Đau cột sống thắt lưng và những điều cần biết

  04:18 PM 06/09/2024

1. Đau cột sống thắt lưng khi nào bạn phải quan tâm? 

Hầu hết mọi người đều có ít nhất một lần trong đời có đau cột sống thắt lưng. Đau có thể khiến bệnh nhân lo lắng, thậm chí đau có thể xuất hiện với mức độ rất dữ dội, nhưng phần lớn đau cột sống thắt lưng theo tiến trình tự nhiên có thể tự hết trong vòng vài tuần. Những trường hợp cần can thiệp khẩn cấp hoặc phẫu thuật thường không nhiều

Bạn cần tới gặp nhân viên y tế nếu bạn có đau cột sống thắt lưng và kèm theo:

- Gần đây có ngã hoặc chấn thương ở vùng cột sống thắt lưng 

- Tê bì và yếu hai chân 

- Rối loạn đi tiểu tiện và đại tiện 

- Giảm cân nhanh không thể giải thích bằng những nguyên nhân khác 

- Sốt hoặc yếu mệt 

- Có sử dụng các thuốc Corticoid như Prednisone, Medrol kéo dài 

- Có đái tháo đường hoặc các bệnh khác gây suy yếu miễn dịch cơ thể 

- Có tiền sử ung thư hoặc loãng xương

- Đau lưng quá mức mà bạn không thể tự phục vụ được bản thân

- Đau lưng kéo dài trên 4 tuần mà không thấy có sự cải thiện

2. Cột sống thắt lưng có cấu tạo như thế nào ?

[Nhập chú thích]

 

Cột sống thắt lưng được tạo bởi các cấu trúc : 

- Thân đốt sống: Là những thân xương xếp cao chồng lên nhau giống như những chồng đồng xu. Mỗi một thân đốt sống có một lỗ ở giữa. Khi xếp chồng lên nhau các thân đốt sống này tạo nên cột sống và có một ống rỗng chạy bên trong gọi là ống tủy sống

- Đĩa đệm: Là một cấu trúc dẻo dai nằm giữa các thân đốt sống, đóng vai trò như những chiếc gối đệm cho vận động của cột sống

- Tủy sống và các rễ thần kinh: Tủy sống giống như một con đường cao tốc của các sợi thần kinh, nối thẳng các sợi này lên thần kinh trung ương là bộ não. Con đường cao tốc này chạy trong ống tủy sống, từ tủy sống sẽ tách ra các sợi thần kinh từ vị trí giữa hai thân đốt sống. Từ đó các sợi thần kinh đi tới chân, tay và các phần khác của cơ thể. Đó là lý do vì sao đau cột sống thắt lưng có thể có kèm theo đau buốt, tê bì bàn chân, tay hoặc rối loạn về đại tiểu tiện.

- Cơ, gân và các dây chằng: Cùng với nhau cơ, dây chằng và gân được gọi chung là tổ chức phần mềm cạnh cột sống. Những thành phần này giúp cố định thân đốt sống, đĩa đệm lại với nhau.

3. Các nguyên nhân gây đau lưng 

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới đau lưng, nhưng trong nhiều trường hợp sẽ rất khó khăn để tìm ra ngay lập tức nguyên nhân.

Đau cột sống thắt lưng có thể do căng kéo cơ và các tổ chức phần mềm cạnh sống sau một vận động quá tầm và quá sức, ví dụ phải nâng các vật nặng hoặc cúi lưng xách đồ trong một thời gian nhất định.

Đau cột sống thắt lưng có thể do nguyên nhân khác: 

- Đĩa đệm: phình, thoát vị đĩa đệm 

- Các khớp vùng cột sống thắt lưng: viêm các khớp liên mấu, cùng chậu… 

- Các tổn thương thoái hóa xương gây chèn ép rễ thần kinh lân cận 

- Một thân đốt sống nằm lệch khỏi vị trí bình thường

- Hẹp ống tủy sống 

- Loãng xương, xẹp thân đốt sống

- Chấn thương cột sống

- Nhiễm khuẩn, lao hoặc ung thư (thường ít gặp hơn)

4. Khi nào thì cần phải chụp phim ? 

Đa phần bệnh nhân không nhất thiết phải chụp Xquang, cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ. Triệu chứng có thể tự hết sau một vài tuần. Thường nhân viên y tế không chỉ định chụp phim nếu như không có một vấn đề gì đó bất thường, nghi ngờ. 

Nếu bác sỹ không chỉ định chụp phim thì người bệnh cũng không nhất thiết phải quá lo lắng. Bằng hỏi bệnh và khám bệnh bác sỹ cũng có thể có những kết luận nhất định cần thiết.

