúc động tại Trung tâm khi người điều dưỡng viên ngồi bên cạnh một bệnh nhân COVID-19 nguy kịch trong tình trạng hôn mê, thở máy để đọc cho bệnh nhân nghe lá thư của người cháu gửi vào cho ông nội, hay hình ảnh các điều dưỡng viên chăm chút bón từng thìa cháo cho người bệnh.

Tại Trung tâm, những ngày cao điểm, trung bình có từ 1-3 bệnh nhân COVID-19 nguy kịch tử vong, có ngày lên tới 5 bệnh nhân tử vong. Tổng kết từ ngày 10/10/2021 đến ngày 01/3/2022, tại Trung tâm có 125 trường hợp tử vong liên quan đến COVID-19 nguy kịch. Moi công việc xử lý thi hài đều do cán bộ nhân viên Trung tâm phối hợp với Ban Quản lý nhà tang lễ xử lý chu đáo. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, tư tưởng của nhân viên y tế, tạo ra một áp lực vô hình rất lớn.

Trong số đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng tăng cường từ các đơn vị trong Bệnh viện, chỉ có một số ít đến từ các đơn vị Hồi sức tích cực (A12, A2-D, A7-D, B5), còn lại đa số đến từ các khoa lâm sàng nội-ngoai-chuyên khoa. Nhiều người chưa quen với nhiệm vụ cấp cứu, điều trị hồi sức tích cực, chăm sóc toàn diện người bệnh, chưa quen sử dụng máy thở, máy lọc máu và các trang thiết bị y tế khác. Chỉ huy Trung tâm phải lập các nhóm zalo để kết nối, chia sẻ hình ảnh, chỉ đạo, hỗ trợ, hướng dẫn xử trí tình huống 24/24 giờ, bất kể ngày đêm trong suốt giai đoạn hoạt động của Trung tâm.

Trong thời gian hơn 4 tháng hoạt động (tính đến ngày kết thúc hoạt động của Trung tâm 01/03/2022), Trung tâm đã thu dung, cấp cứu, điều trị trên 1000 bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch, thuộc nhóm có yếu tố nguy cơ cao và rất cao, đa số là bệnh nhân cao tuổi, nhiều bệnh lý nền kết hợp, chưa được tiêm vắc xin. Trong số bệnh nhân điều trị tại Trung Tâm, có rất nhiều cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ cao cấp của Quân đội đang công tác hoặc đã nghỉ hưu. Trung tâm đã phát huy được sức mạnh tổng hợp, với lực lượng nòng cốt là các bác sĩ, điều dưỡng viên của Viện A4, phối hợp cùng các lực lượng chuyên môn, phương tiện máy móc, trang thiết bị y tế hiện đại tăng cường từ các đơn vị trong Bệnh viện nhằm nâng cao chất lượng thu dung, cấp cứu điều trị, chăm sóc người bệnh. Trung tâm đã áp dụng các phương pháp, phác đồ điều trị, hồi sức cấp cứu tiên tiến, hiện đại, ứng dụng các kỹ thuật cao nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán, cấp cứu, điều trị, chăm sóc người bệnh toàn diện, hạn chế tỷ lệ tử vong ở mức thấp nhất, cứu sống rất nhiều người bệnh trong tình trạng nguy kịch.

Ngày 28/2/2022, khi dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, Bệnh viện hướng dẫn điều chỉnh tạm thời một số nội dung “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, theo đó các khoa lâm sàng bắt đầu bố trí khu vực riêng thu dung bệnh nhân mắc bệnh của chuyên khoa mình kèm theo có nhiễm COVID-19 nhẹ, trung bình. Viện A4 chịu trách nhiệm tiếp tục thu dung, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 nặng và nguy kịch theo qui định và khám chuyên khoa cho người mắc COVID-91 tại các khoa lâm sàng; điều chỉnh lực lượng làm việc, không bố trí “vòng trong, vòng ngoài”. Số lượng bệnh nhân COVID-19 nằm điều trị tại Trung tâm giảm dần. Các lực lượng tăng cường cho Trung tâm được rút về các khoa, kết thúc vai trò của Trung tâm điều trị hồi sức COVID-19 thuộc BVTWQĐ108.

Từ ngày 01/03/2022, nhiệm vụ thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 năng và nguy kịch được chuyển giao hoàn toàn cho khoa A4-C. Ngoài thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19, khoa A4-C bắt đầu thu dung trở lại các bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm nặng và nguy kịch khác.

Ngày 19/10/2023, Bộ Y tế ban hành Quyết định 3896/QĐ-BYT điều chỉnh COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, đánh dấu sự kiện kết thúc đại dịch COVID-19 tại Việt Nam vào ngày 20/10/2023. Nhiệm vụ phòng chống đại dịch COVID-19 của các bác sĩ, điều dưỡng viên Viện A4 tạm kết thúc.

Những hy sinh, đóng góp thầm lặng và những chiến công của các bác sĩ, điều dưỡng viên Viện A4 trong phòng chống dịch COVID-19 đã được ghi nhận bằng các phần thưởng cao quí.

Tập thể Viện A4, tập thể khoa A4-C và 11 lượt cá nhân được tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Tập thể khoa A4-C có 3 năm liền đạt danh hiệu “Đơn vị quyết thắng”. Ngoài ra cả 3 khoa trực thuộc Viện và nhiều cá nhân được tặng bằng khen của Giám đốc BVTƯQĐ108 vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống đại dịch COVID-19.

Năm 2023, nhân kỷ niệm 10 năm thành lập, tập thể Viện A4 tiếp tục được nhận bằng khen của Thủ tướng chính phủ, 2 khoa A4-A và A4-B được nhận bằng khen của Bộ trưởng BQP.

 

Hôm nay, khi đại dịch COVID-19 đã kết thúc, tập thể bác sĩ, điều dưỡng viên Viện A4 có quyền tự hào đã hoàn thành trọng trách, sứ mệnh vẻ vang của mình. Chúng ta đã trải qua một giai đoạn không thể nào quên – Những ngày chống dịch COVID-19./.

Đại tá TS Vũ Viết Sáng

Chủ nhiệm Khoa Bệnh lây đường hô hấp và hồi sức –

Phó Viện trưởng Viện Lâm sàng các bệnh lâm sàng truyền nhiễm, Bệnh viện TWQĐ 108

 

Chia sẻ