Ứng dụng của Fibrin giàu tiểu cầu trong nha khoa

  04:16 PM 22/07/2024
Phương pháp tái tạo trong nha khoa là sự thay thế hoặc tái tại các mô trong khoang miệng bị mất do bệnh lý hoặc chấn thương. Liệu pháp này rất phức tạp do tính chất của mô miệng có nguồn gốc cả trung bì và ngoại bì. Từ những năm 1990, phương pháp tái tạo sử dụng các yếu tố tăng trưởng như tái tổ hợp protein hình thái xương (BMP) để tái tạo xương, yếu tố tăng trưởng nguồn gốc tiểu cầu (PDGF) để tái tạo nha chu.

Thế hệ đầu tiên là huyết tương giàu tiểu cầu (PRP), rồi đến thế hệ thứ 2 là fibrin giàu tiểu cầu (PRF). PRF là một chất nền fibrin tự thân kết hợp các tiểu cầu, bạch cầu, cytokine và tế bào gốc tuần hoàn được giải phóng dần dần để đẩy nhanh quá trình lành thương sinh lý.  Không giống như PRP, tạo PRF dễ dàng mà không dung thuốc chống đông hay bất kỳ xử lý sinh hóa máu nào. Sau khi lấy máu và đặt vào máy ly tâm trong 12 phút, kết quả cuối cùng là một cục máu đông fibrin ở lớp giữa, nằm giữa huyết tương nghèo tiểu cầu và các tế bào hồng cầu. Khi cục máu đông fibrin (PRF) này được sử dụng như một lớp màng, nó sẽ giúp cô lập và bảo vệ vết thương đồng thời đóng vai trò như một chất nền để đẩy nhanh quá trình lành thương. Khi PRF được trộn với vật liệu ghép, cục máu đông fibrin hoạt động như một chất kết nối sinh học giữa tất cả các yếu tố của mảnh ghép, đồng thời hoạt động như một chất nền bắt đầu hình thành mạch, tích tụ tế bào gốc và di chuyển các tế bào tạo xương đến vị trí ghép. Do đó, tác dụng hiệp đồng của chất nền fibrin và các yếu tố tăng trưởng cho phép tăng cường lành thương các mô cứng và mô mềm  nên được sử dụng trong nhiều tình huống lâm sàng.

Các ứng dụng lâm sàng

1/ Sử dụng màng PRF trong ghép ổ nhổ răng

PRF là một ma trận fibrin tự nhiên, nó được sử dụng một mình như vật liệu ghép hoặc một màng ngăn sinh học trong tái tạo mô/ xương có hướng dẫn. Với ưu điểm, 100% tự thân nên không gây phản ứng của cơ thể, làm tăng tốc độ lành thương mà không tạo ra phản ứng miễn dịch, tiếp xúc với khoang miệng mà không nguy cơ nhiễm trùng. Trong thời gian lành thương 3 tháng, chất nền fibrin được chuyển thành mô mới, xương trong ổ răng có mô mềm phủ lên, giảm thiểu thay đổi kích thước xương sau khi nhổ, từ đó cải thiện sự hình thành xương mới trong ổ huyệt răng trước khi cắm ghép implant. Hơn nữa, màng PRF chứa các tế bào bạc cầu nên làm giảm nguy cơ nhiễm trùng ổ huyệt răng.

Hình 1. Lành thương ổ nhổ răng chỉ bằng PRF, sau 3 tháng xương mới được tái tạo đầy đủ để đặt trụ implant.

2/ Sử dụng PRF  trong nâng xoang hàm

PRF được sử dụng làm vật liệu ghép duy nhất, sửa chữa màng  xoang  và đóng cửa sổ trong mở xoang hở mặt bên. Nó có thể sử dụng kết hợp với vật liệu xương ghép để nâng xoang nhằm giảm thời gian lành thương ghép xương.

Hình 2.  Nâng xoang hở kết hợp cấy ghép implant, khoang xoang được lấp đầy bằng màng PRF duy nhất sau cấy ghép. Chụp x quang ngay sau phẫu thuật, sau 6 tháng và sau 6 năm cho thấy rõ sự hình thành xương quanh các trụ implant.

3/ Sử dụng PRF để che phủ tụt lợi chân răng

Một trong những ứng dụng phổ biến nhất của PRF trong những năm gần đây là điều trị tụt lợi chân răng. Do PRF cải thiện quá trình hình thành mạch máu, cải thiện lành thương và biểu mô hóa che phủ chân răng mà không cần sử dụng màng collagen hoặc niêm mạc vòm miệng.

Hình 3. Tụt lợi nhiều từ răng nanh đến răng cối lớn hàm trên. Điều trị tụt lợi bằng che phủ màng PRF. Sau 6 tháng, che phủ toàn bộ chân răng khi chiều cao mô sừng hóa tăng lên ở các răng tụt lợi.

Sử dụng PRF để tái tạo các khiếm khuyết nha chu như giảm độ sâu túi lợi cũng như mức độ bám dính trên lâm sàng tăng lên. Sử dụng PRF để tái tạo mô mềm, cải thiện sự tích hợp xương xung quanh implant. Sử dụng PRF trong tái tạo xương có hướng dẫn khi sử dụng kết hợp với vật liệu xương ghép. Ngoài ra PRF còn được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác của nha khoa và y khoa như tiêm vào khớp gối bị thoái hóa, điều trị hoại tử xương hàm.

4/ Sử dụng PRF trong khuyết xương quanh implant

Trong cấy ghép tức thì, thường có khe hở giữa thành ngoài xương ổ răng với trụ implant. Khoảng hở nhỏ có thể không cần can thiệp nào ngoài để cục máu đông hình thành tổ chức xương, nhưng khi khoảng hở lớn sẽ được lấp đầy với các vật liệu ghép kết hợp với PRF có các yếu tố tăng trưởng, thúc đẩy nhanh quá trình hình thành xương vùng khuyết.

Hình 4 . Khoảng hở giữa thành ngoài xương ổ răng với trụ implant được lấp đầy bằng PRF

Tóm lại, PRF hiện đã được sử dụng rộng rãi trong nha khoa cho nhiều kỹ thuật khác nhau nhằm giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc sửa chữa và tái tạo các mô trong khoang miệng. Nó có thể được dung một mình hay kết hợp với vật liệu ghép sinh học khác.

 

 

                                                                                                 Tiến sĩ. Phạm Tuấn Anh

Chia sẻ