Các vết thương phức tạp ở vùng hàm mặt, đặc biệt là tại các khu vực quan trọng như mũi, nếu không được xử lý kịp thời và đúng kỹ thuật ngay từ giai đoạn đầu, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng cả về chức năng và thẩm mỹ. Hậu quả bao gồm:
Nhiễm trùng kéo dài: Làm gia tăng nguy cơ phá hủy cấu trúc mô mềm và sụn. Đặc biệt vùng đầu mũi có thể gây biến dạng mũi rất khó để phục hồi.
Tổn thương trụ mũi gây mất cấu trúc nâng đỡ mũi, gây biến dạng mũi nghiêm trọng. Không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng đến khả năng hô hấp của bệnh nhân. Do mũi là cơ quan đầu vào của hệ thống hô hấp nên những biến dạng mũi có thể ảnh hưởng tuỳ mức độ đến việc hô hấp, trường hợp nặng còn gây bít tắc hoàn toàn lỗ mũi, bệnh nhân chỉ có thể hô hấp qua miệng.
Bên cạnh đó, việc chuẩn bị và chăm sóc kỹ lưỡng vùng mũi bị hoại tử trước khi phẫu thuật đóng vai trò quan trọng. Các bước cần thiết bao gồm:
Loại bỏ mô hoại tử bằng thay băng và cắt lọc tổ chức hoại tử hằng ngày cho đến khi loại bỏ hoàn toàn tổ chức hoại tử.
Vệ sinh vết thương bằng dung dịch kháng khuẩn thích hợp như NaCl 0,9% hoặc Betadine.
Kiểm tra và loại trừ di vật nếu có.
Tăng cường dinh dưỡng bằng các thực phẩm giàu protein, vitamin C để hỗ trợ tái tạo mô.
Sau khi chuẩn bị kỹ lưỡng vùng mũi bị hoại tử, các bác sĩ quyết định sử dụng phương pháp ghép da toàn phần để che phủ vùng khuyết thiếu, ngăn ngừa biến chứng và phục hồi tính thẩm mỹ. Mảnh da ghép được lựa chọn từ vùng sau tai – nơi đáp ứng các tiêu chí về độ dày, màu sắc tương đồng và đảm bảo yêu cầu thẩm mỹ. Việc chuẩn bị cẩn thận trước phẫu thuật đã tạo điều kiện thuận lợi để quá trình ghép da đạt hiệu quả cao nhất.

Kíp bác sĩ, điều dưỡng phẫu thuật cho bệnh nhân
Quá trình phẫu thuật bệnh nhân được làm sạch hoàn toàn mô hoại tử và xử lý nền ghép tại vị trí vùng đầu mũi để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đặt mảnh ghép. Mảnh da ghép được cố định cẩn thận để đảm bảo bám dính tốt, có nguồn máu nuôi đầy đủ và phát triển khỏe mạnh sau phẫu thuật. Vùng khuyết da trụ mũi được cắt lọc sạch sẽ, xử lý sụn viêm và lấy bỏ dị vật, tạo vạt niêm mạc tại chỗ để khâu đóng trực tiếp. Phần vết thương phức tạp cung mày cũng được các y bác sỹ làm sạch, loại bỏ các tổ chức hoại tử, lấy bỏ di vật và dẫn lưu tại chỗ. Việc xử lý cẩn thận các tổn thương phức tạp sẽ giúp cho quá trình liền thương được diễn ra thuận lợi hơn, tránh để lại các di chứng sau này.
Sau 7 ngày hậu phẫu, bệnh nhân được kiểm tra và ghi nhận mảnh ghép da đã bám tốt vào vùng nhận, các nhiễm trùng tại chỗ đã hết, quá trình liền thương diễn ra thuận lợi. Các bác sỹ tiếp tục theo dõi và hướng dẫn bệnh nhân chăm sóc vết thương tại nhà, bao gồm thay băng, vệ sinh sạch sẽ và bổ sung dinh dưỡng để hỗ trợ quá trình tái tạo mô.
Thành công của ca ghép da này thể hiện rõ vai trò quan trọng của việc phối hợp chặt chẽ giữa bác sỹ và bệnh nhân trong quá trình điều trị, đồng thời nhấn mạnh ý nghĩa của việc xử lý chính xác và kịp thời các vết thương phức tạp vùng hàm mặt.
Ngô Gia Tiến - Lê Diệp Linh
Khoa Phẫu thuật Sọ mặt, Bệnh viện TWQĐ 108