5. Liệu chỉ bằng hỏi bệnh và thăm khám nhân viên y tế có thể đánh giá được bệnh?

Triệu chứng của bạn có thể giúp nhân viên y tế có định hướng về nguyên nhân gây đau lưng. Ví dụ: 

- Nếu đau lưng xuất hiện sau một vận động quá tầm: nâng vật nặng, xoay người mạnh … thì có thể đau là do căng kéo cơ hoặc thoát vị đĩa đệm.

- Nếu đau lan xuống một chân thì có thể là vấn đề từ đĩa đệm 

- Nếu đau lan xuống hai chân thường xuyên thì có thể ống tủy sống đang bị hẹp…

6. Điều trị như thế nào: 

Phần lớn các trường hợp đáp ứng tốt với điều trị bảo tồn dùng thuốc và thay đổi thói quen sinh hoạt. 

- Duy trì các hoạt động bình thường. Nếu mức độ đau không quá mức, người bệnh vẫn nên duy trì các hoạt động sinh hoạt nhẹ nhàng thường ngày. Nếu đau quá nhiều, người bệnh có thể nghỉ ngơi từ 7-10 ngày. Nhưng cần quay lại vận động đi lại sinh hoạt nhẹ nhàng sớm nhất có thể. Cũng cần tránh các vận động quá mức, quá tầm: mang vác, xách nặng, …

- Chườm ấm lưng: Người bệnh có thể chườm ấm vùng lưng nhưng chú ý không được nóng quá khiến da bị bỏng

- Thuốc giảm đau: Có một số thuốc bạn có thể tự sử dụng ở nhà như paracetamol hoặc ibuprofen. 

- Nếu các thuốc giảm đau thông thường không giúp được bạn thì bạn có thể tới gặp nhân viên y tế để kê các thuốc chống viêm giảm đau non-steroid, giãn cơ … Tuy nhiên một số thuốc có thể gây đau dạ dày, chóng mặt, buồn nôn và rối loạn tiểu tiện. Hãy trao đổi với bác sỹ để có thêm thông tin chi tiết về cách sử dụng để tránh các tác dụng phụ này.

- Mát xa và châm cứu 

Nếu đau không giảm sau vài tuần hoặc tiến triển nặng hơn, khi đó có thể bác sỹ sẽ cân nhắc các biện pháp điều trị khác như 

- Tập vật lý trị liệu: Giúp bạn tăng cường sức mạnh cơ cạnh sống, cải thiện vận động cột sống thắt lưng. 

- Các kỹ thuật tiêm cột sống dưới hướng dẫn của chẩn đoán hình ảnh: được thực hiện tại bệnh viện bởi các bác sỹ chuyên khoa.

- Phẫu thuật.

7. Cần làm gì để tránh bị đau lưng trở lại 

- Bạn nên điều chỉnh thói quen sinh hoạt, nhất là các động tác nâng hoặc xách đồ nặng, thay đổi tư thế đột ngột.

- Khi nâng đồ vật, cần dang rộng 2 chân; ngồi xổm xuống ở tư thế gập khớp gối và khớp háng, cột sống không cúi gập; sau đó dùng tay bê đồ vật vào sát bụng đồng thời căng cơ bụng; từ từ đứng dậy và nâng đồ vật lên.

 

- Phân bổ thời gian nghỉ ngơi và làm việc hợp lý, tránh căng thẳng hoặc stress liên tục.

- Những người làm công việc văn phòng cần chọn ghế ngồi có chiều cao phù hợp (đảm bảo hai bàn chân thoải mái chạm sát vào sàn), cứ sau 1 – 2 giờ nên đứng lên vận động, thực hiện vài động tác nhẹ nhàng để cột sống thắt lưng được thư giãn.

- Mỗi người nên dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để luyện tập thể dục thể thao, các bài tập về cột sống phù hợp với từng lứa tuổi.

- Kiểm soát cân nặng của mình để tránh bị thừa cân, tạo nên áp lực cho cột sống lưng.

- Bổ sung chất dinh dưỡng cần thiết, đặc biệt quan tâm đến canxi, magiê và kali trong các bữa ăn hàng ngày. Uống đủ nước giúp bạn tránh được các cơn đau thắt và hồi phục nhanh hơn.

- Thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ nhằm nhận biết các dấu hiệu sớm của bệnh.

- Lưu ý các chất, thuốc gây giảm mật độ xương như corticoid, khi sử dụng cần phải được thăm khám và chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa.

ĐD. Phương Thị Hương

Khoa Nội cơ xương khớp

Chia sẻ