Những điều cần biết về siêu âm ổ bụng

  08:28 AM 12/05/2020

Hình ảnh siêu âm ổ bụng là gì?

Siêu âm là một kỹ thuật y học an toàn và không gây đau cho bệnh nhân. Nó tạo ra hình ảnh bên trong cơ thể bằng sóng siêu âm. Đây là kỹ thuật sử dụng một đầu dò nhỏ gọi là đầu dò siêu âm và gel đặt trực tiếp lên da. Sóng âm tần số cao được truyền từ đầu dò qua gel vào cơ thể. Đầu dò siêu âm sẽ thu nhận các âm thanh dội lại. Một máy tính sẽ sử dụng những sóng âm thanh đó để tạo ra một hình ảnh. Kỹ thuật siêu âm không sử dụng bức xạ (như được sử dụng trong tia X). Bởi vì hình ảnh được chụp trong thời gian thực, chúng có thể cho thấy cấu trúc và chuyển động của các cơ quan nội tạng của cơ thể. Hình ảnh thu nhận được cũng có thể cho thấy dòng máu chảy qua các mạch máu.

Kỹ thuật siêu âm là một xét nghiệm y tế không xâm lấn giúp các bác sĩ chẩn đoán và điều trị các tình trạng bệnh.

Siêu âm Doppler là một kỹ thuật siêu âm đặc biệt, nó có thể đo hướng và tốc độ của các tế bào máu khi chúng di chuyển qua lòng mạch. Sự chuyển động của các tế bào máu gây ra sự thay đổi cường độ của sóng âm phản xạ (được gọi là hiệu ứng Doppler). Một máy tính thu nhận và xử lý sóng âm dội lại tạo ra các hình ảnh màu đại diện cho dòng máu chảy qua các mạch máu.

Một số ứng dụng phổ biến của siêu âm ổ bụng là gì?

Hình ảnh siêu âm ổ bụng được thực hiện để đánh giá: Gan, thận, túi mật, đường mật, tuyến tụy, lách, động mạch chủ bụng và các mạch máu khác của ổ bụng….

Ngoài ra, siêu âm có thể được sử dụng để hướng dẫn cho sinh thiết.

Bệnh nhân nên chuẩn bị như thế nào?

Bệnh nhân nên mặc quần áo thoải mái, rộng rãi. Bệnh nhân có thể cần phải loại bỏ tất cả quần áo và đồ trang sức trong khu vực để được kiểm tra.

Chuẩn bị phụ thuộc vào loại siêu âm bệnh nhân cần thăm khám.

Đối với một thăm khám về gan, túi mật, lá lách và tuyến tụy, bệnh nhân có thể được yêu cầu ăn một bữa ăn không có chất béo vào buổi tối trước khi siêu âm và sau đó nhịn ăn trong tám đến 12 giờ trước khi tiến hành siêu âm.

Để siêu âm thận – tiết niệu, bệnh nhân có thể được yêu cầu uống bốn đến sáu ly nước khoảng một giờ trước khi siêu âm và nhịn tiểu để bàng quang của bệnh nhân căng nước tiểu.

Bệnh nhân có thể được yêu cầu nhịn ăn trong tám đến 12 giờ trước khi siêu âm để tránh tích tụ khí trong ruột.

Để siêu âm động mạch chủ, bệnh nhân có thể cần nhịn ăn trong vòng tám đến 12 giờ trước khi siêu âm.

Thủ tục siêu âm được thực hiện như thế nào?

Đối với hầu hết các kỹ thuật siêu âm, bệnh nhân sẽ nằm ngửa trên giường khám bệnh, có thể nghiêng hoặc thay đổi tư thế nằm. Bệnh nhân có thể được quay sang hai bên để cải thiện chất lượng hình ảnh.

Sau khi bệnh nhân nằm trên giường khám bệnh, bác sĩ siêu âm sẽ sử dụng một loại gel bôi vào khu vực cơ thể được nghiên cứu. Gel sẽ giúp đầu dò tiếp xúc an toàn với cơ thể bệnh nhân và loại bỏ các túi khí giữa đầu dò và da có thể chặn sóng âm truyền vào cơ thể bệnh nhân. Đầu dò được đặt trên cơ thể và di chuyển qua lại trong khu vực quan tâm cho đến khi hình ảnh mong muốn được ghi lại.

