Hội thảo khoa học “Ứng dụng AI trong y học: Từ nghiên cứu đến thực tiễn lâm sàng”

  09:31 PM 17/12/2024
Nhằm tăng cường, đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa trường Đại học Osaka và Đại học Keio, Nhật Bản với Bệnh viện TWQĐ 108, đồng thời cập nhật ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong y học và các nghiên cứu cơ bản trong chẩn đoán sớm, điều trị ung thư. Ngày 17/12/2024, Bệnh viện TWQĐ 108 tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Ứng dụng AI trong y học: Từ nghiên cứu đến thực tiễn lâm sàng”.

Hội thảo khoa học “Ứng dụng AI trong y học: Từ nghiên cứu đến thực tiễn lâm sàng”

Tham gia Hội thảo có: Thiếu tướng, GS.TS Lê Hữu Song - Giám đốc Bệnh viện; Thiếu tướng GS.TSKH.TTND Nguyễn Thế Hoàng – Phó Giám đốc Bệnh viện; Đại tá, PGS.TS.TTƯT Vũ Ngọc Lâm – Phó Giám đốc Bệnh viện; PGS.TS.BS Daiju Ueda – Đại học TP Osaka, Nhật Bản; PGS.TS.BS Lê Thị Thanh Thủy – Đại học TP Osaka, Nhật Bản; TS Shinji Fukuda, PhD Đại học Keio, Nhật Bản;... cùng chỉ huy các Viện, Trung tâm, Khoa, Phòng, Ban và các y, bác sĩ, kỹ sư, kỹ thuật viên thuộc các Khoa có liên quan trong Bệnh viện TWQĐ 108.

Trong những năm gần đây, AI đã và đang có những bước tiến vượt bậc, tạo ra cuộc cách mạng lớn trong ngành y học trên toàn cầu. AI ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn lâm sàng, góp phần hỗ trợ các bác sĩ trong chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh nhân. Các công cụ AI, đặc biệt là học máy và học sâu, đã giúp nâng cao độ chính xác trong chẩn đoán hình ảnh y khoa, tối ưu hóa quy trình phát hiện bệnh, rút ngắn thời gian xử lý dữ liệu và mang lại hiệu quả vượt trội trong phát hiện sớm các bệnh lý phức tạp.

Bên cạnh đó, AI còn mở rộng tiềm năng nghiên cứu y học từ cấp độ phân tử đến tế bào, giúp giải mã các bệnh lý phức tạp mà trước đây chúng ta chưa thể hiểu rõ. Những nghiên cứu ứng dụng AI đã cung cấp cái nhìn sâu sắc hơn về cơ chế bệnh sinh của các bệnh mạn tính như gan, tim mạch, ung thư, và các bệnh lý liên quan đến hệ vi sinh vật đường ruột, mở ra hướng đi mới cho y học cá thể hóa. AI còn được kỳ vọng sẽ giải quyết những thách thức y tế toàn cầu, như cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ y tế tại các quốc gia đang phát triển, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe và giảm thiểu chi phí điều trị.

Đại tá, PGS.TS.TTƯT Vũ Ngọc Lâm – Phó Giám đốc Bệnh viện TWQĐ 108 phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc, Đại tá, PGS.TS.TTƯT Vũ Ngọc Lâm – Phó Giám đốc Bệnh viện TWQĐ 108 cũng chia sẻ, bên cạnh tiềm năng to lớn của AI mà chúng ta đang thấy được thì cũng có không ít thách thức. Đó là vấn đề về chất lượng và tính chính xác của dữ liệu, khả năng ứng dụng thực tế trong điều kiện y tế khác nhau, cũng như việc đảm bảo tính bảo mật và an toàn thông tin cho bệnh nhân. Ở Việt Nam, AI trong y học vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển, nhưng đã cho thấy tiềm năng rõ rệt. Thách thức đặt ra cho chúng ta là làm thế nào để vượt qua các rào cản kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển các ứng dụng AI phù hợp với điều kiện trong nước… Chính vì vậy, ngày hôm nay Bệnh viện TWQĐ 108 vô cùng vinh dự được đón tiếp và cảm ơn những chia sẻ quý báu của các chuyên gia đến từ Đại học Thành phố Osaka và Đại học Keio, Nhật Bản. Hy vọng rằng những thông tin và kinh nghiệm được chia sẻ trong Hội thảo sẽ góp phần vào việc thúc đẩy ứng dụng AI trong y học, nhằm nâng cao hiệu quả chẩn đoán, điều trị và chăm sóc sức khỏe cho người bệnh.

