Các vận động viên thường được xem là có sức khỏe rất tốt nên những sự ra đi đột ngột của họ trái ngược hoàn toàn với trực giác thông thường. Do vậy, dù chỉ chiếm 1 tỉ lệ rất thấp nhưng đột tử ở vận động viên trẻ tuổi đã gây ra nhiều tác động nặng nề về tâm lý xã hội và cũng là một mối quan tâm lớn trong y học. Dưới góc nhìn của các chuyên gia, tình huống đột tử trên sân đấu cũng không còn là vấn đề mới, hầu hết các đội phản ứng nhanh cũng như đội ngũ y tế tại các đấu trường thể thao đều được đào tạo bài bản, trang bị dụng cụ sơ cấp cứu nhưng tỉ lệ ngừng tim vẫn còn cao. Trước thực trạng giải quyết sự cố y học trên các sân đấu đã đặt ra các vấn đề mấu chốt:
- Nguyên nhân và các nguy cơ đột tử trong thể thao chuyên nghiệp
- Khả năng phản ứng tức thì trước các sự cố cấp cứu
Nguyên nhân và các nguy cơ đột tử trong thi đấu thể thao:
Phần lớn các tình huống đột tử trong thi đấu thể thao đều xuất phát từ căn nguyên tim mạch, tùy theo sự khác biệt về tuổi và vùng địa lý mà căn nguyên chính gây đột tử là khác nhau. Những vận động viên trẻ (<35 tuổi) bệnh lý cơ tim (bệnh lý loạn sản thất phải, cơ tim phì đại, ...) rối loạn nhịp nguy hiểm như nhanh thất, rung thất là nguyên nhân căn bản dẫn đến những cú ngã “tử thần”, đối với nhóm vận động viên lớn tuổi hơn ( >35 tuổi) bệnh mạch vành (dị dạng mạch, co thắt mạch, thiếu máu cơ tim...) có thể là nhóm bệnh chủ yếu.
Mặc dù các vận động viên thi đấu chuyên nghiệp có chế độ dinh dưỡng và được khảo sát sức khỏe tim mạch định kì vô cùng kĩ càng tuy nhiên không tránh được những “sự cố” đột biến: rối loạn nhịp nguy hiểm nguyên phát, các bệnh lý cơ tim tiền lâm sàng... Việc thăm khám và phát hiện các bệnh lý về tim mạch cần phải luôn song hành với sự đánh giá và phân tầng nguy cơ xảy ra các sự cố trong thi đấu, đôi khi xác định nguy cơ lại là bước quan trọng trong dự đoán tình huống cấp bách.
Nhóm các vận động viên chơi những môn thể thao có độ gắng sức cao thường đối mặt với nguy cơ đột tử cao, như: bóng rổ, bóng đá, tennis, chạy marathon...Tính chất luyện tập và thi đấu khắc nghiệt gây ảnh hưởng làm tăng thể tích máu, rối loạn cân bằng điện giải, tăng đột ngột gánh nặng lên hệ tuần hoàn, kích hoạt quá mức hệ giao cảm...làm tăng nguy cơ đột tử ở những nhóm vận động viên này. Chính vì vậy quy trình luyện tập bài bản chuyên nghiệp luôn là một trong những bước không thể thiếu trong an toàn huấn luyện.
Khả năng phản ứng tức thì trước các sự cố cấp cứu
Thực tế đã cho thấy, hầu như ở tất cả các đấu trường thể thao đều được trang bị máy phá rung tự động tuy nhiên tỉ lệ cứu sống vẫn còn khá thấp. Do vậy, vấn đề không nằm ở trang bị cấp cứu thiếu thốn mà chính là khả năng cấp cứu kịp thời trước các tình huống khẩn cấp của các thành viên trong đội cứu hộ cũng như các thành phần trên sân thi đấu.
Sự thành công trong triển khai cấp cứu cầu thủ người Đan Mạch Christian Eriksen là 1 trong những ví dụ điển hình về phản ứng cấp cứu hết sức nhanh chóng cùng với sự phối hợp ăn ý từ khâu phát hiện, sơ cứu và cấp cứu nạn nhân. Như quan sát tại sân bóng, Eriksen đã từ từ lao về phía trước và đổ người đột ngột xuống sân cỏ, bất tỉnh, trong vòng chưa đến 5s trọng tài đã thổi còi cho dừng trận đấu và yêu cầu hỗ trợ từ nhân viên y tế, ngay lập tức đồng đội đã tiếp cận và xác định trạng thái của Eriksen, đồng đội đã hỗ trợ tránh nuốt lưỡi, duy trì đường thở và đưa về tư thế hồi phục (Recovery position) chờ hỗ trợ. Phút thứ 3 sau khi được sơ cứu, Eriksen nhanh chóng được thực hiện quy trình hồi sinh tim phổi và thực hiện sốc điện. Chỉ sau 15 phút cấp cứu rất nhanh, cầu thủ người Đan Mạch đã tỉnh lại. Không phải may mắn đang mỉm cười với Eriksen mà chính là sự nỗ lực của đội phản ứng nhanh trên sân bóng đã giành giật anh trước bàn tay tử thần. Sự thành công của đội ngũ y tế phản ứng nhanh với tình huồng khẩn cấp là những bài học vô cùng quí giá cho tất cả chúng ta, bao gồm cả những người không phải nhân viên y tế.
Cho dù tỉ lệ xuất hiện sự cố “đột tử” không nhiều nhưng để hạn chế tối đa những đáng tiếc không nên có, việc sàng lọc và kiểm tra sức khỏe toàn diện, đặc biệt là sức khỏe tim mạch nên được chú ý hơn. Xác định nguy cơ có thể xảy ra trong luyện tập và thi đấu từ đó đưa ra các chiến lược huấn luyện phù hợp, tăng dần từ nhẹ đến nặng, chậm và nhanh dần, rèn luyện cả về sức nhanh, sức mạnh, sức bền cũng như tinh thần thi đấu ổn định. Bên cạnh đó, không thể phủ nhận vai trò quan trọng của cấp cứu hồi sinh tim phổi trong thể thao nói riêng và cộng đồng nói chung. Huấn luyện các lớp sơ cấp cứu cơ bản, hồi sinh tim phổi nhất thiết phải được thực hiện thường quy ở các trung tâm thể thao và phổ cập đến tất cả mọi người.
Thực hiện hồi sức tim phổi tại khoa Nội tim mạch, Bệnh viện TWQĐ 108
Thực hiện: BS. Bùi Thị Hương Lan
Khoa Nội Tim mạch – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108