Những điều cần biết về bạch cầu cấp dòng tủy

  02:36 PM 17/07/2024

Bệnh bạch cầu cấp được ghi nhận lần đầu tiên năm 1827 khi Velpeau thông báo bệnh nhân đầu tiên. Sau đó, Virchow gọi bệnh này là bệnh white blood (bệnh máu trắng). Và cuối cùng chính ông đặt tên cho bệnh này một cái tên mà bây giờ vẫn được sử dụng, đó là bạch cầu cấp (leukemia - tiếng Hy Lạp nghĩa là máu trắng).

Bệnh bạch cầu cấp dòng tủy là gì?

Bạch cầu cấp (lơ xê mi cấp) là một nhóm bệnh máu ác tính, có đặc trưng là sự tăng sinh một loại tế bào non – ác tính, nguồn gốc tại tủy xương, chúng được chia thành 2 nhóm chính: bệnh bạch cầu cấp dòng tủy và bệnh bạch cầu cấp dòng lympho.

Trong tên gọi bệnh bạch cầu cấp dòng tủy, “cấp” có nghĩa là bệnh sẽ tiến triển nhanh và cần điều trị ngay lập tức, nếu không được điều trị, bệnh nhân có thể diễn biến tử vong trong vài ngày đến vài tháng; “dòng tủy” là tên dòng tế bào khởi nguồn của loại ung thư này.

 

Các triệu chứng của bệnh bạch cầu cấp dòng tủy?

Các triệu chứng thường gặp của bệnh nhân bệnh cầu cấp dòng tủy bao gồm:

- Mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, gầy sút cân

- Xuất huyết da, niêm mạc, tiểu máu, …

- Sốt, ho, khạc đờm, viêm loét miệng họng, viêm phổi, đau xương, …

Các xét nghiệm chính của bệnh bạch cầu cấp dòng tủy?

- Xét nghiệm máu: đông máu, chức năng gan, thận, điện giải đồ, LDH, acid uric, marker virus viêm gan B, viêm gan C, HIV.

- Huyết - tủy đồ, sinh thiết tủy xương, nhuộm hóa học tế bào, kỹ thuật đếm tế bào dòng chảy, công thức nhiễm sắc thể, xét nghiệm gen.

- Xét nghiệm HLA: cho bệnh nhân để tìm nguồn tế bào gốc phù hợp cho ghép tế bào gốc đồng loài.

- Xét nghiệm khác: Xquang tim phổi, điện tim, siêu âm tim, xét nghiệm dịch não tủy,…

Bệnh bạch cầu cấp dòng tủy được chia thành nhiều loại khác nhau. Kết quả xét nghiệm có thể cho thấy người bệnh mắc loại nào. Việc điều trị phù hợp phụ thuộc vào độ tuổi cũng như loại bạch cầu cấp dòng tủy mà người bệnh mắc.

Bệnh bạch cầu cấp dòng tủy được điều trị như thế nào?

Đối với bệnh bạch cầu cấp dòng tủy, hóa trị liệu là phương pháp điều trị chủ yếu. Quy trình điều trị lơ xê mi cấp dòng tủy thường phân thành hai giai đoạn lớn:

+ Giai đoạn điều trị tấn công (để đạt lui bệnh hoàn toàn): hóa trị phác đồ chuẩn “3 + 7”, người bệnh thường nhập viện điều trị nội trú từ 4 tuần trở lên để điều trị hỗ trợ bằng truyền chế phẩm máu, thuốc kháng sinh, kháng nấm, kháng virus. Ngoài ra dựa vào đột biến gen, tuổi, thể trạng, bệnh kèm theo còn có thêm một số lựa chọn điều trị khác.

+ Giai đoạn điều trị sau lui bệnh hoàn toàn (để kéo dài đến mức tối đa thời gian lui bệnh hoàn toàn): hóa trị, ghép tế bào gốc tạo máu tùy theo chỉ định.

Bạch cầu cấp dòng tủy thể tiền tủy bào có tiên lượng và điều trị khác với các loại khác. Lưu ý đối với bệnh nhân chưa có gia đình, trước điều trị cân nhắc lưu trữ trứng ở nữ hoặc tinh trùng ở nam.

Tái khám sau khi điều trị như thế nào?

Sau khi điều trị, bác sĩ sẽ hẹn lịch tái khám để có thể phát hiện và điều trị kịp thời nếu bệnh tái phát, bao gồm: hỏi bệnh, khám bệnh và xét nghiệm máu cơ bản. Tùy trường hợp, có thể bác sĩ sẽ chỉ định: tủy đồ, sinh thiết tủy xương,..

Nếu bệnh bạch cầu cấp dòng tủy tái phát?

Nếu bệnh bạch cầu cấp dòng tủy tái phát, người bệnh sẽ tiếp tục điều trị: hóa chất, xạ trị hoặc ghép tế bào gốc tạo máu đồng loài. Ghép tế bào gốc tạo máu đồng loài là phương pháp truyền tế bào gốc tạo máu từ người hiến phù hợp HLA hoàn toàn hoặc không hoàn toàn, cùng hoặc không cùng huyết thống hoặc từ máu dây rốn cùng hoặc không cùng huyết thống.

Bệnh nhân nên làm gì?

- Trước khi điều trị, bác sĩ điều trị sẽ trao đổi giải thích về chẩn đoán, phương pháp điều trị và tiên lượng với bệnh nhân và gia đình. Bệnh nhân và gia đình chia sẻ về suy nghĩ, cảm nhận cũng như những thắc mắc về bệnh, về việc điều trị, hãy hỏi bác sĩ:

+ Tác dụng của phương pháp điều trị này là gì, có giúp bệnh nhân sống lâu hơn không, có làm giảm triệu chứng không, tác dụng phụ là gì, chi phí quá trình điều trị là bao nhiêu, có được bảo hiểm y tế chi trả không? Cơ hội điều trị khỏi bệnh như thế nào?

+ Ngoài phương pháp điều trị này còn có lựa chọn nào khác không?

+ Điều gì sẽ xảy ra nếu không áp dụng biện pháp điều trị này?

- Trong quá trình điều trị, điều quan trọng là bệnh nhân luôn báo với bác sĩ điều trị về bất kì tác dụng phụ hay vấn đề gặp phải cũng như tuân thủ hướng dẫn về chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng của bác sĩ và điều dưỡng.  

- Khi bệnh nhân ra viện, tái khám đúng theo hẹn của bác sĩ. Và bệnh nhân hãy luôn hỏi ý kiến của bác sĩ điều trị khi dùng bất kì thuốc bổ sung nào, vì chúng có thể ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh hoặc các tác dụng phụ khác.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Patient education: acute myeloid leukemia (AML) (The Basics), Uptodate.

 Lơ xê mi cấp, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh lý huyết học, Bộ Y tế, 2022.

Tác giả: BS Lê Thị Thu Huyền, Khoa Huyết học Lâm sàng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 

 

Chia sẻ