Học bí quyết xuất bản bài báo quốc tế từ chuyên gia

  09:41 AM 27/03/2025
Từ ngày 23-26/3/2025, với tinh thần tuổi trẻ Bệnh viện TWQĐ 108 dấn thân vào khoa học công nghệ, Bệnh viện TWQĐ 108 tổ chức khoá tập huấn “Xuất bản quốc tế” nhằm cung cấp cho các học viên kiến thức thực tế về soạn thảo, biên tập và công bố bài báo khoa học trên các tập san quốc tế. Giảng viên của lớp là: GS Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Trung tâm Công nghệ y tế thuộc Đại học Công nghệ Sydney và TS Trần Sơn Thạch – Giảng viên Đại học Công nghệ Sydney và Nghiên cứu viên của Viện nghiên cứu y học Garvan.

Phát biểu khai mạc buổi tập huấn, PGS.TS Vũ Ngọc Lâm – Phó Giám đốc Bệnh viện (PGĐ phụ trách Đào tạo và NCKH Bệnh viện) chia sẻ, nhằm thúc đẩy văn hoá hàn lâm/học thuật trong Bệnh viện cũng như liêm chính trong khoa học, Viện Nghiên cứu khoa học y dược lâm sàng 108 – Bệnh viện TWQĐ 108 luôn chú trọng đến công tác nghiên cứu khoa học, nhận định bên cạnh thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm của Bệnh viện là công tác khám, điều trị bệnh cho bộ đội và nhân dân thì Bệnh viện TWQĐ 108 lấy công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học là công tác quan trọng với mục tiêu“Đổi mới toàn diện, tạo sự chuyển biến cơ bản, vững chắc về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học” yêu cầu sau khoá học học viên ứng dụng kiến thức học và thực tế, báo cáo kết quả sau 6 tháng, 12 tháng. Sau thành công của khoá học “Phân tích dữ liệu trong nghiên cứu khoa học” tháng 9/2024, PGS.TS Vũ Ngọc Lâm đã gửi lời cảm ơn đến hai giảng viên của khoá học và trân trọng sự đồng hành cùng Bệnh viện trong khoá học lần này, mong rằng hai chuyên gia sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bệnh viện trong thời gian tới.

PGS.TS Vũ Ngọc Lâm – Phó Giám đốc Bệnh viện phát biểu

Khoá tập huấn có sự tham gia của gần 80 học viên là các bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư, điều dưỡng, các nhóm nghiên cứu mạnh,…đến từ các đơn vị trong Bệnh viện TWQĐ 108. Dưới sự hướng dẫn và giảng dạy của hai giảng viên GS. Nguyễn Văn Tuấn và TS. Trần Sơn Thạch qua khoá học, học viên có khả năng: nắm được cấu trúc và nguyên tắc viết báo khoa học, biết cách soạn biểu đồ và bảng số liệu cho bài báo, xuất bản quốc tế làm quen với văn phong khoa học và tiếng Anh trong khoa học, biết cách ứng dụng ChatGPT trong biên tập bài báo khoa học và lựa chọn các Tạp chí uy tín để đăng bài, tránh các tạp chí “săn mồi”…

PGS.TS Vũ Ngọc Lâm tặng hoa hai giảng viên của khoá học

Vì sao phải xuất bản quốc tế

Xuất bản hay công bố quốc tế là một trong những nội dung quan trọng của nghiên cứu khoa học trên toàn thế giới. Nhà nghiên cứu sau một thời gian đầu tư thời gian, công sức và tiền bạc để có dữ liệu thì bước tiếp theo là công bố kết quả nghiên cứu với cộng đồng khoa học, mà công bố quốc tế chính là hướng tới cộng đồng khoa học rộng lớn nhất và chính thống nhất. Một nghiên cứu tốt khi được công bố quốc tế sẽ đóng góp kiến thức cho y văn, cung cấp thông tin và kinh nghiệm cho những nghiên cứu sau đó, và nếu thực sự có sức ảnh hưởng sẽ có thể thay đổi thực hành lâm sàng của thầy thuốc. Ngoài ra, công bố quốc tế thường được coi là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá hiệu quả làm nghiên cứu của các nhà khoa học, và thậm chí là cả một đơn vị nghiên cứu hoặc mỗi quốc gia. Đối với nhà khoa học, công bố quốc tế như một tấm thẻ hộ chiếu trong cộng đồng khoa học thế giới, ảnh hưởng quan trọng đến thành công trong việc thông qua các dự án nghiên cứu trong tương lai.

GS. Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Trung tâm Công nghệ y tế thuộc Đại học Công nghệ Sydney

Không ngừng nỗ lực tạo không gian học thuật cho các thầy thuốc Bệnh viện

Bệnh viện TWQĐ 108 khuyến khích tất cả thầy thuốc của Bệnh viện tham gia nghiên cứu khoa học, và theo đó là xuất bản quốc tế. Bản thân các thầy thuốc cũng có khát khao được công bố những tìm tòi, phát hiện và kết quả các công trình nghiên cứu của mình, vì qua đó giúp các thầy thuốc dần trình diện trong cộng đồng chuyên ngành của mình. Lớp học xuất bản quốc tế sẽ giúp trang bị cho các thầy thuốc hình dung được con đường từ khi có ý tưởng nghiên cứu đến lúc công bố được kết quả nghiên cứu của mình. Với những nhà khoa học đã có ít nhiều kinh nghiệm xuất bản quốc tế, khoa học này sẽ giúp trang bị thêm kĩ năng, kinh nghiệm và đôi khi chuẩn hóa lại cách làm.

