Ung thư da là một trong các loại ung thư hay gặp nhất trên thế giới. Theo ghi nhận của GLOBOCAN 2020, trên thế giới, ung thư da đứng hàng thứ 5 về số lượng mắc trong tất cả các loại ung thư ở cả 2 giới, với gần 1,2 triệu ca (6,2%). Các khối ung thư da được phân loại thành ung thư da không hắc tố và ung thư hắc tố. Trong đó, ung thư da không hắc tố gồm 2 loại chính là ung thư da tế bào đáy (70-80 % ) và ung thư tế bào vảy. Có 2.8 triệu trường hợp ung thư tế bào đáy mắc mới mỗi năm ở Hoa Kì, ước tính rằng cứ 5 người Hoa Kỳ thì sẽ có 1 người mắc ung thư da ở 1 thời điểm nào đó trong cuộc đời. Tỉ lệ mới mắc ung thư da ở Việt Nam trong giai đoạn 2008-2010 được ước tính là 2.8/100,000 dân ở nam giới và 2.4/100,000 dân ở nữ giới, với tỉ lệ mới mắc đặc trưng theo tuổi và giới trên nam giới là 3.2/100,000 dân và nữ giới là 2.7/100,000 dân, và tỉ lệ mắc ở các tỉnh, thành phố phía nam cao hơn các tỉnh, thành phố phía bắc. Tỉ lệ ung thư da đang tăng lên cùng với sự gia tăng của tuổi thọ trung bình, sự thay đổi của môi trường xã hội và sự phát triển của y học.
Phần lớn các tổn thương xuất hiện ở những vùng phơi nhiễm với ánh nắng, với > 90% ung thư tế bào đáy gặp ở vùng mặt. Nguyên nhân của ung thư da tế bào đáy chưa được biết rõ, nhưng phơi nhiễm với tia cực tím và sự nhạy cảm về gen được cho là những yếu tố nguy cơ quan trọng nhất. Tỉ lệ mắc cao nhất ở người da trắng (khoảng 200/100,000), thấp nhất ở người da đen (khoảng 10/100,000) và trung bình ở người da vàng. Tần suất mắc ung thư da tăng lên theo tuổi, tăng gấp đôi ở tuổi 40 – 70, với tuổi chẩn đoán trung bình là 65, và tỉ lệ trung bình nam: nữ = 1.5-2: 1 cũng tăng dần theo tuổi. Tần suất mắc tăng dần theo tuổi do sức đề kháng giảm và hiệu ứng cộng dồn của các tác động của môi trường. Tỉ lệ ung thư da lớn hơn ở nam có thể do nam giới hay làm việc ngoài trời hơn và ít mặc quần áo chống nắng hơn so với nữ giới.
Phần lớn các trường hợp ung thư da tế bào đáy biểu hiện dưới dạng tổn thương đơn độc. Hầu hết ung thư da phát triển chậm và không gây triệu chứng cơ năng, biểu hiện đầu tiên có thể là xây xát hoặc chảy máu do những sang chấn rất nhỏ. Hình thái lâm sàng có các thể u, thể nông, thể xơ cứng, thế sắc tố hóa, thể thâm nhiễm, thể xơ, thể loét ngoài ra còn có các dạng biến thể. Chẩn đoán xác định dựa vào xét nghiệm giải phẫu bệnh. Ung thư tế bào đáy thường phát triển chậm và hiếm khi di căn. Tuy nhiên, những khối u này có thể xâm lấn tổ chức xung quanh, gây phá hủy, rối loạn chức năng, và biến dạng tổ chức lân cận. Trong các ung thư da tế bào đáy xâm lấn, yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến mức độ nặng là kích thước khối u, với nguy cơ di căn được ước tính là khoảng 1-2% ở các tổn thương > 3 cm và 20-25% ở các tổn thương > 5 cm, tăng lên tới 50% ở các tổn thương có đường kính > 10 cm. Ung thư da tế bào đáy có tiên lượng tốt, tỉ lệ khỏi hoàn toàn cao, tỉ lệ tái phát là 1.2%, tỉ lệ tử vong của ung thư da tế bào đáy nói chung là 0.08.
Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị ung thư da vùng mặt, nhưng phẫu thuật cắt bỏ tổn thương rộng rãi đã được chứng minh là phương thức điều trị và ngăn ngừa tái phát ung thư tốt nhất. Tổn khuyết sau cắt bỏ ung thư cần được tạo hình, các phương pháp xử lý bao gồm đóng trực tiếp, ghép da, dùng các vạt tại chỗ, vạt lân cận hoặc dùng vạt tự do. Phẫu thuật tái tạo các khuyết hổng này nên được thực hiện có chọn lọc và phải cân nhắc các vấn đề sau: biện pháp phẫu thuật, vị trí của khuyết hổng, kích thước, loại tế bào u, khả năng tái phát, tuổi bệnh nhân, tình trạng sức khỏe, các khía cạnh chức năng, và khía cạnh thẩm mỹ.
Bác sĩ phẫu thuật điều trị ung thư vùng da mặt cho người bệnh
Sau phẫu thuật ung thư tế bào đáy ở vành tai
Dự phòng và phát hiện sớm là rất quan trọng. Dùng kem chống nắng thường xuyên, nâng cao hệ thống miễn dịch, tránh tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ làm giảm thiểu nguy cơ mắc ung thư da. Các tổn thương nguy cơ cao: ranh giới không rõ, màu sắc bất thường, hình dáng bất đối xứng, tăng kích thước nhanh, dễ loét, dễ chảy máu, tái phát …cần được khám, chẩn đoán và can thiệp thích hợp.
Liên hệ, khám tư vấn điều trị tại phòng khám 109, Trung tâm Phẫu thuật Sọ mặt – Tạo hình, Bệnh viện TWQĐ 108.
ĐD Lê Thị Hải Yến, Khoa Phẫu thuật Tạo hình – Vi phẫu
Trung tâm Phẫu thuật sọ mặt và tạo hình, Bệnh viện TWQĐ 108