Viêm cơ tim liên quan đến COVID-19

  05:07 PM 07/09/2021
COVID 19 - cái tên không còn xa lạ với bất kì ai trên thế giới với những ‘dấu ấn’ không thể quên ngay từ những ngày đầu xuất hiện tại Vũ Hán, Trung Quốc, những ngày cuối năm 2019. Mức độ lây bệnh chóng mặt với sự xuất hiện nhiều biến chủng khác nhau dường như đang là một trong những trở ngại của nền y học nói riêng và xã hội nói chung trước đại dịch. Theo thống kê mới nhất tính đến ngày 5/9/2021, trên thế giới đã có hơn 221 triệu ca nhiễm và hơn 4 triệu ca tử vong do dịch bệnh này. Hầu hết các triệu chứng và biến chứng nặng được thống kê đều liên quan đến tình trạng suy hô hấp mức độ nặng và sự suy giảm chức năng đa tạng, các tổn thương tim mạch thường ít được chú ý, tuy nhiên ghi nhận gần đây, tỷ lệ bệnh lý tim mạch có liên quan lên đến 7.2%, trong đó đáng chú ý là bệnh lý viêm cơ tim.

Viêm cơ tim được biết đến là tình trạng viêm các tế bào cơ tim và biến chứng nguy hiểm thường gặp là rối loạn nhịp thất, đợt suy tim cấp tính nặng thậm chí sốc tim gây tử vong. Nguyên nhân được thống kê chủ yếu là do virus - chiếm        > 50% số ca bệnh, tổn thương cơ tim không chỉ do độc tố từ chính virus mà còn bắt nguồn từ chính sự phản ứng của cơ thể trước tác nhân vi sinh này. COVID -19 là đại dịch do SARS-CoV 2 chủng mới của virus corona gây nên, gần đây cũng đã ghi nhận những ca đầu tiên có tổn thương viêm cơ tim.

 Chưa có thống kê đầy đủ nào về tỉ lệ bệnh, nhưng ước tính khoảng xấp xỉ 7% số ca bệnh nhiễm COVID-19 có rối loạn chức năng tim mạch là do viêm cơ tim. Đây là con số đáng phải lưu ý, bởi mức độ nguy hiểm và khả năng tử vong do bệnh lý viêm cơ tim là vô cùng khó kiểm soát. Cơ chế gây tổn thương cơ tim do virus nói chung và SARS-CoV-2 nói riêng vô cùng phức tạp và có những điểm chưa được chứng minh rõ ràng. Theo các nghiên cứu gần đây, chủ yếu các tế bào miễn dịch của cơ thể và sự phản ứng quá mức của hệ thống các trung gian phản ứng viêm lên các tế bào cơ tim gây tổn thương tế bào cơ tim, kết cục gây ra tình trạng suy giảm chức năng tim và các rối loạn nguy hiểm khác.

Dấu hiệu nhận biết viêm cơ tim hầu như là không đặc hiệu. Đa phần tình trạng đau tức nặng ngực trái xuất hiện sau đợt viêm long đường hô hấp trên (chảy mũi, đau họng, viêm mũi...), sốt, khó thở. Hoặc có thể biểu hiện cấp tính bởi tình trạng khó thở cấp, suy tim cấp, rối loạn nhịp nguy hiểm... Viêm cơ tim do SARS- CoV-2 cũng được mô tả tương tự với nhóm bệnh do căn nguyên virus, đa dạng và không đặc trưng bởi bất kì triệu chứng nào.

Thống kê của các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, viêm cơ tim có tỉ lệ tự hồi phục rất cao khoảng gần 60%. Hầu hết các biện pháp điều trị viêm cơ tim do virus là nâng đỡ thể trạng và điều trị triệu chứng – tức điều trị giảm nhẹ các dấu hiệu gây khó chịu cho người bệnh. Mục tiêu chăm sóc và điều trị là theo dõi và xử trí các bất thường đe dọa tính mạng do một số trường hợp viêm cơ tim tối cấp gây suy tim rối loạn nhịp nặng. Những trường hợp này đòi hỏi phải có những can thiệp và chăm sóc chuyên sâu từ dùng thuốc kiểm soát huyết động đến các thiết bị cơ học như bơm bóng đối xung nội động mạch chủ(IABP) hoặc oxy máu qua màng ngoài cơ thể hay vẫn thường gọi là tim phổi nhân tạo (ECMO). Tuy nhiên viêm cơ tim do SARS CoV 2 cũng  là 1 trường hợp trong nhóm bệnh lý viêm cơ tim do virus, chỉ khác về hoàn cảnh phát sinh bệnh.

Hình ảnh người bệnh viêm cơ tim cấp phải can thiệp ECMO tại Khoa Hồi sức tích cực BV TWQĐ 108 (nay là Trung tâm Hồi sức tích cực)

Những đặc tính “không đặc hiệu” của viêm cơ tim là thách thức với nền y học trong bối cảnh COVID-19 liên tục có những biến động mới, vừa là nguy cơ của những “nạn nhân” mang trong mình mầm bệnh. Do đó, trước những diễn biến vô cùng phức tạp của dịch bệnh, việc có hiểu biết cơ bản về bệnh lý có liên quan như viêm cơ tim là điều vô cùng cần thiết. Không chỉ trang bị cơ bản về cách nhận biết dấu hiệu cần hỗ trợ y tế mà còn là thái độ trước làn sóng của đại dịch.

    Thực hiện: BS Vũ Anh Đức –  Hồi sức tích cực nội khoa và chống độc

Trung tâm Hồi sức, Bệnh viện TWQĐ 108

Chia sẻ