Cấp cứu bệnh não tăng huyết áp có gì đặc biệt?

  09:58 AM 17/01/2020

Bệnh não tăng huyết áp (Hypertensive encephalopathy - HE) là rối loạn chức năng não nói chung do cơn huyết áp tăng cao [1]. Các triệu chứng thường khởi phát đột ngột, có thể bao gồm đau đầu, nôn, mất cân bằng và lo lắng. Các biến chứng có thể bao gồm co giật, hội chứng não sau có hồi phục và chảy máu ở phía sau hốc mắt [1], [2].

Trong bệnh não tăng huyết áp, thông thường huyết áp lớn hơn 200/130 mmHg [2]. Đôi khi, nó có thể xảy ra ở mức HA thấp hơn nhưng vẫn trên 160/100 mmHg [3]. Các triệu chứng của bệnh não tăng huyết áp có thể xảy ra ở bệnh nhân suy thận, những người dừng thuốc huyết áp đột ngột, pheochromocytoma (khối u nội tiết- thần kinh tiết ra các catecholamine, có nguồn gốc từ những tế bào ưa crom của tủy thượng thận hoặc các hạch giao cảm ngoài thượng thận) và những người dùng thuốc ức chế monoamin oxydase (MAO) nhưng ăn thực phẩm giàu axit amin Tyramine, hoặc sản giật [4]. Chẩn đoán bệnh não tăng huyết áp bắt buộc phải loại trừ các nguyên nhân có thể khác [2].

Điều trị bệnh não tăng huyết áp thường sử dụng các thuốc hạ huyết áp nhanh như labetol hoặc natri nitroprusside đường tĩnh mạch [1], [4]. Ở những người đang mang thai có thể sử dụng magiê sulfat và cân nhắc sử dụng các thuốc chống co giật [4].

Bệnh não tăng huyết áp là bệnh không phổ biến, tuy nhiên đây là tình huống cấp cứu [4]. Thuật ngữ này lần đầu tiên được sử dụng bởi Oppenheimer và Fishberg vào năm 1928 [5], [6]. Nó được phân loại là một loại cấp cứu tăng huyết áp [3].

Mục đích điều trị ban đầu là nhanh chóng hạ huyết áp tâm trương xuống khoảng 100 đến 105 mmHg; mục tiêu này phải đạt được trong vòng 2 đến 6 giờ, tuy nhiên mức giảm ban đầu tối đa không vượt quá 25% giá trị huyết áp ban đầu [7], [8]. Mức độ kiểm soát huyết áp này sẽ cho phép chữa lành dần các tổn thương mạch máu. Điều trị hạ huyết áp tích cực hơn là không cần thiết và có thể làm giảm áp lực tưới máu mô và có thể dẫn đến các biến cố thiếu máu cục bộ (như đột quỵ hoặc bệnh mạch vành) [9],[10].

Một số thuốc chống tăng huyết áp đường tiêm thường được sử dụng nhất trong điều trị ban đầu tăng huyết áp ác tính [7], [8].

• Nitroprusside - một chất làm giãn động mạch và tĩnh mạch, được dùng dưới dạng tiêm truyền tĩnh mạch. Nitroprusside tác dụng trong vòng vài giây và thời gian tác dụng ngắn chỉ từ 2 đến 5 phút, do đó nó lợi thế so với các loại thuốc khác được liệt kê dưới đây. Tuy nhiên, khả năng gây độc của xyanua làm hạn chế việc sử dụng nitroprusside kéo dài, đặc biệt ở những bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tính [7], [8].

• Nicardipine - một chất làm giãn động mạch, hay được dùng dưới dạng tiêm truyền tĩnh mạch [11].

• Clevidipine - thuốc chẹn kênh canxi dihydropyridine tác dụng ngắn. Nó làm giảm huyết áp mà không ảnh hưởng đến áp lực làm đầy tim hoặc gây ra nhịp tim nhanh [7], [8].

