Virus viêm gan D: Tỷ lệ nhiễm, chẩn đoán và điều trị

  08:17 AM 16/09/2015

Chương trình tiêm chủng vaccine mở rộng bắt đầu thực hiện tại Việt Nam năm 2003 làm cho tỷ lệ nhiễm HBV không tăng lên trong những năm gần đây. Tuy nhiên với số lượng dân số cao, tỷ lệ nhiễm HBV khoảng 10,7% dân số, ước tính có khoảng 9.5 triệu người nhiễm HBV ở Việt Nam [1] và trở thành gánh nặng cho xã hội trong những thập niên tới đây do các bệnh gan như xơ gan, ung thư gan. Nhiễm virus viêm gan D (delta virus, HDV) được xem là một trong các yếu tố dẫn tới các biến chứng nghiêm trọng trên bệnh nhân viêm gan HBV do nó thúc đẩy nhanh quá trình tiến tới xơ gan, tăng nguy cơ xơ gan mất bù và tử vong so với chỉ đơn nhiễm HBV.

HDV sử dụng kháng nguyên vỏ của HBV (HBsAg) để xâm nhập và thoát khỏi tế bào gan, viêm gan do HDV vì vậy chỉ xẩy ra trên bệnh nhân dương tính với HBsAg [2] và có 2 thể hoặc là đồng nhiễm hoặc là bội nhiễm với HBV. Mặc dù HDV làm tiến triển nhanh các biến chứng trên bệnh nhân nhiễm HBV, và làm nặng thêm tình trạng bệnh nhưng nghiên cứu về HDV vẫn còn rất ít được tiến hành ở Việt Nam. Nghiên cứu tại tỉnh Thái Bình năm 2007 công bố tỷ lệ HDAg dương tính thấp khoảng 1,3% [3], trong khi đó một nghiên cứu khác tiến hành trên các bệnh nhân nhiễm HBV tại thành phố Hồ Chí Minh không phát hiện một trường hợp nào dương tính với HDV-RNA trong 73 trường hợp nhiễm HBV [4]. Trong hai nghiên cứu gần đây tỷ lệ nhiễm HDV được công bố cao hơn nhiều so với các nghiên cứu trước, Dunford và cs năm 2012 báo cáo tỷ lệ nhiễm HDV là 10,7% khi nghiên cứu hơn 8600 bệnh nhân nhiễm HBV trên cả 3 miền của nước ta, trong đó đặc biệt ở nhóm nghiện chích ma túy có tỷ lệ hơn 25% [1]. Trong khi đó Bùi Tiến Sỹ và cs năm 2014 công bố tỷ lệ HDV-RNA dương tính ở bệnh nhân viêm gan do HBV điều trị tại 3 bệnh viện ở khu vực Hà Nội là 14,5% [5]. Như vậy có thể nói rằng tỷ lệ nhiễm HDV trên người nhiễm HBV tại Việt Nam khá cao và HDV cần được tầm soát trên bệnh nhân nhiễm HBV.

Cho đến nay các nghiên cứu trên các thuốc tương tự nucleot(s)ide được sử dụng phổ biến trong điều trị HBV không có tác dụng trong ức chế HDV trên bệnh nhân. Peg-INF anfa được cho là có tác dụng điều trị HDV với tỷ lệ khoảng 25% bệnh nhân âm tính với HDV-RNA sau 48 tuần điều trị [6], 47% sau 96 tuần điều trị [7]. Hiện một số thử nghiệm lâm sàng nghiên cứu tác dụng của các chất ức chế Myrcludex-B (ức chế quá trình bám của HBsAg vào receptor đặc hiệu trên màng tế bào gan) và các chất ức chế prenylation (lonafarnib, ức chế quá trình sao chép của HDV) bước đầu đã khẳng định có vai trò ức chế sự nhân lên của HDV. Tuy nhiên đây là các thử nghiệm bước đầu, và cần tiến hành các nghiên cứu đa trung tâm để khẳng định tác dụng, tính an toàn và tác dụng phụ của các hợp chất này trước khi áp dụng điều trị. Vì vậy phác đồ hữu hiệu hiện nay để điều trị bệnh nhân có nhiễm HDV dựa trên Peg-INF anfa.