PGS.TS.BS Daiju Ueda – Đại học TP Osaka, Nhật Bản báo cáo chủ đề “Triển khai Y tế toàn cầu thông qua chẩn đoán hình ảnh y khoa và trí tuệ nhân tạo (Implementing Global Health through Medical Imaging and AI)”

PGS.TS.BS Lê Thị Thanh Thủy – Đại học TP Osaka, Nhật Bản báo cáo chủ đề “các công cụ học máy trong bệnh lý gan: Từ tập trung vào gen đơn lẻ đến bản đồ mỗi tế bào (Machine learning Tools in Liver Diseases: From Single Gene Focus to Single Cell Atlas)”

Hội thảo diễn ra với nhiều báo cáo khoa học đến từ các chuyên gia trong và ngoài nước, cung cấp những kiến thức cập nhật và cái nhìn sâu sắc về ứng dụng của AI trong lĩnh vực y học, với các chủ đề như: Triển khai Y tế toàn cầu thông qua chẩn đoán hình ảnh y khoa và trí tuệ nhân tạo (Implementing Global Health through Medical Imaging and AI), các công cụ học máy trong bệnh lý gan: Từ tập trung vào gen đơn lẻ đến bản đồ mỗi tế bào (Machine learning Tools in Liver Diseases: From Single Gene Focus to Single Cell Atlas), tác động của hệ vi sinh vật đường ruột đối với sức khỏe và bệnh lý (The impact of gut microbiota in health and disease)… Đây không chỉ là cơ hội để các y, bác sĩ, kỹ sư… học hỏi và trao đổi kiến thức, mà còn là diễn đàn mở để kết nối và xây dựng các mối quan hệ hợp tác khoa học trong tương lai.

GS Norifumi Kawada chụp ảnh kỷ niệm cùng Thiếu tướng, GS.TS Lê Hữu Song - Giám đốc Bệnh viện

GS Norifumi Kawada chụp ảnh kỷ niệm cùng Đại tá, PGS.TS.TTƯT Vũ Ngọc Lâm – Phó Giám đốc Bệnh viện

Bên lề hội thảo, GS Norifumi Kawada (nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Thành phố Osaka) đã có buổi hội kiến với Ban Giám đốc Bệnh viện về xúc tiến hợp tác giữa 2 cơ sở trên các lĩnh vực cụ thể như:

- Hợp tác triển khai các dự án hợp tác nghiên cứu chung

- Tham gia các hoạt động tại Bệnh viện sau khi nhận Giáo sư thỉnh giảng: tham gia hội đồng, hướng dẫn khoa học, khám tư vấn tại phòng khám Đối ngoại - Quốc tế…

 

 

Đoàn chuyên gia đến từ Nhật Bản tới thăm khu Khám Đối ngoại – Quốc tế và một số khoa trong Bệnh viện

Cùng ngày 17/12, đoàn chuyên gia đến từ Đại học Thành phố Osaka và Đại học Keio, Nhật Bản đã tới thăm khu Khám Đối ngoại - Quốc tế của Bệnh viện. Với khẩu hiệu “Chuyên nghiệp – Tận tâm – Đẳng cấp” khu Khám Đối ngoại – Quốc tế sẽ được đi vào hoạt động năm 2025, với đội ngũ chuyên nghiệp, chất lượng chuyên môn đồng nhất và kết nối trực tiếp với các chuyên gia nước ngoài, hội chẩn quốc tế mang lại cho người bệnh những dịch vụ ưu việt, hiện đại và hiệu quả điều trị cao nhất.  

Tin/ảnh: Mai Chi - Quang Huy- Bùi Thuấn, Bộ phận Truyền thông, Phòng KHQS

Chia sẻ