Tại sao cần lập một kế hoạch ăn uống lành mạnh?
Khi bị bệnh đái tháo đường hoặc tiền đái tháo đường, bác sĩ có thể sẽ khuyên người bệnh nên gặp cán bộ dinh dưỡng để lập một kế hoạch ăn uống dựa trên mục tiêu sức khỏe, thói quen ăn uống và lối sống hàng ngày. Kế hoạch này giúp người bệnh kiểm soát tốt đường huyết, cân nặng và tránh các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Đối với người mắc bệnh đái tháo đường type 2 có thừa cân béo phì, giảm cân cũng giúp kiểm soát đường huyết dễ dàng hơn và mang lại nhiều lợi ích sức khỏe khác (giảm các yếu cơ nguy cơ tim mạch, tang chất lượng cuộc sống…). Khi đó, chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ dinh dưỡng và phù hợp với từng cá thể là cách giúp người bệnh đạt được mục tiêu của mình một cách an toàn và hiệu quả.
Đối với người bệnh đái tháo đường, việc sắp xếp các bữa ăn vào các thời gian cố định trong ngày là cần thiết. Điều này giúp người bệnh sử dụng tốt hơn lượng insulin mà cơ thể tự sản xuất hoặc được cung cấp thông qua một loại thuốc.
Thực phẩm khuyến nghị
- Nhóm tinh bột
Người bệnh đái tháo đường nên dựa vào chỉ số đường huyết để lựa chọn thực phẩm, đặc biệt là nhóm tinh bột. Phương pháp này xếp loại thực phẩm có chứa carbohydrate dựa trên tác dụng của chúng đối với mức đường huyết. Theo đó, người bệnh nên chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp hoặc trung bình để sử dụng (GI≤55), ví dụ ở bảng bên. Để cụ thể hơn, người bệnh nên trực tiếp gặp chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn cụ thể hơn.
- Thực phẩm giàu chất xơ
Chất xơ hỗ trợ cơ thể tiêu hóa, điều tiết hấp thu đường từ thức ăn vào máu, từ đó giúp kiểm soát đường huyết. Thực phẩm giàu chất xơ tốt cho người bệnh đái tháo đường nên được cung cấp từ các loại rau củ và ngũ cốc nguyên hạt. Viện Dinh dưỡng Việt Nam khuyến nghị nên ăn ít nhất 400g rau xanh/ngày:
- Nhóm chất đạm
Người bệnh đái tháo đường nên chọn ăn cá, thịt nạc, nhóm đậu đỗ, thịt da cầm bỏ da… nhưng với lượng vừa phải, chiếm 15 – 20% năng lượng khẩu phần hàng ngày để tránh biến chứng thận sau này.
- Nhóm chất béo
Dầu thực vật được ưu tiên dùng ở người bệnh đái tháo đường: dầu đậu nành, dầu vừng, dầu oliu và xen kẽ các bữa dầu cá.
Các thực phẩm cần tránh
- Thực phẩm có hàm lượng đường cao: gạo trắng, bánh mì, miến, khoai củ nướng, hoa quả sấy khô…
- Chất béo bão hòa. Tránh các sản phẩm sữa giàu chất béo, và protein động vật như bơ, thịt bò, xúc xích và thịt xông khói. Cũng hạn chế dầu dừa và dầu hạt cọ.
- Chất béo chuyển hóa. Tránh chất béo chuyển hóa được tìm thấy trong đồ ăn nhẹ chế biến sẵn, đồ hộp, đồ nướng, quay, chiên, rán.
- Cholesterol. Nguồn cholesterol bao gồm các sản phẩm từ sữa giàu chất béo và protein động vật giàu chất béo: mỡ động vật, da gà, da vịt, lòng đỏ trứng, gan và các loại nội tạng động vật khác. Đặt mục tiêu không quá 200 (mg) cholesterol mỗi ngày.
- Natri. Mục tiêu cho ít hơn 2.3g natri mỗi ngày. Natri không chỉ có trong muối, nước mắm mà còn có trong mì chính, hạt nêm, nên tránh dùng trong chế biến.
Nguyên tắc ăn uống:
- Người bệnh đái tháo đường cần tuân theo chế độ dinh dưỡng do chuyên gia dinh dưỡng tư vấn. Bên cạnh đó cần biết và nắm rõ các nguyên tắc sau để đạt mục tiêu kiểm soát đường huyết và các mục tiêu sức khỏe khác:
- Chia nhỏ khẩu phần ăn thành nhiều bữa trong ngày, ăn rau trước khi ăn cơm và các thức ăn khác để tránh tình trạng đường huyết tăng hoặc giảm đột ngột.
- Ăn uống điều độ, đúng các khung giờ cố định dựa vào tác dụng của thuốc kiểm soát đường huyết đang sử dụng, tránh, nằm, ngồi một chỗ sau ăn.
- Không nên thay đổi quá nhanh và quá nhiều thành phần và khối lượng các bữa ăn hàng ngày mà phải thay đổi theo lộ trình, tránh việc hạ đường huyết đột ngột.
- Món ăn phải được chế biến luộc, hấp, hạn chế xào, rán, nướng, quay…
- Duy trì vận động với mức độ và thời gian phù hợp với tình trạng sức khỏe,
Tỷ lệ các nhóm thực phẩm có thể ước tính theo phương pháp tấm
- Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ cung cấp một phương pháp lập kế hoạch bữa ăn đơn giản. Về bản chất, nó tập trung vào việc ăn nhiều rau hơn. Thực hiện theo các bước sau khi chuẩn bị bữa ăn:
- Một nửa khẩu phần ăn là các loại rau, ưu tiên rau lá.
- Một phần tư khẩu phần ăn là một loại protein, chẳng hạn như cá, thịt lợn nạc hoặc thịt gà.
- Một phần tư khẩu phần ăn còn lại ngũ cốc nguyên hạt, chẳng hạn như gạo lứt, gạo xay xát dối.
- Bổ sung các chất béo "tốt" như các loại hạt hoặc dầu thực với số lượng nhỏ.
- Thêm một khẩu phần trái cây hoặc sữa chuyên dùng cho người bệnh đái tháo đường và nước tráng miệng không đường
Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát đường huyết, phòng ngừa và làm chậm quá trình tiến triển của các biến chứng. Người bệnh đái tháo đường nên được chuyên gia dinh dưỡng tư vấn để tự xây dựng cho mình một chiến lược dinh dưỡng hợp lý, khoa học để có một sức khỏe tốt hơn và bền vững hơn.
Khoa Dinh dưỡng - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108