Cần làm gì khi bị sụp mi mắt?

  2 giờ trước
Sụp mi là sự sa xuống của mi trên khi mở mắt thấp hơn vị trí bình thường (bình thường mi trên phủ rìa cực trên giác mạc 1-2mm). Sụp mi ảnh hưởng đến cả chức năng (lâu ngày có thể gây nhược thị, giảm thị lực, biến dạng cột sống cổ, lệch cung mày, cường cơ nâng mi bên lành…) và ảnh hưởng đến tâm lý, khiến người bệnh cảm thấy mặc cảm và tự ti.

Khi nào cần điều trị sụp mi

Trước hết, phải điều trị sụp mi theo nguyên nhân gây bệnh. Sau khi điều trị bệnh toàn thân ổn định (như sau điều trị bệnh nhược cơ, u não, chấn thương liệt dây thần kinh III,…) mắt vẫn còn sụp mi thì can thiệp phẫu thuật là chỉ định rõ ràng.

Điều đặc biệt quan trọng là ở trẻ em, nếu sụp mi độ III, độ IV (bờ mi trên đã che qua đồng tử của bệnh nhân), cần phải điều trị sớm từ 3 tuổi hoặc khi đủ điều kiện gây mê, đề phòng nhược thị. Nếu sụp mi nhẹ độ I, II ít có nguy cơ nhược thị, chủ yếu ảnh hưởng thẩm mỹ thì nên cho trẻ phẫu thuật trước khi vào lớp 1 để giúp trẻ tự tin và hòa đồng với tập thể hơn.

Bệnh nhân sụp mi trước mổ

Các phương pháp điều trị sụp mi hiện nay

Thu ngắn cân cơ nâng mi, khâu gấp cơ nâng mi, cắt cơ Muller, cắt cơ Muller và sụn kết mạc: chỉ áp dụng cho sụp mi vừa và nhẹ, chức năng cơ nâng mi còn duy trì.

 

Treo mi bằng chỉ, silicon, cân đùi: Đây là phương phát treo tĩnh nên cử động mi không tự nhiên, gây cảm giác nặng mi, dễ tái phát.

Treo mi bằng vạt cơ trán: Ưu điểm của phương pháp là sử dụng cơ trán thay thế cho cơ nâng mi bị yếu hoặc mất chức năng, áp dụng được cho sụp mi mức độ vừa và  nặng, sụp mi tái phát sau khi phẫu thuật bằng các phương pháp khác

Phương pháp mới điều trị sụp mi tại Bệnh viện TWQĐ 108

Tại Trung tâm phẫu thuật Sọ mặt và Tạo hình, Bệnh viện TWQĐ 108, sử dụng kĩ thuật treo mi bằng vạt cơ trán thiết kế hình chữ C từ năm 2015 với hàng trăm bệnh nhân được phẫu thuật cho kết quả tốt, hạn chế tái phát. Phẫu thuật thông qua hai đường mổ: đường mổ dọc theo cung mày để bộc lộ vạt cơ trán và đường mổ theo nếp mí để đi vào sụn mi. Kĩ thuật này đã được giải nhất tại Hội thao Sáng tạo kĩ thuật tuổi trẻ ngành y tế thủ đô năm 2015.  

Không dừng lại ở đó, các bác sĩ của Trung tâm đã tiếp tục cải tiến kĩ thuật, sử dụng vạt cơ phức hợp cơ trán-cơ vòng mi thay cho vạt cơ trán đơn thuần, phẫu thuật chỉ thực hiện qua một đường mổ thay vì hai đường mổ như kĩ thuật cũ. Kĩ thuật treo mi bằng vạt cơ trán phức hợp thông qua một đường mổ của Trung tâm Phẫu thuật Sọ mặt và Tạo hình đã được giải cao trong cuộc thi Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội năm 2024 và Hội thao Kĩ thuật sáng tạo tuổi trẻ tuổi trẻ ngành y tế khu vực Hà Nội năm 2024.

Kĩ thuật treo mi bằng vạt cơ trán phức hợp thông qua một đường mổ của Trung tâm Phẫu thuật Sọ mặt và Tạo hình đã được giải cao trong cuộc thi Tuổi trẻ sáng tạo

Việc cải tiến này đã giúp rút ngắn thời gian phẫu thuật, hạn chế sưng nề, nhanh hồi phục, nâng cao tính thẩm mỹ (hạn chế tình trạng rụng lông mày như khi phải rạch đường rạch thứ 2 dọc theo cung mày).

Theo TS.BS Phạm Ngọc Minh, Trung tâm Phẫu thuật sọ mặt và tạo hình - người đã hướng dẫn khoa học cho kỹ thuật tham gia 2 đợt thi Sáng tao, cho biết , sau quá trình theo dõi xa gần 10 năm thì kết quả của phương pháp vạt cơ trán là tốt và không bị tái phát.

Bs tiến hành phẫu thuật sụp mi cho người bệnh

Một số biến chứng có thể gặp trong các phẫu thuật điều trị sụp mi như: Điều chỉnh quá mức hoặc chưa đủ, không cân xứng 2 bên, hở mi đẫn đến viêm loét giác mạc, lật mi hoặc quặm mi, bờ mi gập góc (cong không bình thường), nếp mi không đẹp,... Để hạn chế những biến chứng này, bệnh nhân cần tìm đến những cơ sở y tế uy tín, có chuyên khoa tạo hình thẩm mỹ, được khám trước mổ cẩn thận, phẫu thuật và theo dõi sau mổ bởi các phẫu thuật viên có kinh nghiệm, TS Minh cho biết thêm.

Ths.Bs Nguyễn Thị Hoà, Trung tâm Phẫu thuật sọ mặt và tạo hình,

 Bệnh viện TWQĐ 108

 

 

 

Chia sẻ