 Thông thường, áp lực từ đầu dò được ép vào khu vực được kiểm tra không gây ra sự khó chịu nào cho bệnh nhân. Tuy nhiên, nếu khu vực thăm khám là vùng mô mỏng, bệnh nhân có thể cảm thấy tức hoặc đau nhẹ từ đầu dò.

Sau khi siêu âm xong, gel siêu âm sẽ được lau sạch khỏi da bệnh nhân và khô nhanh chóng. Gel siêu âm thường không làm ố hoặc biến màu quần áo.

Hầu hết các kỹ thuật siêu âm là không đau, nhanh chóng và dễ dàng thực hiện. Siêu âm bụng thường được hoàn thành trong vòng 15 đến 30 phút.

Nếu một kỹ thuật siêu âm Doppler được thực hiện, bệnh nhân có thể nghe thấy âm thanh phát ra từ những xung thay đổi theo cường độ khi lưu lượng máu được đo và theo dõi.

Khi kỹ thuật siêu âm hoàn tất, bệnh nhân có thể được yêu cầu mặc quần áo và chờ nhận kết quả từ bác sĩ siêu âm.

Sau khi kiểm tra siêu âm, bệnh nhân sẽ có thể tiếp tục các hoạt động bình thường ngay lập tức.

Ai diễn giải kết quả và làm thế nào để bệnh nhân có được chúng?

Một bác sĩ được đào tạo chuyên khoa về siêu âm sẽ trực tiếp thăm khám và phân tích các hình ảnh. Các bác sĩ siêu âm sau đó sẽ gửi một báo cáo kết quả đã ký tên cho bác sĩ yêu cầu khám. Bác sĩ của bạn sau đó sẽ chia sẻ kết quả với bạn. Trong một số trường hợp, bác sĩ siêu âm có thể thảo luận về kết quả với bệnh nhân sau khi siêu âm.

Kiểm tra siêu âm lần tiếp theo có thể là cần thiết. Nếu vậy, bác sĩ sẽ giải thích tại sao. Đôi khi một lần siêu âm kiểm tra tiếp theo được thực hiện vì một bất thường tiềm ẩn cần đánh giá thêm với các đánh giá hình ảnh bổ sung hoặc một kỹ thuật hình ảnh đặc biệt. Một lần siêu âm tiếp theo cũng có thể được thực hiện để xem liệu có bất kỳ thay đổi nào về sự bất thường theo thời gian hay không. Kiểm tra theo dõi đôi khi là cách tốt nhất để xem liệu điều trị có hiệu quả hay không nếu bất thường ổn định hoặc đã thay đổi.

Lợi ích và rủi ro là gì?

Hầu hết kỹ thuật siêu âm là không xâm lấn (không có kim tiêm hoặc tiêm).

Đôi khi, một cuộc kiểm tra siêu âm có thể tạm thời gây cảm giác không thoải mái, nhưng nó không gây nên đau đớn cho bệnh nhân.

Siêu âm luôn có sẵn ở các cơ sở y tế, dễ sử dụng và ít tốn kém hơn so với hầu hết các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác.

Kỹ thuật siêu âm cực kỳ an toàn và không sử dụng bức xạ.

Kỹ thuật siêu âm cho hình ảnh rõ ràng về các mô mềm không hiển thị tốt trên hình ảnh X quang.

Siêu âm cung cấp hình ảnh thời gian thực, làm cho nó trở thành một công cụ tốt để hướng dẫn các thủ thuật xâm lấn tối thiểu như sinh thiết bằng kim và chọc hút dịch.

Siêu âm chẩn đoán không có tác dụng có hại cho con người.

Những hạn chế của hình ảnh siêu âm ổ bụng là gì?

Sóng siêu âm bị ngăn cản bởi không khí hoặc khí. Do đó, siêu âm không phải là một kỹ thuật hình ảnh lý tưởng cho thăm khám ruột đầy không khí hoặc các cơ quan bị che khuất bởi ruột. Tương tự, sóng siêu âm không thể truyền qua xương, nhưng có thể được sử dụng để chụp ảnh gãy xương hoặc nhiễm trùng xung quanh xương.

 

TS. Vũ Đình Triển –

Khoa Chẩn đoán Chức năng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

Chia sẻ