• Labetalol - một thuốc chẹn alpha và beta-adrenergic, được dùng dưới dạng truyền tĩnh mạch hoặc tiêm bolus theo sau là truyền dịch [7], [8].

• Fenoldopam - một chất chủ vận thụ thể dopamine-1 ngoại biên, được dùng dưới dạng tiêm truyền tĩnh mạch [7],[8].

• Thuốc uống - Khởi phát tác dụng chậm hơn và không có khả năng kiểm soát mức độ giảm HA nên đã hạn chế việc sử dụng thuốc chống tăng huyết áp đường uống trong điều trị Cơn tăng huyết áp cấp cứu. Tuy nhiên, chúng có thể hữu ích khi không có sẵn các loại thuốc tiêm được mô tả ở trên. Cả nifedipine ngậm dưới lưỡi và captopril dưới lưỡi có thể làm giảm đáng kể HA trong vòng 10 đến 30 phút ở nhiều bệnh nhân [12]. Nifedipine lỏng (viên nang nhỏ dưới lưỡi) có tác dụng nhanh và mạnh hơn.

          Như vậy bệnh não tăng huyết áp là một tình trạng cấp cứu, cần xử trí như một tình trạng tăng huyết áp cấp cứu, nhưng cũng có thể phải xử lý một vài cấp cứu thần kinh đặc biệt.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.       Price R. S., Kasner S. E.  Hypertension and hypertensive encephalopathy, Handb Clin Neurol 2014 119, 161-7.

2.       Goldman, Lee, Schafer, et al.  Goldman's Cecil Medicine E-Book., Elsevier Health Sciences 2011 p. 2326. ISBN 1437736084. Archived from the original on 2017-10-22.

3.       Cameron Peter, Jelinek George, Kelly Anne-Maree, et al.  Textbook of Adult Emergency Medicine E-Book, Elsevier Health Sciences. 2014 p. 274. ISBN 9780702054389. Archived from the original on 2017-10-22.

4.       Lynn D. Joanne, Newton Herbert B., Rae-Grant Alexander The 5-minute Neurology Consult, Lippincott Williams & Wilkins 2004 p. 174. ISBN 9780683307238. Archived from the original on 2017-10-22.

5.       Johnson Richard J., Feehally John, Floege Jurgen  Comprehensive Clinical Nephrology E-Book, Elsevier Health Sciences 2014 p. 439. ISBN 9780323242875. Archived from the original on 2017-10-22.

6.       OPPENHEIMER B. S.  HYPERTENSIVE ENCEPHALOPATHY, Archives of Internal Medicine 1928 41 (2): 264. doi:10.1001/archinte.1928.00130140126010. PMC 1597139.

7.       Kaplan NM. In  Hypertensive crises, , Kaplan's Clinical Hypertension  9th ed, Neal, W (Ed), Lippincott, Williams and Wilkins, Baltimore 2006. p.311.

8.       Vaughan C. J., Delanty N.  Hypertensive emergencies, Lancet 2000 356(9227), 411-7.

9.       Haas D. C., Streeten D. H., Kim R. C., et al.  Death from cerebral hypoperfusion during nitroprusside treatment of acute angiotensin-dependent hypertension, Am J Med 1983 75(6), 1071-6.

10.     Ledingham J. G., Rajagopalan B.  Cerebral complications in the treatment of accelerated hypertension, Q J Med 1979 48(189), 25-41.

11.     Neutel J. M., Smith D. H., Wallin D., et al.  A comparison of intravenous nicardipine and sodium nitroprusside in the immediate treatment of severe hypertension, Am J Hypertens 1994 7(7 Pt 1), 623-8.

12.     Angeli P., Chiesa M., Caregaro L., et al.  Comparison of sublingual captopril and nifedipine in immediate treatment of hypertensive emergencies. A randomized, single-blind clinical trial, Arch Intern Med 1991 151(4), 678-82.


BS. Nguyễn Văn Phương - Khoa Cấp cứu - Bệnh viện TWQĐ 108

Chia sẻ