Dẫn lưu bể thận qua da là gì?

  1 ngày trước
Dẫn lưu nước tiểu qua da là một phương pháp được dùng để giải quyết tắc nghẽn đường bài xuất hệ tiết niệu.

Tắc nghẽn đường bài xuất hệ niệu là tình trạng khá thường gặp trong thực tế lâm sàng do các nguyên nhân khác nhau gây ra, đặc biệt là ở các bệnh nhân ung thư. Việc tắc nghẽn này sẽ khiến cho nước tiểu ứ đọng lại trong thận, nguyên nhân chủ yếu đến từ khối u trong ổ bụng chèn ép vào niệu quản - bể thận dẫn đến tăng áp lực bể thận và hệ thống ống góp. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ khiến thận bị giãn ra, nhu mô thận mỏng và nước tiểu trào ngược vào hệ tuần hoàn chung, thậm chí gây suy thận cấp tính, viêm thận - bể thận hoặc thận ứ mủ, đặc biệt trong trường hợp các bệnh nhân ung thư hầu như đều có tình trạng suy giảm miễn dịch làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Dẫn lưu bể thận qua da được coi là biện pháp giải quyết tạm thời tình trạng tắc nghẽn hiệu quả cho đến khi giải quyết được các nguyên nhân gây tắc nghẽn.

 

Người nhà cần có hiểu biết về cách chăm sóc người bệnh sau khi đặt ống dẫn lưu để ngăn ngừa các nguy cơ nhiễm trùng.

CHỈ ĐỊNH DẪN LƯU BỂ THẬN QUA DA KHI NÀO?

Có thể chỉ định dẫn lưu bể thận qua da trong tắc nghẽn đường bài xuất hệ tiết niệu do các nguyên nhân như:

- Ung thư cổ tử cung, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư di căn sau phúc mạc,...

- Sỏi thận, sỏi niệu quản, viêm thận- bể thận có ứ mủ, viêm xơ hóa co thắt niệu quản

- Chít hẹp niệu quản sau phẫu thuật

- Tổn thương bàng quang, niệu quản sau chấn thương, dò bàng quang hoặc viêm bàng quang chảy máu

- Chuẩn bị cho các can thiệp, thăm dò đường bài xuất như đặt stent bể thận- niệu quản xuôi dòng qua da, sinh thiết niệu quản qua da, lấy sỏi thận, niệu quản qua da hoặc lấy dị vật hệ tiết niệu qua da

Bên cạnh đó, dẫn lưu bể thận qua da sẽ chống chỉ định trong các trường hợp sau:

- Rối loạn đông máu nặng

- Bệnh nhân đang được điều trị chống đông với Aspirin, Warfarin, Heparin.

- Bệnh nhân tăng huyết áp không kiểm soát được.

- Bệnh nhân tăng Kali máu nặng (trên 7 mEq/L).

 

MỘT SỐ BIẾN CHỨNG CÓ THỂ XẢY RA Ở BỆNH NHÂN CÓ DẪN LƯU BỂ THẬN QUA DA:

Thực tế tỷ lệ thành công của kỹ thuật dẫn lưu bể thận qua da thường đạt 95-98% với tỷ lệ biến chứng thấp, biến chứng thường gặp nhất là đau thắt lưng, đái máu vi thể, ngoài ra còn có một số biến chứng hiếm gặp như:

- Tụ máu trong thận và sau phúc mạc.

- Chảy máu tiến triển cần truyền máu, hút mạch hoặc phẫu thuật.

- Nhiễm trùng tại chỗ hoặc nhiễm khuẩn huyết.

- Tràn khí khoang màng phổi.

- Tụ nước tiểu quanh thận.

- Dính ống thông vào tổ chức xung quanh.

- Tụt ống dẫn lưu trong tháng đầu tiên.

