Theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế (quyết định số 3310/QĐ-BYT), chỉ định điều trị thuốc kháng vi rút đối với bệnh nhân viêm gan B mạn tính Dựa vào sự kết hợp 3 yếu tố: nồng độ ALT, tải lượng HBV DNA và mức độ xơ hóa gan, như sau:
Sơ đồ chỉ định điều trị thuốc kháng vi rút viêm gan B
(Nguồn: quyết định 3310/QĐ-BYT, 2019 Bộ Y tế)
Việc tuân thủ dùng thuốc là điều rất quan trọng cho sự thành công điều trị viêm gan B mãn khi dùng thuốc ức chế vi rút. Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra tuân thủ tốt hơn trong việc dùng các thuốc kháng vi rút, làm giảm tỷ lệ bùng phát virus. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người bệnh đã có xơ gan thì phải được điều trị suốt đời, với những trường hợp chưa có xơ gan thì điều trị lâu dài, có thể xem xét ngưng điều trị trong các trường hợp sau đây:
+ Viêm gan vi rút B mạn với HBeAg dương tính:có thể ngưng điều trị sau khi đã điều trị thêm 12 tháng kể từ khi có chuyển đổi huyết thanh HBeAg (HBeAg âm tính, anti-HBe dương tính và tải lượng HBV DNAdưới ngưỡng) hoặc mất HBsAg
+ Viêm gan vi rút B mạn với HBeAg âm tính: có thể ngưng điều trị khi tải lượng HBV DNA dưới ngưỡng và mất HBsAg
+ Nếu không thể đo tải lượng HBV DNA, có thể cân nhắc ngưng thuốc kháng vi rút khi mất HBsAg kéo dài ít nhất 12 tháng trước khi ngưng điều trị (bất kể tình trạng HBeAg)
+ HBcrAg âm tính.
- Bệnh nhân không bao giờ nên tự ý ngừng điều trị thuốc kháng vi rút. Chỉ ngưng điều trị khi có chỉ định của bác sĩ và khi người bệnh có điều kiện theo dõi định kỳ trong thời gian dài để đánh giá khả năng tái hoạt HBV sau khi ngưng thuốc. Giải thích và tư vấn cho người bệnh nguy cơ bùng phát VGVR B, bệnh gan mất bù và ung thư gan sau khi ngưng điều trị.

Hình ảnh viêm gan mạn do vi rút viêm gan B
(Nguồn: https://lifestyle.bisnis.com/read/20220928/106/1582338/gejala-hepatitis-b-yang-muncul-diam-diam)
Hiện nay, do viêm gan B là bệnh lý mạn tính, uống thuốc kéo dài, nhưng nhân thức của bệnh nhân khi được chỉ định thuốc kháng vi rút chưa đầy đủ, nên dễ dàng tự ý bỏ thuốc ức chế vi rút sau một thời gian điều trị và bệnh đã ổn định, dẫn đến những đợt tái hoạt động của vi rút gây tình trạng suy gan. Trong thời gian qua, nhiều bệnh nhân đã nhập viện Khoa chúng tôi (Khoa A4A) trong tình trạng suy gan rất nặng sau khi tự ý ngừng thuốc kháng vi rút. Dẫn đến hậu quả nặng nề với tỷ lệ tử vong cao nếu không được ghép gan, mặc dù được điều trị tích cực với phác đồ điều trị chuẩn và lọc thây thế huyết tương. Với nhưng bệnh nhân viêm gan B mạn xin hay tuân thủ tuyệt đối phác đồ điều trị đã được chỉ định và thường xuyên liên hệ với bác sĩ điều trị của mình để được tư vấn và kiểm tra định kỳ, hoặc liên hệ với các chuyên gia của chúng tôi để được tư vấn theo số điện thoại: 024. 62784142
Khoa Bệnh lây đường máu (A4A) – Viện Lâm Sàng các bệnh Truyền nhiễm
ĐD. Vũ Thị Tuyết Hương
Bs. Trịnh Văn Sơn