Tổ chức y tế thế giới khuyến cáo những người nhiễm HBV nên xét nghiệm anti-HDV ít nhất là một lần. Hiện chưa có bằng chứng để khẳng định HDV-RNA dương tính trên các bệnh nhân âm tính với anti-HDV. Tuy nhiên dương tính với anti-HDV không có nghĩa là viêm gan hoạt động do HDV (active hepatitis delta), vì HDV-RNA có thể âm tính trên bệnh nhân hồi phục sau nhiễm HDV. Viêm gan do HDV hoạt động cần được khẳng định bằng phát hiện HDV-RNA trong huyết thanh bằng RT-PCR, nested RT-PCR hoặc realtime RT-PCR.
 
Trong khi chưa có sẵn các kít thương mại để phát hiện anti-HDV, xét nghiệm phát hiện HDV-RNA cần được xem xét đối với các bệnh nhân nhiễm HBV điều trị bằng các thuốc tương tự nucleot(s)ide không đáp ứng điều trị, đối với các bệnh nhân tăng SGPT cao dai dẳng, các bệnh nhân viêm gan có diễn biến cấp tính…

Tư vấn xét nghiệm phát hiện HDV: TS.BS. Bùi Tiến Sỹ, Khoa Sinh học phân tử, Bệnh viện TƯQĐ 108, ĐT: 04.62784169

Tài liệu tham khảo
1. Dunford L, Carr MJ, Dean J, Nguyen LT, Ta Thi TH, Nguyen BT, Connell J, Coughlan S, Nguyen HT, Hall WW, Thi LA. 2012. A multicentre molecular analysis of hepatitis B and blood-borne virus coinfections in Viet Nam. PloS one 7:e39027.
2. Rizzetto M. 2009. Hepatitis D: thirty years after. Journal of hepatology 50:1043-1050.
3. Nguyen VT, McLaws ML, Dore GJ. 2007. Highly endemic hepatitis B infection in rural Vietnam. Journal of gastroenterology and hepatology 22:2093-2100.
4. Tran HT, Ushijima H, Quang VX, Phuong N, Li TC, Hayashi S, Xuan Lien T, Sata T, Abe K. 2003. Prevalence of hepatitis virus types B through E and genotypic distribution of HBV and HCV in Ho Chi Minh City, Vietnam. Hepatology research : the official journal of the Japan Society of Hepatology 26:275-280.
5. Sy BT, Ratsch BA, Toan NL, Song le H, Wollboldt C, Bryniok A, Nguyen HM, Luong HV, Velavan TP, Wedemeyer H, Kremsner PG, Bock CT. 2013. High prevalence and significance of hepatitis D virus infection among treatment-naive HBsAg-positive patients in Northern Vietnam. PloS one 8:e78094.
6. Wedemeyer H, Yurdaydin C, Dalekos GN, Erhardt A, Cakaloglu Y, Degertekin H, Gurel S, Zeuzem S, Zachou K, Bozkaya H, Koch A, Bock T, Dienes HP, Manns MP, Group HS. 2011. Peginterferon plus adefovir versus either drug alone for hepatitis delta. The New England journal of medicine 364:322-331.
7. Wedemeyer H, Yurdaydın C, FA C, et al. Pegylated-Interferon-alfa-2a plus Tenofovir or Placebo for the Treatment of Hepatitis Delta. 49th Annual Meeting of the European Association for the Study of the Liver (EASL 2014), Lodon, April 24-28, 2014

TS.BS. Bùi Tiến Sỹ, TS.BS. Phan Quốc Hoàn
Khoa Sinh học phân tử - Bệnh viện TƯQĐ 108

Chia sẻ