CÁCH CHĂM SÓC BỆNH NHÂN CÓ DẪN LƯU BỂ THẬN QUA DA

Chăm sóc cho bệnh nhân có dẫn lưu đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo hiệu quả của quá trình điều trị sau khi đặt dẫn lưu. Có một số nguyên tắc cơ bản cần phải tuân thủ khi chăm sóc dẫn lưu như sau:

- Người bệnh sau khi được can thiệp dẫn lưu qua da cần được nằm nghỉ tại giường và theo dõi sát trong 4-6 giờ đầu nhằm phát hiện kịp thời các biến chứng có thể xảy ra, các vấn đề cần theo dõi gồm có:

  + Tình trạng sinh hiệu: mạch, nhiệt, huyết áp, nhịp thở…

  + Kiểm soát đau.

  + Theo dõi lượng dịch, tính chất và màu sắc nước tiểu qua sonde dẫn lưu.

- Sử dụng kháng sinh dự phòng 3-5 ngày tùy theo tình trạng lâm sàng của bệnh nhân. Ở giai đoạn sau, cần theo dõi và chăm sóc bệnh nhân bị thận có dẫn lưu bể thận qua da như sau:

  + Chân dẫn lưu phải được thay băng vệ sinh hàng ngày.

  + Dây dẫn nước tiểu qua ống dẫn lưu được theo dõi hàng ngày về thể tích, màu sắc và tình trạng chảy máu.

- Tuyệt đối đảm bảo vô trùng cho toàn bộ hệ thống dẫn lưu: Hạn chế rủi ro nhiễm trùng bằng cách giữ vô trùng cho toàn bộ hệ thống dẫn lưu.

- Đặt túi hoặc bình ống dẫn lưu ở vị trí thấp hơn: Đảm bảo rằng túi hoặc bình đựng dịch ống dẫn lưu luôn đặt ở vị trí thấp hơn vùng được dẫn lưu khoảng 50 - 60 cm.

- Tránh gập làm tắc nghẽn ống dẫn lưu: Giữ ống dẫn lưu không bị gập hoặc làm tắc nghẽn để duy trì sự thông thoáng.

- Tư thế thoải mái cho bệnh nhân: Đặt bệnh nhân nằm ở tư thế thoải mái giúp dẫn lưu dịch tốt, không nằm đè lên hoặc làm căng ống dẫn lưu, nhất là trong khi ngủ.

- Đảm bảo dinh dưỡng cho người bệnh: Hỗ trợ bệnh nhân duy trì cân bằng dịch bằng cách khuyến khích họ uống đủ nước.

- Khuyến khích vận động thường xuyên: Hướng dẫn, hỗ trợ bệnh nhân thực hiện các động tác vận động nhẹ nhàng để duy trì dòng chảy của chất lỏng ống dẫn lưu.

- Bảo đảm vết thương khô ráo, sạch sẽ: Vết thương có ống dẫn lưu phải luôn được giữ khô ráo, sạch sẽ, lau rửa và thay băng thường xuyên, khi tắm rửa hay vệ sinh cá nhân, tránh để các chất tẩy rửa tiếp xúc trực tiếp với ống dẫn lưu.

- Đảm bảo vệ sinh: Túi thu nước tiểu cần đảm bảo vô trùng, có khả năng xả hết và được trang bị van chống trào ngược, kèm theo ống dẫn có kích thước lớn và độ cứng tương đối. Việc duy trì sự thông thoáng của nước tiểu là quan trọng, không nên tháo rời ống dẫn một cách không vô trùng, thường xuyên xả đầy đủ nước tiểu trong túi chứa và hạn chế tháo rời ống ở mức tối thiểu.

- Phát hiện sớm các biến chứng theo dõi và phát hiện sớm để kịp thời điều trị, bao gồm: tắc ống, nhiễm trùng chân ống, nhiễm trùng ngược dòng vào các khoang cơ thể, bục xì miệng nối trở lại sau khi rút ống dẫn lưu….

Khoa Hóa trị (A6B) 

Chia sẻ