Tràn dịch màng phổi

  05:09 PM 15/03/2017
SKĐS - Phổi chúng ta được bao bọc bởi màng mỏng gọi là màng phổi. Màng phổi có hai lá: Lá thành (lót bên trong thành ngực) và lá tạng (bao bọc chính lá phổi). Bình thường giữa hai lá này chỉ có một lớp dịch mỏng (khoảng 20ml) đủ giúp cho hai lá màng phổi dễ dàng trượt lên nhau khi ta hít thở.

Tràn dịch màng phổi là gì?
Nếu lượng dịch trong khoang màng phổi nhiều thì chức năng hô hấp sẽ bị cản trở. Tình trạng này gọi là tràn dịch màng phổi (TDMP), trong dân gian thường gọi đơn giản là “phổi có nước”. Nếu dịch này là mủ, ta gọi là “tràn mủ màng phổi”, còn nếu là máu sẽ được gọi là “tràn máu màng phổi”. Tràn dịch màng phổi có thể gặp ở cả người lớn lẫn trẻ em.

Triệu chứng của tràn dịch màng phổi

Các triệu chứng liên quan số lượng và vị trí của TDMP: Không có triệu chứng (nếu lượng dịch ít); Khó thở, suy hô hấp, đau âm ỉ, ho (lượng dịch nhiều); Nôn, đau bụng, chướng bụng (tụ dịch dưới phổi); Đau ngực âm ỉ, đau nhiều hơn về bên bị tràn dịch và nếu nằm nghiêng về bên đó cơn đau sẽ tăng lên.

Hình ảnh phổi bình thường và tràn dịch màng phổi.

Các triệu chứng liên quan đến các bệnh là nguyên nhân. Ví dụ: Sốt cao, biếng ăn, mệt mỏi, thở nhanh, khó thở, đau ngực (viêm phổi); Đổ mồ hôi về đêm, sốt về chiều, ho ra máu, sụt cân (lao).

Khi được chụp X-quang phổi sẽ thấy hình mờ đậm một bên bị tràn dịch hoặc cả hai bên phổi, dịch ở dưới thấp hơn, tim có thể bị đẩy sang bên đối diện.

“Phổi có nước” - có phải do tắm nhiều?

Trong dân gian từ lâu vẫn có không ít người cho rằng “phổi có nước” là do tắm lâu, đặc biệt là tắm đêm, làm nước ngấm vào phổi. Điều này hoàn toàn không đúng. Nếu không, vận động viên bơi lội những người thường phải dầm mình mỗi ngày trong nước có khi đến chục giờ sẽ không thể có đủ sức khỏe mà trở thành những kình ngư nổi tiếng trong lòng người hâm mộ.

Tại phổi - màng phổi:

Nhiễm trùng: Sau nhiễm trùng phổi (viêm phổi, áp-xe phổi vỡ vào khoang màng phổi...) hoặc từ các cơ quan lân cận (gan, màng tim, trung thất). Nhiễm trùng này có thể do vi khuẩn (gây tràn mủ màng phổi), lao (lao màng phổi), ký sinh trùng. Đây là nguyên nhân thường gặp nhất của tràn dịch màng phổi ở trẻ em.
Ung thư: Phế quản, phổi, màng phổi tiên phát hay do di căn (hiếm gặp ở trẻ em).
Chấn thương ngực, phẫu thuật lồng ngực.
Ngoài phổi - màng phổi: Do các bệnh tim (suy tim), gan (xơ gan), thận (hội chứng thận hư, suy thận), suy dinh dưỡng nặng, bệnh tự miễn, viêm tụy cấp.

Làm thế nào để chẩn đoán bệnh?

Chẩn đoán TDMP thường không khó, nhưng tìm nguyên nhân – điều quan trọng cho điều trị - lại cần nhiều kỹ thuật chuyên sâu.
Khám lâm sàng là giai đoạn quan trọng cho chẩn đoán nhưng luôn luôn phải kết hợp với các xét nghiệm khác nhau để xác định chẩn đoán và truy tìm nguyên nhân.
X-quang ngực thẳng tư thế đứng được xem là xét nghiệm thường qui trong chẩn đoán tràn dịch màng phổi.
Siêu âm ngực rất nhạy để phát hiện TDMP lượng ít mà trên X-quang phổi thẳng đứng đôi khi khó phát hiện. Siêu âm còn giúp bác sĩ xác định vị trí rút dịch màng phổi để chẩn đoán và điều trị.
Chọc hút dịch màng phổi là một thủ thuật thường khá an toàn với bác sĩ chuyên khoa và rất cần thiết nhằm xác định chẩn đoán và giúp tìm kiếm nguyên nhân TDMP. Thông thường bác sĩ sẽ dùng kim nhỏ, chọc vào khoang màng phổi vùng có dịch để hút. Tùy nguyên nhân và diễn biến bệnh mà dịch màng phổi có màu sắc khác nhau (trong, vàng chanh, vàng đục, mủ, nâu, đỏ máu, trắng đục như sữa...). Dịch màng phổi sẽ được xét nghiệm sinh hóa, tế bào, vi sinh hoặc các xét nghiệm chuyên biệt khác để xác định nguyên nhân.

Điều trị bệnh thế nào?

Chọc hút dịch màng phổi không chỉ là biện pháp quan trọng giúp xác định chẩn đoán mà còn giúp bệnh nhân nhanh chóng bớt khó thở nếu lượng dịch nhiều.
Trong trường hợp tràn mủ màng phổi, người bệnh sẽ được thực hiện phẫu thuật nhỏ gọi là dẫn lưu màng phổi để đặt một ống dẫn lưu bằng nhựa xuyên qua da vào trong khoang màng phổi nhằm thoát mủ ra ngoài dần.
Tùy theo từng nguyên nhân của bệnh bác sĩ sẽ có chỉ định biện pháp điều trị phù hợp: Nếu do nhiễm khuẩn (viêm mủ màng phổi): Sử dụng kháng sinh; Nếu do lao: điều trị thuốc kháng lao; Ung thư: phẫu thuật hoặc dùng hóa chất; Điều trị suy tim, xơ gan, suy thận...
Các biện pháp hỗ trợ khác: Nghỉ ngơi tại giường; ăn những thức ăn nhẹ, dễ tiêu, đủ năng lượng và dinh dưỡng; điều trị sốt, đau ngực bằng paracetamol; tập vật lý trị liệu hô hấp: theo chỉ định của thầy thuốc.
Theo SKĐS.
Chia sẻ