Rách gân cơ chóp xoay- bệnh lý đau vùng vai không thể xem thường

  11:32 AM 23/03/2020

 

Đau khớp vai là triệu chứng hay gặp. Các nguyên nhân dẫn đến đau khớp vai có thể là do chèn ép thần kinh vùng cột sống cổ hoặc các tổn thương trực tiếp của khớp vai như thoái hóa khớp vai,  hội chứng chèn ép khoang dưới mỏm cùng, viêm-rách gân cơ chóp xoay... Trong đó rách gân cơ chóp xoay là nguyên nhân thường gặp, ở người già thường do thoái hóa, người trẻ thường do chấn thương.

Khái niệm về chóp xoay

Chóp xoay (Rotator cuff) là nhóm gồm 4 cơ của khớp vai đó là: cơ dưới vai, cơ trên gai, cơ dưới gai và cơ tròn bé (Hình 1). Các cơ này có tác dụng giữ vững khớp vai, không cho trật khớp và giúp vận động khớp vai. Chóp xoay khớp vai dễ bị viêm và rách do khớp vai được sử dụng nhiều và hay bị chấn thương. Chóp xoay có thể bị rách ở bất kỳ vị trí nào nhưng hay gặp nhất là rách gân cơ trên gai (Hình 2).

Hình 1: Khớp vai và các gân cơ chóp xoay

Hình 2: Rách chóp xoay

 

Nguyên nhân rách chóp xoay. Có 2 nguyên nhân chính

- Do chấn thương: Hay gặp do chấn thương thể thao nhất là những môn thể thao đòi hỏi dạng vai, đưa tay qua đầu, lặp đi lặp lại nhiều lần. Ngoài ra có thể do ngã, do tai nạn lao động, tai nạn giao thông…

- Do thoái hóa: Thoái hóa gân cơ chóp xoay, viêm gân cơ chóp xoay lâu ngày không được điều trị có thể dẫn đến rách chóp xoay. Tiêm Corticoid không đúng cách hoặc lạm dụng tiêm Corticoid cũng làm tăng nguy cơ rách chóp xoay.

Chẩn đoán rách chóp xoay.

* Lâm sàng: - Triệu chứng đầu tiên là đau ở vùng vai: cơn đau có đặc điểm lan lên cổ, lan xuống cánh tay. Viêm gân cơ chóp xoay thường đau vào ban đêm, đau khi nằm nghiêng sang bên tổn thương. Bệnh lâu ngày dẫn đến rách chóp xoay làm bệnh nhân cử động vai khó khăn.

- Bệnh nhân có cảm giác yếu cánh tay, khó thực hiện các động tác như chải đầu, mặc áo, đưa tay ra phía sau đầu.

- Khi rách chóp xoay nặng, bệnh nhân không thể giơ tay lên đầu được hoặc khi giơ tay lên đầu được nhưng khi hạ xuống sẽ rơi tay đột ngột (Nghiệm pháp rơi cánh tay).

* Cận lâm sàng :

- Chụp XQ: Thường chụp XQ tư thế thẳng và Y – view (Đánh giá mức độ thoái hóa khớp vai, mức độ hẹp và thoái hóa khoang dưới mỏm cùng).

- Chụp MRI: Có hình ảnh gián đoạn tín hiệu gân cơ chóp xoay.

Phòng ngừa rách chóp xoay. Để phòng ngừa rách chóp xoay khớp vai, cần chú ý những điều sau:

- Khi chơi thể thao: Phải khởi động kỹ khớp vai trước khi chơi, cân bằng giữa tập luyện và nghỉ ngơi, không lặp đi lặp lại quá nhiều những động tác sử dụng cánh tay quá đầu như: chơi bóng chày, golf, cầu lông, quần vợt... Tới khám bác sỹ chuyên khoa khi bị chấn thương khớp vai.

- Nếu có dấu hiệu của bệnh viêm, rách chóp xoay: đau, hạn chế vận động khớp vai… cần đi khám tại cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, không đắp lá hoặc tiêm khớp vai ở những cơ sở không đủ sự tin cậy .

Điều trị:

* Điều trị bảo tồn:

- Với chấn thương mới: Nghỉ ngơi, chườm lạnh, mang đai bảo vệ khớp vai hoặc đeo túi treo tay khoảng 2-3 tuần, thuốc giảm đau, giảm nề…Sau khi khớp bớt phù nề: điều trị vật lý trị liệu

- Với chấn thương cũ : Biên độ vận động khớp bị hạn chế cần điều trị vật lý trị liệu và tập vận động ngay để lấy lại biên độ vận động khớp, không bất động khớp và không chườm lạnh, phải dùng nhiệt nóng điều trị. Dùng kết hợp các thuốc chống viêm, giảm đau thông thường, có thể dùng corticoid làm giảm đau nhưng phải cân nhắc, vì corticoid cũng làm ảnh hưởng đến rách chóp xoay.

* Điều trị phẫu thuật:

Nếu điều trị bảo tồn không đỡ, bệnh nhân đau, hạn chế vận động khớp vai, chóp xoay bị rách bán phần hoặc rách hoàn toàn chỉ định nội soi khâu lại gân cơ chóp xoay.    

 

BS Mai Đức Thuận-Khoa B1C, VIỆN CTCT, BV108

 

Chia sẻ