Bệnh động mạch chi dưới là bệnh lý phổ biến ở người cao tuổi. Với người trên 70 tuổi, cứ 5 người sẽ có 01 người mắc bệnh lý này. Khi tuổi thọ trung bình ngày càng cao, số lượng người mắc bệnh sẽ ngày càng tăng, trở thành một vấn đề y tế lớn cần giải quyết. Bệnh thường được phát hiện muộn, nhất là ở người già trên 80 tuổi, sức khỏe yếu, nhiều bệnh nền, từ đó làm hạn chế kết quả can thiệp, phẫu thuật cũng như tăng tỉ lệ tai biến và biến chứng trong quá trình điều trị.
Trước đây, điều trị bệnh động mạch chi dưới khá bế tắc do hiệu quả điều trị của thuốc thấp, nhiều bệnh nhân không còn khả năng phẫu thuật hoặc thể trạng không cho phép phẫu thuật. Điều trị bệnh động mạch chi dưới bằng phương pháp can thiệp với mục tiêu khôi phục lại dòng chảy mạch máu bị hẹp, tắc nghẽn trở thành một cứu cánh cho người bệnh, hoàn toàn có thể thực hiện được ở người cao tuổi.
Thượng tá TS. Lương Tuấn Anh Chủ nhiệm khoa Chẩn đoán và Can thiệp tim mạch, Bệnh viện TWQĐ 108 phát biểu
Thượng tá TS. Lương Tuấn Anh – Chủ nhiệm khoa Chẩn đoán và Can thiệp tim mạch, Bệnh viện TWQĐ 108 cho biết: Bệnh viện TWQĐ 108 là đơn vị đi đầu trong toàn quốc về can thiệp hẹp tắc động mạch chi dưới nhiều năm nay. Chúng tôi đã tiến hành kỹ thuật này trong hơn 15 năm nay, với khoảng 10.000 ca can thiệp, đủ các loại hình tổn thương, thực hiện thường quy với nhiều bệnh nhân trên 80 tuổi (người bệnh cao tuổi nhất tới nay là 106 tuổi).
5 năm gần đây kỹ thuật can thiệp động mạch chi dưới đã có nhiều thay đổi, nhiều nghiên cứu và hướng dẫn mới được xuất bản. Các báo cáo viên đã tham gia trình bày với nội dung như: Can thiệp tắc mạn tính động mạch chậu, động mạch đùi; Tiến bộ mới trong thực hành can thiệp tắc mạn tính động mạch chậu – đùi;…
Các báo cáo viên trình bày tại hội thảo
Trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia đã tiến hành can thiệp 04 ca bao gồm: 02 bệnh nhân bị tắc động mạch chậu, 02 bệnh nhân tắc động mạch đùi. Đây đều là các tổn thương hay gặp trong thực hành lâm sàng.
Bệnh nhân Q, 70 tuổi, có tiền sử tăng huyết áp, đau chân phải từng cơn tăng dần. Trước đó, bệnh nhân điều trị tại nhà bằng phương pháp châm cứu nhưng triệu chứng không cải thiện, đau tăng lên. Bệnh nhân đi khám, chụp CT phát hiện tắc động mạch chậu – đùi nông phải. Các bác sĩ khoa Can thiệp tim mạch đã tiến hành nong bóng và đặt stent vào chỗ bị tắc để tái thông lại mạch máu. Sau can thiệp, tình trạng đau và tê bì thuyên giảm nhiều.
Trường hợp thứ 2, đó là bệnh nhân T, 70 tuổi, bị tắc động mạch đùi trái. Bệnh nhân xuất hiện đau cách đây nửa năm, đau tăng, sưng nề, loét mắt cá ngoài chân phải. Bệnh nhân đã được can thiệp tái thông động mạch đùi nông phải cách đây 2 tuần. Bệnh nhân tiếp tục được chỉ định can thiệp chân trái. Các bác sĩ đã tiến hành nong bóng và đặt stent vào chỗ bị tắc để tái thông mạch.
Lan Hương – Truyền thông Bệnh viện, Phòng KHQS.