Quá trình để một bản thảo khoa học được chấp nhận đăng trên tạp chí quốc tế thực sự nhiều chông gai. Trước hết, tác giả/nhóm tác giả cần đầu tư nhiều thời gian và công sức để mô tả kết quả nghiên cứu thành một bản thảo hoàn chỉnh gửi đến tạp chí. Một bản thảo gửi đăng báo quốc tế sau đó sẽ được bình duyệt rất nhanh, và phần lớn bị từ chối ở bước này. Nếu “may mắn” qua được bước này, bản thảo sẽ được bình duyệt cẩn thận bởi một số chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu, tác giả cần phải trả lời được tất cả các câu hỏi, thậm chí cần thực hiện lại/thêm thí nghiệm để có thể được chấp nhận công bố. Mặc dù có rất nhiều tạp chí quốc tế trong mỗi lĩnh vực nhưng số lượng bản thảo gửi đến vẫn gấp nhiều lần, đặc biệt với các tạp chí có sức ảnh hưởng lớn, vì thế không dễ dàng để có được công bố quốc tế. Các nhà khoa học ở Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ cần được đào tạo/tự đào tạo nhiều kĩ năng để có thể công bố được kết quả nghiên cứu của mình. Lớp xuất bản quốc tế thực hiện bởi hai chuyên gia GS. Nguyễn Văn Tuấn và GS. Trần Sơn Thạch thực sự đáp ứng được nhu cầu của đông đảo nhà nghiên cứu tại Việt Nam và Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Kỹ năng để tránh tạp chí “săn mồi”

Tạp chí săn mồi hay tạp chí dỏm (predatory journal) thực sự là một vấn nạn của nền khoa học thế giới. Đứng trước lợi nhuận rất lớn của ngành xuất bản khoa học và sự phát triển của công nghệ thông tin, người/nhóm người hoàn toàn có thể tạo lập một nhà xuất bản giả mạo và thu lợi từ việc thu phí đăng bài của các tác giả. Tiền mất nhưng tật mang, việc có bài báo được đăng bởi các tạp chí săn mồi gây ảnh hưởng rất xấu đến uy tín của nhà khoa học, thậm chí xô đổ tất cả những cống hiến tích cực khác. Đặc biệt ở các nước đang phát triển với áp lực công bố lớn và kĩ năng nhận diện các tạp chí săn mồi của phần lớn nhà khoa học còn hạn chế thì nhiều người đã và nguy cơ trở thành nạn nhân của các tạp chí kiểu này. Một số tác giả quốc tế đã đề xuất bộ chỉ tiêu để nhận diện tạp chí săn mồi, và đặc biệt GS. Nguyễn Văn Tuấn đã nhắc một số lần về kĩ năng này trong các cuốn sách đã xuất bản. Qua bài giảng trong lớp tập huấn này, hi vọng học viên sẽ mài dũa sâu sắc thêm kĩ năng nhận diện để tránh trở thành nạn nhân của những tạp chí săn mồi.

Nắm bắt được xu hướng phát triển của Quốc gia theo hướng đầu tư cho KHCN, ĐMST và CĐS, thế hệ trẻ của Bệnh viện TWQĐ 108 đang tích cực trau dồi về ngoại ngữ và chuyên môn. Về ngoại ngữ, thanh niên 108 đã và đang quyết tâm đạt và vượt chỉ tiêu về điểm IELTS do Bệnh viện đề nghị. Ngoài ra, thầy thuốc trẻ của Bệnh viện chủ động, tích cực tham dự, báo cáo tại các hội nghị chuyên ngành quốc tế. Các nghiên cứu sinh đã chuẩn bị để có thể hoàn thành khóa học tại Viện nghiên cứu y dược lâm sàng 108 hoàn toàn bằng Tiếng Anh. Về chuyên môn, thầy thuốc trẻ ở BV 108 luôn tích cực học tập, trau dồi, hướng tới trở thành chuyên gia sâu theo từng lĩnh vực.  Không đứng ngoài xu thế chuyển đổi số trong y học, thầy thuốc trẻ 108 chủ động tham gia và dự án chuyển đổi số của Bệnh viện, trước mắt tham gia xây dựng các quy trình chuyên môn đáp ứng được chuyển đổi số.

Thầy thuốc Bệnh viện TWQĐ 108 tích cực tham gia nghiên cứu khoa học

Xác định rằng mình thuộc thế hệ sẽ tham gia tích cực vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, thầy thuốc 108 đã chuẩn bị tốt về tinh thần, sẵn sàng thực hiện nhiều nhiệm vụ, tích cực trong phát huy tính sáng tạo của tuổi trẻ. Thầy thuốc trẻ 108 hiểu rằng NCKH là con đường ngắn nhất đưa nền y học Việt Nam trở nên ngang tầm với khu vực và Quốc tế.

Bs Nguyễn Sỹ Thấu, Khoa Hồi sức Truyền nhiễm

An Ngọc

 
 
 
Chia sẻ
EMC Đã kết nối EMC