Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2017, trên thế giới có 71 triệu người bị viêm gan vi rút C mạn trong đó 14 triệu người sống ở khu vực Tây Thái Bình Dương, nơi viêm gan vi rút là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong số các bệnh truyền nhiễm. Việt Nam là nước có gánh nặng về bệnh gan đứng thứ 2 trong khu vực Tây Thái Bình Dương. Ước tính năm 2017, nước ta có 991.153 người bị nhiễm HCV mạn trong đó có 6.638 người tử vong do bệnh gan liên quan đến HCV.
Viêm gan virus (nguồn: https://www.labiotech.eu/in-depth/hepatitis-b-cure/?nab=1&utm_referrer=https%3A%2F%2Fwww.google.com%2F)
Ảnh hưởng của viêm gan vi rút C đến sức khoẻ ngời bệnh và cộng đồng
Viêm gan vi rút C thường không có triệu chứng rõ ràng, diễn biến âm thầm, khiến nhiều người nhiễm bệnh không biết mình bị bệnh. Một số ca bệnh gặp triệu chứng không đặc hiệu như mệt mỏi, chán ăn, đầy bụng, đau nhẹ hạ sườn phải, rối loạn tiêu hóa. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng: viêm gan mãn tính, xơ hóa và xơ gan. Đây là tiền đề cho sự phát triển của ung thư gan, một trong những loại ung thư nguy hiểm nhất với tỷ lệ tử vong cao.
Viêm gan vi rút C không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh mà còn gây ra gánh nặng kinh tế và xã hội rất lớn. Nhiều người nhiễm HCV phải chịu các chi phí y tế đắt đỏ, mất khả năng lao động, thậm chí tử vong sớm, ảnh hưởng tiêu cực đến cả gia đình và cộng đồng. Ngoài ra, viêm gan C còn liên quan đến các vấn đề về sức khỏe tâm thần như lo lắng, trầm cảm và giảm chất lượng cuộc sống. Nhiều bệnh nhân phải đối mặt với sự kỳ thị và phân biệt đối xử từ cộng đồng, làm trầm trọng thêm gánh nặng của họ.
Nguyên nhân lây nhiễm và các yếu tố nguy cơ
Virus viêm gan C chủ yếu lây truyền qua đường máu, ví dụ qua việc sử dụng chung kim tiêm, vật dụng cá nhân có máu, hoặc do truyền máu chưa qua kiểm tra. Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm tiêm chích ma túy, điều trị lọc thận, ghép tạng. Ngoài ra, bệnh còn lây qua quan hệ tình dục không an toàn và lây truyền mẹ con. Đáng lo ngại là việc nhiều người nhiễm virus viêm gan C không biết mình bị bệnh, do bệnh thường diễn biến âm thầm. Điều này khiến họ vô tình trở thành nguồn lây cho cộng đồng.
Tiến bộ trong điều trị viêm gan C
Khoảng 20-50% người bệnh nhiễm virus viêm gan C cấp có thể tự khỏi, chỉ nhờ việc nghỉ ngơi và điều chỉnh chế độ ăn hợp lý, bên cạnh đó có thể điều trị hỗ trợ các triệu chứng nếu cần thiết. Tuy nhiên, những trường hợp còn lại sẽ tiến triển thành viêm gan mạn tính. Trong những thập niên gần đây, liệu pháp điều trị viêm gan vi rút do vi rút viêm gan C dựa trên các thuốc kháng vi rút trực tiếp đã mang lại lợi ích lớn với người bệnh viêm gan vi rút C. Liệu pháp kháng vi rút trực tiếp có tỷ lệ khỏi bệnh lên tới 95-100% nếu được tuân thủ điều trị đúng cách, thời gian điều trị được rút ngắn xuống còn 8 đến 24 tuần. Mặc dù liệu trình điều trị viêm gan vi rút C có giá thành giảm đáng kể so với liều pháp Interferon, tuy nhiên gia thành vẫn còn cao so với thu nhập bình quân ở các nước đang phát triển và kém phát triển, nơi tập trung nhiều nhóm bệnh nhân viêm gan vi rút.
Vai trò của phòng ngừa và sàng lọc
Tâm soát có hệ thống người nhiễm vi rút viêm gan C, đặc biệt ở nhóm đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao giúp phát hiện sớm, ngăn ngừa lây nhiễm và kịp thời điều trị cho người bệnh với các liệu pháp kháng vi rút trực tiếp.
Các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cần được thường xuyên được cập nhạt và phổ biến rộng rãi trong nhóm đối tượng nguy cơ cao, giúp họ có kiến thức cũng như phương tiện phù hợp để phong lây nhiễm cho bản thân cũng như cộng đồng.
Nguồn tham khảo:
1. Quyết định 2065/QĐ-BYT-2021-Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm gan virus C
2. HCVGuidelines.org: HCV Guidance: Recommendations for Testing, Managing, Treating Hepatitis C
BS. Trương Ngọc Nam, ĐD. Nguyễn Thị Phương
Khoa Bệnh lây đường máu (A4-A) - Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm