Giải đáp một số thắc mắc thường gặp
Chế độ ăn kiêng iod có phải là ăn nhạt không? Không. Chế độ ăn kiêng iod tập trung vào việc giảm lượng iod, không phải natri. Bệnh nhân vẫn có thể sử dụng muối hoặc bột canh không chứa iod để nêm nếm món ăn, chú ý luôn kiểm tra kỹ nhãn mác để tránh muối iod và muối biển.
Tôi có thể sử dụng vitamin tổng hợp và thực phẩm chức năng không? Mặc dù không có chống chỉ định tuyệt đối, nhưng tốt nhất nên tránh sử dụng các loại vitamin tổng hợp hoặc thực phẩm chức năng trong thời gian này, vì chúng có thể chứa iod hoặc phụ gia iod. Đặc biệt, cần tránh các loại vitamin hoặc thực phẩm chức năng chứa thành phần từ tảo biển, thực phẩm bổ sung canxi có nguồn gốc từ vỏ sò. Nếu thực sự cần thiết, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Tôi có thể ăn ngoài nhà hàng trong thời gian ăn kiêng không? Bệnh nhân nên hạn chế tối đa việc ăn uống bên ngoài vì rất khó kiểm soát được lượng iod trong thực phẩm tại nhà hàng. Việc tự chế biến thức ăn tại nhà vẫn là giải pháp an toàn và tốt nhất để đảm bảo tuân thủ chế độ ăn kiêng.
Tôi có thể dùng sữa thực vật để thay thế sữa động vật không? Hoàn toàn có thể. Các sản phẩm sữa thực vật hữu cơ thường không bổ sung iod, bệnh nhân có thể sử dụng các loại sữa thực vật như sữa hạnh nhân, sữa gạo, sữa dừa, sữa yến mạch,... với điều kiện các sản phẩm này không chứa iod hoặc các chất phụ gia chứa iod, do đó cần đọc kỹ nhãn mác trước khi sử dụng.
Tôi có thể uống cà phê hoặc trà với sữa được không? Trong giai đoạn này, bệnh nhân nên tránh thêm sữa hoặc kem vào trà hay cà phê, vì các sản phẩm từ sữa thường chứa iod. Hãy dùng trà và cà phê nguyên chất, có thể thêm đường trắng hoặc mật ong nguyên chất nếu cần thiết.
Tôi cần làm gì nếu lỡ ăn thực phẩm chứa iod? Việc ăn phải một lượng nhỏ thực phẩm chứa iod thường không ảnh hưởng lớn đến quá trình điều trị. Nếu chẳng may ăn phải thực phẩm có chứa iod, bệnh nhân hãy ghi lại lượng thực phẩm và thời điểm ăn, sau đó liên hệ ngay với bác sĩ điều trị để nhận được hướng dẫn cụ thể và phù hợp nhất với tình trạng sức khỏe của mình.
Tôi có thể ăn bánh mì tự làm được không? Hoàn toàn có thể. Bệnh nhân có thể ăn bánh mì tự làm, miễn là các nguyên liệu sử dụng không chứa iod và không dùng muối iod trong quá trình chế biến, nên sử dụng dầu thực vật thay vì bơ hoặc sữa trong công thức làm bánh.

Tôi cần tuân thủ chế độ kiêng iod trong bao lâu? Thời gian tuân thủ chế độ kiêng iod thường là 1-2 tuần trước khi điều trị iod phóng xạ và 1-3 ngày sau đó. Tuy nhiên, bệnh nhân cần tuân theo hướng dẫn cụ thể của bác sĩ điều trị. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy rằng thời gian chuẩn bị 4 ngày có thể đủ để giảm mức iod trước khi điều trị tương đương với thời gian 7 ngày trên phần lớn bệnh nhân, dù vậy cần có thêm nhiều nghiên cứu để xác định thời gian tối ưu.
Chế độ kiêng iod có cần thiết cho tất cả các loại ung thư tuyến giáp không? Không. Chế độ kiêng iod được chỉ định cho bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể biệt hóa (thể nhú, thể nang,…) trước khi điều trị phóng xạ, vì các tế bào ung thư này có khả năng hấp thu iod phóng xạ. Phương pháp điều trị này không hiệu quả đối với ung thư tuyến giáp thể tủy hoặc thể không biệt hóa.
Duy trì cân bằng dinh dưỡng trong thời gian ăn kiêng
Các chuyên gia dinh dưỡng nhận thấy rằng chế độ kiêng iod có thể mang đến nhiều khó khăn cho bệnh nhân trong việc duy trì sự đa dạng trong khẩu phần ăn hằng ngày. Tuy nhiên, chế độ ăn này chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian ngắn và bệnh nhân vẫn có thể lựa chọn rất nhiều loại thực phẩm an toàn và bổ dưỡng như trái cây, rau củ, các loại thịt tươi, cá nước ngọt, ngũ cốc, các loại hạt,..., từ đó xây dựng một chế độ ăn cân bằng và đầy đủ dinh dưỡng. Các bác sĩ cũng khuyến cáo bệnh nhân không nên tự ý ăn kiêng quá mức, loại bỏ các nhóm thực phẩm thiết yếu mà không có sự hướng dẫn, điều này có thể dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe trong quá trình điều trị phóng xạ.
Tóm lại trong thời gian thực hiện chế độ kiêng iod, bệnh nhân cần nắm vững các nguyên tắc cơ bản, tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị, tìm hiểu kỹ về nhóm thực phẩm an toàn để duy trì một chế độ ăn uống cân bằng. Ngoài chế độ dinh dưỡng, bệnh nhân cũng cần lưu ý tránh các loại thuốc bôi, thuốc sát trùng có chứa iod, thuốc cản quang với thành phần iod. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về chế độ ăn kiêng hoặc quá trình điều trị, đừng ngần ngại trao đổi với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để nhận được lời khuyên phù hợp nhất.
BSCK2 Nguyễn Thanh Hướng - Khoa Y học hạt nhân, Bệnh viện TWQĐ 108