Siêu âm đánh giá van động mạch chủ nhân tạo

  08:34 AM 23/02/2021
Van động mạch chủ là một cấu trúc mảnh, mềm mại được cấu tạo từ mô liên kết phủ bởi lớp nội mạc nằm giữa tâm thất trái và động mạch chủ, gồm 3 lá van, có chức năng giúp dòng máu từ thất trái vào động mạch chủ để đi nuôi cơ thể mà không bị quay trở lại.

Các nguyên nhân gây hẹp, hở van động mạch chủ: thấp tim, thoái hóa, vôi hóa, bệnh van tim bẩm sinh…làm ảnh hưởng đến dòng chảy qua van có thể dẫn đến hẹp hoặc hở hoặc hẹp-hở đồng thời. Ở mức độ nhẹ bệnh nhân có thể dùng thuốc và thay đổi chế độ sinh hoạt phù hợp, ở mức độ nặng bệnh nhân cần phải thay thế van tim bằng van nhân tạo. Trên bệnh nhân mang van nhân tạo có thể xuất hiện một số biến chứng như: huyết khối, tan huyết, nhiễm trùng, tuột chỉ khâu, quá phát lớp nội mô. Siêu âm kiểm tra định kì hoặc khi bệnh nhân có triệu chứng là công việc rất quan trọng nhằm phát hiện kịp thời các biến chứng này tránh ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh.

1, CÁC LOẠI VAN NHÂN TẠO

- Van sinh học:thường được sản xuất từ màng ngoài tim của bò, lợn hoặc từ van của người hiến tạng. Các van này ít có nguy cơ tạo huyết khối, chỉ phải dùng thuốc chống đông thời gian ngắn sau mổ, tuy nhiên tuổi thọ không cao, thường từ 10-15 năm hoặc ngắn hơn.

- Van cơ học: được làm từ vật liệu nhân tạo như titan, silicon. Van có tuổi thọ cao, có thể lên đến 20-30 năm hoặc lâu hơn, tuy nhiên dễ tạo huyết khối nên bệnh nhân phải dùng thuốc chống đông suốt đời. Có 3 loại van cơ học bao gồm: van bi lồng, van một đĩa và van hai đĩa. Tuy nhiên hiện nay hầu như chỉ còn van hai đĩa được sử dụng. Van hai đĩa gồm hai lá van hình bán nguyệt gắn vào khung cứng qua một bản lề. Khi hoạt động van không đóng hoàn toàn nhằm tạo một lỗ hở nhỏ qua đó hạn chế hình thành huyết khối.

-Tùy từng bệnh nhân cụ thể mà các bác sĩ sẽ chọn loại van phù hợp

 

Hình 1. Các loại van nhân tạo

2. NHỮNG THÔNG TIN CẦN BIẾT TRƯỚC KHI SIÊU ÂM:

-Thời điểm thay van: giúp gợi ý các bất thường có thể gặp.

-Loại và kích thước van nhân tạo, cân nặng và chiều cao bệnh nhân qua đó biết được diện tích da để đánh giá sự phù hợp của van với bệnh nhân.

-Huyết áp, nhịp tim bệnh nhân: do ảnh hưởng đến đánh giá vận tốc và chênh áp qua van.

-Các triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân.

-Các kết quả quả siêu âm trước đó.

3. SIÊU ÂM 2D:

-Đánh giá hình thái cũng như vận động của các lá van: đánh giá độ dày,lỗ thủng, vôi hóa lá van trong trường hợp van sinh học, đánh giá mức độ vận động của các lá van.

-Đánh giá huyết khối, mảnh sùi trên bề mặt lá van, thường là mặt thất.

-Đánh giá vòng van: vòng van lắc lư gợi ý tuột mối chỉ khâu, là một tình trạng cần phâu thuật cấp cứu

-Đánh giá tổ chức cạnh vòng van: ổ giảm âm hoặc trống âm gợi ý áp xe.

-Đánh giá kích thước các buồng tim, chức năng tâm thu thất trái.

4. SIÊU ÂM DOPPLER

-Đánh giá dòng chảy qua van, xem dòng hở là sinh lý hay bệnh lý: Một dòng hở mức độ nhẹ, trong vòng van là dòng hở sinh lý, có tác dụng hạn chế hình thành huyết khối. Ngược lại, một dòng hở mức độ trung bình trở lên, xuất hiện cạnh van hoặc không có dòng hở đều là bệnh lý.

-Đánh giá vận tốc và chênh áp qua van: Một van hoạt động bình thường khi vận tốc và chênh áp qua van thấp, giới hạn tùy thuộc loại van.

-Đánh giá diện tích lỗ van hiệu dụng: dựa trên phương trình liên tục:                       

EOA=CSA(LVOT)xVTI(LVOT)/VTI(PrAV)

Trong đó COA là diện tích lỗ van hiệu dụng. CSA(LVOT) là diện tích đường ra thất trái tính trên mặt cắt trục ngắn cạnh ức trái phía dưới van động mạch chủ nhân tạo. VTI(LVOT) là tích phân thời gian vận tốc dòng chảy qua đường ra thất trái. VTI(PrAV) là tích phân thời gian vận tốc dòng chảy qua van động mạch chủ nhân tạo.

-Đánh giá DVI: là chỉ số vận tốc Doppler được tính bằng tỉ số giữa tích phân thời gian vận tốc của dòng chảy qua đường ra thất trái và tích phân thời gian vận tốc của dòng chảy qua van nhân tạo.Trong trường hợp hẹp van, tỉ số này <=0.3.

-Đánh giá đường viền phổ Doppler qua van nhân tạo và thời gian đạt vận tốc tối đa AT: van bình thường khi đường viền hình tam giác, đỉnh vận tốc đến sớm, AT ngắn <80ms. Van hẹp khi đường viền hình tròn, đối xứng thời gian đạt đỉnh muộn hơn, AT kéo dài >100ms.

Bảng các thông số bình thường và bất thường của van động mạch chủ nhân tạo

Tài liệu tham khảo:

1, Chọn van tim nhân tạo như thế nào, Nguyễn Hoàng Hà

2, Đánh giá hoạt động của van nhân tạo bằng siêu âm Doppler, Đỗ Phương Anh

3, Echocardiographic Assessment of heart Valves prostheses, Chiara Sordelli, Sergio Severino,1 Luigi Ascione,1 Pasquale Coppolino, and Pio Caso

Bác sĩ Đặng Duy Anh - Khoa Chẩn đoán chức năng Bệnh viện TƯQĐ 108

 

Chia sẻ