Xạ phẫu bằng cyberknife

  04:50 PM 15/05/2015
Trung tâm CyberKnife, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 được thành lập tháng 5 năm 2006. Đây là Trung tâm CyberKnife đầu tiên ở Việt Nam và một trong những trung tâm đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á. Trong thời gian 10 năm vừa qua, trung tâm đã điều trị xạ phẫu cho hàng nghìn bệnh nhân, mang lại cuộc sống và hy vọng cho người bệnh. Hiện tại trung tâm CyberKnife trực thuộc Đơn vị xạ trị, Bệnh viện Trung quân đội 108.

XẠ PHẪU BẰNG CYBERKNIFE LÀ GÌ?
Xạ phẫu (stereotactic radiosurgery – SRS) bằng CyberKnifeđược coi là hình thức “phẫu thuật” bằng tia xạ không xâm lấn có độ chính xác cao, có thể thay thế cho phẫu thuật mở. Năm 2001, CyberKnife đã được Hiệp hội Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) chứng nhận khả năng điều trị hiệu quả các khối u và tổn thương ở nhiều vị trí trong cơ thể như não, tủy sống, phổi, gan, thận, tiền liệt tuyến… với độ chính xác cao, ít tác dụng phụ cho tổ chức lành, đặc biệt các khối u và tổn thương có hình dạng phức tạp, nằm gần các tổ chức quan trọng như thần kinh thị giác, giao thoa thị giác, thân não. Ưu điểm vượt trội của CyberKnife so với các hệ thống GammaKnife là khả năng thực hiện được cả kỹ thuật xạ phẫu (stereotactic radiosurgery – SRS) điều trị các tổn thương trong sọ và cả kỹ thuật xạ trị lập thể định vị thân (stereotactic body radiation therapy – SBRT) điều trị các tổn thương ngoài sọ.

CÁC ƯU ĐIỂM CỦA KỸ THUẬT XẠ PHẪU BẰNG CYBERKNIFE

- Là phương pháp điều trị không xâm nhập dưới hướng dẫn hình ảnh theo thời gian thực với độ chính xác < 1 mm, có thể thay thế phẫu thuật mở.
- Không cần khung cố định, định vị.
- Điều trị được cả các khối u và tổn thương trong và ngoài sọ.
- Ít tai biến, biến chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
- Thời gian điều trị nhanh hơn so với xạ trị thông thường.
- Điều trị ngoại trú, không cần gây mê, phục hồi nhanh, không đau, không chảy máu.

CHỈ ĐỊNH ĐIỀU TRỊ
1. Các tổn thương trong sọ
- Các u não nguyên phát lành tính và ác tính: u màng não, u thần kinh đệm, u tuyến yên, u tuyến tùng, u nguyên bào mạch máu (hemagioblastoma)…
- Các khối di căn não.
- U sọ hầu.
- U tế bào Shwan.
- Di dạng động tĩnh mạch (AVM).
- U máu thể hang.
- U thần kinh thính giác.
- Đau do dây V.
2. Các tổn thương ngoài sọ
- Ung thư phổi, gan, tụy, thận, tiền liệt tuyến.
- Các khối u di căn phổi, gan, cột sống.
- Ung thư đầu cổ: K vòm, các khối u vùng nền sọ, ung thư tái phát.
- Các khối u, tổn thương khác trong cơ thể khi có chỉ định.

QUY TRÌNH ĐIỀU TRỊ XẠ PHẪU
1. Hội chẩn bác sỹ xạ trị, bác sỹ thần kinh, bác sỹ ung thư để thống nhất chỉ định điều trị xạ phẫu bằng CyberKnife.
2. Tạo khuôn cố định bệnh nhân (mặt nạ mềm, đệm xốp...) hoặc đặt 5-6 hạt vàng nhỏ vào cơ thể (với điều trị tổn thương ngoài sọ).
3. Chụp CT đa lát (theo tiêu chuẩn CyberKnife) và chụp thêm MRI/PET/Angio nếu cần.
4. Lập kế hoạch và tối ưu hóa kế hoạch điều trị.
5. Điều trị: Tùy theo tính chất của khối u có thể tiến hành điều trị từ 1-5 lần, mỗi ngày 1 lần, mỗi lần khoảng 30-90 phút.
6. Theo dõi sau điều trị: khám lâm sàng, chụp CT, MRI, PET/CT để kiểm tra sau xạ phẫu 3, 6, 12, 24... tháng.

TÁC DỤNG PHỤ CỦA XẠ PHẪU

1. Phù não tăng lên:đau đầu, buồn nôn, nôn, ý thức xấu đi, hôn mê.
2. Co giật cục bộ, co giật toàn thể.
3. Giảm thị lực, mất thị lực.
4. Rụng tóc sau vài tuần.
5. Các tai biến mạch não: nhồi máu, xuất huyết.
6. Bại, liệt chân tay…
Các biến chứng thường hiếm gặp, có thể xảy ra ở các bệnh nhân tổn thương kích thước lớn, nằm ở các vùng chức năng trong não. Nếu có các biểu hiện bất thường như trên bệnh nhân cần báo ngay cho bác sỹ để kịp thời xử trí.

Hình ảnh bệnh nhân u não đang được xạ phẫu bằng Cyberknife tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108

Chia sẻ